Việt Nam “hụt hơi” trước Bangladesh trong cuộc đua gia công

Trong khi ngành công nghiệp gia công của Việt Nam đang đối mặt với tình trạng thiếu việc làm, công nhân mất việc hàng loạt, thì Bangladesh vẫn làm không ngơi tay”.

Đơn hàng chạy sang Bangladesh

Theo Tổng cục thống kê, trong ba tháng đầu năm nay, Việt Nam có 149 ngàn lao động, tập trung ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Giang đã mất việc do doanh nghiệp bị cắt đơn hàng.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam phát biểu hôm 1/5 : Chưa bao giờ trong suốt mấy chục năm qua, ngành may mặc xuất khẩu của Việt Nam gặp khó khăn và chịu áp lực lớn như bây giờ. Hai tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu tiếp tục giảm 20%. Hiện giờ đơn hàng đặt cho tháng 6 và tháng 7 vẫn chưa có”.

Một số chuyên gia kinh tế từng nhận định với RFA rằng, tình trạng thiếu đơn hàng ở Việt Nam là do tình trạng khó khăn kinh tế chung trên toàn cấu khiến nhu cầu và sức mua ở các thị trường như Mỹ hay Châu Âu sụt giảm.

Tuy nhiên, nhìn sang đối thủ cạnh tranh của Việt Nam là Bangladesh thì họ vẫn nhận được nhiều đơn hàng trong thời điểm này. Thậm chí, mạng báo The Business Standard có một bài viết hồi tháng 7/2022, nhận định rằng trong ngành công nghiệp thời trang, dự báo trong hai năm tới, Bangladesh sẽ nhận nhiều đơn hàng hơn cả Trung Quốc và Việt Nam.

Mạng báo này dẫn Báo cáo do Hip hi Công nghiệp Thời trang Hoa Kỳ (USFIA) công bố, có khoảng 55% giám đốc điều hành ngành may mặc Hoa Kỳ có kế hoạch tìm nguồn cung ứng từ Bangladesh nhiều hơn từ Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia, Campuchia và các đối thủ cạnh tranh khác trong hai năm tới.

Giảm năng lực cạnh tranh

Lý giải cho thực trạng này, tiến sỹ kinh tế Nguyễn Huy Vũ cho biết thứ nhất là do chi phí trả cho nhân công ở Bangladesh hiện nay thấp hơn nhiều so với Việt Nam:

“Chi phí sản xuất ở Bangladesh thấp hơn Việt Nam, tiền nhân công ở Bangladesh thấp hơn Việt Nam khoảng 50%. Các ngành sản xuất hàng may mặc gia dụng đòi hỏi chủ yếu là chi phí cho nhân công, cho nên giá nhân công thấp thì giá thành sản xuất ở Bangladesh thấp hơn Việt Nam.”

Theo thống kê của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), trong năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đạt khoảng 4,09 ngàn USD, trong khi Bangladesh chỉ đạt khoảng 2,73 ngàn USD.

Thứ hai, theo ông Huy Vũ, Bangladesh có lợi thế về nguồn nguyên liệu thô tại chỗ, do đó giảm được chi phí vận chuyển và minh bạch về nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu sản xuất:

“Ở một số nước thì vấn đề nhân quyền bắt đầu tăng lên, họ muốn là xem nguồn gốc sợi vải ở đâu, nhân công sản xuất ra hàng hóa có bị bóc lột lao động nô lệ nhưng ở Tân Cương Trung Quốc hay không. Những nhóm nhân quyền lên tiếng rất nhiều cho nên những nhà sản xuất hàng hóa, chủ yếu là hàng may mặc, rất là nhạy cảm với nhu cầu của khách hàng.

Cho nên họ tìm kiếm tới những nơi mà xem xét thấy được nguồn gốc của hàng hóa và họ nhìn thấy Bangladesh có nguồn hàng nguyên liệu rồi chuyển gia công thành phẩm và họ kiểm soát hết được dây chuyền đó.”

Thứ ba là Việt Nam đang dần mất đi năng lực cạnh tranh khi mức lương  trung bình của Việt Nam bắt đầu tăng lên. Trong khi đó, theo tiến sỹ Huy Vũ, Mỹ lại ở cách rất xa Việt Nam cho nên các doanh nghiệp của Mỹ hiện nay có xu hướng chuyển các cơ sở sản xuất của mình đến những vùng gần hơn ở Nam Mỹ. Chi phí nhân công ở đó cao hơn Việt Nam không bao nhiêu nhưng họ tiết kiệm được tiền vận chuyển từ Mỹ qua Việt Nam.

