Việt Mỹ bàn về hòa giải và hàn gắn vết thương chiến tranh

Trong hai ngày 11 và 12 tháng 10 / 2022, Viện Hòa Bình Hoa Kỳ (United States Institute of Peace – USIP) tổ chức hội thảo “Đối thoại về những di sản chiến tranh và hòa bình ở Việt Nam, Lào và Campuchia”. Mục đích của hội thảo này là thúc đẩy giáo dục công và đối thoại giữa hai chính phủ và nhân dân Việt Nam và Hoa Kỳ nhằm hòa giải và khắc phục hậu quả chiến tranh. 

USIP đã mời các học giả nghiên cứu ở các trường đại học, các nhà hoạt động xã hội dân sự và các quan chức chính phủ hai nước tham dự và phát biểu. 

“Hàn gắn vết thương chiến tranh”

Chủ đề của phiên họp toàn thể ngày đầu tiên của hội thảo là “Hàn gắn vết thương chiến tranh”. Trợ lý Điều hành của Văn phòng Châu Á, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ Michael Schiffer cho rằng hàn gắn vết thương chiến tranh là một cuộc hành trình dài. Hậu quả chiến tranh không kết thúc khi chiến tranh kết thúc. Cuộc hàn gắn tổn thương chiến tranh có thể cũng đau đớn và những chấn thương tinh thần có truyền lại qua nhiều thế hệ. Những di sản chiến tranh ảnh hưởng đến thân thể, tinh thần, tình bạn và nền chính trị của tất cả chúng ta. 

Đại diện cho tiếng nói của Nhà nước Việt Nam, cựu Đại sứ Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng cuộc hòa giải và hàn gắn vết thương chiến tranh từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ không chỉ do quan chức chính phủ hai nước thưc hiện mà còn nhờ nỗ lực của “xã hội dân sự”. Bà cho rằng “bình thường hóa quan hệ” là bước đầu tiên rồi mới thực hiện được bước thứ hai là “hòa giải”. Bà cựu Đại sứ cho rằng “hòa giải” là khái niệm “nhạy cảm” với một số người trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Cuộc hòa giải của hai nước Việt – Mỹ, theo bà, “thật không may, bị cản trở bởi một số người Mỹ gốc Việt thiếu linh hoạt”. Bà kể về những người Mỹ gốc Việt trở về quê cũ để kinh doanh và coi đó là như là tấm gương. 

Jed Royal, đại diện cho Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, điểm lại những thành tựu của chính phủ hai nước trong việc giải quyết hậu quả chiến tranh, như làm sạch ảnh hưởng của chất độc màu da cam, rà gỡ bom mìn còn sót lại, tìm kiếm cựu binh Mỹ và cựu binh Bắc Việt mất tích trong chiến tranh và cuối cùng nêu những triển vọng phát triển trong hiện tại và tương lai. 

AP18135006502183.jpg
Tàu chở hàng đưa những người tị nạn Việt Nam lên khi họ chạy khỏi Đà Nẵng hôm 1/4/1975. AP

Những cách nhìn khác về hòa giải 

Là diễn giả tại hội thảo, GS. Alex Thái Võ (Trung tâm Việt Nam học, Đại học Kỹ thuật Texas) cho rằng không thể bàn về hòa giải Việt Mỹ trong khi vờ như không nhìn thấy những nạn nhân Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) của cuộc chiến và những chấn thương tinh thần thời hậu chiến của họ. Người ta thảo luận với nhau có bao nhiên binh sỹ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) và Hoa Kỳ đã chết và mất tích trong chiến tranh, nhưng không ai quan tâm có bao nhiêu binh sỹ  VNCH đã mất tích trong cuộc chiến đó. 

Bản chất của cuộc chiến 1954 – 1975, GS. Alex Thái Võ phân tích, là một cuộc nội chiến giữa những người Việt Nam khi xung đột về hai tầm nhìn khác nhau xây dựng đất nước Việt Nam sau khi chủ nghĩa thực dân kết thúc. Một bên đi theo con đường con đường cộng sản và bên kia nỗ lực tìm cách xây dựng thể chế dân chủ, tự do, thị trường. Những người Cộng sản ở Miền Bắc đã mạ lị những người khác biệt chính kiến ở Miền Nam là “phản quốc”, “tay sai”, sử dụng chủ nghĩa dân tộc để loại trừ những người đối lập. Đến nay chiến tranh đã kết thúc gần 50 năm những những tuyên truyền và giáo dục thóa mạ như vậy vẫn không thay đổi. Làm sao cộng đồng người Mỹ gốc Việt có thể chủ động tự mình hòa giải với Chính phủ Việt Nam, khi mà “bên thắng cuộc” vẫn chưa thay đổi chính sách và tuyên truyền thù nghịch với cha ông họ?  

Ông Tuấn Tôn, một thính giả của hội thảo, cho biết có nhiều người đã nỗ lực đi tìm thi thể của người thân và đồng đội VNCH mất tích trong chiến tranh hoặc chết trong các trại cải tạo nhưng bị cản trở và không được hỗ trợ. Lý do là cách thức vận hành của hệ thống chính quyền và tâm lý thù địch khiến không có một cá nhân nào trong bộ máy nhà nước ở Việt Nam ngày nay thực sự có đủ lòng dũng cảm và động lực quan tâm giúp tìm kiếm những người đồng bào Việt một thời bên kia chiến tuyến đã bị mất tích hoặc chết trong các trại cải tạo. Trong khi đó, chính phủ hai nước Hoa Kỳ và Việt Nam ngày nay thì có động cơ, động lực để giúp tìm hài cốt binh lính Mỹ và VNDCCH mất tích trong chiến tranh. 

Một diễn giả của hội thảo, ông Phillip Nguyễn, đến từ tổ chức dân sự Viet Benevolence Foundation ở Mỹ, cho rằng cần tránh cách nhìn cho rằng hòa giải Việt Nam và Hoa Kỳ có thể thực hiện được mà không cần quan tâm đến những người lính Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh cũng như những chấn thương tinh thần mà những người VNCH đã chịu đựng sau cuộc chiến. Rất nhiều người VNCH đã chết trong các trại cải tạo sau cuộc chiến mà gia đình vẫn chưa nhận được thi thể họ. 

Cộng đồng người Mỹ gốc Việt và chính phủ Việt Nam khác nhau như nước và dầu hỏa – ông Phillip Nguyễn giải thích cách nhìn của mình về hòa giải bằng một ẩn dụ như vậy. Người ta lâu nay bàn về hòa giải theo cách giống như trộn nước và dầu hỏa với nhau, lắc lắc cho chúng hòa tan vào nhau. Nhưng do bản chất của hai loại chất chất lỏng này, chỉ cần ngưng lắc, dầu hỏa và nước lại tự động tách rời khỏi nhau. Con đường để đi đến hòa giải đích thực, theo ông Phillip Nguyễn, là phải tạo ra được một chất xúc tác, pha vào nước và dầu hỏa, làm cho nước và dầu hỏa có thể hòa tan vào trong nhau. Để hòa giải đích thực, cần có một cuộc tiến hóa như vậy. Theo ông Phillip Nguyễn, các quan chức chính phủ hai nước Việt Mỹ phải nhìn thẳng vào sự thật đó để cuộc hành trình đi đến hòa giải có thể có kết quả đích thực. 

Related posts