Việt Nam không thể thâm gia sáng kiến an ninh của Trung Quốc

Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng

Trung Quốc đang tích cực mở rộng ảnh hưởng của mình đối với thế giới sang lĩnh vực an ninh. Nếu như trước đây, người ta thấy ảnh hưởng của Trung Quốc chủ yếu ở lĩnh vực kinh tế, với Sáng kiến Vành đai Con đường (BRI) nổi tiếng, còn các sáng kiến về an ninh được nhiều nước trên thế giới ủng hộ thường là đến từ Mỹ.

Thế nhưng, đến nay cả hai cường quốc đang tìm cách bổ sung cho tầm ảnh hưởng của mình. Mỹ thấy rằng ảnh hưởng của mình đang ngày càng giảm sút tại khu vực châu Á – TBD vì Trung Quốc đã sử dụng sức mạnh kinh tế như một lợi thế của họ. Vì vậy, mới đây, Mỹ cùng các nước G7 đã tung ra kế hoạch cạnh tranh với BRI trị giá 600 tỉ USD. Còn Trung Quốc cũng đanh tìm cách mở rộng ảnh hưởng sang lĩnh vực an ninh với một sáng kiến riêng của mình.

Ngày 21/4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã công bố một kế hoạch lớn mới cho an ninh toàn cầu tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao. Kế hoạch này với tên gọi là Sáng kiến An ninh Toàn cầu (Viết tắt là GSI – Global Security Initiative).[1] Đây là lần đầu tiên ông Tập Cận Bình đưa ra đề xuất “thúc đẩy an ninh cho toàn thế giới”.

Tuy nhiên, bài phát biểu này của Tập Cận Bình nặng về khoa trương nhưng thiếu chi tiết cụ thể. Nhà lãnh đạo Trung Quốc phát biểu: “Một thực tế đã được chứng minh hết lần này đến lần khác là tâm lý Chiến tranh Lạnh sẽ chỉ phá hỏng khuôn khổ hòa bình toàn cầu, chủ nghĩa bá quyền và chính trị cường quyền sẽ chỉ gây nguy hiểm cho hòa bình thế giới và sự đối đầu giữa các khối sẽ chỉ làm trầm trọng thêm các thách thức an ninh trong thế kỷ 21”.[2] Ông Tập Cận Bình cũng đồng thời kêu gọi một trật tự an ninh “chung, toàn diện, hợp tác và bền vững”.

Đây không phải là lần đầu tiên ông Tập Cận Bình đưa ra một tầm nhìn thế giới rộng lớn nhưng sơ sài. Năm 2013, ông đưa ra sáng kiến BRI theo cách tương tự. Cũng giống như cách BRI vẽ ra viễn cảnh mà trong đó Trung Quốc là mối liên kết kinh tế của mạng lưới các tuyến đường thương mại trên bộ, trên biển và kỹ thuật số, GSI có thể được coi là “song sinh” với BRI, nhưng là về an ninh. Điều này báo trước một nỗ lực mang tính phối kết hợp hơn của Trung Quốc nhằm đảm nhận vai trò lớn hơn trong an ninh toàn cầu.

Giáo sư Lý Minh Giang thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Singapore mô tả đây là “thách thức mở đầu của Trung Quốc đối với trật tự an ninh do Mỹ dẫn dắt”. Ông Lý Minh Giang nhận định: “Đây thực sự là lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra một đề xuất lớn như vậy nhằm định hướng an ninh toàn cầu. Tôi cho rằng sáng kiến này có thể sẽ trở thành một yếu tố rất quan trọng trong chính sách an ninh quốc tế của Trung Quốc”.[3]

Nội dung của GSI

Tại Diễn đàn Bác Ngao, ông Tập cho biết GSI sẽ bác bỏ “tư duy Chiến tranh Lạnh” và “chủ nghĩa đơn phương” mà một số nước theo đuổi. Ông cũng nhắc lại các nguyên tắc chính sách đối ngoại cốt lõi của Trung Quốc là tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, và không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác.

