Vì sao đều sai phạm nhưng có lãnh đạo bị bắt, có người thoát?

Sáng ngày 1 tháng 9 năm 2020, nhiều tờ báo lớn trong nước như Tuổi Trẻ, Pháp Luật, Người Lao Động… đồng loạt đưa tin sai phạm của Bộ trưởng Giao thông – Vận tải Nguyễn Văn Thể từ năm 2015, thời ông Thể còn làm Thứ trưởng Bộ này.

Trước đó, tối 28 tháng 8, tin Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung bị Bộ Công an khởi tố và bắt giam với cáo buộc tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước loan truyền nhanh chóng trên báo chí chính thống cũng như mạng xã hội.

Cho đến khi bị bắt, ông Chung chưa bị kỷ luật về mặt đảng hay nhà  nước, mà mới chỉ nhận quyết định tạm đình chỉ công tác 90 ngày do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký trước đó 17 ngày; nhận quyết định từ Bộ Chính trị đình chỉ sinh hoạt Ban Chấp hành đảng bộ, đình chỉ chức vụ Phó bí thư, ủy viên trung ương đảng, Phó bí thư thành ủy Hà Nội, cũng trước đó 17 ngày.

Dư luận đặt câu hỏi vì sao ông Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy liên quan dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm bị Uỷ ban Kiểm tra Trung ương thông báo kết luận sai phạm từ ngày 9 tháng 1 năm 2020, vẫn ung dung tự tại?

Hay trường hợp ông Tất Thành Cang. Khi còn giữ chức Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, ông Tất Thành Cang đã ký tắt hợp đồng xây dựng – chuyển giao dự án xây dựng 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm với giá trị hơn 12.000 tỷ đồng. Việc ký kết này, theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương là sai nguyên tắc, khi thẩm quyền của thành phố chỉ được phê duyệt các dự án có tổng mức đầu tư dưới 1.500 tỷ đồng.

Hôm 15 tháng 11 năm 2018, Ủy ban kiểm tra trung ương công bố kết luận kiểm tra vi phạm của ông Tất Thành Cang, Phó bí thư thường trực thành ủy TP.HCM là rất nghiêm trọng, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật. Đến bây giờ ông Cang vẫn bình an.

Gần đây, Thanh tra Chính phủ Hà Nội công bố những sai phạm tại tỉnh Kiên Giang nơi ông Nguyễn Thanh Nghị, con trưởng của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là bí thư. Tuy nhiên hầu hết những người dính líu sai phạm, trong đó có ông Nguyễn Thanh Nghị, chỉ bị kiểm điểm.

Còn Nguyễn Đức Chung, hồi Hội nghị Trung ương 12 được phiếu tín nhiệm rất cao. Ông Chung là nguy cơ đối với rất nhiều kẻ thì về chính trị thì họ phải ‘thịt’ thôi. – Trung tá Đinh Đức Long

Trung tá Quân đội Đinh Đức Long, người tuyên bố từ bỏ đảng cộng sản từ năm 2014, giải thích rằng, có ba yếu tố quyết định nguyên tắc của đảng xuyên suốt quá trình lịch sử từ khi thành lập đảng đến nay. Đó là làm việc gì cũng phải có lý (tức là có chứng cứ), có lợi (tức thời điểm bắt có lợi hay không) và đúng lúc (tức bắt có đúng lúc không). Ba yếu tố đó sẽ giải thích hiện tượng vì sao bắt người này mà không bắt người kia.

Ông Long phân tích việc ông Chung ở Hà Nội bị bắt mà các ông Hải, Cang, Đua ở Thành phố Hồ Chí Minh vẫn ‘bình yên vô sự’ đến lúc này:

“Thứ nhất mấy người kia không còn nguy cơ cho chế độ vì người thì về hưu rồi, người thì bị cách chức, bị kỷ luật. Coi như bị loại khỏi cuộc chơi, không còn nguy hiểm cho chê độ nữa. Vấn đề còn lại là tiền. Muốn thoát tù, muốn nhẹ tội thì ‘nôn’ tiền ra. Tiền chỉ chạy từ túi này sang túi khác thôi.

Còn Nguyễn Đức Chung, hồi Hội nghị Trung ương 12 được phiếu tín nhiệm rất cao. Như vậy ông này có nguy cơ vào Bộ chính trị. Một là chức Bí thư thành ủy Hà Nội. Hai là Bộ trưởng Bộ Công an. Ông Chung là nguy cơ đối với rất nhiều kẻ thù chính trị thì họ phải ‘thịt’ thôi.”

Ông Nguyễn Đức Chung.
Ông Nguyễn Đức Chung.
Reuters

Trưa 6 tháng 12 năm 2018, tại kỳ họp thứ 7 HĐND TP Hà Nội khóa 15, 102 đại biểu tham dự đã bỏ phiếu tín nhiệm đối với 36 người giữ chức vụ do HĐND bầu và phê chuẩn. Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Hà Nội có 84 phiếu tín nhiệm cao, 14 phiếu tín nhiệm, 4 phiếu tín nhiệm thấp.

