Ban Vận động thành lập Văn đoàn Độc lập Việt Nam ra tuyên bố lên án vụ hành hung nhà thơ Thái Hạo sau khi ông này được trao giải thưởng Văn Việt lần thứ Bảy năm 2022.
Hôm 2 tháng 3, những người mặc thường phục chặn đường nhà thơ Thái Hạo, hành hung ông này dã man trước sự chứng kiến của nhân viên công lực.
Sự việc xảy ra khi nhà thơ người Thanh Hóa này được công bố là chủ nhân của giải thưởng thơ của năm do diễn đàn văn học Văn Việt trao tặng.
Đến ngày 7 tháng 3, có sáu tổ chức xã hội dân sự và gần 100 cá nhân đồng ký tuyên bố lên án vụ hành hung nhắm đến nhà thơ Thái Hạo, và gọi đó là “bước phát triển nguy hiểm trong chủ trương đàn áp tự do tư tưởng” ở Việt Nam.
Trả lời phỏng vấn của Đài Á châu Tự do, nhà thơ Hoàng Hưng, thành viên hội đồng chấm giải Văn Việt, cho biết thông điệp mà Văn đoàn Độc lập Việt Nam muốn đưa ra qua tuyên bố này:
“Cái thông điệp của chúng tôi thì rất là rõ ràng, tức là chúng tôi phản đối tất cả những cái hành vi hay kể cả những chủ trương mà phân biệt đối xử, trấn áp những hoạt động văn học không do nhà nước, hay không do đảng Cộng Sản quản lý, lãnh đạo.”
Nhà thơ này cũng cho biết chính vì bản chất độc lập của Văn Việt và chủ trương cổ xuý các hoạt động xuất bản, công bố không chịu kiểm duyệt do vậy đã phải chịu nhiều áp lực từ phía chính quyền.
Ông cũng đính chính rằng nhà thơ Thái Hạo không định đến tham dự buổi lễ trao giải, bởi vì hoạt động trao giải đã bị Văn Việt hủy bỏ dưới sức ép từ phía an ninh, mà trên thực tế, nhà thơ giành giải thưởng năm nay chỉ có kế hoạch đến Sài Gòn để gặp mặt thân hữu.
Nhưng chính vì không có hoạt động trao giải nào mà bản thân người nhận giải vẫn bị hành hung, nên nhà thơ Hoàng Hưng cho rằng như vậy là hành vi “khủng bố”. Ông nói cụ thể:
“Trường hợp anh Thái Hạo đi vào đây, nói chính xác, bởi vì thông tin đưa ra không chuẩn. Anh không phải vào để nhận giải mà vào để gặp mặt thân hữu của Văn Việt nhân cái dịp công bố giải. Tôi phải nói rất rõ như thế.
Thế mà vẫn bị chặn, vẫn bị hành hung thì điều đấy chứng tỏ họ đã cố tình làm những công việc để mà khủng bố, để mà đe dọa. Chứ còn không phải là vì chúng tôi tổ chức lễ trao giải mà họ không đồng ý để họ chặn họ đánh.”
Nhà thơ Hoàng Hưng đã từng phải đi tù chỉ vì sở hữu một tập thơ của nhà thơ Hoàng Cầm, tác phẩm lúc bấy giờ bị cáo buộc là “văn hoá phẩm phản động”. Ông lý giải về tình trạng kiểm duyệt ở Việt Nam cũng như hậu quả của nó:
“Trong cái chế độ của các nước Cộng Sản, hay những nước toàn trị thì ta thấy rõ là họ coi cái văn học nghệ thuật này nó quá nghiêm trọng, họ coi đây là vũ khí chính trị. Và cái này thì tôi cho nó là một cái thói quen của thời chiến tranh rồi.
Thời chiến tranh thì chuyện những nước đang tham chiến phải có những sự kiểm duyệt, hay có cái sự chú ý để mà báo chí hay là văn học nghệ thuật phục vụ cho cuộc chiến tranh chính nghĩa, ví dụ như chiến tranh yêu nước, thì cũng có thể, có thể là hiểu được.
Nhưng mà hoà bình đã lập lại suốt bao nhiêu năm rồi mà vẫn cứ tiếp tục một cái tư duy như thế thì nó chỉ có hại cho sự phát triển của văn học, nghệ thuật.”
Trong tuyên bố đứng đầu bởi nhà văn Nguyên Ngọc – tác giả của “Rừng xà nu” yêu cầu nhà cầm quyền thể hiện sự tôn trọng thích đáng đối với các trí thức, văn nghệ sĩ, lực lượng nòng cốt xây dựng nền văn hoá dân tộc; bảo đảm và tôn trọng quyền tự do sáng tác, tự do xuất bản, tự do lập hội của người dân theo đúng Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Mới đây thì Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố rằng mong muốn Việt Nam sẽ có nhà văn đoạt giải Nobel văn học. Nhà thơ Hoàng Hưng thì gọi tuyên bố trên là “hài hước”. Vì ông cho rằng nếu không có tự do sáng tác, tự do xuất bản, và tự do công bố thì không thể cho ra đời những tác phẩm mang tầm nhân loại.