Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng trong cuộc họp báo ngày 24/6 trả lời báo chí rằng thành công trong chống dịch COVID-19 của chính phủ Hà Nội không nhờ may mắn mà do áp dụng các biện pháp hiệu quả, quyết liệt.
Vẫn theo bà Hằng, nhận xét trong bài viết đăng trên tờ The New York Times hôm 2/6 là hoàn toàn không khách quan khi cho rằng thành tích chống dịch COVID-19 trong thời gian trước của Việt Nam là nhờ may mắn.
Bà Lê Thị Thu Hằng cũng khẳng định những kết quả trong công tác phòng chống dịch COVID-19 của Việt Nam được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận, đánh giá cao.
Tuy nhiên, không chỉ riêng The New York Times nghi ngờ về năng lực phòng chống dịch của Việt Nam mà mới đây, tờ The Diplomat có bài viết của Zachary Abuza với tựa tạm dịch ‘Điều gì giải thích cho các cuộc đấu tranh với COVID-19 hiện tại của Việt Nam?’ nói về việc Việt Nam từng được coi là tiêu chuẩn vàng cho đối phó với COVID-19 nhưng hiện đang chiến đấu với tình trạng nhiễm bệnh gia tăng và triển khai tiêm vắc-xin chậm.
Theo tác giả Abuza, nguyên nhân gây ra sự đảo ngược này là do Việt Nam là nạn nhân của chính thành công của mình. Cụ thể, với tỷ lệ lây nhiễm thấp như vậy, chính phủ Hà Nội đã không theo đuổi vắc-xin với bất kỳ sự khẩn cấp nào. Dù Việt Nam đã ký hợp đồng cung cấp vắc-xin, nhưng lại thực hiện tương đối muộn và giờ đang phải xếp hàng đứng sau.
Theo tôi công tác tiêm chủng phải được tổ chức theo hướng phi thương mại hóa, không vì lợi nhuận, hay nói khác đi phải là tiêm chủng miễn phí và được thực hiện bởi hệ thống y tế công vốn rất hùng hậu ở Việt Nam. Tôi khuyến cáo không nên thực hiện tiêm chủng dịch vụ. – BS. Trần Tuấn
Đồng quan điểm vừa nêu, tác giả David Hutt cũng có bài viết ‘Cách Việt Nam đánh mất lợi thế trước đại dịch’ trên tờ Asia Times, cho rằng Việt Nam là một trong những quốc gia phản ứng nhanh nhất với dịch bệnh nhưng hiện tại lại là một trong những quốc gia chậm nhất trong việc chuẩn bị một lối thoát ra khỏi dịch.
Cụ thể, ông Hutt cho rằng Việt Nam hiện được xếp hạng là một trong những quốc gia có thành tích kém nhất ở Đông Nam Á về chiến dịch tiêm chủng, khi cho đến nay chỉ có 1,6 triệu vắc-xin được tiêm, thua cả tỷ lệ chích vắc-xin cộng đồng ở các nước láng giềng như Lào hay Campuchia.
Trao đổi với RFA từ Hà Nội tối 24/6, nhà báo độc lập Nguyễn Vũ Bình, từng làm cho Tạp chí Cộng sản nhận định:
“Ý kiến đó rất hợp lý vì tỉ lệ người được tiêm ở Việt Nam quá chậm và quá thấp so với sự bùng phát dịch cũng như yêu cầu cần phải tiêm đại trà để ngăn chặn dịch.”
The Diplomat cho rằng Việt Nam đã được các đơn vị sản xuất hứa giao hơn 170 triệu liều vắc-xin ngừa SARS-CoV-2, đủ để đạt được miễn dịch cho cộng đồng. Tuy nhiên, vấn đề là những liều vắc-xin này sẽ không được giao cho đến cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022.
Còn theo phân tích của Asia Times, nếu Việt Nam muốn tiêm chủng đầy đủ cho 50% dân số bằng hai mũi vắc xin trong thời gian sáu tháng thì sẽ cần tiêm khoảng 533.000 vắc-xin mỗi ngày. Điều đó rõ ràng không xảy ra hiện tại.
Tiến sĩ – Bác sĩ Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD), bác sĩ dịch tễ từng làm cho Viện vệ sinh dịch tễ và vắc-xin, Bộ Y tế, không đồng ý với ý kiến trên. Ông khẳng định ba yếu tố cơ bản giúp cho Việt Nam tạo được miễn dịch cộng đồng bằng vắc-xin về mặt tiềm năng đều đang có.
