Chính phủ Việt Nam có kế hoạch buộc người sử dụng mạng xã hội phải khai báo định danh cá nhân, tuy nhiên chuyên gia về công nghệ thông tin nói rằng yêu cầu này không thể thực hiện được.
Vào sáng ngày 08/5, trong phiên giải trình của Ủy ban Tư pháp liên quan việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người, xác thực các tài khoản trên mạng xã hội để hạn chế lừa đảo trên mạng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết Chính phủ Việt Nam sẽ ban hành nghị định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng cuối năm 2023 với thay đổi rất quan trọng.
Cụ thể, Chính phủ sẽ yêu cầu tất cả chủ tài khoản mạng xã hội là cá nhân hay tổ chức phải thực hiện việc định danh. Việc này áp dụng cho cả mạng xã hội nước ngoài như Facebook, YouTube, TikTok…
“Với các tài khoản mạng xã hội không định danh sẽ bị đấu tranh, ngăn chặn, xử lý với các mức độ khác nhau,” Thứ trưởng Lâm được báo Tuổi Trẻ online dẫn lời trong cuộc họp.
Chuyên gia nói không khả thi
Chuyên gia về công nghệ thông tin Hoàng Ngọc Diêu từ Úc cho rằng Nhà nước Việt Nam không thể thực thi được yêu cầu định danh cá nhân trừ khi có sự đồng thuận của các nhà mạng xã hội.
Ông nói với RFA vào ngày 12/5:
“Nếu như Nhà nước Việt Nam muốn khai triển một cách đơn phương thì cái đó vô khả thi vì Nhà nước đâu kiểm soát được mạng xã hội đâu! Về mặt kỹ thuật, khi nào họ nắm toàn bộ hệ thống mới làm chuyện đó được.
Ví dụ như bây giờ hiện có 60 triệu người Việt Nam đang dùng Facebook, làm sao Chính phủ Việt Nam biết người nào đang sử dụng cái gì có tài khoản gì để mà bắt buộc họ phải dùng danh tánh thật?”
Ông cho rằng đây chỉ là một chiêu trò mang tính hù doạ cho vui chứ về mặt kỹ thuật và chính danh là không thể. Ông đặt câu hỏi:
“Làm sao mà Chính phủ có nguyên một đội ngũ để có thể kiểm soát và săn lùng 60 triệu người dùng Facebook?”
Cùng có nhận định như trên là ông Phillip, chuyên viên bảo mật với hơn 10 năm kinh nghiệm đào tạo bảo mật cho nhiều tổ chức phi chính phủ trong và ngoài Việt Nam. Ông nói với RFA hôm 12/5:
“Về mặt kỹ thuật, việc khai báo định danh với những tài khoản mạng xã hội là không khả thi. Nếu muốn, người dùng hoàn toàn có thể đổi IP và tạo một tài khoản Facebook ở nước khác.
Chưa kể đến việc Chính phủ Việt Nam không thực sự kiểm soát được máy chủ của những công ty quốc tế như Google và Meta.”
Ông cho rằng có thể Chính phủ Việt Nam đang thấy rằng việc định danh cho tài khoản viễn thông (cần Căn cước công dân/CMND để mua sim điện thoại) mà họ đang thực hiện có tiến triển tốt nên họ nghĩ có thể áp dụng với tài khoản mạng xã hội.
Thêm nữa, việc các mạng xã hội như Facebook, YouTube và Zalo cũng bắt người dùng đăng ký bằng danh tính thật để được hỗ trợ khi có vấn đề liên quan đến tài khoản, cũng là một điểm khiến chính phủ nghĩ rằng việc định danh cho các tài khoản mạng xã hội là khả thi.
Giới hoạt động nói gì?
Ông Phil Robertson, Phó giám đốc Phân ban Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói với RFA qua email ngày 12/5:
“Chính quyền Việt Nam đang theo đuổi một nỗ lực đa hướng để kiểm soát bất cứ điều gì người dân Việt Nam thể hiện trên Internet như một phần của nỗ lực rộng lớn hơn nhằm kiểm duyệt bất cứ điều gì chỉ trích chính phủ.”
Theo ông, yêu cầu định danh bắt buộc này rõ ràng là một phần của nỗ lực đó và không ai nên bị lừa bởi những tuyên bố của Chính phủ Việt Nam rằng biện pháp này nhằm hạn chế tội phạm trực tuyến. Ông cho rằng yêu cầu này vi phạm quyền tự do biểu đạt trực tuyến:
“Bằng cách buộc người dùng mạng xã hội tiết lộ danh tính cá nhân thực của họ, nhà chức trách Việt Nam xâm phạm quyền riêng tư của họ, dễ dàng đe dọa và đàn áp người dân hơn vì có thể xác định rõ ràng ai đang đăng nội dung chỉ trích chính phủ.”
Theo ông biện pháp hù doạ này sẽ buộc người sử dụng mạng xã hội tự kiểm duyệt để tránh rắc rối với chính quyền.
“Từng chút một, Việt Nam đang cố gắng áp đặt cùng một loại kiểm soát đối với Internet mà chúng ta thấy ở Trung Quốc, điều này cho thấy sự giống nhau trong các chiến thuật được sử dụng bởi chính phủ độc tài cộng sản ở Việt Nam và Trung Quốc.”
Phát biểu trong điều kiện ẩn danh vì lý do an ninh, một nhà hoạt động ở Hà Nội nói hiện nay “có những kẻ dùng ẩn danh với mục đích lừa đảo, xâm phạm lợi ích của nhà nước, tổ chức, cá nhân, vi phạm pháp luật nhưng các cơ quan chức năng không thể xác định để xử lý được.
