Ngôi nhà vườn của ca sĩ Mỹ Linh tại Sóc Sơn “đã được xử lý dứt điểm các hạng mục xây sai phép”, vào tháng 8/2023, theo lời chủ tịch huyện Sóc Sơn.
Ca sĩ Mỹ Linh và chồng là nhạc sĩ Trương Anh Quân mua hơn 12.000 đất rừng phòng hộ tại Sóc Sơn vào năm 2001. Chủ cũ là công nhân lâm trường được giao đất lâm nghiệp để quản lý, nhưng sau đó đã tự chuyển đổi mục đích sử dụng thành đất ở. Mảnh đất của vợ chồng ca sĩ Mỹ Linh được cấp 600 m2 đất thổ cư trong diện tích này. Tuy nhiên họ đã xây dựng nhà tạm vượt diện tích cho phép hơn 100 m2.
Trong quá khứ, cứ vài năm một lần lại có một đợt cao trào thanh tra vi phạm đất rừng ở huyện Sóc Sơn. Nhà của ca sĩ Mỹ Linh cũng trong diện này. Nhưng, tất cả các cuộc thanh tra có dính chữ “Sóc Sơn” đều đạt được một kết quả thần kỳ: hô vô cùng to, vô cùng kiên quyết “phải xử lý” “phải xử lý”, nhưng hô xong thì biệt phủ, lâu đài xây trên đất rừng lại mọc lên to hơn và nhiều hơn trước.
Ông trán hói cấp vụ
Vào năm 2019, khi đang có một đợt sóng thanh tra vi phạm đất rừng, dinh cơ của ca sĩ Mỹ Linh cũng được hỏi thăm. Lúc ấy huyện ủy Sóc Sơn đã họp và giao Ủy ban huyện xử lý, trước mắt vận động gia đình tự tháo dỡ, nếu không sẽ bị cưỡng chế.
Chẳng biết quá trình vận động và tự nhận thức của hai bên ra sao mà chỉ có một khoảnh nhà tạm nho nhỏ nhưng mãi đến bốn năm sau mới xử lý được dứt điểm. Quả là phong cách làm việc nhanh nhẹn, sâu sát.
Tại sao lại có 600 m2 đất thổ cư lọt trong hơn 12.000 m2 đất rừng?
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội quy trách nhiệm của xã, cán bộ địa chính, thanh tra xây dựng và các phòng ban vân vân của huyện Sóc Sơn và công ty Đầu tư nông lâm nghiệp Sóc Sơn đã thiếu sâu sát trong quản lý đất rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Cụ thể đã để các hộ gia đình và cá nhân nhận giao đất lâm nghiệp để quản lý nhưng sau đó tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất (làm nhà ở) như trường hợp ca sĩ Mỹ Linh nói trên.
Nhưng quy trách nhiệm xong rồi thì sao? Ai sẽ xử lý, sửa chữa?
Hãy đọc một đoạn trong bài báo của nhà báo Phạm Ngọc Dương, đăng trên báo VTC News ngày 18/10/2018:
“Năm 2004 (…), tôi mất nhiều ngày lăn lộn ở xã Minh Phú và Minh Trí, hai điểm nóng xẻ rừng xây biệt thự, làm loạt bài điều tra dài kỳ về việc dân xẻ rừng Sóc Sơn bán, quan chức đại gia xây nhà trong rừng.
Quá trình điều tra, người dân kể kể, chỉ trỏ lâu đài này, biệt thự kia của ông này, bà nọ, mà thấy lạnh người, không dễ gì đăng báo được. Thậm chí, thời điểm đó có thể nguy hiểm tính mạng, sự nghiệp.
Đang lớ ngớ không biết chụp cái biệt thự nào, thì thấy có cái như cung điện châu Âu ẩn hiện trong rừng, có cả khỉ với vượn trong vườn. Hỏi dân, họ đều không biết là nhà ai. Thi thoảng, thấy có xe bóng loáng chở chủ nhân về cuối tuần, cửa rả đóng kín. Đầu tuần chiếc xe bóng lộn lại lăn bánh ra, đi mất hút.
Nghĩ không phải quan lớn, nên tôi bấm mấy kiểu ảnh, đăng lên báo, chú thích chung chung rằng “những biệt thự như thế này có nhiều ở rừng phòng hộ Sóc Sơn”.
Báo đăng xong, ngay sáng, lãnh đạo gọi xuống phòng. Thấy một ông trán hói thấp bé ngồi trong phòng.
