Tổ chức Văn bút Hoa Kỳ (PEN America) hôm 22/8 ra thông cáo báo chí kêu gọi nhà chức trách Việt Nam huỷ bỏ án tù chín năm và trả tự do ngay lập tức cho nhà báo Phạm Đoan Trang.
Toà án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội sẽ tổ chức phiên phúc thẩm trong ngày 25/8 đối với bà Trang, người bị tòa sơ thẩm kết tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự 1999 với bản án chín năm tù giam.
Thông cáo dẫn lời Chủ tịch Văn bút Hoa Kỳ Liesl Gerntholtz nói rằng, bản án chín năm tù áp dụng cho nhà hoạt động Phạm Đoan Trang là sự vi phạm nghiêm trọng quyền cơ bản được biểu đạt theo luật pháp quốc tế.
“Trang phải được trả tự do vô điều kiện và ngay lập tức do tình trạng sức khỏe nguy kịch của bà ấy kết quả của việc bị bỏ bê y tế trong thời gian bị giam giữ,” theo người đứng đầu tổ chức ủng hộ truyền bá tư tưởng không bị cản trở trong mỗi quốc gia và trong mọi dân tộc.
Nhà báo người Hà Nội bị đau khớp gối nghiêm trọng thời điểm chưa bị bắt giữ, do kết quả của những lần đi biểu tình và bị tấn công bởi nhân viên an ninh mặc thường phục.
Luật sư Đặng Đình Mạnh, một trong bốn luật sư sẽ bảo vệ cho bà Phạm Đoan Trang trong phiên xử phúc thẩm, cho biết gần đây ông đại diện nhóm luật sư gặp bà Trang hai lần ở trại tạm giam để chuẩn bị cho việc bào chữa. Ông nói với Đài Á Châu Tự Do như sau:
“Sức khoẻ của bà Trang tôi đánh giá khá tệ. Cô ấy ốm lắm, bị xoang sau khi bị nhiễm COVID, và đau khớp gối từ trước khi bị tù do vậy đi đứng rất là khó khăn, không ngồi xổm được.
Thứ ba là bị rong kinh. Ba điều này bào mòn sức khoẻ của cô. Chúng tôi có hỏi thì cô ấy nói gần như không được chữa trị gì cả mặc dù cô thường xuyên báo cáo trại giam tình hình sức khoẻ của mình.”
Bà Trang bị đau khớp gối, di chứng của việc bị an ninh mặc thường phục đánh đập trong lần biểu tình ở Hà Nội cuối tháng 3 năm 2015 phản đối chính quyền thành phố chặt hàng nghìn cây cổ thụ ở trung tâm thủ đô.
Gia đình tố cáo việc nhà báo này nhiều lần bị đánh đập bởi điều tra viên và cả tù hình sự theo sự chỉ đạo của công an.
Luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết thân chủ của ông luôn bác bỏ cáo buộc chống lại mình và khẳng định những việc làm của bà là phù hợp với các quyền phổ quát trong Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền.
Nói về tinh thần kiên định của nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng Việt Nam, người được vinh danh bởi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Chính phủ Canada và nhiều tổ chức quốc tế như Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ), Phóng viên Không Biên giới (RFS), luật sư cho biết:
“Trang cho rằng mình chỉ thực hiện quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí mà thôi, nhất là cô ấy từng là nhà báo nên cô ấy thấy có trách nhiệm phản ánh những vấn đề xã hội, hiện tình đất nước.”
Do vậy, vị luật sư này dự báo khó có sự thay đổi về mức án trong phiên phúc thẩm sắp tới.
“Trong những phiên toà liên quan đến tội danh về an ninh quốc gia thì sự thay đổi mức án hoặc thay đổi tội danh rất khó xảy ra, tuy nhiên, chúng tôi vẫn tận tâm và chuẩn bị bào chữa với tất cả khả năng của mình.
Chúng tôi thống nhất quan điểm bào chữa, đó là bà Trang không vi phạm pháp luật, không phạm tội theo Điều 88 Bộ luật Hình sự cũ.”
Bà Phạm Đoan Trang chưa được gặp gia đình trong trại giam kể từ khi bị bắt đầu tháng 10 năm 2020, chỉ vài giờ sau khi kết thúc cuộc đối thoại nhân quyền thường niên Việt – Mỹ.
Phiên phúc thẩm được lên lịch hơn tám tháng sau phiên sơ thẩm, trong khi Điều 346 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm đối với Tòa án nhân dân cấp cao là 90 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án.
Chia sẻ với phóng viên, bà Bùi Thị Thiện Căn, mẹ của nhà hoạt động Phạm Đoan Trang, cho biết gia đình đã gửi đơn đề nghị được tham dự phiên toà phúc thẩm, tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.
Trong phiên sơ thẩm, bà được vào phòng xử án và hai mẹ con được nhìn thấy nhau sau nhiều tháng bị giam giữ. Bà chính là người đã thay mặt con gái nhận giải thưởng Martin Ennals ở Geneva, Thụy Sỹ vào đầu tháng sáu vừa qua.
Văn bút Hoa Kỳ là tổ chức quốc tế thứ hai kêu gọi Hà Nội trả tự do cho bà Trang trong phiên phúc thẩm sắp tới.
Hồi giữa tháng, CPJ cũng hối thúc nhà chức trách Việt Nam phóng thích bà để bà có thể tự do viết báo. CPJ sẽ trao giải Tự do Báo chí Quốc tế năm 2022 cho nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam trong lễ trao giải vào tháng 11 tới tại thành phố New York.