Trung Quốc đệ đơn xin gia nhập CPTPP
Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 16/9 cho biết nước này đã đệ đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Động thái này của Bắc Kinh diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đang tìm cách tăng cường tầm ảnh hưởng đối với hoạt động thương mại trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như trên thế giới.
Điều đáng lưu ý là việc đệ đơn gia nhập này diễn ra chỉ một ngày sau khi Mỹ, Anh và Australia thành lập liên minh an ninh ba bên mới ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, mang tên AUKUS, để bảo vệ lợi ích chung của cả ba nước và cho phép các bên chia sẻ nhiều hơn về các năng lực quốc phòng, một động thái mà Bắc Kinh chỉ trích mạnh mẽ.
CPTPP là gì?
CPTPP là hiệp định thương mại thế hệ mới được 11 quốc gia ký kết vào năm 2018, bao gồm Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Australia, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam.
Hiệp định này chính thức có hiệu lực từ ngày 30/12/2018 đối với nhóm 6 nước đầu tiên hoàn tất thủ tục phê chuẩn hiệp định gồm Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Australia. Trước đó, CPTPP được biết đến là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và được coi là một sân chơi kinh tế quan trọng nhằm đối trọng lại tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. New Zealand hiện đóng vai trò là nước lưu chiểu cho CPTPP. Chính phủ Wellington đóng vai trò xử lý các nhiệm vụ hành chính khác nhau cho hiệp định này bao gồm tiếp nhận đơn xin gia nhập.
Trong thời kỳ tồn tại dưới định dạng TPP, khuôn khổ thương mại này đóng vai trò trung tâm trong chiến lược “xoay trục” về châu Á của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Tuy nhiên, chính quyền Donald Trump đã rút Mỹ ra khỏi khuôn khổ này hồi năm 2017. Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương diễn ra dưới hình thức trực tuyến hồi tháng 11/2020, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc ” muốn cân nhắc” việc tham gia CPTPP. Việc tham gia CPTPP sẽ là một “cú huých” to lớn đối với Trung Quốc sau khi nước này ký tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) gồm 15 thành viên.
Liệu Trung Quốc sẽ được chấp thuận?
Để được thông qua, Trung Quốc sẽ cần tới sự nhất trí của toàn bộ 11 thành viên của hiệp định. Là nước đóng vai trò là chủ tịch CPTPP trong năm 2021 này, Nhật Bản cho biết nước này sẽ tham vấn với các quốc gia thành viên về đơn xin gia nhập của Bắc Kinh, song Tokyo không hề phát đi bất kỳ chỉ dấu nào cho thấy khung thời gian cho quá trình tham vấn này. Trả lời báo chí ngày 17/9, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura đề cập vấn đề tiêu chuẩn: “Nhật Bản tin rằng việc đánh giá xem liệu Trung Quốc sẵn sàng đáp ứng được những tiêu chuẩn rất cao của CPTPP hay không là điều cần thiết”. Là một nền kinh tế “đầu tàu” của CPTPP, Nhật Bản tuyên bố rằng việc tuân thủ những quy định tiêu chuẩn cao của CPTPP sẽ là một điều kiện tiên quyết để Trung Quốc có thể bước vào những vòng đàm phán cho quá trình gia nhập CPTPP của họ.
Bà Wendy Cutler, từng giữ chức vụ Phó Đại diện Thương mại Mỹ, đánh giá: “Vì nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, nên Bắc Kinh dường như sẽ tìm cách né tránh những vấn đề liên quan quy định và tiêu chuẩn cao vốn dựa trên sự vận hành của thị trường mà CPTPP áp dụng. Trọng trách là ứng cử viên phải chứng minh khả năng sẵn sàng tuân thủ những quy tắc tiêu chuẩn cao hiện có của CPTPP cũng như sẵn sàng tuân theo những cam kết về tiếp cận thị trường toàn diện”. Theo nữ chuyên gia kinh tế này, việc Trung Quốc xin gia nhập CPTPP là một động thái mới cho thấy vì sao Washington cần đẩy mạnh can dự kinh tế và thương mại với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Dưới thời Tập Cận Bình, Trung Quốc đã tăng cường củng cố lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước, vì vậy, các cuộc đàm phán đầu tiên để tham gia CPTPP sẽ vấp phải những trở lực to lớn.
Ngoài vấn đề liên quan doanh nghiệp nhà nước, Trung Quốc cũng gặp khó khăn với những quy định nội bộ của họ như luật an ninh dữ liệu mới mà Bắc Kinh thực thi vào tháng 9 này đã cấm chuyển dữ liệu nhạy cảm ra ngoài biên giới nước này. Các nước thành viên CPTPP có thể sẽ không “mặn mà” gì với đạo luật này. CPTPP có ba nguyên tắc đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong việc phân phối dữ liệu, trong đó có quy định cấm buộc các công ty tiết lộ mã nguồn. Tại Trung Quốc, các công ty nước ngoài đã bị chính quyền địa phương buộc phải tiết lộ công nghệ để có được giấy phép hoạt động tại địa phương.
Bên cạnh đó, CPTPP còn kêu gọi chấm dứt phân biệt đối xử giữa các công ty nước ngoài và trong nước trong hoạt động mua sắm chính phủ. Trong khi đó, Bắc Kinh đã ban hành hướng dẫn “mua hàng hóa của Trung Quốc” đối với hoạt động mua sắm của chính phủ đối với một số sản phẩm nhất định. Hướng dẫn này yêu cầu “nội địa hóa 100%” đối với hàng trăm sản phẩm thuộc hoạt động mua sắm chính phủ của nước này, tạo nên những rào cản mới đối với các nhà cung cấp nước ngoài.