Lãnh đạo hỏi:
– Cậu biết ai đây không?
– Em không biết anh ạ!
– Cậu biết nhà ai đây không? -Vị lãnh đạo chìa tờ báo có cái ảnh lâu đài trong rừng.
– Em cũng không biết nhà ai. Thấy to thì chụp thôi ạ.
Vị lãnh đạo báo liền quay sang người đàn ông hói đầu ngồi đối diện bảo: “Đấy! Phóng viên không biết đây là nhà ông. Tôi cũng không biết”.
Lúc đó mới biết, lâu đài mình chụp là nhà một ông quan chức cấp vụ.
Ngôi nhà của ông quan chức cấp vụ thôi, cũng không ai dám động vào”.
Cứt trâu hóa bùn
Huyện Sóc Sơn cách trung tâm Hà Nội chỉ khoảng 25 km về phía Bắc. Gần thủ đô như thế nhưng địa hình đặc biệt của Sóc Sơn có cả đồi núi, sông hồ. Nhiệt độ ở Sóc Sơn luôn thấp hơn vùng Hà Nội lại thêm không khí trong lành nên rất hấp dẫn để làm nhà nghỉ mát.
Thế cho nên rất trung thành với truyền thống lâu năm của quan ta, mặc kệ (mẹ) rừng phòng hộ với chả rừng đặc dụng. Có quyền trong tay là ông quất. Như câu chuyện nhà báo Phạm Ngọc Dương kể trên kia, số biệt thự, biệt phủ, lâu đài… to lớn mọc chi chít trên khắp Sóc Sơn, nhất là tại những xã có địa hình đẹp như nằm ven các hồ nước rộng lớn, phía trên là những đồi thoai thoải vẫn còn xanh mát bởi tán rừng.
Báo chí Việt Nam đưa các mốc suốt 17 năm thực trạng lấn chiếm đất rừng Sóc Sơn như sau:
-Năm 2006: Thanh tra Chính phủ phát hiện 650 hộ xây dựng công trình trái phép trên tổng cộng 11 ha đất lâm nghiệp. Xác định Việt phủ Thành Chương xây trên đất rừng.
-Năm 2013: Trong số các ngôi nhà lấn chiếm, phát hiện thêm biệt thự của ca sĩ Mỹ Linh xây sai phép.
-Từ tháng 1/2016 đến tháng 6/2018: Phát hiện thêm 12 công trình sai phạm.
-Tháng 10/2018: TP Hà Nội yêu cầu thanh tra toàn diện sai phạm đất đai ở hai xã Minh Trí và Minh Phú.
-Cuối tháng 10/2018: Chủ tịch xã Minh Phú, ông Nguyễn Văn Hân bị đình chỉ công tác vì để xảy ra quá nhiều vi phạm lấn chiếm đất rừng trên địa bàn.
-Tháng 3/2019: Công bố kết luận thanh tra toàn diện: Chỉ riêng hai xã Minh Phú, Minh Trí và khu vực ven bảy hồ lớn trong quy hoạch rừng đã có 797 công trình vi phạm. Tổng cộng cả huyện có đến hàng ngàn công trình lấn chiếm đất rừng phòng hộ và rừng đặc dụng.
-Tháng 9/2019: Kỷ luật 39 cán bộ UBND huyện Sóc Sơn, gồm chủ tịch và hai phó chủ tịch. Cách chức Bí thư đảng ủy đảng bộ Đội thanh tra trật tự xây dựng đô thị huyện nhiệm kỳ 2015-2020.
-Đầu tháng 11/2019: Kiểm điểm giám đốc và phó giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP Hà Nội, giám đốc sở và năm phó giám đốc sở Tài nguyên và môi trường TP Hà Nội vì trách nhiệm trong quản lý đất rừng. Đề xuất kỷ luật cảnh cáo Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng TP Hà Nội, bà Nguyễn Thị Thu Hằng. Cảnh cáo giám đốc văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh huyện Sóc Sơn, bà Vũ Thị Bích Thủy. Kiểm điểm rút kinh nghiệm, phê bình một phó chánh thanh tra sở, sáu trưởng phòng, phó phòng và công chức phòng Kế hoạch tổng hợp Sở Xây dựng TP Hà Nội.
-Tháng 12/2019: Bí thư huyện ủy Sóc Sơn, ông Phạm Xuân Phương cho biết sẽ xử lý hơn 100 m2 xây dựng trái phép của gia đình ca sĩ Mỹ Linh.
