Hàng chục sinh viên tốt nghiệp đã bước ra khỏi hội trường Đại học Virginia Commonwealth (VCU) khi Thống đốc tiểu bang Glenn Youngkin lên phát biểu trong lễ phát bằng. Một trong những lý do được nêu ra là sinh viên phản đối các chính sách giáo dục của thống đốc bang và về quan điểm chính trị khác nhau liên quan đến cuộc chiến ở Gaza. Nhóm sinh viên, sau đó, vẫn mặc trang phục tốt nghiệp đến một công viên và hô vang: “Nhân dân đoàn kết sẽ không bao giờ bị đánh bại.”
Sinh viên Việt Nam: cam chịu, im lặng
Giáo sư Mạc Văn Trang bày tỏ suy nghĩ của ông về sự kiện này:
“Hay quá! Hay quá! Đó là thể hiện phản ứng rất tự do và tự nhiên của giới trẻ khi thấy người đến để phát biểu, răn dạy… mà người đó không xứng đáng. Nó cho thấy các sinh viên này có ý thức về chính trị, có ý thức về nhân cách và đạo đức của một con người. Nó chứng tỏ quyền tự do của con người được tôn trọng. Ước gì sinh viên Việt Nam cũng làm được như thế. Những người như Nguyễn Xuân Phúc, Vương Đình Huệ đến ba hoa bốc phét mà sinh viên vẫn phải vỗ tay nhiệt liệt 100%. Không sinh viên nào dám bỏ ra khỏi hội trường. Ở Việt Nam mà bây giờ có một ông chủ tịch thành phố mà đến phát biểu, trao bằng mà sinh viên nào phản ứng không nhận thì sẽ bị kỷ luật, bị khai trừ gì đó ngay”.
Giáo sư Mạc Văn Trang nói thêm, chính vì sự im lặng, cam chịu như thế dẫn đến một xã hội giả dối, không phát triển. Ông nói tiếp:
“Ở Việt Nam không biết cái gì thật, cái gì giả. Ví dụ trong lòng họ rất ghét ông lãnh đạo nào đó đến đánh trống khai trường, phát biểu, dạy dỗ…; biết thừa ông này tham nhũng, chả ra gì nhưng họ vẫn hoan hô. Bởi nó không có tự do ngôn luận; không có tự so suy nghĩ, không có tự do biểu đạt và thể hiện thái độ thật của con người, thì cuối cùng người dân chả biết cái gì thật cái gì không thật. Phải nhìn thấy sự thật tốt xấu thì mới điều chỉnh được”.
Chuyện sinh viên trên thế giới biểu tình phản đối chiến tranh hay những chính sách của chính quyền không phải là chuyện lạ. Chẳng hạn như sinh viên Mỹ biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam thập niên 60; sinh viên Hồng Kông biểu tình với phong trào dù vàng đòi hỏi quyền bầu cử dân chủ cách nay 10 năm; đặc biệt là những cuộc biểu tình đòi hỏi dân chủ, đòi đối thoại với các lãnh đạo cấp cao của hàng ngàn sinh viên Trung Quốc hồi năm 1989. Lúc bấy giờ, Chính phủ Trung Quốc đã phải huy động hàng ngàn quân và xe bọc thép đến Quảng trường Thiên An Môn để đàn áp các cuộc biểu tình phản đối của sinh viên dẫn đến cái chết cho hàng ngàn người.
Hậu quả khi phản biện
Tại Việt Nam, từ sau năm 1954 ở miền Bắc và sau 1975 trên toàn cõi Việt Nam, chưa thấy một nhóm sinh viên nào phản đối những chính sách giáo dục được nhiều chuyên gia chỉ ra rằng “có nhiều sai lầm”, nên dẫn đến có nhiều lần phải cải cách… Nguyên nhân được nhà giáo Đinh Kim Phúc nhận định:
“Hiện nay sinh viên Việt Nam rất thuần, bởi những quy định của luật pháp, những quy định của nhà trường. Họ có thể bị tước bằng bất cứ lúc nào nếu vi phạm những điều cấm kỵ. Làm gì có chuyện sinh viên Việt Nam mà dám phản ứng lại hiệu trưởng, hay tỉnh trưởng, hay chủ tịch tỉnh trong một buổi lễ tốt nghiệp như thế. Chúng ta thấy rõ ràng hoàn cảnh của hai quốc gia hoàn toàn khác nhau.
