Việt Nam bác bỏ khuyến nghị “chấm dứt trả thù người hợp tác với LHQ”

Chính phủ Việt Nam chấp nhận gần 80% trong tổng số 320 khuyến nghị của các nước sau Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) lần thứ 4 vừa qua, tuy nhiên lại từ chối các khuyến nghị quan trọng liên quan đến quyền cơ bản của con người, trong đó có khuyễn nghị về sửa đổi Luật Tôn giáo và Tín ngưỡng hay ngừng trả đũa những người cộng tác với các cơ quan của Liên Hiệp quốc.

Hôm 27/9, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt thay mặt phái đoàn Việt Nam tuyên bố chấp nhận 253 khuyến nghị, chấp nhận một phần 18 khuyến nghị, và không chấp nhận 49 khuyến nghị còn lại.

Trong bài phát biểu của mình trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc (LHQ) tại Geneva, ông Việt nói rằng Chính phủ chỉ chấp nhận các khuyến nghị phù hợp với các ưu tiên và kế hoạch của Hà Nội và tương thích với Hiến pháp và luật pháp của Việt Nam, và có tính khả thi trong phạm vi các nguồn lực và khả năng hiện có của đất nước.

Ông cũng tuyên bố không thể chấp nhận các khuyến nghị hoặc một phần khuyến nghị mà Hà Nội tin rằng không khả thi trong khung thời gian thực tế.

Lấy ví dụ về khuyến nghị của Hoa Kỳ đề nghị chấm dứt việc cưỡng ép từ bỏ đức tin đối với các thành viên của các nhóm tôn giáo chưa đăng ký và sửa đổi Luật Tôn giáo và Tín ngưỡng để phù hợp với các nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam, ông Việt nói thực tế ở Việt Nam, một luật chỉ được xem xét lại sau ít nhất 10 năm thực hiện trong khi luật này mới được thông qua vào năm 2016 và có hiệu lực từ 2018.

Tuy nhiên, ông nói rằng Việt Nam “để ngỏ khả năng xem xét lại chúng khi thích hợp.”

Giới hoạt động nói gì?

Cựu tù nhân lương tâm Lê Anh Hùng, người từng bị kết án 5 năm tù giam về tội danh “lợi dụng quyền tự do dân chủ,” nói ông không bất ngờ về việc Việt Nam không chấp nhận nhiều khuyến nghị quan trọng về nhân quyền trong dịp UPR vừa qua. 

Ông nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 04/10:

“Đồng ý hay không đồng ý khuyến nghị của cộng đồng quốc tế thì nó cũng không mang nhiều ý nghĩa bởi vì ngay cả khi chính quyền Việt Nam chấp nhận các khuyến nghị thì chưa chắc họ đã thực thi trong thực tế, tức là họ vẫn nói một đằng làm một nẻonhư từ trước đến nay.”

Theo ông, nhà cầm quyền Việt Nam bỏ tù hàng trăm người chỉ vì họ đã thực thi các quyền cơ bản ghi trong Hiến pháp 2013, tức là chính quyền độc đảng đã vi phạm chính bộ luật cao nhất của mình, thì sẽ không chấp nhận những khuyến cáo của các quốc gia khác.

Tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng, Trưởng ban Điều hành của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, cho biết trong số 49 khuyến nghị mà Việt Nam không chấp nhận thì có sáu khuyến nghị quan trọng nhất liên quan đến quyền dân sự và chính trị.

Đó là khuyến nghị chấm dứt trả thù người cộng tác với LHQ về nhân quyền (khuyến nghị 34); bảo đảm quyền tự do ngôn luận, lập hội và hội họp ôn hoà cũng như chấm dứt việc bắt giữ tuỳ tiện người hoạt động nhân quyền, bất đồng chính trị và nhà báo; bảo đảm môi trường hoạt động cho xã hội dân sự; trả tự do cho người thực thi quyền con người và bảo đảm quyền được xét xử công bằng.

Trong văn bản giải trình việc từ chối chấp nhận các khuyến nghị này, Việt Nam nói “một số khía cạnh hoặc yếu tố của một số khuyến nghị cho thấy không nhất quán với luật pháp và hoàn cảnh của Việt Nam, cản trở việc chấp nhận và thực hiện chúng” và “một số khuyến nghị không phản ánh thực tế tại Việt Nam hoặc chứa đựng những đánh giá không chính xác và vô căn cứ về tình hình tại Việt Nam.”

Tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng bình luận về giải thích của Hà Nội:

Khi họ nói rằng là những đề nghị đó không phù hợp vi luật pháp của Việt Nam nghĩa là họ đã bác bỏ tính phổ quát của luật nhân quyền.

Họ nói khuyến nghị chứa đựng những đánh giá không chính xác và vô căn cứ, tự nhiên họ đã miệt thị những nước đã đưa ra khuyến nghị.”

Ông cho rằng chính quyền độc đảng ở Việt Nam không có thành ý sửa đổi luật pháp cho phép người dân thực thi các quyền này.

Báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 02/10 có bài viết nói rằng trong thời gian kể từ dịp UPR trước (2019) đến nay, Việt Nam có nhiều sự kiện chính trị trọng đại mang tính định hướng chiến lược đối với sự phát triển của đất nước, củng cố nền tảng cho việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

Theo đó, chính phủ cũng đã đề ra tầm nhìn và định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, trong đó xác định mục tiêu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nâng cao đời sống, quyền thụ hưởng của người dân, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người ở Việt Nam.

Theo tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), Việt Nam đang cầm tù 171 tù nhân chính trị và 21 người đang trong thời gian tạm giam chỉ vì thực thi các quyền con người cơ bản.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam khẳng định nước này không giam giữ hoặc trừng phạt người thực hiện các quyền con người và công dân “chỉ có thể bị giam giữ vì các tội hình sự và chỉ sau khi bị tòa án kết tội.”

Related posts