Tại Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội, diễn ra tại Hà Nội hôm 17/11/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết Quốc hội Việt Nam sẽ giám sát nhiều vấn đề quan trọng từ năm 2024.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, nguyên trưởng ban nghiên cứu – Ban dân Vận Trung ương, nhận định với RFA hôm 17/11/2023:
“Yêu cầu giám sát là một yêu cầu rất tự nhiên mà người dân đã mong ước từ nhiều năm nay, chỉ có điều họ không làm được. Bây giờ trước sức ép của dư luận, họ buộc phải tăng cường chức năng giám sát của Quốc hội. Họ tuyên bố như thế cũng là điều tốt, tích cực đấy… nhưng tôi không hy vọng đạt được yêu cầu. Bởi vì nhân thân của Quốc Hội đã đầy mâu thuẫn trong bản thân nó.”
Trước sức ép của dư luận, họ buộc phải tăng cường chức năng giám sát của Quốc hội. Họ tuyên bố như thế cũng là điều tốt, tích cực đấy… nhưng tôi không hy vọng đạt được yêu cầu.
–Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai
Theo ông Nguyễn Khắc Mai, đặt ra yêu cầu như vậy thì khả năng sẽ không làm được, không đạt được yêu cầu nào lớn và quan trọng. Ông nêu dẫn chứng:
“Ví dụ như trường hợp một ông chánh án mất tư cách, mà họ cũng không làm sao để giám sát để mà thay đổi buộc ông ta từ chức hoặc cách chức. Những phiên tòa, những bản án đầy oan sai… Quốc hội cũng không làm gì được cả chục năm nay, bây giờ với năng lực như thế thì họ giám sát được gì nếu không thay đổi? Tức là thay đổi nhân thân của Quốc hội, phải có 30% đến 40 % là người ngoại đảng, những người có tư cách, có năng lực, loại bỏ những nhân vật ‘vừa đá bóng, vừa thổi còi’ khỏi Quốc hội. Tức là loại bỏ những người vẫn làm hành pháp, tư pháp nhưng vẫn là ĐBQH Quốc hội.”
Thay đổi tình trạng này thì theo nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, may ra Quốc Hội làm được những điều tử tế. Còn nguyện vọng muốn Quốc hội tăng cường giám sát mới đây, thì ông Mai cho biết phải hoan nghênh, nhưng ông không tin là Quốc hội làm được.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội – Trần Quang Phương cho rằng, tăng cường triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động giám sát của Quốc hội, sẽ góp phần đưa các chính sách, pháp luật thực sự đi vào cuộc sống, bảo đảm có hiệu quả cao, đáp ứng sự mong mỏi của người dân. (!?)
Cựu trung tá quân đội Vũ Minh Trí hôm 17/11/2023 cho RFA biết, ông hoàn toàn không kỳ vọng vào việc tăng cường giám sát của Quốc hội Việt Nam:
“Tôi hoàn toàn không đặt một niềm tin nào vào Quốc hội này! Bởi vì Quốc hội này là do Đảng cử, còn việc dân bầu chỉ là hình thức, tất cả những người tự ứng cử thì đều bị loại ngay từ vòng ngoài, tức là vòng hiệp thương. Một số lớn trong số những ứng cử viên đấy đã hoặc đang bị bắt cầm tù bởi những tội danh hết sức vu vơ. Ví dụ như anh Nguyễn Hữu Vinh là cựu công an hay anh Lê Quốc Quân và gần đây có những người tự ứng cử nhưng chưa kịp hiệp thương thì đã bị bắt bỏ tù.”
Với một Quốc hội như vậy thì ông Vũ Minh Trí cho rằng không nên mất nhiều thời gian để kỳ vọng:
“Bởi vì tất cả đều rất tào lao, nếu như có một vài ý kiến nghe có vẻ được lòng dân, ví dụ như Dương Trung Quốc, Nguyễn Minh Thuyết hoặc gần đây nhất là Lưu Bình Nhưỡng… thì tôi đánh giá đây không phải là những tiếng nói thật sự xuất phát từ nhận thức, từ tình cảm, từ trái tim của từng con người đó… mà là những tiếng nói theo sự phân công. Và giống như một thủ đoạn mị dân hoặc là ‘xì hơi’ chính trị, tức là khi nồi áp suất tăng quá thì người ta xì bớt hơi cho nó khỏi nổ và nó hoàn toàn có tính chất giả hiệu.”
Không chỉ cần thiết giám sát quan chức Chính phủ, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi trả lời báo chí Nhà nước vào năm 2022 từng cho rằng, cần phải thường xuyên giám sát và đánh giá đại biểu Quốc hội, ví dụ như đánh giá theo định kỳ hàng năm, tương tự như quy trình đánh giá với cán bộ công chức. Có như vậy thì việc chất vấn trước Quốc hội mới hiệu quả thực chất.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương từ năm 1993 đến năm 2002, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này cho rằng:
“Quyết tâm giám sát một cách nghiêm túc và rõ ràng như vậy theo tôi là tốt. Rất nhiều việc đã được hứa thí dụ tốc độ cổ phần hóa những xí nghiệp Nhà nước thế nào, tỷ lệ trồng rừng hay trồng mới các rừng bị chặt hạ ra sao, tỷ lệ xóa đói giảm nghèo vùng miền tiến bộ đến đâu… Những việc như vậy được trình bày một cách thẳng thắn, khi chất vấn phải đưa ra những câu hỏi cụ thể, phải có chứng minh…”
Tôi hoàn toàn không đặt một niềm tin nào vào Quốc hội này! Bởi vì Quốc hội này là do đảng cử, còn việc dân bầu chỉ là hình thức, tất cả những người tự ứng cử thì đều bị loại ngay từ vòng ngoài, tức là vòng hiệp thương.
–Cựu Trung tá Vũ Minh Trí
Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc Hội Việt Nam, khi trả lời RFA trước đây liên quan việc giám sát, chất vấn trước quốc hội cho rằng:
“Việt Nam là một đảng lãnh đạo, tỷ lệ đảng viên trong Quốc Hội là trên 95% . Đôi khi chất vấn đến chỗ nóng quá người ta bèn bảo ‘thôi được rồi, tới đó là tốt rồi’… Cho nên là nó có điểm dừng. Những người mà hầu hết là đảng viên thì không thể nói những gì vượt qua chủ trương qui định của Đảng cả.”
Theo Luật sư Trần Quốc Thuận, hiện trong nội bộ đảng vẫn chưa thực hiện được đầy đủ việc ứng cử, bầu cử, đề cử và tranh cử… cho nên chất vấn công khai, trả lời một cách trung thực trên Nghị trường Quốc hội thì ông Thuận cho biết ‘chỉ là mơ thôi’.