Tôi lấy một ví dụ cách nay hai năm, hiệu trưởng mặc áo đỏ vác quyền trượng trong một buổi lễ tốt nghiệp đại học, mà không ai biết được đó là biểu hiện quyền tự trị đại học. Việt Nam chưa có tự trị đại học. Khi chúng tôi phê phán, trình bày quyền trượng của các trường đại học tư bản như thế nào, thì hai năm qua không ông hiệu trưởng nào dám vác quyền trượng quay phim, chụp ảnh nữa cả.
Từ đó, chúng ta thấy nhận thức của những người lãnh đạo đại học Việt Nam và lãnh đạo đại học giữa các nước tư bản khác nhau như thế nào. Hiệu trưởng còn như thế thì làm sao sinh viên dám phản ứng lại các chính sách của nhà trường, của nhà nước trong vấn đề đào tạo.”
Cũng theo Nhà giáo Đinh Kim Phúc, nếu một sinh viên Việt Nam phản kháng thì sẽ lãnh hậu quả cho bản thân mình và cả người thân. Do đó sinh viên phải câm lặng, và sự im lặng đó, theo ông Phúc, đã trở thành tập quán cam chịu nối từ đời này qua đời khác. Ông nói thêm:
“Nếu như những chính sách, tôi tạm gọi là bất công; những chính sách phản khoa học đi ngược lại đường lối giáo dục mà không có ai phản biện, không bị phản ứng thì làm sao có nền khoa học phát triển? Mà khoa học không phát triển do không có phản biện thì làm sao có sự phát triển đất nước?”
Một vài sinh viên Việt Nam dám lên tiếng phản đối nhà trường đã lãnh hậu quả. Trong đó có sinh viên Nguyễn Viết Dũng. Nguyễn Viết Dũng thi đậu vào Khoa Công Nghệ Thông Tin, Đại Học Bách Khoa Hà Nội vào năm 2004. Anh sớm nhận ra những bất cập trong ngành giáo dục Việt Nam cũng như thực trạng đất nước hiện nay so với trước kia nên đã lên tiếng và từng bị tù sau khi tham gia cuộc tuần hành bảo vệ cây xanh ở Hà Nội vào năm 2015.
Nếu như những chính sách, tôi tạm gọi là bất công; những chính sách phản khoa học đi ngược lại đường lối giáo dục mà không có ai phản biện, không bị phản ứng thì làm sao có nền khoa học phát triển? Mà khoa học không phát triển do không có phản biện thì làm sao có sự phát triển đất nước? – Nhà giáo Đinh Kim Phúc
Sinh viên Phan Kim Khánh ở Thái Nguyên cũng bị tòa án tỉnh này kết án bốn năm tù với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’ theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam do nêu lên tình trạng tham nhũng và các vấn nạn khác tại Việt Nam trên mạng xã hội.
Tháng 3 vừa qua, tại phiên họp đầu tiên Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV, ông Nguyễn Phú Trọng phát biểu, cần bảo đảm sự chuyển tiếp và kế tục giữa các thế hệ khi có lớp cán bộ hiện nay sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong hòa bình và được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau. Tuy vậy, theo nhận định của một số chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, hiện số lượng du học sinh Việt Nam cao nhất nhì thế giới, nhưng môi trường làm việc và thể chế chính trị là một trong những yếu tố căn bản dẫn đến sự thành công của thế hệ được học ở nước ngoài và trở về nước.