Với trường hợp ông Nguyễn Văn Thể. Kết luận điều tra về vụ cao tốc TP HCM – Trung Lương, Cơ quan điều tra xác định ông Nguyễn Văn Thể khi còn là Thứ trưởng Bộ GTVT đã ký 3 văn bản không đúng quy định của pháp luật, hợp thức hóa các nội dung Công ty Yên Khánh đề xuất. Yên Khánh là công ty của bị can Đinh Ngọc Hệ, tức Út “trọc”.

Vì sao sai phạm của ông Nguyễn Văn Thể xảy ra từ năm 2015 mà đến năm 2017, ông Thể được thăng chức từ Thứ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải lên Bộ trưởng bộ này?

Nhà quan sát tình hình chính trị Quang Hữu Minh nhận định, vấn đề là nếu ông Thể không có sai phạm gì thì đương nhiên khóa tới ông Thể sẽ ngồi tiếp ghế bộ trưởng. Đó là lý do những sai phạm của vị bộ trưởng này được ‘khui’ ra lúc này.

“Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể không được lòng dân. Chưa nói tới những việc chìm mà những việc nổi như thu phí, thu giá cũng làm dân mệt mỏi, tốn kém, mất thời gian. Về mặt đảng thì những sai phạm vừa rồi làm cho dân chê đảng dốt. Nói chung cả về đảng và dân thì ông Thể làm mất hình ảnh rất nhiều. Còn nói về sai phạm các trạm BOT thời ông Thể còn làm thứ trưởng thì nhiều và bây giờ họ lôi ra.

Nói gì thì nói. Trong tương lai, bất kể Việt Nam thân Trung hay thân Mỹ, số tiền họ đầu tư vào cơ sở hạ tầng Việt Nam sẽ nhiều. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải sẽ được phân công quản lý việc này. Do đó, đây là một vị trí đáng mơ ước.”

Ông Minh nói thêm rằng, nếu đảng làm nghiêm vấn đề chỉnh đốn đảng thì ai sai cũng bị xử lý. Không có quan điểm người bị nặng, người bị nhẹ, chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không như lâu nay.

Trong tương lai, bất kể Việt Nam thân Trung hay thân Mỹ, số tiền họ đầu tư vào cơ sở hạ tầng Việt Nam sẽ nhiều. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải sẽ được phân công quản lý việc này. Do đó, đây là một vị trí đáng mơ ước. – Nhà quan sát Quang Hữu Minh

Giữa tháng 7 năm 2020, một loạt cán bộ lãnh đạo tại TP. HCM bị khởi tố về tội ‘Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãnh phí theo Điều 219 Bộ Luật hình sự năm 2015.

Người có chức vụ cao nhất bị khởi tố là Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân TPHCM Trần Vĩnh Tuyến; kế đến là ông Trần Trọng Tuấn – Phó chánh Văn phòng Thành ủy TP. HCM; Phan Trường Sơn – Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc; Trần Quốc Đạt – Phó phòng Phát triển nhà và Thị trường bất động sản; và Lê Tấn Hòa – chuyên viên Sở Xây dựng.

Những vị cựu lãnh đạo thành phố như Lê Thanh Hải, Nguyễn Văn Đua, Tất Thành Cang vẫn không bị truy tố. Theo Bộ Chính trị, Ban Bí thư đảng cộng sản Việt Nam thì vi phạm của ông Nguyễn Văn Đua đáng bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách, nhưng đã hết thời hiệu xử lý kỷ luật theo quy định của đảng.

Kỷ luật về mặt đảng có ba mức. Mức một là Khiển trách; mức hai là Cảnh cáo; mức ba là Khai trừ khỏi đảng.

Ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương nêu quan điểm của ông, là không có quan chức cộng sản nào là không có tội nếu người ta ‘sờ’ đến, kể cả ông Nguyễn Phú Trọng. Ông nhận định việc vì sao ai cũng có tội mà người bị bắt, kẻ lại nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật:

“Cái này rõ là các nhóm lợi ích của đảng đang tranh nhau quyền lợi. Nhóm này đánh nhóm kia kiểu băng nhóm mafia đánh nhau chiếm đoạt địa bàn. Theo những gì tôi biết thì rất khó đánh bọn Hải, Cang vì đằng sau họ là thằng Tàu, cho nên họ cũng phải né tránh. Khó khăn là chỗ đó. Chứ không phải bọn kia tội ít, công nhiều đâu.”

Kết luận của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an chỉ rõ sai phạm của ông Đinh La Thăng và ông Nguyễn Văn Thể đã để cho Công ty Yên Khánh, là công ty kinh doanh thua lỗ, không đủ tư cách tham gia, nhưng được chỉ định làm nhà đầu tư xây dựng bổ sung 2 nút giao thông trên tuyến nối Tân Tạo – Chợ Đệm theo hình thức BOT với tổng đầu tư 1.300 tỉ đồng. Tuy nhiên, cơ quan này không nêu hình thức xử lý, kiến nghị đối với cá nhân ông Nguyễn Văn Thể.

Hôm 31 tháng 8 năm 2020, cựu bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Đinh La Thăng bị xác định là chủ mưu gây ra sai phạm tại dự án Cao tốc Trung Lương, giúp ông Đinh Ngọc Hệ chiếm đoạt 725 tỷ đồng ngân sách nhà nước.

Related posts