Thiếu văn hoá tự giác…
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ khi trả lời báo chí nhà nước hôm 29/11 cho rằng, văn hóa có vai trò hết sức quan trọng đối với mọi mặt trong đời sống cũng như trong Đảng. Theo ông Dĩnh vì, ngoài năng lực chuyên môn về chính trị, tổ chức thì vấn đề văn hóa cũng rất quan trọng. Trong đó có cả văn hóa lãnh đạo, lối sống, cách ứng xử của cán bộ, công chức và cả ‘văn hóa từ chức’.
Trả lời RFA từ Nha Trang hôm 29/11, Nhà báo Võ Văn Tạo nhận định:
“Hiện nay các cơ quan của đảng và nhà nước VN họ rộ lên phong trào xây dựng ‘văn hóa từ chức’. Cụm từ ‘văn hóa từ chức’ cũng hơi lạ lẫm một chút, nó mới xuất hiện trên báo chí nhà nước Việt Nam vài năm nay. Nhưng theo tôi hiểu thì dùng từ văn hóa cho cụm từ đó thì cũng không thật sự hợp lắm… Muốn người có chức có quyền mà từ chức thì mình phải xây dựng làm sao để thứ nhất là họ tự giác, họ nghĩ danh dự của bản thân họ là cao hơn tất cả, lòng tự trọng để khi họ không hoàn thành nhiệm vụ hay bị công chúng chê trách nhiều quá thì họ tự giác xin từ chức.”
Tôi không hiểu vì sao đảng cộng sản VN lại quy định tuyệt đối chấp hành cấp trên phân công nhiệm vụ. Họ coi chuyện đó quan trọng lắm, nếu anh từ chức là anh chống đối, không chấp hành sự phân công… Công tác tổ chức trong đảng CSVN khắc khe trong chuyện đấy lắm nên người ta ngại từ chức.
-Nhà báo Võ Văn Tạo
Theo Nhà báo Võ Văn Tạo, ý của nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ – Nguyễn Tiến Dĩnh và một số lãnh đạo đảng và nhà nước Việt Nam là hy vọng việc từ chức này là một bước đột phá để họ nâng cao chất lượng đội ngũ quan chức của họ… nhưng Nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng, mong muốn đó khó khả thi. Ông Tạo phân tích:
“Thứ nhất, tại sao quan chức nước ngoài hay từ chức khi dính bê bối, hay không hoàn thành nhiệm vụ gì đấy? Vì những nước có đa nguyên đa đảng, tự do báo chí, tự do ngôn luận… mà quan chức cầm quyền làm không tốt thì ngoài danh dự, nếu họ không từ chức thì sẽ ảnh hưởng đến cả đảng của họ. Khi có sự cạnh tranh thì đảng cầm quyền có quan chức bê bối mà không từ chức thì họ sợ dân sẽ không bầu cho đảng đó nữa. Lý do thứ hai, quan chức nước ngoài không có quyền lợi cá nhân như quan chức xứ sở độc tài như VN hiện nay. Ví dụ khi có chức vụ từ xã trở lên huyện, thành phố… chưa nói đến trung ương thì bổng lộc khủng khiếp, chưa nói đến thu nhập đen từ hối lộ. Họ tiếc bổng lộc nên không muốn từ chức, như vụ Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ chỉ một lần nhận hối lộ của bà Trương Mỹ Lan đã là một triệu USD, hay vụ AVG ông nào ông nấy đều nhận mấy triệu đô.”
Bà Trương Mỹ Lan mà Nhà báo Võ Văn Tạo nhắc đến là một nữ doanh nhân người Việt gốc Hoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Bà đã bị cáo buộc hối lộ khoảng một triệu USD cho Thượng tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an để ‘lót tay’ cho việc chuyển đổi công năng mục đích sử dụng khu đất Cảng Nhà Rồng- Khánh Hội, quận 4, TP.HCM.
Còn vụ AVG thì liên quan đến ông Nguyễn Bắc Son – cựu Bộ Trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông. Ông này bị cáo buộc nhận hối lộ 3 triệu 900 ngàn đô la Mỹ trong thương vụ Tổng công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần Công ty nghe nhìn Toàn Cầu AVG do ông Phạm Nhật Vũ làm Chủ tịch. Trong vụ này, ông Trương Minh Tuấn – nguyên Bộ Trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông cũng đã nhận từ ông Vũ 200.000 đô.
Trở lại với phát biểu của ông Nguyễn Tiến Dĩnh hôm 29/11, ông này còn cho biết, có nhiều trường hợp khi đề cập đến việc từ chức, những lãnh đạo vướng vi phạm đều nói họ còn phải thực hiện chức trách, nhiệm vụ do Đảng phân công. Điều đó có nghĩa là họ có lý do để tiếp tục duy trì vị trí của mình, không từ bỏ quyền lực sẵn có.
Nhìn nhận về vấn đề này, Nhà báo Võ Văn Tạo nói tiếp:
“Tôi không hiểu vì sao đảng cộng sản VN lại quy định tuyệt đối chấp hành cấp trên phân công nhiệm vụ. Họ coi chuyện đó quan trọng lắm, nếu anh từ chức là anh chống đối, không chấp hành sự phân công… Công tác tổ chức trong đảng CSVN khắc khe trong chuyện đấy lắm nên người ta ngại từ chức. Bây giờ ra quy định số 41 về khi nào từ chức, khi nào miễm nhiệm thì tôi cho rằng đó cũng là bước tiến nhưng không lớn. Vì họ đã bị ngấm sâu vào máu, bổng lộc không bỏ được. Tất nhiên khi ra quy định nào thì những người vì hoàn cảnh cá nhân hay danh dự mà xin từ chức được cởi một bước, những người này không bị đánh giá là kém ý thức kỷ luật nữa… Vì dưới chế độ này, một người bị đánh giá kém ý thức kỷ luật thì con cháu cũng khó ngóc đầu lên được…. Đấy là những lý do để người ta ngại từ chức.”