-Từ tháng 4/2019 đến tháng 8/2020: Sóc Sơn xử lý buộc tháo dỡ 40 công trình vi phạm, còn 36 công trình chưa xử lý.
-Từ tháng 1/2023 đến tháng 6/2023: Có thêm 59 công trình lấn chiếm đất rừng mới.
Khu du lịch Hoàng Lê Gia Garden, một đám công trình giả cổ châu Âu sơn vàng chóe đập vào mắt ngay bên bờ hồ Đồng Đò. Sát cạnh là những tòa tháp nhọn thân trắng mái đen lô nhô hình như bắt chước các lâu đài Đức cổ nhưng trông ngây ngô hài hước như một bản sao bị vò nhàu. Tiếp đến cũng lại là lâu đài (tỏ vẻ) uy nghi màu đỏ cam mái đen, với những vòm cửa sổ hẹp cao cũng bắt chước một nước châu Âu cổ nào đó. Màu sắc và kiến trúc của tất cả các công trình trông hệt như những võ sĩ đang ra sức đấm vào mặt nhau.
Một khu du lịch rất to khác tên Thiên Phú Lâm lại có nguồn gốc rất thú vị.
Tại xã Minh Phú, ông Ngô Văn Cam (đồng chí này là con/em/cháu của đồng chí nào?) được huyện Sóc Sơn cấp sổ lâm bạ và cho sử dụng tổng cộng 15 ha đất lâm trường để thực hiện dự án trồng rừng.
Trồng rừng đâu chả thấy. Có được đất (rừng của Nhà nước) trong tay, Cam lập tức xé lẻ ra bán cho những Quýt, Bưởi, Bòng, Chanh, Quất… tổng cộng đến 55 hộ với diện tích gần 13 ha. Các hộ này lập tức xây dựng, cuối cùng có đến 69 công trình kiên cố mọc lên trên gần 4.400 đất (rừng). Còn lại 6 ha, Cam làm luôn Khu du lịch mang tên Thiên Phú Lâm, gồm 21 công trình lớn bé nhà hàng, khách sạn, sảnh chờ, phòng nghỉ… với đủ thứ hầm bà lằng như tháp Eiffel thu nhỏ, Vạn lý trường thành, rừng lá phong (giả) Canada… hoạt động bành trướng từ năm 2007.
Đó chỉ là một ví dụ nhỏ.
Trên tất cả các trang du lịch, những khu du lịch đó đều được tung tiền làm quảng cáo, rao hàng ầm ĩ là khu du lịch sinh thái thiên đường gần Hà Nội. Bán vé ầm ầm, tiền vào òng ọc.
Đầu tháng 8/2023, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh về một loạt xe hơi khá đắt tiền bị chôn trong suối đất đỏ đến tận gần nửa thân xe, ven một con đường uốn lượn trong rừng.
Dân mạng dò ngay ra vị trí này là ven một con hồ tại xã Minh Phú. Con đường bị đất đỏ vùi lấp cùng với 13 chiếc xe hơi hóa ra là một đoạn đường trái phép. Đoạn đường này thẳng thớm và khá rộng rãi dài đến 600 m, rộng đến 6 m, toàn bộ bê tông hẳn hoi, dẫn từ dưới chân lên đến lưng chừng đồi Dõng Chum, nổi bật trên tất cả hình ảnh chụp từ trên cao của khu vực sạt lở.
Xung quanh có đến 6 công trình xây dựng “hoành tá tràng”, trong đó 4 công trình là homestay/biệt thự kiên cố đã hoàn thiện với phần xây dựng mỗi công trình khoảng 300 m2-400 m2 trong khuôn viên hàng ngàn m2. Có công trình đã đón khách vào nghỉ.
Hai biệt thự nhà vườn còn lại, một đang xây dở, một đã xây xong từ lâu, nằm trên điểm cao nhất của con đường.
Theo báo Pháp luật TP HCM, dân địa phương cho biết tất cả các công trình kể trên và cả con đường bê tông đều được xây dựng trong khoảng hai năm 2021-2022.
Còn theo chính quyền địa phương thì đó là do các resort, homestay, biệt thự… hai bên đường tự góp tiền vào tự xây dựng (để có đường to dẫn vào công trình của họ).
Ngay sau đó, chính quyền địa phương đã cho xe cày tung đoạn đường bê tông này lên, xem như trả lại hiện trạng cũ.
