Việt Nam chủ trương sống chung với dịch hay sống chung với vi-rút COVID-19?

Chủ trì cuộc họp ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 với hơn 1.000 xã, phường, thị trấn tại 20 địa phương vào sáng 29/8 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có một phát biểu đáng lưu ý: 

Chúng ta đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh, song cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp.”[1]

Đây là lần đầu tiên, một cách chính thức, Thủ tướng phát biểu chủ trương “sống chung lâu dài với dịch bệnh”, sau khi chủ trương trước đó mà Chính phủ theo đuổi là đẩy lùi dịch bệnh đã tỏ ra bất khả thi.

“Sống chung với dịch bệnh” (hay ngắn gọn hơn là “sống chung với dịch”) không phải là một cụm từ mới, mà là một cụm từ quen thuộc đối với nhiều người đọc báo mạng thời gian qua. 

Theo cùng cách hiểu, hàng loạt báo mạng sử dụng cụm từ này để chỉ chung các nơi trên thế giới mà nhiều hoạt động của cuộc sống được tái diễn bình thường trong khi COVID-19 chưa kết thúc.

Các báo mạng không (hay dường như không) phân biệt bối cảnh của các quốc gia, khu vực mà họ gọi là “sống chung với dịch”. Theo đó, một quốc gia trong tình trạng thích hợp cho việc tái diễn các hoạt động bình thường của cuộc sống, như Israel (với hơn 70% công dân trên 12 tuổi đã được tiêm vắc-xin đầy đủ), hay một quốc gia trong tình trạng rất khác, như Thái Lan, cũng đều được gọi, hay có thể được gọi là “sống chung với dịch”.[2][3]

Cách các báo mạng này sử dụng cụm từ, bất kể bối cảnh, cho dù là chủ động lựa chọn (do cách hiểu riêng) hay thụ động tiếp nhận (do diễn đạt lại báo chí nước ngoài (chưa biết có chính xác hay không)) là có vấn đề và dẫn đến ngộ nhận. 

Nói về cụm từ này, TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright, đã chỉ ra những điểm xác đáng trong một bài viết ngắn gọn của mình[4] như sau:

1. Sống chung với dịch và sống chung với vi-rút COVID-19, về bản chất, là khác nhau.

2. Các quốc gia Singapore và Australia, vốn được một bộ phận báo chí và người dân xem là sống chung với dịch, không hề chủ trương điều này, mà chủ trương vượt qua đại dịch để sống chung với vi-rút COVID-19.

3. Sống chung với vi-rút COVID-19 là một hiện thực khách quan (vì vi-rút này không thể bị tiêu diệt hoàn toàn) nhưng chỉ có thể sống chung với nó một cách bình thường khi COVID-19 không còn là đại dịch, khi đa số người dân đã được tiêm vắc-xin, và khi bệnh viện không bị quá tải bởi bệnh nhân COVID-19. 

Mặc dù TS. Vũ Thành Tự Anh không phân tích rõ sự khác biệt giữa “sống chung với dịch” và “sống chung với vi-rút COVID-19”, song qua các điểm nêu trên, người đọc trung bình có thể hiểu được sự khác biệt này.

Sống chung với dịch là sống chung với một bệnh truyền nhiễm đã và đang là đại dịch toàn cầu.

Sống chung với vi-rút COVID-19 là sống chung với vi-rút gây bệnh COVID-19, và bệnh này, trong bối cảnh được kiềm chế (như khi không còn khả năng lây lan rộng do đa số người dân đã được tiêm vắc-xin) đã không còn là đại dịch.

Với sự phân biệt nêu trên, rõ ràng “sống chung với dịch” rất khác với “sống chung với vi-rút COVID-19”, và cụm từ thứ nhất cần được thay thế bởi cụm từ thứ hai trong những bối cảnh phù hợp.

Giữa “sống chung với dịch” hay “sống chung với vi-rút COVID-19” cho dù khởi đầu là sự khác biệt về từ ngữ, nhưng hệ quả tiếp nối là sự sai lệch trong nhận thức của người dân. 

Và một khi sự sai lệch về nhận thức ở mức độ phổ biến, thậm chí lên đến giới lãnh đạo của quốc gia, thông qua các chính sách, chủ trương, hệ quả có thể là nhiều người hơn sẽ phải trả giá bằng mạng sống.

_________________________

Chú thích:

[1] Thủ tướng: Xác định sống chung lâu dài với dịch, không thể khống chế tuyệt đối
https://vneconomy.vn/thu-tuong-xac-dinh-song-chung-lau-dai-voi-dich-khon…

[2] Israel chọn chiến lược ‘chế áp mềm’ COVID-19 với biến thể Delta
https://baotintuc.vn/the-gioi/israel-chon-chien-luoc-che-ap-mem-COVID19-…

[3] Thái Lan nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch từ 1/9
https://vtv.vn/the-gioi/thai-lan-noi-long-cac-bien-phap-phong-chong-dich…

[4] Sống chung với đại dịch COVID-19, đúng hay sai?
https://vov.vn/xa-hoi/song-chung-voi-dai-dich-COVID-19-dung-hay-sai-8729…

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Related posts