Viên cảnh sát Thái bắt giữ Y Quynh Bdap khẳng định trước tòa: “Không có lựa chọn nào khác”

Phiên tòa xét xử ông Y Quynh Bdap ở Thái Lan theo yêu cầu dẫn độ của Việt Nam tiếp tục đến giai đoạn bên công tố đưa các nhân chứng của họ ra để giải trình, trong đó có một quan chức của Việt Nam và viên cảnh sát đã bắt ông Y Quynh.

Ông Y Quynh Bdap, thành viên sáng lập của tổ chức Người Thượng Vì Công Lý (MSFJ), người đưa gia đình sang Thái Lan tị nạn từ năm 2018 và được Cao uỷ Liên Hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR) cấp quy chế, bị Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan bắt giữ ngày 11/6 vừa qua vì cáo buộc “lưu trú quá hạn.”

Bà Nadthasiri Bergman, luật sư của ông Y Quynh cho phóng viên của RFA biết rằng, viên cảnh sát Thái Lan trực tiếp bắt giữ bị cáo nói trong phiên điều trần hôm 19/8 khẳng định “không có lựa chọn nào khác ngoài việc bắt Y Quynh vì có lệnh bắt giữ ông.”

Bà Bergman cũng cho hay, do nhà hoạt động người Thượng không có giấy tờ tùy thân khiến ông phải chịu thêm cáo buộc “lưu trú quá hạn” và phiên toà xử về việc này diễn ra vào ngày 20/8.

Đại diện của Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng (C10) trực thuộc Bộ Công an Việt Nam có mặt với tư cách là nhân chứng của công tố viên đã nói với tòa rằng, các trại giam ở Việt Nam tôn trọng nhân quyền, đối xử với tù nhân một cách văn minh với việc cho phép người thân đến thăm định kỳ.

Mặc dù phiên điều trần kéo dài từ 2 giờ chiều đến tận 10 giờ tối của ngày thứ Hai, thân chủ người Việt có rất ít thời gian để tự bào chữa.

Luật sư cũng cho biết thêm, hai phiên điều trần tiếp theo của bị cáo và ba nhân chứng của bị cáo sẽ được tổ chức vào ngày 30/8 và ngày 2/9 tới đây.

Trước đó, trong ngày 1/8, Toà Hình sự đã tổ chức phiên điều trần mà ông Y Quynh Bdap không được đưa đến phòng xử án để tham dự trực tiếp mà qua màn hình từ phòng giam ở Nhà tù Remand Bangkok. Do sự phản đối của bị cáo mà toà hoãn lại và tổ chức trong ngày hôm sau.

Trong phiên điều trần ngày hôm sau, ông Y Quynh Bdap được đưa đến phòng xử án, cả chân và tay của ông bị còng mặc dù tổ chức phi chính phủ Quỹ Giao thoa Văn hóa (Cross Cultural Fund) một ngày trước đã gửi thỉnh nguyện thư cho toà để phản đối việc còng chân và tay ông vì cho rằng như vậy là “đối xử vô nhân đạo với bị cáo.”

Tổ chức ICJ nói Y Quynh Bdap bị kết tội “khủng bố” một cách không công bằng

Vào ngày 16/8/2024, Ủy ban Luật gia Quốc tế (ICJ) đã đệ trình một bản tóm tắt pháp lý lên Tòa án Hình sự Bangkok và kêu gọi không cho phép Việt Nam dẫn độ nhà hoạt động Y Quynh Bdap vì ông bị tòa án của Việt Nam kết tội một cách không công bằng.

Cho dù Thái Lan và Việt Nam chưa ký hiệp định dẫn độ tội phạm, phía Hà Nội vẫn đề nghị Bangkok cho phép dẫn độ ông Y Quynh Bdap về nước. Thực tế, Cảnh sát Thái Lan thừa nhận bắt giữ nhà hoạt động nhân quyền này theo yêu cầu từ phía Việt Nam.

Theo ICJ, mục đích của việc dẫn độ là buộc ông Y Quynh Bdap chấp hành bản án 10 năm tù về “khủng bố” theo Điều 299 Bộ luật Hình sự Việt Nam, do Tòa án Nhân dân Đắk Lắk tuyên án vắng mặt trong phiên toà ngày 20/1 năm nay, vì cho rằng ông có liên quan đến vụ tấn công vào trụ sở công an của hai xã ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk vào ngày 11/6/2023 làm chín người đã thiệt mạng và hai người bị thương.

Ông Y Quynh Bdap khẳng định rằng ông đang ở Thái Lan vào thời điểm đó và phủ nhận mọi liên quan đến vụ tấn công.

ICJ nhắc lại ý kiến của một số chuyên gia nhân quyền độc lập của Liên Hiệp quốc về phiên toà mà ông Y Quynh Bdap bị xét xử vắng mặt, rằng đó là phiên xử không đáp ứng được các bảo đảm về xét xử công bằng theo luật pháp quốc tế, vì ông không được tự bào chữa do bị xử vắng mặt và cũng không có luật sư bào chữa trong phiên toà.

ICJ cũng kêu gọi Thái Lan duy trì nguyên tắc không gửi trả, bảo đảm rằng Thái Lan không dẫn độ một người sang một quốc gia khác khi có căn cứ đáng kể để tin rằng cá nhân đó sẽ gặp nguy cơ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, chẳng hạn như tra tấn hoặc cưỡng bức mất tích.

Văn bản của ICJ nêu rõ bằng chứng chứng minh rằng có căn cứ đáng kể để tin rằng ông Y Quynh Bdap sẽ có nguy cơ bị tra tấn, ngược đãi khác hoặc các tác hại không thể khắc phục khác nếu bị dẫn độ về Việt Nam, nơi vấn nạn tra tấn và đối xử vô nhân đạo xảy ra một cách có hệ thống mà chỉ có một số ít những kẻ thực hiện bị trừng phạt cho dù Hà Nội đã phê chuẩn Công ước chống tra tấn (CAT) từ năm 2015.

Related posts