“Yếu tố thứ nhất là cần phải có đủ vắc-xin đạt chất lượng mà WHO khuyến cáo.
Nguồn vắc-xin tôi cho rằng không phải nguồn thách thức lớn với Việt Nam, nhất là khi chúng ta biết rằng một số nước đã bước vào giai đoạn ra khỏi dịch, nhu cầu vắc-xin của họ giảm dần. Trong khi đó nhiều vắc-xin trong thời gian tới liên tiếp ra đời, hay nói khác đi thị trường vắc-xin đang ngày càng co lại khiến vấn đề thiếu vắc-xin không còn gay cấn như hồi đầu năm, tức khả năng có vắc-xin cho Việt Nam với nhu cầu như vậy không phải điều quá khó.
Thứ hai là khi có vắc-xin rồi thì cần đến hệ thống tiêm chủng đảm bảo chất lượng, hệ thống dây chuyền lạnh đảm bảo chất lượng vắc-xin từ nơi sản xuất đến nơi tiêm.
Hệ thống y tế dự phòng Việt Nam mỗi năm đã từng tiêm chủng hàng triệu liều vắc-xin, hệ thống dây chuyền lạnh đã tồn tại và đã đi vào vận hành ổn định từ nhiều năm nay, đội ngũ tiêm chủng của Việt Nam và mạng lưới y tế cơ sở đảm bảo y tế kỹ thuật nhiều năm hoạt động tiêm chủng, vậy không thể nói không thể đạt được 150 triệu liều mũi tiêm trong sáu tháng tới.
Điều thứ ba là vấn đề truyền thông thì Việt Nam có thế mạnh về vấn đề truyền thông khi Nhà nước hoàn toàn có khả năng kiểm soát chủ động hệ thống thông tin y tế liên quan đến tiêm chủng và liên quan đến dịch bệnh.
Mặc dù thị trường thông tin toàn cầu đa chiều và có nhiều nguồn khác nhau, nhưng với thế mạnh của chính phủ Việt Nam trong kiểm soát thông tin, họ hoàn toàn có thể điều chỉnh hoặc điều hướng được cho mục tiêu đạt được miễn dịch cộng đồng.”
Dù hoàn toàn có đủ khả năng miễn dịch cộng đồng nhưng Bác sĩ Trần Tuấn cho rằng thách thức lớn nhất hiện nay là chính phủ Hà Nội để cho truyền thông thúc đẩy thương mại hóa tiêm chủng, tức thúc đẩy tư nhân tham gia, tạo dịch vụ tiêm chủng và thúc đẩy người dân đi theo hướng tiêm chủng trả tiền. Ông nói:
“Tôi cho rằng trong việc phòng chống dịch, nhất là phòng chống dịch COVID-19 hiện nay, sau hơn một năm hoạt động giãn cách xã hội đã làm ảnh hưởng khá nặng nề sinh kế của người dân. Việc tổ chức tiêm chủng, nhất là với vắc-xin mới hoàn toàn được đưa ra đầu năm đến nay với những thông tin về mặt phản ứng phụ, thậm chí cả tử vong đang xảy ra là một thách thức cho việc giữ được người dân tìm đến tiêm chủng.
Chính vì thế, theo tôi, công tác tiêm chủng phải được tổ chức theo hướng phi thương mại hóa, không vì lợi nhuận, hay nói khác đi phải là tiêm chủng miễn phí và được thực hiện bởi hệ thống y tế công vốn rất hùng hậu ở Việt Nam. Tôi khuyến cáo không nên thực hiện tiêm chủng dịch vụ.
Không chỉ cung cấp vắc-xin mà họ còn tham gia vào cung cấp dịch vụ tiêm chủng, câu hỏi đặt ra là nguồn nhân lực để thực hiện tiêm chủng đó lấy từ đâu? Tôi không tin tư nhân có thể tổ chức được hệ thống dây chuyền lạnh, nhân lực tiêm chủng, nhân lực truyền thông và cả hệ thống giám sát, theo dõi, đánh giá và xử lý tài nguyên tiêm chủng. Có nghĩa là họ thực hiện dịch vụ tiêm chủng nhưng nhiều khả năng sử dụng chính đội ngũ của y tế công.”