Ông Tập cũng nói rằng Trung Quốc sẽ tuân thủ nguyên tắc “an ninh không thể chia cắt”, đề cập đến một khái niệm mà theo đó không bên nào gây tổn hại tới an ninh của nước khác khi theo đuổi các mục tiêu an ninh của mình, và phản đối “sự đối đầu giữa các khối”. Cả hai chủ đề này đều gợi nhớ tới những lời biện minh của Nga cho cuộc xâm lược Ukraine.

Làm rõ hơn về GSI trong một bài bình luận, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị cho biết GSI khởi nguồn từ “Khái niệm an ninh châu Á mới” mà ông Tập Cận Bình đã đưa ra vào năm 2014.[4] Khi đó, ông Tập Cận Bình đã nói rằng an ninh khu vực không nên do một quốc gia thống trị và rằng việc điều hành các công việc của châu Á, giải quyết các vấn đề của châu Á và duy trì an ninh của châu Á là do người dân châu Á đảm nhiệm.

Cả ông Tập lẫn nhà ngoại giao hàng đầu của ông đều không đề cập đến Mỹ, dù là lúc đó hay hiện nay, nhưng rõ ràng là họ đang nghĩ đến Washington. Trong bài viết của mình, Vương Nghị cho biết GSI phản đối “vòng tròn hẹp”, “nhóm nhỏ”, trừng phạt đơn phương và việc mở rộng thẩm quyền ra ngoài nước, sử dụng ngôn ngữ mà Bắc Kinh thường sử dụng để chỉ trích Mỹ. Ông viết: “Chúng tôi kiên quyết phản đối việc sử dụng Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để chia rẽ khu vực và làm dấy lên một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, đồng thời phản đối việc sử dụng các liên minh quân sự để tạo nên một NATO phiên bản châu Á-Thái Bình Dương”.[5]

Tóm lại, theo Bắc Kinh, một thế giới an toàn là một thế giới không có chỗ cho các liên minh quân sự hạn chế thành viên như hiệp định đối tác ba bên AUKUS (Australia-Anh-Mỹ) hoặc Đối thoại an ninh Bộ tứ (gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ). Các thành viên trong các tổ chức này liên kết với nhau là vì có chung mối quan tâm với việc thúc đẩy các giá trị dân chủ tự do.

Thời điểm công bố GSI

Các học giả cho rằng GSI là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thách thức trật tự an ninh do Washington dẫn dắt và định hình lại khu vực mà nước này coi là ngày càng nguy hiểm. Dưới thời Chính quyền Biden, Washington đã tăng cường quan hệ đối tác để đối đầu với Trung Quốc, khi mà nước này cảm thấy bị đe dọa bởi liên minh chia sẻ thông tin tình báo Ngũ Nhãn (gồm Australia, Anh, Canada, New Zealand và Mỹ) cùng với Bộ Tứ và AUKUS.

Giáo sư Lý Minh Giang nhận định: “Trung Quốc nhận thấy rằng hệ thống liên minh của Mỹ ngày càng được củng cố và trở nên mạnh mẽ hơn, và coi đây là mối nguy hiểm đối với an ninh quốc gia”.[6]

Một lý do khác giải thích thời điểm đưa ra GSI là cuộc chiến ở Ukraine, vốn được Bắc Kinh coi là biểu hiện của sự cạnh tranh nước lớn. Trung Quốc cho rằng cuộc chiến nổ ra là do sự mở rộng của khối an ninh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ đứng đầu, đồng thời nói rằng các mối quan ngại về an ninh của Nga cần được tôn trọng. Bắc Kinh cũng chỉ trích Washington và các đối tác vì đã hỗ trợ quân sự cho các lực lượng vũ trang Ukraine, cho rằng những hành động như vậy thổi bùng ngọn lửa xung đột.

Ai dám tin tưởng GSI của Trung Quốc

Một thách thức lớn nhất đối với GSI đó là trong gần 150 quốc gia đã đăng ký tham gia BRI, liệu có bao nhiêu nước sẽ tán thành sáng kiến an ninh này của Trung Quốc?

