Việt Nam có đại diện Giáo hoàng thường trú đầu tiên kể từ sau chiến tranh

Vatican và Việt Nam đồng ý có một Đại diện Giáo hoàng thường trú tại Hà Nội, thông cáo chung cho biết hôm 27/7, một bước tiến trong nhiều năm để có thể dẫn đến quan hệ ngoại giao đầy đủ với quốc gia do cộng sản điều hành và cung cấp một mô hình cho mối quan hệ với Trung Quốc.

Thông tin trên được công bố ngay sau khi Giáo hoàng Francis tiếp Chủ tịch Việt Nam Võ Văn Thưởng trong một buổi tiếp kiến riêng.

Trang Vatican News hôm 28/7 dẫn thông cáo chung của hai bên cho biết, “với mong muốn tiếp tục thúc đẩy các quan hệ song phương, hai bên chính thức thông báo rằng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Tòa thánh đã ký kết ‘Thỏa thuận về Quy chế của Đại diện Thường trú của Tòa Thánh và về Văn phòng Đại diện Thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam’.”

Thông cáo cho biết thêm, “các bên bày tỏ sự đánh giá cao về những tiến triển đáng kể trong các quan hệ giữa Việt Nam và Tòa Thánh cũng như những đóng góp tích cực của cộng đồng Công giáo Việt Nam cho đến nay.”

Linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong thuộc Dòng Chúa Cứu Thế ở Hà Nội trong cùng bày tỏ trên Facebook: “Đề nghị Nhà nước Việt Nam trả lại Tòa Khâm sứ số 42, Nhà chung Hà Nội, để Tòa Thánh làm văn phòng đại diện!”

Đây là khu đất thuộc quyền quản lý của Tổng giáo phận Hà Nội, tuy nhiên năm 1961, UBND TP Hà Nội thu hồi khu đất này cùng hai khối nhà tầng, cho tới tháng 10 năm 2008, khu đất này được chuyển thành vườn hoa Hàng Trống, và tòa nhà đổi thành Thư viện Quận Hoàn Kiếm. 

Theo một quan chức cấp cao của Tòa thánh, Vatican đã chính thức nhưng riêng tư yêu cầu Trung Quốc cho phép một đại diện Giáo hoàng thường trú tại Bắc Kinh.

Các quan chức Vatican hy vọng rằng sự chấp nhận của Việt Nam có thể giúp thuyết phục Bắc Kinh làm điều tương tự, các nhà ngoại giao nói với Reuters.

Mối quan hệ giữa Vatican và Trung Quốc trở nên khó khăn kể từ một thỏa thuận vào năm 2018 về việc bổ nhiệm các giám mục mà Vatican cho biết Trung Quốc đã vi phạm nhiều lần, một văn phòng với một đại diện ở Bắc Kinh có thể tránh được những vấn đề trong tương lai.

2023-07-27T161616Z_2098541657_RC2PB2A11AE0_RTRMADP_3_VATICAN-VIETNAM.JPG
Phái đoàn của Chủ tịch Việt Nam Võ Văn Thưởng gặp Đức Giáo Hoàng Francis tại Vatican hôm 27/7/2023. Ảnh: Reuters

Việt Nam đã cắt đứt quan hệ với Vatican sau khi cộng sản tiếp quản đất nước vào cuối Chiến tranh Việt Nam năm 1975. Chính quyền khi đó coi Giáo hội Công giáo ở Việt Nam có lịch sử quá gần gũi với cựu thực dân Pháp.

Các phần của tuyên bố chung lặp lại những lập luận mà Vatican đã sử dụng để cố gắng thuyết phục Trung Quốc tiến tới các mối quan hệ, chẳng hạn như năng lực của người Việt Nam để trở thành “người Công giáo tốt và công dân tốt”, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Việt Nam có gần 7 triệu người Công giáo, chiếm khoảng 6,6% dân số 95 triệu người.

Hiến pháp của Việt Nam cho phép tự do tôn giáo và các phương tiện truyền thông của chính phủ đã bác bỏ những lời chỉ trích từ các nhóm như Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCRIF), một cơ quan giám sát của quốc hội đã xếp Việt Nam vào danh sách “các quốc gia cần quan tâm đặc biệt”.

Trên thực tế, theo ghi nhận của Đài Á Châu Tự Do, các chính quyền ở trung ương và địa phương dùng các biện pháp khác nhau để vi phạm quyền tự do tôn giáo, nhất là các nhóm độc lập không đồng ý với sự quản lý của các nhóm tôn giáo do nhà nước lập ra. 

Ngay cả các tôn giáo chính thống như Tin lành hay Công giáo cũng gặp rất nhiều khó khăn khi truyền đạo và sinh hoạt tôn giáo ở các vùng Tây Nguyên hay vùng núi phía Bắc nơi có sự sinh sống của người Thượng, người Hmong… 

Đại diện hiện tại của Giáo hoàng tại Việt Nam, Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski, có trụ sở tại Singapore, nơi ông là Sứ thần Tòa thánh (đại sứ). Ông được phép thỉnh thoảng sang thăm và làm việc tại Việt Nam với sự chấp thuận của chính phủ. Không rõ ai sẽ là đại diện mới ở Hà Nội.

Related posts