Chức danh Chủ tịch nước vốn được coi là mang tính nghi lễ và ít ảnh hưởng đến chính trường Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh chính trị hiện nay, vị trí này vẫn có tầm quan trọng nhất định trong hệ thống chính trị, theo nhận định của một nhà quan sát chính trị Việt Nam.
Dàn xếp trong Đảng
Đại tướng Lương Cường, 67 tuổi, xuất thân từ quân đội, vừa chính thức nhậm chức Chủ tịch nước vào ngày 22/10. Với gần 50 năm binh nghiệp, ông từng đảm nhiệm các chức vụ như Chính ủy Quân đoàn 2, Chính ủy Quân khu 3. Năm 2011, ông làm Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân, và năm năm sau được thăng chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.
Tháng 1/2019, ông Lương Cường được phong hàm Đại tướng, trở thành người thứ 15 mang quân hàm cao nhất trong Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Đến tháng 5/2024, ông giữ chức Thường trực Ban Bí thư, thay cho bà Trương Thị Mai, người bị đồn đoán có dính líu tới các sai phạm ở dự án Đại Ninh ở Lâm Đồng. Chỉ năm tháng sau khi rời quân đội, ông Lương Cường chính thức nhận ghế chủ tịch nước từ ông Tô Lâm.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, người theo sát tình hình chính trị Việt Nam, cho rằng việc ông Tô Lâm nhường lại ghế Chủ tịch nước cho một nhân vật thuộc quân đội có thể là kết quả của sự thỏa hiệp giữa các phe phái trong Đảng Cộng sản, cụ thể là giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và các lãnh đạo quân đội.
“Việc ông Lương Cường lên vị trí Chủ tịch nước đòi hỏi sự thỏa hiệp giữa ông Tô Lâm với phe quân đội. Điều này chứng tỏ rằng phe công an và ông Tô Lâm không thể kiểm soát hoàn toàn chính trường Việt Nam,” – Tiến sĩ Vũ nhận định.
Theo ông Vũ, ông Lương Cường là người khá kín tiếng và không có những phát ngôn hay bài viết công khai như các lãnh đạo khác. Qua các chức vụ trong quá khứ, có thể thấy ông chủ yếu làm công tác chính trị trong quân đội, chứ không phải là một tướng lĩnh giàu kinh nghiệm chiến trường:
“Ông Lương Cường chủ yếu làm về bên chính trị của phe quân đội chứ ông ấy không hẳn là một tướng lĩnh quân đội dày dặn kinh nghiệm gì cả. Cho nên, một người thăng tiến trong quân đội về mặt chính trị như vậy chứng tỏ ông ấy là một con người có khả năng hiểu biết về chính trị rất sâu sắc.”
Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang, từ Viện nghiên cứu ISEAS – Singapore, trong một bài phỏng vấn với hãng tin CNA, cho rằng đây là tín hiệu cho thấy hệ thống chính trị Việt Nam đang quay trở lại nguyên tắc lãnh đạo tập thể, thay vì tập trung quyền lực vào Tổng Bí thư Tô Lâm.
Hiện tại, trong số 15 thành viên Bộ Chính trị, có đến 2/3 là những nhân vật xuất thân từ công an và quân đội. Ông Nguyễn Khắc Giang cảnh báo rằng “Đó không phải là một tầm nhìn dài hạn tốt cho sự phát triển của Việt Nam. Chúng ta cần một kiểu lãnh đạo kỹ trị và ‘dân sự hơn’, thay vì sự hiện diện của nhiều ‘người hùng” (strong men) ở cấp cao nhất của hệ thống chính trị.”
Vai trò của Chủ tịch nước xuất thân từ quân đội
Chủ tịch nước, tuy là nguyên thủ quốc gia theo hiến pháp, nhưng lại được coi là một vị trí mang tính nghi lễ, chủ yếu thực hiện các nghi lễ cấp quốc gia và lễ tân ngoại giao.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, việc một tướng lĩnh quân đội nắm giữ vị trí này có thể mang ý nghĩa cân bằng và giảm bớt sự tập trung quyền lực tối cao vào tay Tổng Bí thư Tô Lâm.
Tiến sĩ Vũ nhận định rằng ông Lương Cường đảm nhận vai trò đón tiếp lãnh đạo nước ngoài có thể hạn chế cơ hội để ông Tô Lâm tiếp xúc với quốc tế và thực hiện những thỏa thuận riêng:
“Ông lương Cường được đưa lên như là một biện pháp để kiểm soát quyền lực của ông Tô Lâm. Mặc dù chúng ta có thể nhìn thấy là ông lương Cường và vị trí chủ tịch nước nó không có ảnh hưởng gì nhiều nhưng mà thực chất bên trong với vai trò là một người tiếp xúc với nước ngoài thì nó ngăn chặn ông Tô Lâm có cơ hội đi với nước ngoài và tiếp xúc với nước ngoài để thực hiện những cái hợp tác khác nhau.”
Trên thực tế, ông Lương Cường không đủ tiêu chuẩn để bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch nước theo Quy định 214-QĐ/TW của Bộ Chính trị. Quy định này yêu cầu người được bổ nhiệm phải hoàn thành một nhiệm kỳ trong Bộ Chính trị và từng giữ các vị trí như bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành trung ương. Trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ cho rằng những quy định và điều lệ của Đảng không còn được chính các đảng viên coi trọng, bởi chính ông Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần phá lệ để tiếp tục nắm quyền. Ông Trọng giữ chức Tổng Bí thư đến nhiệm kỳ thứ ba vào năm 2021, mặc dù điều lệ Đảng quy định một người chỉ được giữ chức này hai nhiệm kỳ.
“Khi mà ông Tổng bí thư đã xé toạc và không tôn trọng điều lệ đảng nữa thì những người sau đó đã lấy ông Nguyễn Phú Trọng như một tiền lệ. Họ đã không tôn trọng điều lệ đảng nữa và bất cứ điều gì họ cũng đều có thể nói đây là một trường hợp đặc biệt. Khi mà có quá nhiều trường hợp đặc biệt diễn ra thì mọi thứ nó đã trở nên chuyện bình thường. Cho nên, chuyện ông lương Cường hay bất cứ ai đó thiếu một tiêu chuẩn nào đó để được cất nhắc tham gia vào vị trí trong chính quyền nó đã trở nên một điều bình thường.” – Tiến sĩ Vũ kết luận.
Kể từ nhiệm kỳ chủ tịch nước của Lê Đức Anh (1992-1997), giờ đây Việt Nam mới có thêm một tướng quân đội giữ chức vụ này. Ngoài việc 2/3 thành viên Bộ chính trị xuất thân từ lực lượng quân đội và công an, trong “tứ trụ” hiện nay, có hai thành viên từ ngành công an và một từ quân đội. Như vậy, dù có ít cán bộ giữ các chức vụ chủ chốt hơn, nhưng sự hiện diện của lực lượng quân đội nhằm mang lại thế cân bằng với công an trong hệ thống chính trị Việt Nam.