Thiếu đầu tư công nghệ xanh

2021-01-27T133931Z_1731628209_RC2DGL9RZIEW_RTRMADP_3_HEALTH-CORONAVIRUS-BANGLADESH-GARMENTS.JPG
Các công nhân trong một xưởng may tại Dhaka, Bangladesh năm 2020. Ảnh: Reuters

Ông Đình Đệ, một doanh nghiệp ở TPHCM cho biết, một nguyên nhân khác khiến nhiều nhà đầu tư quay lưng với thị trường Việt Nam là bởi chính phủ Việt Nam thiếu sót trong việc đầu tư vào công nghệ xanh, sạch:

“Phải đầu tư vào các nguồn năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, năng lượng có thể tái tạo chứ cứ sử dụng năng lượng hóa thạch thì các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới họ sẽ quay lưng thì Việt Nam mình khi đó sẽ mất đi đơn hàng.” 

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nhận định trên Tạp chí Thương gia rằng hiện nay, xu thế thế giới là cắt giảm tối đa lượng phát thải, chuyển đổi sản xuất xanh để tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo, sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường hay mô hình kinh tế tuần hoàn.

Ông thừa nhận rằng các doanh nghiệp Bangladesh, từ rất sớm, đã chuyển đổi ngành dệt may theo “tiêu chuẩn xanh” nên hiện là nơi được các thương hiệu ưu tiên lựa chọn để đặt hàng.

Bangladesh đã nhìn thấy và hướng tới sự phát triển bền vững bằng cách thực hiện xanh hoá quy trình sản xuất. Từ năm 2008, Hội đồng Công trình Xanh Bangladesh được thành lập, với mục tiêu là làm cho đất nước trở nên “xanh hơn”, theo một bài báo được phát hành trên The Business Standard hồi tháng 9/2022.

Trong thập kỷ qua, có 122 tòa nhà được chứng nhận LEED ở quốc gia này. Tiêu chuẩn LEED là bộ tiêu chuẩn được ban hành bởi Hội đồng công trình xanh tại Mỹ, là bộ tiêu chuẩn quốc tế tiên phong và phổ biến nhất về vấn đề xây dựng các công trình để tiết kiệm năng lượng.

Ông Đình Đệ bày tỏ sự tiếc nuối khi chính phủ Việt Nam đã không hành động nhanh chóng để bắt kịp xu hướng toàn cầu:

“Tôi nghĩ là chính phủ mình đã phải thấy vấn đề này từ lâu rồi, cũng không hiểu sao tới giờ này mà vẫn đầu tư cho các nhà máy nhiệt điện, than dầu…”

Vấn đề khác cũng quan trọng để kéo đơn hàng quay trở lại, theo ông Đệ là Việt Nam phải đáp ứng được các chế độ phúc lợi và phải có công đoàn độc lập bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Ông nói:

“Hoặc các vấn đề đạo đức, ví dụ như người công nhân phải được hưởng lương bao nhiêu, rồi chế độ nghỉ ngơi sinh nở của phụ nữ như thế nào, và vấn đề về công đoàn tự do nữa… Đó là những điều kiện quan trọng để các nhà đầu tư vào Việt Nam.”

Theo tiến sỹ Huy Vũ, hiện nay, Việt Nam đã không còn cạnh tranh được với Bangladesh về chi phí nhân công. Vì vậy, Việt Nam buộc phải tiến lên bằng cách nâng cao kỹ năng sản xuất, tiếp cận với những thị trường ngách, thị trường đòi hỏi giá trị gia tăng cao, kỹ năng tay nghề người lao động cũng cao hơn:

“Điều đó buộc chính quyền phải đầu tư nhiều hơn nữa về giáo dục, kinh tế và cơ sở hạ tầng để kích thích mở ra các ngành khác để doanh nghiệp chuyển hướng sang lĩnh vực khác sản xuất. Nếu không thì Việt Nam sẽ bị kẹt trong cái bẫy thu nhập trung bình.”

Related posts