Đến đây mới gọi là bố của hay ho này.
Cả một đống công trình hoành tá tràng như thế, xây dựng rầm rộ như thế mà “hóa ra” đến tận bây giờ địa phương mới biết á?
Mà cũng chỉ sau khi không thể nào bưng bít được nữa vì thiên hạ hồn nhiên chia sẻ ảnh ọt đi khắp nơi rồi thì địa phương mới “hóa ra” á?
Vẫn biết anh chẳng như lời anh đã nói
Tất cả những chuyện thú vị kể trên: vài chục năm chưa xử lý nổi phần xây dựng trái phép của gia đình một ca sĩ (Mỹ Linh), một họa sĩ (Thành Chương), hay câu chuyện ông đầu hói cấp vụ chủ nhân của lâu đài kiểu Âu châu giữa rừng nuôi cả khỉ vượn nhảy nhót bên trong, hàng trăm lâu đài biệt thự resort ngang nhiên lấn chiếm đất rừng chưa xử lý xong đã lại nở ra cả ổ lấn chiếm khác, lập dự án trồng rừng rồi đem xé nhỏ bán dạng đất ở… cho đến câu chuyện ông giời nổi giận giáng xuống dòng lũ bùn.
Chỉ để tái khẳng định một điều: ông bà chủ của các lâu đài đều thuộc hạng tai to mặt lớn hoặc “quan hệ rộng”, đến nỗi toàn bộ đám lãnh đạo huyện Sóc Sơn đều phải xếp de, im thin thít, có tai như điếc có mắt như mù. Chứ ba cái anh cán bộ xã thì chỉ là loong toong, bảo ký thì ký, đố dám cãi nửa chữ.
Cơ cấu siêu tham nhũng này chính là bản chất và bộ mặt thật của hệ thống quyền lực Việt Nam. Do vậy, toàn bộ câu chuyện kiểu Sóc Sơn sẽ lặp lại y như vậy ở tất cả các vùng, các lĩnh vực, các ngành nào “các anh” hít ngửi thấy mùi đặc quyền đặc lợi.
Trong cơ chế đó, vài cuộc thanh tra, hốt đi vài chục cán bộ cấp giám đốc sở trở xuống-chỉ là kết quả tạm thời có tính chất trấn an dư luận (dân gian gọi là mị dân) của một cuộc chơi rất nhỏ giữa các phe. Cán bộ bé (bị buộc) cấp phép xây dựng trái phép vào lò. Còn những ông trán hói cấp vụ trở lên, chủ nhân thật sự của những lâu đài lấp ló trong rừng đặc dụng, khối sức mạnh thật sự phanh thây đất rừng Sóc Sơn thì chẳng ai bị rụng đến một sợi lông.
Sau sự động thái rung cây dọa khỉ mang tên thanh tra, quyền lợi sẽ được phân chia lại giữa các tay to trên bàn chơi. Kết quả cuối cùng chắc chắn sẽ là rừng phòng hộ và rừng đặc dụng Sóc Sơn bị xẻ thịt tan tành, và rồi được hợp pháp hóa toàn bộ bằng một quyết định thay đổi mục đích sử dụng đất. Lấy lý do đất cằn cỗi, không còn giá trị phòng hộ và đặc dụng nên chuyển thành đất ở hết.
Ca sĩ Mỹ Linh có một bài hát đóng đinh tên tuổi có tên Trưa vắng. Trong đó có một câu rất hay: “Vẫn biết mây trời bay là bay đi mãi/Vẫn biết anh chẳng như lời anh vẫn nói”.
Vận vào vụ Sóc Sơn, mới thấy quả thật vật nào chủ nấy, đồn đúng như lời. Các anh chẳng như lời anh vẫn nói (trên tivi, trên báo chí, trước quốc hội, trước cử tri, trong hội nghị các ngành các cấp, trong bản kiểm điểm đảng viên…) đâu!
Cứ bình tĩnh mà xơi!
_____________
Tham khảo:
https://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/cuong-che-cac-cong-trinh-vi-pham-lan-chiem-dat-rung-soc-son-trong-thang-8-va-thang-9-i704222/
https://nld.com.vn/thoi-su/vu-hang-loat-oto-bi-vui-lap-pha-do-tuyen-duong-vi-pham-20230807204318827.htm
https://digiticket.vn/blog/thien-phu-lam/
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do