Các nước nước châu Âu vốn là đồng minh thân thiết với Mỹ, đồng thời châu Âu cũng đang lo ngại trước những thái độ phức tạp của Trung Quốc đối với cuộc chiến ở Ukraine. Việc Trung Quốc vừa từ chối lên án hành động xâm lược Ukraine của Nga, vừa khẳng định mình tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ khiến Trung Quốc khó có thể thuyết phục các quốc gia châu Âu, bởi họ sẽ cho rằng Bắc Kinh chỉ ủng hộ những nguyên tắc này khi thuận lợi.

Đối với các quốc gia Đông Nam Á có liên quan trực tiếp đến tranh chấp Biển Đông như Malaysia, Indonesia, Philippines và Việt Nam, thì chắc hẳn khó có quốc gia nào trong số các quốc gia này có thể tin tưởng vào các sáng kiến an ninh của Trung Quốc, khi Trung Quốc liên tục có các hành động đe doạ các quốc gia này trên vùng biển của chính nước họ (trên vùng đặc quyền kinh tế – EEZ) trong suốt thời gian vừa qua.

Việt Nam chắc chắn sẽ là quốc gia mà Trung Quốc tìm cách vận động để ủng hộ sáng kiến này của họ vì đối với Bắc Kinh, Hà Nội luôn là quốc gia “nằm trong vùng ảnh hưởng” của họ.

Tuy nhiên, đây sẽ là một quyết định đầy khó khăn cho Việt Nam, bởi vì các lý do sau:

Thứ nhất, mặc dù Việt Nam đang cố gắng “đu dây” trong mối quan hệ với Nga, Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt trong vấn đề Ukraine, thế nhưng, đây là vấn đề không đơn giản, vì nếu Việt Nam công khai ủng hộ các sáng kiến của Trung Quốc, đi ngược lại lợi ích của Mỹ và phương Tây, thì đó sẽ không phải là điều tốt cho Việt Nam.

Mới đây, một công ty Việt Nam đã bị Bộ Thương mại Mỹ trừng phạt vì liên quan đến việc giúp đỡ cho phía Nga, vi phạm lệnh cấm vận Nga của nước Mỹ.[7]

Trước đó, có nguồn tin cho biết phía Việt nam đã phải tạm ngưng các chuyến bay tới Nga do áp lực của lệnh cấm vận và trừng phạt Nga từ Mỹ và EU.

Thứ hai, Trung Quốc là quốc gia mà Việt Nam hoàn toàn hiểu rõ là không thể tin tưởng vào cường quốc này về mặt an ninh, bởi lẽ lịch sử các cuộc xung đột của cả hai quốc gia này cho thấy Trung Quốc luôn thể hiện tư tưởng “bá quyền” đối với Việt Nam. Cuộc tấn công sáu tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam năm 1979 hay việc Trung Quốc tấn công Việt Nam tại Gạc Ma (Trường Sa) năm 1988 là minh chứng cho những dã tâm này của họ.

Kể từ 2007 tới nay, Trung Quốc đã công khai bộc lộ dã tâm độc chiếm Biển Đông thành của riêng họ. Và để thực hiện được dã tâm đó, Trung Quốc đã luôn dùng sức mạnh để uy hiếp, đe doạ Việt Nam cùng các quốc gia trên khu vực Biển Đông.

Chính vì vậy, Việt Nam cần phải né tránh, dứt khoát không tham gia hoặc ủng hộ sáng kiến này của Trung Quốc, vì chính lợi ích quốc gia của mình.

________________

Tham khảo:

[1] https://www.fmprc.gov.cn/eng/wjbxw/202205/t20220506_10682621.html

[2] https://global.chinadaily.com.cn/a/202206/07/WS629f03d1a310fd2b29e61335.html

[3] https://www.lokmattimes.com/international/china-hints-at-new-approach-to-global-security/

[4] http://us.china-embassy.gov.cn/eng/zgyw/202205/t20220505_10681820.htm

[5] http://us.china-embassy.gov.cn/eng/zgyw/202205/t20220505_10681820.htm

[6] https://www.straitstimes.com/asia/east-asia/chinas-xi-says-unilateral-sanctions-wont-work

[7] https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/us-blacklisted-a-company-in-vietnam-for-supporting-the-russian-military-06292022012115.html

* Bài viết không thể  hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Related posts