Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã trở thành tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Hàn Quốc bị bắt, vì đưa ra một lệnh ban hành bất thường khiến dân chúng tức giận. Đưa ra một luật sai, bị phế truất và bị bắt, đó là những tin tức không có gì lạc quan với các quan chức cộng sản, và hơn nữa càng khiến Trung Ương Hà Nội càng ghi chặt chiếc ghế quyền lực độc tài hơn bao giờ hết.
Tổng thống Yoon, 64 tuổi, đang bị điều tra về tội đưa ra lệnh thiết quân luật, khiến đất nước ách tắc trong nhiều giờ liền, người dân hoang mang và đất nước rơi vào tình trạng hỗn loạn. Nghe thật thú vị, nó na ná như lệnh 168 đưa ra bất thường, khiến hai đầu đô thị lớn nhất nước ách tắc, mọi thứ rơi vào một trật tự hỗn loạn của lòng dân bất mãn. Và chuyện bất mãn này đã kéo dài từ đầu năm 2025 cho đến nay, ngày càng tăng.
Các nhà lập pháp Hàn Quốc ra tuyên bố trong ngày thứ Tư, 15 Tháng Một, đã vãn hồi trật tự, chấm dứt tình trạng bế tắc kéo dài nhiều tuần giữa các nhà điều tra và đội an ninh tổng thống của ông. Những người đọc tin tự hỏi, nếu bây giờ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà bị bắt giữ để điều tra về tội đưa ra nghị định 168 bất thường không đúng quy trình, và phản lòng dân, liệu tình trạng bất mãn của dân Việt Nam có nguôi?
Nhưng thật ra, câu chuyện của Tổng thống Yoon không chỉ bắt đầu bới việc đưa ra lệnh thiết quân luật sai lầm và bất ngờ, mà nó đã là vệt đen kéo dài trong sự nghiệp chính trị của ông.
Người dân Hàn Quốc đã khó chịu từ năm 2022, khi phu nhân tổng thống, bà Kim Keon Hee bị dính líu đến chuyện nhận quà tặng của mục sư người Mỹ gốc Hàn Choi Jae-young, chiếc túi hàng hiệu có giá đến 2.255 đô. Chuyện bị khui ra, là chiếc ví này chỉ là một trong chuỗi quà tặng đắt tiền mà phu nhân tổng thống đã nhận, khi chồng mình đang giữ cương vị chính trị cao nhất nước.
Dĩ nhiên, hành động này bị coi là tham nhũng, và sẽ bị các đối thủ chính trị đưa vào diện điều tra. Cuộc vật lộn của Văn phòng Công tố Trung tâm Seoul (SCDPO) với các cáo buộc, chủ yếu để bảo vệ phu nhân đã thành công. Bà Kim Keon Hee không bị truy tố về tội tham nhũng. Nhưng vết đen đó được báo chí Hàn Quốc mổ xẻ từ năm 2022 cho đến khi Tổng thống Yoon bị bắt, là người đang có quyền lợi chính trị có được quyền nhận quà đắt tiền như vậy không? Và nếu ông Yoon mua chiếc túi và những món quà đắt tiền đó, ông sẽ phải công khai nguồn tài chính mà mình có trong việc tiêu xài xa xỉ đó.
Nói cách khác, sự sụp đổ của ông Yoon không chỉ từ việc đưa ra lệnh quái gở, và từ những bê bối đã bị người dân nhìn thấy.
Từ đó, lại nhớ chuyện ông Phạm Minh Chính đi xem trận túc cầu giữa Việt Nam và Miến Điện ở sân Việt Trì – Phú Thọ. Người ta nhìn thấy ông công khai diện chiếc áo Louis Vuitton, mẫu mới nhất của mùa thu – đông 2024. Chiếc áo có tùy chọn, và giá dao động từ 7000€ cho đến 10.000€, tức cao nhất là khoảng 250 triệu đồng Việt Nam. Vô số câu hỏi đã xuất hiện trên các trang mạng, rằng ông Chính mua hay được ai tặng? Nếu được tặng, thì một chính trị gia hàng đầu sao lại có phẩm giá rẻ tiền đến mức đến mức nhận quà đút lót của ai đó? Và nếu ông Chính mua, lý giải thế nào với món hàng đắt giá gấp nhiều lần mức lương của ông ta?
Theo Thư viện Pháp Luật, sau ngày 1 Tháng Bảy 2024, mức lương cơ sở của Thủ tướng Chính phủ tăng lên mức 2,34 triệu đồng. Như vậy tương ứng tiền lương của Thủ tướng Chính phủ sẽ thay đổi tăng từ 22,5 triệu đồng/tháng lên mức 29,25 triệu đồng/tháng. Nếu lương thật là vậy, ông Chính phải nhịn ăn nhịn mặc cả năm mới có thể diện cái áo đó trước bàn dân thiên hạ.
