Việt Nam sẽ thúc đẩy hợp tác, đầu tư sản xuất chất bán dẫn, khai thác sâu đất hiếm

Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển giao công nghệ đối với các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư sản xuất chất bán dẫn, khai thác và chế biến sâu đất hiếm tại Việt Nam.

Đại diện Bộ Khoa học & Công nghệ được truyền thông dẫn lời trong ngày 10/2 cho biết như trên, đồng thời xác nhận thêm Bộ sẽ khuyến khích doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư các phòng thí nghiệm, các trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo trong các viện, trường liên quan đến công nghệ bán dẫn, khai thác và chế biến sâu đất hiếm.

Bộ cũng sẽ hợp tác với các nước chuyển giao công nghệ bán dẫn, khai thác và chế biến sâu đất hiếm, ưu tiên các quốc gia có công nghệ lõi, sẵn sàng chuyển giao cho Việt Nam.

Việt Nam được cho có trữ lượng đất hiếm đứng thứ hai thế giới. Các cơ chế, chính sách về thăm dò, khai thác, chế biến sâu đất hiếm có trong các cơ chế chính sách về địa chất, khoáng sản, như Nghị quyết trung ương số 10 ban hành tháng 2/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tuy vậy, theo đánh giá của Bộ Kh&CN, Việt Nam có trữ lượng đất hiếm lớn nhưng việc khai thác, chế biến và sử dụng hiện nay chưa tương xứng với tiềm năng. Đến nay Việt Nam chưa có nhà máy chế biến quặng đất hiếm thành sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu (với hàm lượng tổng oxit đất hiếm phải đạt tối thiểu gần 95%).

Hôm tháng 5/2023, bản tin của Reuters cho biết sản lượng đất hiếm của Việt Nam tăng 10 lần vào năm ngoái, khi các hãng trên thế giới tìm đến mua mặt hàng này nhằm giảm lệ thuộc vào Trung Quốc.

Dữ liệu của Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (US Geological Survey – USGS) cho thấy sản lượng đất hiếm của Việt Nam tăng lên 4.300 tấn vào năm ngoái so với chỉ 400 tấn vào năm 2021.

Số liệu của USGS cũng cho thất Việt Nam có trữ lượng đất hiếm ước tính chừng 22 triệu tấn, chỉ đứng sau Trung Quốc và bằng phân nửa trữ lượng của nước láng giềng này thôi, sẽ là nhà cung ứng quan trọng của mặt hàng này cho những nhà sản xuất thế giới.

Với sản lượng 4.300 tấn vào năm ngoái, Việt Nam trở thành nước đứng hàng thứ sáu trên thế giới về mặt hàng đất hiếm.

 

 

Related posts