Và, thiếu nền hệ thống giá trị xã hội
Vài năm gần đây, nhiều biệt phủ của quan chức cán bộ bị báo chí phanh phui như Biệt phủ Yên Bái của Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường ông Phạm Sỹ Quý hay biệt phủ song sinh của ông Nguyễn Đức Vượng bí thư huyện Duy Tiên, Hà Nam và biệt phủ bằng gỗ của ông Khổng Trung-Chi cục trưởng chi cục kiểm lâm Quảng Trị… Dư luận đặt câu hỏi, tiền đâu để họ xây biệt phủ như vậy?
Hay nhiều vụ việc liên quan đến cán bộ quan chức cấp cao có lối sống thiếu gương mẫu như vụ việc vợ Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh được xe công ra tận sân bay đón. Sự vụ ông Nguyễn Bá Cảnh, Thành ủy viên, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng bị thi hành kỷ luật cách tất cả chức vụ trong Đảng với lý do được đưa ra vì ông Cảnh ngoại tình, vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống, vi phạm luật hôn nhân và gia đình. Và mới đây nhất là nghi vấn hiếp dâm cấp dưới của một vị bí thư huyện đảo Cô Tô- Quảng Ninh cũng khiến dư luận đặt vấn đề về qui định“lối sống gương mẫu” trong hàng ngũ lãnh đạo VN đã bị “phá sản”.
Ông Lê Văn Cuông – nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, khi trả lời RFA cho rằng:
“Các quy định đối với đảng viên thời gian vừa qua thực hiện chưa được thường xuyên và nghiêm túc. Cho nên bây giờ có quy định mới để cụ thể hóa vấn đề này, bởi vì để mỗi cá nhân tự mình soi lại chính bản thân mình xem có những khuyết điểm gì, hoặc có những yếu kém, sai phạm gì chưa được mà tổ chức hay người ngoài góp ý, thì chính bản thân mình phải kiểm tra và soi xét.”
Các quan chức thì gắn liền với quyền lực và lợi ích, mà lợi ích không phải của cá nhân, đôi khi cái mà chúng ta gọi là lợi ích nhóm, lợi ích của một nhóm người. Và khi anh muốn từ chức cũng không từ chức nổi nữa cơ, vì nó ràng buộc lẫn nhau.
-Sử gia Dương Trung Quốc
Sử gia Dương Trung Quốc, nguyên Đại biểu Quốc hội, khi trả lời RFA từ Hà Nội cho rằng, ‘từ chức’ nhìn bề ngoài đúng là sự tự nguyện, nhưng bản chất là gần như một sự bắt buộc. Bởi vì, theo ông Dương Trung Quốc, điều quan trọng nhất mà Việt Nam chưa có, là thiếu một nền hệ thống giá trị xã hội. Ông Dương Trung Quốc nêu lại chuyện các vị quan ngày xưa, tính liêm sỉ rất lớn, chỉ vì những lý do gia đình, hay sự gánh vác, người ta lượng sức mình và sẽ từ chức, việc này dựa trên một nền tảng giáo dục xưa. Ông nói:
“Nói cách khác, chính cái sức ép của xã hội, sức ép của các giá trị ấy, mà người ta chấp nhận từ chức. Ai cũng biết từ chức là từ bỏ quyền lực, từ bỏ kể cả lợi ích nữa. Nhưng họ lựa chọn giữa hai giá trị ấy trong mặt bằng giá trị xã hội,thì họ thấy từ chức vẫn hơn. Và hành vi từ chức ấy nó cũng có một giá trị xã hội để người ta chia sẻ, thậm chí người ta tôn trọng. Nhưng rõ ràng điều đó không đúng trong một xã hội hiện đại.”
Ông Dương Trung Quốc nói thêm, ở những quốc gia khác từ chức là một tập quán vì cũng phải chịu sức ép xã hội rất lớn. Thậm chí người trong cuộc có muốn tồn tại cũng không được vì sẽ có những cơ chế khác, buộc phải từ chức. Tuy nhiên ở chiều ngược lại, đôi khi muốn từ chức cũng không được:
“Các quan chức thì gắn liền với quyền lực và lợi ích, mà lợi ích không phải của cá nhân, đôi khi cái mà chúng ta gọi là lợi ích nhóm, lợi ích của một nhóm người. Và khi anh muốn từ chức cũng không từ chức nổi nữa cơ, vì nó ràng buộc lẫn nhau. Vì thế tôi cho rằng điều quan trọng hiện nay là cần ra được một cái giá trị xã hội, mà giá trị xã hội thông qua dư luận xã hội, giáo dục xã hội.”
Theo ông Dương Trung Quốc, quan trọng nhất là ý thức của những vị quan chức của Việt Nam, họ phải quan tâm đến dư luận xã hội. Nói cách khác, theo ông Dương Trung Quốc, đó là chuẩn mực về nghiêm chỉnh cần có trong mỗi một con người, nhất là những quan chức càng cao cấp, càng cần phải có chuẩn mực đó.