Nhưng tương tự như việc ông Trần Hồng Hà ký phê duyệt Nghị định 168 chất chồng oán giận của người dân, ông vẫn lên trên truyền hình và cười toe toét, còn ông Phạm Minh Chính thì công khai khoe sự giàu có bất chính và hợp thời thượng của mình không chút ngại ngùng, với phương châm “sòng phẳng, mẹ nó, sợ gì”.
Báo chí Hàn Quốc đánh giá là từ khi vụ chiếc túi hàng hiệu của phu nhân Tổng thống bùng lên, uy tín của người cầm quyền sụt giảm liên tục, 17% dân chúng góp thêm vào sự bất tín, cũng như nhiều dự luật của ông Yoon đưa ra đã bị Quốc hội bác bỏ. Việt Nam không có cơ quan thăm dò độc lập, nhưng tính từ miếng bò dát vàng của ông Tô Lâm đến chiếc áo LV của ông Chính, sự cười chê của dân Việt chưa bao giờ chấm dứt, dai dẳng như một sự bất phục không thể nào thanh toán được của chính quyền.
Nếu có một thăm dò tự do, ắt con số bất tín nhiệm tìm thấy sẽ rất thú vị – bởi người Việt cũng như mọi người dân khác trên thế giới, họ tin vào những hình ảnh trực quan được thấy hơn lý thuyết pha trộn ectasy về đại đồng thế giới cộng sản chủ nghĩa.
Luật chống Hàn Quốc quy định cụ thể, cấm các viên chức nhà nước nhận những món quà có giá trị hơn 750 đô la, đặc biệt cấm khi có liên quan đến công nhiệm vụ công của họ. Những quy định cụ thể như vậy, luôn cung cấp cung cấp những vũ khí mạnh mẽ cho người dân để làm trong sạch hàng thủ lãnh đạo. Thế nhưng dường như người dân Việt Nam là thành phần bị khinh thường ra mặt, họ vẫn được nhìn thấy quan chức của mình xuất hiện trên truyền hình, báo chí với những chiếc chiếc thắt lưng hay đồng hồ có giá hàng chục năm thu nhập của một người dân, nhưng chỉ có thể xì xào với nhau về sự khác biệt, do luật 331.
Ở Indonesia, năm 2001, luật về chống tham nhũng của nước này có quy định 7 loại tội, bao gồm, gây thất thoát tài chính nhà nước, hối lộ, tham ô chức vụ, tống tiền, gian lận, xung đột lợi ích trong mua sắm, và đáp ứng thỏa mãn. Trong đó một đáp ứng thỏa mãn được coi là một trong những tội trạng luôn bị xã hội lên án dữ dội, bởi các quan chức luôn nhận được phần vật chất bất minh của mình, qua tiền bạc, xe cộ, nhà cửa đáp ứng cho nhu cầu ưa thích.
Quy định của luật chống tham nhũng Indonesia ghi rõ rằng chậm nhất là trong 30 ngày khi nhận được một phần tiền hay quà bất thường, quan chức có nhiệm vụ phải thông báo cho Ủy ban xóa bỏ tham nhũng (KPK) để chứng minh sự vô can. Nếu sau thời gian đó bị phát hiện thì quan chức đó sẽ bị án tù từ 4 năm cho đến 20 năm, cộng với khoản tiền phạt từ 200 triệu IDR cho đến 1 tỷ IDR. Quan trọng hơn, là người dân được khuyến khích tố cáo những điểm đáng ngờ như vậy của quan chức.
Giả sử Việt Nam lúc này có một ủy ban điều tra độc lập, và chất vấn công khai những người như Tô Lâm, Phạm Minh Chính, Nguyễn Xuân Phúc… cũng như vô số quan chức có con cái du học ở nước ngoài, nhà cửa, tiền đầu tư bí mật ở nước ngoài, mà họ công khai khoe khoang không hề sợ dân chúng nhìn thấy, họ sẽ biện bạch ra sao?
Thật ra bộ máy nhà nước lâu nay vẫn tạo cơ hội cho truyền hình báo chí vẽ ra những lý do làm giàu “lương thiện” của giới quan chức như buôn chổi đót, nuôi lợn… để có được những gia sản như trong truyện cổ tích. Dù không công khai nhìn nhận, nhưng khi các quan chức giải thích như vậy thì hệ thống cộng sản coi mọi thứ giống như là đã được minh bạch.
Sự khác biệt ở một quốc gia mà người dân có đủ quyền con người là như vậy. Từ chiếc túi của phu nhân Tổng Thống Hàn Quốc, người ta có quyền nổi giận, dẫn đến một cuộc cách mạng thay đổi, nhưng ở Việt Nam, với những thứ xa xỉ của quan chức lãnh đạo Việt Nam được nhìn thấy, người dân chỉ có thể bàn về những điều như huyền thoại, mà những người như ông Chính thì luôn trơ trẽn cười khẩy “công khai, mẹ nó, sợ gì”.