Vì vậy, con đường trở thành thành viên CPTPP sẽ khó khăn khi Trung Quốc vẫn đặt những lợi ích của mình lên hàng đầu.
Động lực nào khiến Trung Quốc muốn gia nhập CPTPP?
Theo Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành thì việc xin gia nhập CPTPP của Trung Quốc thể hiện nhiều hàm ý khác nhau. (1)
Về đối nội thì việc đệ đơn gia nhập giúp “khẳng định đường lối kinh tế đối ngoại ông Tập Cận Bình vẫn theo đuổi cũng như xoa dịu dư luận trong nước về việc Trung Quốc bị Mỹ bao vây do các chính sách cứng rắn của mình.”
Về mặt chiến lược, trong bối cảnh căng thẳng của cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung, đã “tạo ra làn sóng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc. Đây là mối đe dọa đối với vị thế của nước này trong chuỗi sản xuất toàn cầu.” Vì vậy, đây là cũng là cách để Trung Quốc “nhấn mạnh việc thắt chặt quan hệ chuỗi cung ứng với các nước láng giềng và tái định hình chuỗi cung ứng khu vực có lợi cho Trung Quốc”. Nếu tham gia CPTPP, chắc chắn Trung Quốc sẽ có vị thế quan trọng, và điều đó sẽ giúp “Trung Quốc định hình luật chơi mới trong thương mại toàn cầu theo cách họ mong muốn.”
Ngoài ra, nếu trở thành thành viên của CPTPP đương nhiên sẽ “giúp Trung Quốc giữ được hình ảnh quốc gia thúc đẩy chủ nghĩa thương mại tự do, củng cố ưu thế ngoại giao dẫn đầu tại khu vực đồng thời ngăn Mỹ tập hợp lực lượng để loại bỏ hoặc kiềm chế Trung Quốc trong các luật chơi mới.”
Việt Nam cần làm gì?
Theo Báo cáo năm 2019 của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE), việc Trung Quốc tham gia CPTPP sẽ khiến thu nhập thực tế toàn cầu tăng thêm 632 tỷ USD mỗi năm (trong 10 năm tới), tức là tăng thêm 485 tỷ USD mỗi năm (0,57% GDP toàn cầu năm 2020) so với việc không có Trung Quốc tham gia. (2)
TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV (3) cho biết: Nếu Trung Quốc tham gia CPTP, Việt Nam sẽ là một trong bốn quốc gia được hưởng lợi lớn nhất khi thu nhập quốc gia thực tế tăng thêm 16 tỷ USD mỗi năm (so với việc Trung Quốc không tham gia vào CPTPP).
Tuy nhiên, cũng theo TS Cấn Văn Lực và nhóm nghiên cứu của ông ta thì, do cả Việt Nam và Trung Quốc đều đã là thành viên của các hiệp định thương mại tư dọ (FTA) như ACFTA (giữa ASEAN – Trung Quốc có hiệu lực từ năm 2003) và RCEP (gồm ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand; đã ký kết ngày 15/11/2020, đang chờ phê chuẩn để có hiệu lực), khả năng việc Việt Nam hưởng lợi từ việc Trung Quốc gia nhập CPTPP trong thực tế sẽ không được như con số đã ước tính.
Chưa kể, nếu Trung Quốc tham gia thì với năng lực rất lớn của Trung Quốc về mọi mặt, lợi thế cạnh tranh sẽ nghiêng về phía các doanh nghiệp Trung Quốc là chính, nên Việt Nam sẽ không được hưởng lợi bao nhiêu.
Ngoài ra, Việt Nam vốn đã lệ thuộc Trung Quốc rất nhiều về kinh tế, vốn mong tham gia các hiệp định FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA để thoát khỏi “cái bóng” của Trung Quốc. Nếu Trung Quốc tham gia CPTPP, với sức mạnh và vị thế của mình, Trung Quốc sẽ đóng vai trò dẫn dắt khối này theo ý muốn của Trung Quốc. Như vậy, Việt Nam có nguy cơ chìm sâu hơn vào sự lệ thuộc của Trung Quốc.
Thêm nữa, tính đến tháng 8/2021, Việt Nam đã chính thức tham gia 15 FTA khác nhau, bao gồm cả hai FTA thế hệ mới – CPTPP và EVFTA. Tuy nhiên, khả năng tận dụng các FTA này của Việt Nam còn rất kém. Theo đánh giá của Trung tâm WTO (VCCI), Việt Nam mới tận dụng được bình quân khoảng 37% ưu đãi do các FTA mang lại, do nhiều nguyên nhân khác nhau. Ví dụ cụ thể, trong năm 2019, chỉ 1,67% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang các nước CPTPP tận dụng được các ưu đãi thuế quan của hiệp định. Mức tận dụng này không chỉ thấp so với mức tận dụng trung bình 37,20% đối với tất cả các FTA của Việt Nam trong năm 2019, mà còn thấp so với mức tận dụng trong năm đầu tiên đối với nhiều FTA khác, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn thiếu thông tin liên quan tới CPTPP và EVFTA nên chưa tận dụng được hai hiệp định này. Chính vì vậy, đòi hỏi Việt Nam phải nâng cao năng lực của mình, đặc biệt phải tập trung cải cách thể chế. Nếu không, dù có tham gia nhiều FTA đi chăng nữa, cũng không mang lại lợi ích kinh tế cho Việt Nam bao nhiêu.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.