Cơ quan chức năng mới đây đòi cấm sóng, cấm biểu diễn… đối với các nghệ sỹ Việt có hành vi vi phạm pháp luật, Trung Quốc gọi đây là “phong sát.” Một số người cho rằng đó là biện pháp hà khắc, chặn đường mưu sinh và không cho phép nghệ sỹ sửa sai, số khác ủng hộ coi đây là biện pháp làm trong sạch môi trường văn hoá trong nước.
Mạng báo Thanh Niên hôm 22/12 trích dẫn thông tin đại diện Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đưa ra trong Hội nghị đánh giá kết quả hoạt động thông tin điện tử năm 2022, định hướng nhiệm vụ năm 2023 do Bộ Thông tin-Truyền thông (Bộ TT-TT) tổ chức trong cùng ngày.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trưởng phòng Thông tin điện tử cho biết, Bộ TT-TT trong năm 2022 đã đề xuất với Bộ Văn hoá-Thể thao-Du lịch xây dựng quy trình xử lý người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật (ca sỹ, nghệ sỹ…), nếu vi phạm pháp luật sẽ bị cấm sóng, cấm biểu diễn, cấm mạng.
Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, cho biết hiện nay chế tài xử phạt các vi phạm hành chính của nghệ sỹ trên môi trường mạng ở mức 5 triệu đến 15 triệu đồng.
Theo ông, mức xử phạt này chưa đủ sức răn đe với những người nổi tiếng, nhất là những nghệ sỹ có tác động ảnh hưởng lớn, và dù có tăng tiền xử phạt lên cũng không đủ sức răn đe.
Phong sát dự kiến sẽ được áp dụng trong năm 2023. Theo đó, các nghệ sỹ, người nổi tiếng vi phạm về phát ngôn hay quảng cáo sai phạm, ngoài xử phạt hành chính sẽ có các giải pháp khác, ví dụ như khóa kênh, cắt nguồn tiền quảng cáo và tới đây nữa sẽ là cắt sóng, cấm biểu diễn.
Qua tin nhắn cho Đài Á Châu Tự Do (RFA), cựu sỹ quan tình báo Vũ Minh Trí nói ông không tán thành những chế tài này.
“Mọi cá nhân đều bình đẳng pháp luật, ai vi phạm pháp luật thì phải chịu sự xử lí của các cơ quan có thẩm quyền. Văn nghệ sỹ cũng vậy.
Nhưng văn nghệ sỹ sống bằng việc biểu diễn, sáng tác… Cấm họ làm việc này tức là chặn đường mưu sinh của họ.
Đồng thời, việc này khiến cho họ không được đóng góp khả năng, tài năng… của mình cho xã hội.”
Đồng tình với ông Vũ Minh Trí là luật sư trẻ tên Bình ở Hà Nội (tên được thay đổi theo yêu cầu vì lý do an ninh). Theo vị luật sư này, nếu văn nghệ sỹ có sai phạm chưa đến mức xử lý hình sự thì “xử phạt hành chính bằng tiền là đủ, nhân vô thập toàn nên cần phải cho họ biết sai và sửa lỗi.”
“Cơ quan chức năng không nên và không cần thiết phải thực hiện chính sách gay gắt như vậy. Nếu thấy mức phạt hành chính hiện nay không đủ mức răn đe thì tăng lên 10-15 lần,” ông Bình nói.
Ông Bình cho rằng Luật xử lý vi phạm hành chính hiện hành không có hình thức cấm sóng, cấm biểu diễn như cơ quan chức năng mong muốn áp dụng. Do vậy, nếu muốn áp dụng phong sát, Việt Nam cần phải sửa luật này trước.
Ông nói rằng công chúng Việt Nam sẽ tự động tẩy chay đối với văn nghệ sỹ không giữ được tư cách đạo đức, và khi bị công chúng tẩy chay thì họ sẽ rất khó tiếp tục hành nghề. Ví dụ điển hình là các trường hợp đối với ca sỹ Hiền Hồ, Minh Béo…
Facebooker Phương Ngô, với hơn 60 ngàn người theo dõi trên mạng xã hội, là một trong số người ủng hộ áp dụng phong sát trong việc trừng phạt giới văn nghệ sỹ có hành vi vi phạm pháp luật, vô đạo đức.
Bà nói với RFA qua tin nhắn:
“Showbiz là nơi ươm mầm tài năng hay là cái ổ, cái động để phe nhóm/băng đảng của những thằng hề và tụi xướng ca tung hoành thác loạn?! Phát ngôn, múa may, biểu diễn như những thằng khùng hay con điên dẫn dắt gây tiêm nhiễm cả một thế hệ trẻ vô hồn vô học.”
“Cần lắm có những quy định/thông tư rõ ràng, nhất quán, hợp lý và công bằng,” bà nói.
Nghệ sỹ guitar Minh Khuê, hoạt động nghệ thuật trong 20 năm cho rằng:
“Tôi thấy vấn đề này hợp lý, mỗi một môi trường đều nên làm trong sạch hết sức, tự nhiên xã hội sẽ phát triển tốt hơn và đẹp hơn.”
Theo ông này, nghệ sỹ Việt Nam được tự do, nuông chiều quá nên họ tự cho mình là cái rốn vũ trụ, “không riêng ngành nghề này, kể cả cơ quan nhà nước, ai có chức quyền đều cho mình được đứng trên mọi người, pháp luật, nên nếu thực hiện việc phong sát một cách triệt để thì mới là xã hội phát triển thực sự, văn minh.”
Luật gia Trung ở Hà Nội (tên thay đổi vì lý do an ninh) cho rằng, khi áp dụng phong sát cần phải làm rõ nội hàm vi phạm pháp luật, vì bị xử phạt hành chính một vài trăm nghìn cho đến bị truy cứu trách nhiệm hình sự đều là vi phạm pháp luật.
Ông cho rằng vi phạm về lĩnh vực nào thì sẽ bị pháp luật về lĩnh vực đó điều chỉnh và do ngành quản lý về lĩnh vực đó xử lý chứ không phải nghệ sỹ có vi phạm pháp luật là ngành văn hoá hay Thông tin-Tuyên truyền có thể xử lý, cấm đoán họ mọi thứ được.
Ông cũng cho biết trên thực tế hiện nay dù chưa có quy định rõ ràng nhưng có nhiều nghệ sỹ đã bị cấm sóng, cấm biểu diễn dù chẳng có bất cứ quyết định của cơ quan có thẩm quyền nào, ví dụ như vụ Hồng Đăng, Hồ Hoài Anh hay vụ ngừng show diễn của các ca sỹ hải ngoại như Khánh Ly và Chế Linh.