Cục Di sản Văn hóa thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam vào ngày 1/11 lên tiếng rằng trong thời gian tới cơ quan chức năng Việt Nam sẽ huy động mọi nguồn lực để đưa ấn vàng ‘Hoàng đế chi bảo’ về nước.
Truyền thông Nhà nước loan tin dẫn nguồn Cục Di sản Văn hóa như vừa nêu. Cơ quan này cũng cho rằng việc hãng Millon đưa kim ấn ‘Hoàng đế chi bảo’ ra khỏi danh mục đấu giá ngày 31/10 vừa qua là một thắng lợi bước đầu của phía Việt Nam.
Trên trang chủ, hiện hãng đấu giá Millon nêu rõ “Do sự quan tâm mạnh mẽ của Nhà nước Việt Nam đối với món cổ vật số 101- chiếc Kim ấn của Vua Minh Mạng, chúng tôi xin thông báo trước rằng chúng tôi sẽ hoãn việc bán món cổ vật này đến buổi trưa ngày thứ Năm, mồng 10 tháng 11 năm 2022”.
Hôm 18/10, món bảo vật triều Nguyễn được hãng Millon thông báo sẽ đưa lên sàn đấu giá vào ngày 31/10/2022, với giá khởi điểm từ hai đến ba triệu Euro (khoảng 48,1 tỷ đồng đến 72,2 tỷ đồng).
Theo thông tin được Millon đưa ra liên quan đến món cổ vật triều Nguyễn, thì đây là ấn vàng của vua Bảo Đại đã lưu lạc tại Pháp suốt nhiều năm qua.
Một phần nội dung trong thông báo của Millon có ghi “Chiếc ấn được chuyển giao nhiều lần. Đặc biệt vào thời điểm vua Bảo Đại thoái vị và trao nó cho chính quyền cách mạng Việt Nam, nơi nó được vua giao cho đại diện chính quyền cách mạng tại Quảng trường Ngọ Môn vào ngày 30/8/1945”.
PGS-TS Nguyễn Phước Bửu Nam, Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam, cho biết Hội đồng Hoàng tộc triều Nguyễn hôm 30/10 đã có thư gửi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề nghị Tổng thống can thiệp hủy bỏ cuộc đấu giá hai bảo vật hoàng gia của nước Việt Nam là ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” và chiếc bát vàng, do hãng đấu giá Millon thực hiện.
Theo Phó giáo sư Bửu Nam, bức thư của hội đồng Nguyễn Phúc tộc VN được viết bằng tiếng Pháp, trong đó có một đoạn ghi rõ “Với quyền hạn nào, đức vua Bảo Đại có thể tự cho mình quyền chuyển nhượng cho dù nhà đấu giá Millon có trình ra giấy thừa kế đến từ bất cứ công chứng viên nào đi nữa.
Nước Việt Nam, với tư cách là một quốc gia thành viên, đã ký Công ước UNESCO vào năm 1970 nhằm tăng cường cuộc chiến chống buôn bán các hiện vật văn hóa từ năm 2005. Liệu việc đấu giá bảo vật của quốc gia Việt Nam có xem xét đầy đủ và thận trọng các khía cạnh pháp lý, dựa vào Công ước UNESCO 1970 nói trên hay không?”.
Trước đó, vào ngày 26/10, PGS-TS Nguyễn Phước Bửu Nam cũng đã gửi văn bản đến ông Jean Gauchet, Giám định viên hãng đấu giá Millon (Pháp), yêu cầu hủy bỏ cuộc đấu giá hai cổ vật bát vàng của vua Khải Định và ấn triện bằng vàng của vua Minh Mạng.