Chưa có vắc-xin thì Trung Quốc cũng đã o ép Việt Nam từ trước đến giờ, Việt Nam cũng có lên tiếng phản đối nhưng gọi là yếu ớt, lấy lệ thôi chứ có làm gì được họ. – Nhà báo Nguyễn Vũ Bình
Bác sĩ Trần Tuấn cho rằng nếu để cho hệ thống tiêm chủng phòng chống dịch hiện nay lẫn lộn thu phí và không thu phí, cả công và tư là một chiến lược e rằng gây nhiều khó khăn, nhiều thách thức hơn nhiều so với chiến lược củng cố và sử dụng hoàn toàn hệ thống y tế dự phòng thuần công, tiêm chủng miễn phí cho dân và chủ động kiểm soát truyền thông bởi Bộ Y tế.
Ngoài ra, Bác sĩ Trần Tuấn còn lo ngại rằng khi tư nhân tham gia thu phí người dân nhưng lại sử dụng nhân lực công cho công việc của họ thì những bài toán giải trình về chi phí y tế với người dân quả là thách thức không nhỏ.
Nêu lên quan điểm bản thân về chiến lược vắc-xin của lãnh đạo Hà Nội hiện nay, nhà báo Nguyễn Vũ Bình lập luận:
“Chiến lược không rõ ràng, vắc-xin này nhà nước và lãnh đạo chỉ muốn các nước viện trợ hoặc xin chứ không muốn đi mua, đến lúc xin chưa được, viện trợ chưa có lại huy động của dân hỗn loạn cả lên. Xin của dân rồi cũng không mua được, phải gửi vào lấy lãi. Nói chung rất hỗn loạn, không có chiến lược chung cụ thể, thống nhất.”
Cho đến nay Việt Nam mới chỉ phân bổ 630 triệu đô la trong số 1,1 tỷ đô la cần thiết để đảm bảo 150 triệu liều thuốc trong năm nay nhằm trang trải cho 70% dân số. Trong khi đó, Quỹ vắc-xin từ các nhà tài trợ tư nhân và doanh nghiệp đã huy động được khoảng 329 triệu đô la để mua vắc-xin.
Cả hai bài viết trên The Diplomat và Asia Times còn cho rằng chính việc chậm trễ trong công tác nhập khẩu vắc-xin khi số ca nhiễm tại đất nước hình chữ S ngày càng tăng cao, đã khiến chính phủ Hà Nội chấp nhận vắc-xin Sinopharm từ Trung Quốc.
Từ đó, chính phủ Hà Nội sẽ phải đối mặt với một phản ứng dữ dội của công chúng vì bị cáo buộc là quá gần với chính phủ Trung Quốc. Một số người Việt lo lắng rằng điều này sẽ tạo thêm lực đẩy cho Trung Quốc khi đề cập đến các vấn đề như Biển Đông.
Tuy nhiên, Nhà báo Nguyễn Vũ Bình lại cho rằng:
“Tôi không nghĩ có liên hệ nhiều lắm vì chưa có vắc-xin thì Trung Quốc cũng đã o ép Việt Nam từ trước đến giờ, Việt Nam cũng có lên tiếng phản đối nhưng gọi là yếu ớt, lấy lệ thôi chứ có làm gì được họ. Mối liên hệ này có thể có nhưng không cần vắc-xin thì nó cũng o ép, làm đủ thứ rồi.”
Theo tác giả Zachary Abuza, việc triển khai tiêm vắc-xin không theo kịp tiến độ một phần nào đó do lỗi của chính quyền khi không đủ năng lực ở cấp cơ bản nhất là phê duyệt chậm. Việc này đã làm hoen ố danh tiếng của chính phủ Hà Nội hiện nay.
Thêm vào đó, với việc nhiều người dùng mạng xã hội tích cực ở Việt Nam, Chính phủ nên mong đợi những lời chỉ trích dồn dập nhưng nhà cầm quyền lại đang trong một cuộc đàn áp tàn bạo đối với các nhà báo độc lập và những người bất đồng chính kiến. Việc nhắm vào các nhà phê bình về vấn đề này, theo ông Abuza, có thể là phản ứng tồi tệ nhất đối với việc triển khai vắc-xin đáng thất vọng của đất nước Việt Nam.