Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, vào trung tuần tháng 9/2020, ban hành văn bản chỉ đạo toàn thể cơ quan các bộ, ngành từ trung ương đến địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Trong văn bản vừa nêu, ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh rằng cần phải xử lý nghiêm minh các trường hợp cố tình làm chậm, gây khó khăn, nhũng nhiễu, vi phạm quy định, lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí về đầu tư công.
Yêu cầu này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, được cho là thể hiện quyết tâm của Chính phủ Hà Nội trong bối cảnh Việt Nam vừa chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế. Và, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng tuyên bố phải nỗ lực phấn đấu để giải ngân 100% vốn đầu tư công.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn ngân sách nhà nước được giải ngân trong trong 8 tháng đầu năm 2020 là 250 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2019. Mặc dù vậy, số vốn phân bổ chỉ đạt được tương đương 50,7% kế hoạch năm.
Trong đó, vốn ODA được ghi nhận là giải ngân rất chậm. Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính, tính đến cuối tháng 8, có 9 bộ, ngành xin trả lại 3.700 tỷ đồng vốn ODA, chiếm 32% dự toán được giao.
Trước tình trạng như thế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong một cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với địa phương trong tháng 8, đã yêu cầu phải kiểm điểm người đứng đầu trong vấn đề chậm giải ngân đầu tư công.
Dư luận: “Cứ hô hào và không thay đổi gì cả”
Điều này gần như là thói quen và quy luật rồi. Bởi vì rất dễ hiểu là khi một nhà nước toàn trị do một đảng cầm quyền và không có ai kiểm soát thì tất yếu là các cơ quan trực thuộc nhà nước lủng đoạn thôi. Bởi vì có ai kiểm tra, kiểm soát được họ đâu. Có lần ông Trọng từng nhận định là phải chống tham nhũng trong bộ phận đi chống tham nhũng. Cho nên chuyện này gần như là đương nhiên và đây là một nỗi đau lớn của dân tộc
-Ông Nguyễn Khắc Mai
Đài RFA ghi nhận qua trang cộng đồng “Chống tham nhũng, tiêu cực” trên mạng xã hội Facebook, hàng trăm ý kiến phản hồi đối với thông tin về yêu cầu mới nhất của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “phải xứ lý nghiêm các trường hợp làm chậm, gây phiền hà, nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp”.
Hầu hết những lời bình luận đều cùng quan điểm rằng giới chức lãnh đạo cấp cao cứ lập đi lập lại những chủ trương và yêu cầu xử lý nghiêm minh các trường hợp cán bộ sai phạm trong việc gây phiền hà và nhũng nhiễu người dân, tuy nhiên tình trạng vẫn không có gì thay đổi vì “trên nóng, dưới lạnh” hay “trên bảo, dưới không nghe”.
Tình trạng người dân và doanh nghiệp bị gây phiền hà, nhũng nhiễu cũng được giới chuyên gia đánh giá là một căn bệnh cố hữu do cơ chế mà ra.
Câu chuyện về ông Chủ tịch thành phố Hà Nội, Nguyễn Đức Chung được dư luận trưng dẫn như là một ví dụ điển hình.
Ông Nguyễn Đức Chung, khi đảm trách vai trò chủ tịch thành phố Hà Nội, đã từng hô hào rằng chính quyền thủ đô sẽ từng bước xây dựng văn hóa không tham nhũng trong xã hội, trước hết là trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công viên chức; đồng thời sẽ giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của những người có chức vụ, quyền hạn và xóa bỏ tình trạng lợi ích nhóm. Thế nhưng, qua những phát ngôn mạnh mẽ của mình, ông Nguyễn Đức Chung lại bị bắt với cáo buộc có dính líu vào vụ án mà ông và gia đình tham nhũng trong chi tiêu công của thành phố Hà Nội.
Blogger Nguyễn Lân Thắng, một nhà hoạt động dân chủ và là cư dân ở thủ đô, từng chia sẻ với RFA rằng bản thân ông lấy làm phấn khởi trước những tuyên bố mạnh mẽ về chống tham nhũng của ông Chủ tịch Nguyễn Đức Chung và sẽ quan sát để xem lời nói và việc làm của ông Nguyễn Đức Chung được song hành hay không.
Vào tối hôm 21/9, lên tiếng về việc ông Nguyễn Đức Chung bị bắt, blogger Nguyễn Lân Thắng bày tỏ rằng cũng không có gì là ngạc nhiên.
