Khả năng rất cao Việt Nam sẽ nâng cấp quan hệ với cả Úc và Mỹ trong năm nay. Động thái này có làm Trung Quốc tức giận? Phản ứng của láng giềng phương Bắc ra sao? Các chuyên gia quan hệ quốc tế sẽ phân tích trong bài viết này.
Quan hệ với Úc sẽ được nâng cấp trong năm nay
Ngoại trưởng Úc Penny Wong vừa tuyên bố trong chuyến thăm Việt Nam lần thứ hai rằng hai bên sẽ nâng cấp mối quan hệ.
Mạng báo Nikkei Asia loan tin này trong ngày 24/8 và cho biết thêm rằng Hà Nội và Canberra đang xích lại gần nhau hơn khi “thế giới đang được định hình lại” bởi những thách thức như địa chính trị và biến đổi khí hậu.
Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải, chuyên gia về Khoa học Chính trị, nghiên cứu viên tại Trung tâm Tương lai Chính sách, Khoa Nhân văn và Xã hội học, Đại học Queensland, Úc cho biết việc nâng cấp quan hệ giữa Việt Nam và Úc từ Đối tác Chiến lược lên thành Đối tác Chiến lược Toàn diện đã được lãnh đạo cấp cao hai nước chính thức nhất trí từ chuyến thăm Australia vào tháng 11 năm ngoái của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ.
Từ đó đến nay, hai bên đã tích cực làm việc để thống nhất về nội hàm của mối quan hệ đối tác mới này:
“Theo tôi hiểu, đến thời điểm này, hai bên đã thống nhất về nội hàm, và theo Đại sứ Việt Nam tại Australia Nguyễn Tất Thành thì hai bên đang hoàn tất thủ tục nội bộ để công bố chính thức vào thời điểm thích hợp.”
Theo tiến sỹ Hồng Hải, việc nâng cấp quan hệ trong dịp kỷ niệm 50 quan hệ ngoại giao hai nước là thích hợp và ý nghĩa nhất:
“Và vì vậy tôi cho rằng việc này sẽ diễn ra trong Quý IV năm nay nhân chuyến thăm của một lãnh đạo cấp cao của Việt Nam sang Australia.
Sự phát triển quan hệ chiến lược Việt Nam – Australia là đặc biệt và vì thế việc nâng cấp cũng cần phải thể hiện tính chất đặc biệt. Do vậy, tôi lạc quan là hai nước sẽ tiến tới nâng cấp quan hệ vào cuối năm nay.”
Đồng quan điểm, Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc khẳng định Australia và Việt Nam chắc chắn sẽ đạt được thỏa thuận nâng tầm quan hệ song phương từ Đối tác chiến lược lên Đối tác chiến lược toàn diện trong năm nay:
“Lãnh đạo hai bên đã đạt được sự đồng thuận về vấn đề này. Có vẻ như chuyến thăm hiện tại của Ngoại trưởng Penny Wong chỉ là đang hoàn tất những khâu cuối cùng.”
Thông điệp gởi tới Trung Quốc ?
Bên cạnh Úc, Việt Nam khả năng cao cũng sẽ nâng cấp mối quan hệ với Mỹ lên tầm Đối tác chiến lược với Mỹ sắp tới.
Mỹ và Úc cùng nằm trong liên minh AUKUS. Liên minh này bao gồm bộ ba Mỹ, Anh và Úc được thành lập vào tháng 9/2021, với mục tiêu quan trọng là làm tăng thêm sự hiện diện quân sự của phương Tây ở khu vực Thái Bình Dương nhằm ngăn chặn và nếu cần thiết sẽ đánh bại Trung Quốc nếu có xung đột xảy ra trong tương lai.
Như vậy, liệu Việt Nam có gởi tín hiệu gì tới Trung Quốc khi trong một thời gian ngắn cùng lúc nâng cấp quan hệ với cả Úc và Mỹ?
Trả lời câu hỏi này, tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải cho rằng việc nâng cấp quan hệ với Australia và với Mỹ là việc đã có kế hoạch và trong chủ trương của Việt Nam từ lâu và là việc cần làm trong một thế giới đầy biến động và những diễn biến tác động tiêu cực đến an ninh và phát triển của Việt Nam về dài hạn:
“Trung Quốc đã là Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Việt Nam. Điều này không có nghĩa là các đối tác khác như Mỹ, Nhật Bản, Australia sẽ đặt câu hỏi rằng Việt Nam có về phe với Trung Quốc để chống lại họ không?
Tôi cho rằng, chính sách đối ngoại nhất quán của Việt Nam là không liên minh, không theo phe này để chống phe kia, nên các bên không nên diễn giải khác đi khi Việt Nam lập quan hệ đối tác chiến lược với nước này hay nước khác.
Tôi tin rằng khi nâng cấp các mối quan hệ với Mỹ và Australia, Việt Nam cũng sẽ gửi thông điệp rõ ràng tới Trung Quốc rằng việc lập quan hệ đối tác chiến lược hay chiến lược toàn diện với các nước này không nhằm chống lại Trung Quốc.”
Giáo sư Carl Thayer cho biết việc nâng cấp quan hệ song phương của Việt Nam có liên quan nhiều đến sự thay đổi liên kết địa chính trị và sự phân cực của hệ thống quốc tế hơn là chỉ với Trung Quốc.
Giáo sư này phân tích, Việt Nam có quan hệ đối tác với 30 quốc gia. Trong đó có bốn Đối tác chiến lược toàn diện, 13 Đối tác chiến lược và 13 đối tác toàn diện. Chính sách “đa dạng hóa và đa phương hóa” quan hệ của Việt Nam cho phép Việt Nam tận dụng sự khác biệt giữa các cường quốc khác nhau để duy trì quyền tự chủ chiến lược của mình. Nói cách khác, Việt Nam ưa thích sự cân bằng năng động trong quan hệ đối ngoại.
