Cùng với đệ trình hồ sơ bổ sung về thềm lục địa mở rộng, trong cùng ngày 17/7/2024, Việt Nam cũng gửi công hàm phản đối đệ trình của Philippines ngày 14/6/2024. Trong công hàm này, Việt Nam cho rằng một phần trong đệ trình của Philippines đã xâm lấn vào thềm lục địa 200 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của Việt Nam. Một số khu vực khác trong đệ trình của Philippines thì chống lấn với thềm lục địa mở rộng mà Việt Nam đã đệ trình trong hồ sơ năm 2009 và chính hồ sơ ngày 17/7/2024.
Hồ sơ cũng như công hàm nói trên của Việt Nam không nhắc tới Trung Quốc. Tuy vậy, dường như lập luận của nó cũng ngầm đối thoại với khái niệm “Nam Hải chư đảo” mà Trung Quốc nêu ra trong công hàm gửi Phippines.
Chống lại khái niệm “Nam Hải chư đảo” của Trung Quốc?
Trong công hàm phản đối đệ trình thềm lục địa mở rộng của Philippines hồi tháng 6, 2024, Trung Quốc cho rằng yêu sách của Philippines xâm phạm chủ quyền và vùng nước, vùng đáy biển xung quanh cái gọi là “Nanhai Zhudao”. “Nanhai Zhudao” là cách Trung Quốc phiên âm bốn chữ “Nam Hải chư đảo” (nghĩa là “các đảo trên biển Đông”), chỉ các các quần đảo trên biển Đông trong cách gọi của họ là “Tây Sa”, “Nam Sa”, “Đông Sa” và “Trung Sa”.
Theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt, việc Việt Nam thể hiện hàm ý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không có thực thể nào có hiệu lực của đảo cũng là một cách đáp trả khái niệm “Nanhai Zhudao” của Trung Quốc.
Nhà nghiên cứu Hoàng Việt chỉ ra là trong đệ trình ngày 17/7/2024, Việt Nam có nói là sử dụng phương pháp “Hedberg formula”, tức là cách tính dựa theo một đường được phân định bằng cách tham chiếu đến các điểm cố định cách chân dốc lục địa không quá 60 hải lý, quy định tại Khoản 4 Điều 76 của UNCLOS. Điều đó có nghĩa là Việt Nam không dựa vào sự chiếm hữu hay chủ quyền đối với bất kỳ thực thể nào ở Trường Sa và Hoàng Sa để đòi hỏi thềm lục địa mở rộng. Nhà nghiên cứu Hoàng Việt cho rằng điều đó cũng nhất quán với quan điểm của Việt Nam từ năm 2016. Năm 2016, Việt Nam có gửi công hàm cho Tòa PCA khẳng định quan điểm không có thực thể nào ở Hoàng Sa, Trường Sa có hiệu lực của đảo. Việt Nam do đó cũng không chấp nhận thực thể nào ở Hoàng Sa, Trường Sa có 200 hải lý thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế.
Ông cho biết khái niệm “Nam Hải chư đảo” được Trung Quốc nhắc tới nhiều lần trong những năm gần đây. Sau phán quyết của tòa PCA năm 2016 chỉ ra tính phi pháp của đường lưỡi bò thì Trung Quốc không muốn nhắc tới khái niệm này nữa mà tìm một cách nói tương đương khác.
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Phạm Ngọc Minh Trang, ở Quỹ Max Planck vì hòa bình quốc tế và pháp quyền, Đức, các đệ trình của Việt Nam lên CLCS đều phù hợp với các quy định của UNCLOS. Đó là một thực tiễn pháp lý, vì vậy, không nên giải thích các đòi hỏi này từ lăng kính chính trị.
Giải quyết vùng chồng lấn thế nào?
Đệ trình của Việt Nam, Malaysia, Philippines có chồng lấn với nhau. Tuy nhiên, cả ba nước đều bày tỏ thai độ sẵn sàng đối thoại, thương lượng với nhau để giải quyết tranh chấp dựa theo luật pháp quốc tế và nguyên tắc công bằng. Theo nhà nghiên cứu Phan Văn Song, có ba nguyên tắc để các nước thảo luận với nhau là nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế, nguyên tắc công bằng cho các bên, và nguyên tắc bám sát thực tế để có thể thực thi được. Ông nói:
“Dĩ nhiên phải cùng nhau thương lượng trên tinh thần tôn trọng luật pháp, công bằng, thực tế. Trước hết các bên đều có thể đòi hỏi tối đa theo đúng quy định của luật quốc tế, sau đó dùng giải pháp trung tuyến có tương nhượng đôi chút để dễ thực thi trên thực tế.”
Giải pháp trung tuyến giải pháp được UNCLOS quy định khi phân chia các vùng chồng lấn. Theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt, những phần Philippines đòi hỏi thềm lục địa mở rộng lấn vào 200 hải lý thềm lục địa của Việt Nam thì khó có thể thương lượng được. Việt Nam đã nói là không chấp nhận vì điều đó vi phạm Luật biển quốc tế. Tuy nhiên, phần “thềm lục địa mở rộng” mà hai bên chồng lấn thì có thể tính toán để phân chia theo đường trung tuyến, tức là chia theo nguyên tắc công bằng.
Sau khi Việt Nam đệ trình yêu sách thềm lục địa mở rộng của mình hôm 17/7/2024, cả Trung Quốc lục địa và Đài Loan đều phản đối. Điều đáng lưu ý là Trung Quốc và Đài Loan mới chỉ phản đối bằng các phát ngôn ngoại giao chứ chưa phản đối chính thức bằng công hàm gửi cho Ủy ban ranh giới thềm lục địa Liên Hiệp quốc. Theo nhà nghiên cứu Phan Văn Song, cả Đài Loan và Trung Quốc đều có tham vọng độc chiếm biển Đông như đã thấy qua yêu sách đường lưỡi bò lập lờ, nên việc họ phản đối là chuyện “đương nhiên”. Còn Philippines cũng như Việt Nam đều cùng phận nước nhỏ, bị Trung Quốc chèn ép, hiếp đáp nên cần được sự hậu thuẫn, đồng tình với nhiều bên để đối phó với Trung Quốc. Do đó, việc Philippines chủ trương “thảo luận cởi mở” để có được một giải pháp công bằng, hợp lí hợp tình là điều dễ hiểu.
Nhà nghiên cứu Phạm Ngọc Minh Trang cho rằng việc các quốc gia ven biển tin rằng việc mở rộng thềm lục địa của một quốc gia láng giềng chồng lấn với thềm lục địa của họ thì họ có nghĩa vụ phản đối đệ trình đó để các quyền lợi chính đáng và hợp pháp của họ sẽ được bảo vệ theo Luật biển quốc tế. Do Biển Đông là một vùng biển tương đối nhỏ, việc Trung Quốc, Malaysia, Philippines và Việt Nam phản đối các yêu sách của nhau là điều dễ hiểu về mặt pháp lý. Công ước Luật Biển và một số án lệ trước tòa án quốc tế về phân định thềm lục địa chồng lấn đã cung cấp khuôn khổ pháp lý khá toàn diện để các quốc gia tranh chấp phân định các vùng biển của mình bằng đàm phán hoặc thông qua tòa án quốc tế. Do đó, theo nhà nghiên cứu Minh Trang, các quốc gia được tự do lựa chọn các phương thức giải quyết mà họ cho là phù hợp.