Việt Nam có thực sự ‘chọn chính nghĩa, không chọn phe’?

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính mới đây lại lập lại phát biểu: ‘Chúng ta không chọn bên mà chọn công lý và lẽ phải, ủng hộ các vấn đề vì hòa bình, ổn định.’

Ông Phạm Minh Chính lập lại phát biểu như vừa nêu khi trả lời chất vấn trước Quốc hội về chính sách, đường lối đối ngoại của Việt Nam hôm 7/11/2022.

Theo ông Thủ tướng Việt Nam, quan điểm đối ngoại của Việt Nam nhằm giữ độc lập, tự chủ nhưng vẫn đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện…

Một chuyên gia về quan hệ quốc tế không muốn nêu tên vì lý do an toàn nhận định với RFA hôm 8/11/2022:

“Về mặt lý thuyết cho đến bây giờ Việt Nam vẫn không chọn bên, nhưng qua một số hành động như đón tiếp ngoại trưởng Nga, những tuyên bố về phía Nga, hay chuyến đi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Trung Quốc… cho thấy Việt Nam vẫn ưu tiên mối quan hệ với Nga và Trung Quốc nhiều hơn so với Mỹ và Phương Tây. Đương nhiên là Việt Nam không đứng về phía nào hẳn, không nghiên hẳn về phía Trung Quốc và Nga. Ví dụ trên thế giới hiện có hai phe, một bên là Mỹ, Phương Tây và một bên là Nga – Trung Quốc, thì có lẽ Việt Nam vẫn ưu tiên nghiên về Nga – Trung Quốc nhiều hơn.”

Việt Nam không đứng về phía nào hẳn, không nghiên hẳn về phía Trung Quốc và Nga. Ví dụ trên thế giới hiện có hai phe, một bên là Mỹ, Phương Tây và một bên là Nga – Trung Quốc, thì có lẽ Việt Nam vẫn ưu tiên nghiên về Nga – Trung Quốc nhiều hơn.
-Chuyên gia về quan hệ quốc tế

Tổng bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng vừa có chuyến thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 30/10 đến ngày 02/11/2022, mà truyền thông nhà nước ca ngợi là ‘thành công tốt đẹp’ và mang tính ‘lịch sử’.

Kết thúc chuyến thăm, hai nước cũng đã ký Bản Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc 2022. Được tác giả Trương Nhân Tuấn trong bài viết đăng trên Báo Tiếng Dân đánh giá là đánh dấu sự chuyển mình của Trung Quốc trong thế trận cạnh tranh với Mỹ và Tây phương về ý thức hệ và mô hình phát triển.

Theo ông Trương Nhân Tuấn, Việt Nam đã chấm dứt chính sách ‘đu dây’ từ sau khi Liên Xô sụp đổ. Chính sách này chỉ có thể áp dụng nếu có hai trụ cột như Liên Xô và Trung Quốc ngày trước. Khi đó Việt Nam thay phiên về phía một trong hai nước này để được tăng cường viện trợ.

Ông Tuấn cho rằng Việt Nam hiện không hề có chính sách ‘đu dây’ giữa Trung Quốc và Mỹ. Vì Mỹ không phải là một ‘trụ cột’ và Trung Quốc cũng vậy.

Vị chuyên gia về quan hệ quốc tế nhận định thêm:

“Việt Nam cố gắng sử dụng quan hệ một cách thực dụng nhất. Đối với quan hệ với Nga thì Nga có nhiều lợi ích đối với Việt Nam. Trong đó thứ nhất là vũ khí, khoảng 80% vũ khí của Việt Nam chủ yếu mua từ Nga. Cho nên Việt Nam cần phải giữ mối quan hệ với Nga. Thứ hai là những hoạt động khai thác dầu khí liên doanh với Nga ở khu vực biển Đông. Thứ ba là cộng đồng người Việt Nam ở Nga, cho nên Việt Nam vẫn duy trì mối quan hệ với Nga và nó vẫn mang lại lợi ích cho Việt Nam.”

Còn đối với Trung Quốc theo vị chuyên gia này thì trong chuyến đi vừa rồi của ông Nguyễn Phú Trọng, ngoài thông điệp rất lớn đó là Việt Nam không đi với Mỹ để chống lại Trung Quốc. Ông nói tiếp:

“Ngoài ra quan trọng hơn đó là đó là Việt Nam đã có thể xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc nhiều hơn, đặc biệt là nông sản, thủy sản. Chúng ta còn nhớ năm ngoái Trung Quốc đã chặn hàng hóa ở biên giới khiến cho rất nhiều thương lái, nông dân Việt Nam bị điêu đứng. Cho nên Việt Nam đang muốn thực hiện những gì thực dụng nhất, chứ còn đương nhiên quan hệ với Mỹ và Phương Tây cũng rất quan trọng đối với Việt Nam. Việt Nam vẫn đang cố gắng duy trì mối quan hệ tốt với Mỹ và Phương Tây. Nhưng rõ ràng với thể chế chính trị của Việt Nam, thì họ vẫn nghiêng về phía Nga và Trung Quốc nhiều hơn, đó cũng là điều chúng ta dễ hiểu.”

b872abab-6445-476e-8c1b-ea5f17dce55a.jpeg
Bảng kết quả bỏ phiếu thông qua Nghị quyết loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ ở New York hôm 7/4/2022. Reuters.