Ngược lại, cũng có những người chỉ sử dụng mạng xã hội để nói lên chính kiến của mình hoặc phản biện xã hội nhưng lại bị xử lý hình sự vì bị cho rằng lợi dụng quyền tự do ngôn luận để xâm phạm lợi ích của nhà nước, tổ chức, cá nhân.”
Do vậy, theo ông, yêu cầu định danh người sử dụng mạng xã hội có mặt tích cực là hạn chế lợi dụng ẩn danh để vi phạm pháp luật nhưng sẽ làm hạn chế quyền tự do ngôn luận của công dân.
Cựu sĩ quan tình báo quân đội Vũ Minh Trí cũng cho rằng yêu cầu định danh cá nhân theo ý chính quyền ít nhiều xâm phạm quyền tự do của công dân.
Tuy nhiên, theo ông, khi Nhà nước sử dụng đội quân dư luận viên hàng chục nghìn người sử dụng tài khoản ảo để tấn công người phản biện, thì việc yêu cầu định danh cá nhân có thể là “con dao hai lưỡi” đối với chế độ.
“Trong bối cảnh chính quyền và người của chính quyền vẫn thường làm những việc không chính danh thì sự định danh cá nhân chắc chắn sẽ khiến ‘gậy ông đập lưng ông’.
Ngay trên các báo Nhà nước cũng có nhiều bài viết không ghi tên thật của tác giả,” ông nói.
Theo ông, yêu cầu định danh trên mạng xã hội sẽ làm tăng sự công khai và minh bạch trong khi những điều này là kẻ thù nguy hiểm nhất của các chế độ độc tài.
Trên mạng xã hội liên tục xuất hiện những video clip do người dân quay, đăng, chia sẻ… về những lời nói, việc làm sai trái của công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang, ông dẫn chứng.
Theo nhà hoạt động này, cánh cửa công khai, minh bạch đã mở ra thì sẽ rất khó khép trở lại và tự do, dân chủ là xu hướng không thể cưỡng. Thêm vào đó, sự công khai, minh bạch sẽ giúp người ta tự do hơn, tự tin hơn.
Định danh cá nhân sẽ hạn chế lừa đảo trực tuyến?
Ông Vũ Minh Trí cho rằng nhiều người bị lừa vì thiếu hiểu biết và lừa đảo trực tuyến chỉ là một trong vô vàn hình thức lừa đảo.
“Trong thời gian gần đây, hàng vạn người bị mất hàng ngàn, hàng vài chục ngàn tỉ đồng do trái phiếu đâu phải vì lừa đảo trực tuyến, đâu phải do thiếu định danh cá nhân,” ông nhận xét
Chuyên gia Hoàng Ngọc Diêu cho rằng nếu chính phủ thực sự muốn bảo vệ người dân Việt Nam từ những hiểm hoạ trên mạng xã hội thì họ phải đưa ra những tiêu chí cụ thể để thuyết phục người dân Việt Nam một cách minh bạch.
“Nếu muốn hạn chế lừa đảo trực tuyến thì họ phải có biện pháp về ứng dụng khoa học kỹ thuật ứng dụng tin học và họ có những chương trình giáo dục về vấn đề lừa đảo để người dân ngăn chặn lừa đảo một cách cụ thể chứ không thể áp dụng khai báo chính danh để đối phó với việc này.”
Ông lập luận:
“Bọn lừa đảo chỉ là một nhóm thiểu số cực kỳ nhỏ, thì tại sao lại áp đặt cho một cái đa số tuân thủ theo để chụp bọn lừa đảo?! Đó là biện pháp cực kỳ sai lầm.
Ví dụ bên Úc này, việc lừa đảo trên mạng Internet đầy rẫy nhưng Chính phủ Úc chưa bao giờ có chính sách buộc người dân phải khai báo tên thật trên mạng xã hội.
Ngược lại họ còn khuyên rằng đừng nên làm cái này cái kia để tự bảo vệ bạn. Mà quan trọng nhất là bạn phải bảo vệ tài sản và danh tánh cá nhân, tuyệt đối không được tiết lộ cho ai ngay cả với chính phủ.”
Chuyên gia bảo mật Phillip nhấn mạnh, yêu cầu định danh cá nhân củng cố cho Luật an ninh mạng và đây là một bước trong chính sách chuyển đổi cách quản lý và kiểm soát người dân, mà theo cách Chính phủ Việt Nam nói là “chuyển đổi số.”
Chuyên gia Hoàng Ngọc Diêu, cũng là một người hoạt động nhân quyền, dự báo:
“Những chính sách của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam cố tình đè nén bóp chẹt người dân thì càng làm thế càng phản tác dụng. Nó chỉ giúp một chuyện duy nhất là bảo vệ chế độ thì không bao giờ đạt được mục đích.”
Theo báo cáo mới nhất của Freedom House công bố vào tháng 10/2022, Việt Nam bị xếp vào nhóm năm quốc gia có tự do Internet kém nhất trên thế giới, chỉ xếp trên Cuba, Iran, Myanmar và Trung Quốc. Trong bảy năm liên tiếp, Việt Nam bị cho là không có tự do Internet.
Vị trí xếp hạng của Việt Nam dựa vào các tiêu chí như hành vi ngăn chặn các trang web, sự tác nghiệp của dư luận viên ủng hộ chính phủ, ban hành chính sách mới để kiểm duyệt, bắt bớ và giam cầm người dùng, sử dụng bạo lực đối với người dùng, và các biện pháp tấn công kỹ thuật.