Không gian hành động của Việt Nam đang bị thu hẹp trước sự phân cực của hệ thống quốc tế. Nga đang bị suy yếu do cuộc chiến ở Ukraine, bởi các biện pháp trừng phạt của phương Tây và phải phụ thuộc vào Trung Quốc. Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh nhờ hiện đại hóa quân sự và “mối quan hệ đối tác không giới hạn” với Nga:
“Khả năng tận dụng sự cạnh tranh giữa các cường quốc của Việt Nam không chỉ giảm sút mà sự chậm lại của nền kinh tế toàn cầu cùng với những khó khăn kinh tế của Trung Quốc đang làm giảm nguồn lực sẵn có của Việt Nam trong các hoạt động đối ngoại.”
Giáo sư Carl Thayer cho rằng với bối cảnh này, Việt Nam cần phải mở rộng hợp tác kinh tế với Hoa Kỳ cũng như các đồng minh và đối tác để tiếp cận các công nghệ mới nhằm thúc đẩy nền kinh tế. Năm ngoái, Việt Nam đã nâng Hàn Quốc lên thành đối tác chiến lược toàn diện cùng với Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Úc đã sẵn sàng gia nhập nhóm này. Quan hệ với Mỹ dường như cũng đang trên đà được nâng lên thành đối tác chiến lược:
“Tóm lại, do nước Nga suy yếu và phụ thuộc vào Trung Quốc, còn Ấn Độ, Nhật Bản và Australia đã tiến gần hơn đến Hoa Kỳ, Việt Nam đang vì vậy cũng phải điều chỉnh lại lập trường của mình để tận dụng các mối quan hệ mới này. Việt Nam đặt mục tiêu củng cố quyền tự chủ chiến lược của mình mà không liên kết chống lại Trung Quốc.”
Phản ứng nào từ Trung Quốc?
Trước động thái xích lại gần hơn với phương Tây và Mỹ của Việt Nam, Giáo sư Carl Thayer dự đoán Trung Quốc sẽ phải đánh giá lại các cơ chế hiện tại và ra quyết định những điều chỉnh cần thực hiện đối với chính sách đối ngoại để ngăn chặn sự xói mòn về tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực, nhằm đáp trả QUAD, AUKUS và mối quan hệ đối tác ba bên gần đây giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đồng thời, Trung Quốc sẽ tiếp tục xây dựng và hiện đại hóa quân đội như một mục tiêu dài hạn.
Tuy nhiên, ông cho rằng Trung Quốc không muốn các cường quốc phân cực hơn nữa bởi họ cũng cần tiếp cận thị trường Mỹ và châu Âu để tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra:
“Lợi ích của Trung Quốc cũng không được đáp ứng bằng cách tăng cường đe dọa và chống lại các quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông vì điều đó chỉ tạo cơ hội cho Hoa Kỳ can thiệp. Tuy nhiên, Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục sử dụng các hoạt động vùng xám để đối phó với từng sự kiện cụ thể để củng cố các tuyên bố chủ quyền lãnh hải của Trung Quốc.”
Riêng đối với Việt Nam, giáo sư Carl cho biết Trung Quốc đã cảnh báo Việt Nam không nên bị Mỹ lôi kéo. Chừng nào Việt Nam còn tuân thủ chính sách “bốn không” thì Trung Quốc sẽ hành động một cách kiềm chế.
“Bốn không” bao gồm không tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào, không đứng về phía nước này chống lại nước khác, không cho phép nước khác thiết lập căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ của mình để thực hiện các hoạt động quân sự chống lại nước khác, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế:
“Trung Quốc sẽ đáp trả việc nâng cấp quan hệ Mỹ – Việt bằng cách tăng cường hợp tác chính trị – ngoại giao cấp cao với Việt Nam. Trung Quốc sẽ thực hiện các bước để giải quyết những vấn đề của Việt Nam về tiếp cận thị trường và đầu tư.
Tóm lại, cách tiếp cận của Trung Quốc với Việt Nam cũng sẽ phản ánh chính sách hiện tại của Bắc Kinh trong việc cố gắng cải thiện quan hệ với Australia và Philippines.”
Đánh giá về phản ứng từ Trung Quốc, tiến sỹ Hồng Hải cho rằng nếu Việt Nam nâng cấp quan hệ với cả hai nước mà Trung Quốc đang có xích mích thì họ sẽ không vui. Lâu nay, khi hội đàm hay trao đổi với các quan chức cấp cao Việt Nam, phía Trung Quốc vẫn dùng cụm từ như “sự can thiệp từ bên ngoài làm mất ổn định trong khu vực” nhằm ám chỉ Mỹ hay một số nước khác để cảnh báo Việt Nam. Họ cảnh báo là một phần, nhưng răn đe Việt Nam là phần lớn:
“Tôi cho rằng Việt Nam không nên xem cảnh báo hay răn đe của Trung Quốc là rào cản và chùn bước tiến tới nâng cấp quan hệ với Mỹ và Australia. Mà thậm chí, tôi tiếc là việc nâng cấp diễn ra muộn hơn so với chủ trương.
Và việc phản ứng tiêu cực của Trung Quốc với việc này, nếu có, như gửi tàu xâm nhập bất hợp pháp vào vùng biển của Việt Nam, hay có hành động liên quan đến quan hệ kinh tế – thương mại, chậm giải ngân một số dự án Trung Quốc hỗ trợ, là không phù hợp.
Điều đó chỉ làm cho hình ảnh của Trung Quốc ngày càng xấu đi. Trung Quốc cần hiểu ứng xử của Việt Nam với Trung Quốc cả trong lịch sử và hiện đại.”