“Thực ra tôi cũng không ngạc nhiên lắm, bởi vì trong hệ thống quản trị của Nhà nước Việt Nam từ trước đến nay thì chuyện người ta lạm dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi cho cá nhân và gia đình thì rất nhiều. Và rất hiếm khi các vụ án tham nhũng được khui ra, bởi vì người ta có những sự can thiệp về mặt Đảng, về mặt chính quyền rất lớn lên hệ thống tư pháp cũng như hệ thống truyền thông cho nên những sai phạm trong cơ cấu hệ thống nhà nước từ trên xuống dưới, từ trung ương đến địa phương rất nhiều và hầu như không bị xử lý một cách thích đáng ngay lập tức.”
Liên quan văn bản vừa ban hành của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp gây phiên hà, nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp, blogger Nguyễn lân Thắng nêu quan điểm của ông:
Tôi nghĩ rằng việc ông Nguyễn Xuân Phúc trong cương vị thủ tướng thì đương nhiên ông sẽ phải có những lời kêu gọi, những lời động viên xã hội. Nhưng mà ông Phúc không phải là người có toàn quyền giống như một ông tổng thống của một quốc gia, cho nên tất cả công việc ông ấy làm kể cả ông ấy có thực tâm muốn thay đổi, muốn có các chương trình lớn để vực dậy nền kinh tế; tuy nhiên ông ấy vẫn còn bị sự kiềm tỏa cũng như sự kiểm soát rất lớn của nhiều người khác ở bên Đảng. Thanh ra, người dân biết rằng là ông Phúc kêu gọi như thế, nhưng người ta cũng không tin. Người ta cũng biết rằng ông Phúc cũng chỉ kêu như vậy thôi, chứ không ai trông chờ, trông mong gì
-Blogger Nguyễn Lân Thắng
“Tôi nghĩ rằng việc ông Nguyễn Xuân Phúc trong cương vị thủ tướng thì đương nhiên ông sẽ phải có những lời kêu gọi, những lời động viên xã hội. Nhưng mà ông Phúc không phải là người có toàn quyền giống như một ông tổng thống của một quốc gia, cho nên tất cả công việc ông ấy làm kể cả ông ấy có thực tâm muốn thay đổi, muốn có các chương trình lớn để vực dậy nền kinh tế; tuy nhiên ông ấy vẫn còn bị sự kiềm tỏa cũng như sự kiểm soát rất lớn của nhiều người khác ở bên Đảng. Thanh ra, người dân biết rằng là ông Phúc kêu gọi như thế, nhưng người ta cũng không tin. Người ta cũng biết rằng ông Phúc cũng chỉ kêu như vậy thôi, chứ không ai trông chờ, trông mong gì.”
Nguyên Vụ trưởng Ban Dân vận Trung ương, ông Nguyễn Khắc Mai từng nhận định với RFA rằng tình trạng tham nhũng, nhũng nhiễu của cán bộ nhà nước vẫn luôn tồn tại và thậm chí không bao giờ được cải thiện, là do:
“Điều này gần như là thói quen và quy luật rồi. Bởi vì rất dễ hiểu là khi một nhà nước toàn trị do một đảng cầm quyền và không có ai kiểm soát thì tất yếu là các cơ quan trực thuộc nhà nước lủng đoạn thôi. Bởi vì có ai kiểm tra, kiểm soát được họ đâu. Có lần ông Trọng từng nhận định là phải chống tham nhũng trong bộ phận đi chống tham nhũng. Cho nên chuyện này gần như là đương nhiên và đây là một nỗi đau lớn của dân tộc.”
Đài RFA cũng trao đổi với một số doanh nghiệp cùng người dân xoay quanh yêu cầu mới nhất của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Họ nhắc lại thông tin về chi phí vận chuyển một container hàng hóa từ Sài Gòn ra Hà Nội phải trả gấp đôi so với từ Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ. Trong chi phí đó, phải chi cho phí BOT và “chung-chi” cho cảnh sát giao thông. Thế nhưng, những sai phạm về BOT dù bị phanh phui hàng loạt, nhưng chưa thấy quan chức nào bị xử lý nghiêm, mà chỉ có những bản án tù dành cho người dân là những người tố cáo các sai phạm tại những trạm BOT khắp đất nước Việt Nam.
Trong mọi lĩnh vực, người dân cũng như doanh nghiệp đều cho rằng để công việc được nhanh chóng họ đều phải ‘bôi trơn’ bằng cách lót tay cho cán bộ phụ trách. Và thực trạng được hầu hết mọi người thừa nhận ở Việt Nam là cán bộ không sống bằng lương mà bằng ‘bổng’, bằng ‘lộc’.