Trước đó vào tháng 5 năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến làm việc ở Mỹ cũng đã khẳng định Việt Nam ‘chọn chính nghĩa, không chọn bên.’

Trả lời RFA từ Đức Quốc hôm 8/11, Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài cho biết ý kiến:

“Chúng ta phải đánh giá trên hai phương diện, một là ông Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính nói riêng, cũng như là cả ban lãnh đạo chóp bu của chế độ, họ không nhận thức được đâu là chính nghĩa, đâu là lẽ phải… Cho nên họ nhầm lẫn giữa phi nghĩa với chính nghĩa khi họ bỏ phiếu trắng và khi chống lại các nghị quyết của LHQ để lên án Nga cũng như trục xuất Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền… Đó là họ đã đứng về phía phi nghĩa, mà họ lại nói là không chọn bên, họ chỉ chọn chính nghĩa thôi. Đó là sự nhầm lẫn, thứ hai là quá hèn nhát, họ chấp nhận đứng về phía chủ nghĩa đế quốc để mà ủng hộ việc Nga xâm lược Ukraine.”

Theo Luật sư Nguyễn Văn Đài, với đường lối đối ngoại như Việt Nam nếu như bình thường thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng Việt Nam không bị ảnh hưởng vì biết lợi dụng tình thế hiện nay. Ông Đài giải thích:

“Khi mà cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc một cách toàn diện, thì vị thế chiến lược của Việt Nam rất quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ nói riêng, cũng như là đối với Nhật Bản và các nước Châu Âu nói chung. Cho nên họ lợi dụng tình thế đó, do các nước kia không dám trừng phạt Việt Nam hay không dám tỏ thái độ phản đối Việt Nam một cách mạnh mẽ. Bởi vì họ đang muốn lôi kéo Việt Nam ra khỏi vùng ảnh hưởng của Trung Quốc, hay ít nhất cũng giữ được sự trung lập trong cuộc cạnh tranh giữa Mỹ – Phương Tây với Trung Quốc.”

Họ không nhận thức được đâu là chính nghĩa, đâu là lẽ phải… Cho nên họ nhầm lẫn giữa phi nghĩa với chính nghĩa khi họ bỏ phiếu trắng và khi chống lại các nghị quyết của LHQ để lên án Nga cũng như trục xuất Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền…
-Luật sư Nguyễn Văn Đài

Nga chính thức tiến hành cuộc xâm lược Ukraine từ rạng sáng 4/2/2022, đánh dấu bước leo thang lớn đối với xung đột Nga-Ukraine bắt đầu từ năm 2014.

Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào đầu tháng 3 năm 2022 đã bỏ phiếu lên án cuộc chiến xâm lược của Nga và yêu cầu nước này rút quân khỏi Ukraine. Tuy nhiên với sự đồng thuận gần như đa số của các nước thì Việt Nam đã bỏ phiếu trắng cả hai lần bỏ phiếu.

Vào ngày 7/4/2022, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu khai trừ Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) với các cáo buộc nước này vi phạm nhân quyền ở Ukraine, theo đó có 93 phiếu thuận, 24 phiếu chống và 58 phiếu trắng. Việt Nam lần này nằm trong số những nước bỏ phiếu chống lại nghị quyết của Mỹ để loại Nga ra khỏi HĐNQ.

Tuyên bố của ông Chính vào thời điểm này khi Nga ngàn càng lún sâu vào cuộc xâm lược Ukraine làm dư luận đặt câu hỏi liệu có đúng Việt Nam chỉ chọn chính nghĩa, không chọn phe?

Giáo sư Nguyễn Đình Cống từ Hà Nội khi trả lời RFA liên quan vấn đề này cho rằng:

“Khái niệm Chính nghĩa tưởng rằng đã rõ ràng nhưng vẫn mơ hồ. Một việc, người này cho là chính nghĩa nhưng người khác bảo không phải thì sao. Thí dụ một số người cho rằng Chủ nghĩa Mác Lê, ủng hộ Putin đánh Ukraine, quốc hữu hóa đất đai, đàn áp người bất đồng chính kiến v.v… là rất chính nghĩa, có thật vậy không?Thế mà nhiều lãnh đạo của Việt Nam đang hết sức thực hành, bảo vệ và kiên trì những thứ đó.”

Theo Giáo sư Cống, giữa nói và làm thì một số lãnh đạo của Việt Nam thường chọn được câu hay để nói, nhưng phần nhiều họ làm ngược lại.

Related posts