Từ tháng 2/2025, khối Liên minh châu Âu (EU) sẽ chính thức áp dụng một số quy định về mức dư lượng tối đa (MRL) với nông sản Việt Nam nhập khẩu vào EU. Theo đó, các nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như cà phê, hồ tiêu, gạo, sầu riêng, chuối, xoài, và các loại rau như hành, tỏi, ớt… sẽ có nguy cơ bị ảnh hưởng. Thông tin trên được Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam – SPS Việt Nam công bố hôm giữa tháng 8/2024.
Cơ hội và thách thức
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương từ năm 1993 đến năm 2002, nhận định với RFA hôm 21/08/2024 rằng, đây là những cơ hội và cũng là thách thức đối với nông sản Việt Nam. Và điều đó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến các hộ nông sản xuất nhỏ lẻ. Ông lý giải:
“Việt Nam rất chú ý đến việc này. Tuy vậy khó khăn của Việt Nam là chúng ta có nhiều hộ nông dân sản xuất quy mô nhỏ, vì vậy cho nên việc tuân thủ các quy định đó về mặt công nghệ, về mặt kỹ thuật đòi hỏi phải đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn cho người nông dân và liên kết người nông dân lại, để họ gắn kết với các doanh nghiệp. Trên cơ sở đó mới có thể thực hiện việc xuất khẩu theo đúng các tiêu chuẩn của các nước như là họ đang đòi hỏi.”
Khó khăn của Việt Nam là chúng ta có nhiều hộ nông dân sản xuất quy mô nhỏ, vì vậy cho nên việc tuân thủ các quy định đó về mặt công nghệ, về mặt kỹ thuật đòi hỏi phải đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn cho người nông dân.
-Tiến sĩ Lê Đăng Doanh
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói thêm:
“Việt Nam đã có tiến bộ vượt bậc trong xuất khẩu nông sản. Từ một nước có nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, phải nhập khẩu gạo, nhập khẩu lương thực… thì bây giờ Việt Nam là một nước xuất khẩu gạo và xuất khẩu nông sản. Tuy vậy thị trường nông sản trên thế giới rất cạnh tranh và có nhiều biến động. Cho nên Việt Nam cần phải xuất khẩu phù hợp với 18 Hiệp định Thương mại Tự do FTA mà Việt Nam đã ký kết, phải tuân thủ các quy định rất chặt chẽ về vệ sinh an toàn thực phẩm và các quy định kỹ thuật khác.”
Chủ một vườn trồng trái cây ở Tiền Giang không muốn nêu tên vì lý do an toàn, hôm 21/8 nói với RFA:
“Tôi nghĩ đó (EVFTA) cũng là cơ hội để doanh nghiệp làm ăn có lợi nhuận cao hơn ở thị trường châu Âu và đồng thời nó cũng là một thách thức. Trước đây khi chúng tôi làm sang thị trường châu Âu không có đòi hỏi phải xây dựng mã code vùng nguyên liệu. Nhưng hiện tại thì chúng tôi đang vướng cái đó, nếu có vùng nguyên liệu rõ ràng, truy xuất được nguồn gốc thì chúng ta mới sang được bên châu Âu. Đó cũng là những thách thức mà nếu chúng ta tháo gỡ được thì tôi nghĩ chắc chắn doanh nghiệp sẽ có lợi hơn.”
Cần sự liên kết & kiểm tra độc lập
Nông sản xuất khẩu của Việt Nam không chỉ đối diện với nguy cơ bị hạn chế khi xuất khẩu sang EU, mà sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc theo Thương vụ Việt Nam tại nước này, cũng giảm rõ rệt thời gian gần đây.
Về những khó khăn đối với việc xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận định thêm:
“Trung Quốc năm nay tăng trưởng chậm và sức mua giảm sút, sức mua tại thị trường nội địa của Trung Quốc cũng giảm sút… Vì vậy cho nên xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc có mặt hàng rất tốt như sầu riêng hay những mặt hàng nông sản, thủy sản khác… nhưng cũng có các mặt hàng thì hiện nay sức mua của thị trường Trung Quốc giảm sút. Các nhà xuất khẩu Việt Nam cần phải tìm hiểu và liên kết chặt chẽ với các nhà nhập khẩu Trung Quốc, để xuất khẩu đúng nhu cầu của thị trường.”
Theo Bộ Công thương, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản là ba thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong năm 2023. Giá trị xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng 23,1%. Châu Âu chiếm thị phần 10,1%, đạt 5,34 tỷ USD.
Tiến sĩ Lê Thanh Hòa – Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam – trong bài viết trên trang chủ của cơ quan này cho biết, EU đặc biệt chú trọng đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm đạt chuẩn, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật… Do đó theo ông Hòa, trước khi xuất khẩu sang EU, các doanh nghiệp phải tập trung kiểm nghiệm, kiểm soát về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật để tránh việc hàng sang đến EU phải tiêu hủy hoặc trả về.
Các sản phẩm nông nghiệp phải đạt chất lượng của các nước tiên tiến và đồng thời phải có giá thành hợp lý để có thể thu hút người mua.
-Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ
Chuyên gia Kinh tế đang làm việc tại EU – Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, hôm 21/8/2024 khi trả lời RFA từ Na Uy nhận định:
“Nông sản Việt Nam đang đối mặt với hai vấn đề khi cạnh tranh trong thị trường quốc tế đó là chất lượng và giá thành. Các sản phẩm nông nghiệp phải đạt chất lượng của các nước tiên tiến và đồng thời phải có giá thành hợp lý để có thể thu hút người mua.”
Muốn giải quyết vấn đề này thì theo Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ, trước hết chính quyền cần thiết lập một cơ quan phụ trách canh tân nông nghiệp. Cơ quan này sẽ chịu trách nhiệm giúp nông dân cải thiện chất lượng sản phẩm, năng suất nông nghiệp, và thương mại hoá sản phẩm. Cơ quan này, do đó sẽ gồm nhiều chuyên gia ở các lĩnh vực làm việc cùng nhau. Bước tiếp theo là cơ quan này nên mời đại diện các hợp tác xã nông nghiệp và những doanh nghiệp nuôi trồng tiêu biểu đến để trình bày những mong muốn và những khó khăn của họ. Ông Vũ nói tiếp:
“Cơ quan canh tân nông nghiệp song song đó cũng phải thuê các chuyên gia nông nghiệp ở các nước tiên tiến tới để tham vấn về các giải pháp, các công nghệ tiên tiến. Chính quyền thông qua cơ quan canh tân nông nghiệp sau đó sẽ có các khoản trợ giúp tài chính để hỗ trợ các nhà đầu tư nông nghiệp cải thiện quy trình trồng trọt, thu hoạch, và xuất khẩu nông sản. Và cuối cùng, một sản phẩm muốn xuất đi nước ngoài cần phải vượt qua một vòng kiểm tra chất lượng sản phẩm bởi một cơ quan an toàn thực phẩm độc lập của Việt Nam.
Có như vậy theo Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ, hàng hoá Việt Nam mới đảm bảo chất lượng để xuất đi các nước có uy tín.