Đầu năm 2022, tờ The Diplomat có đăng tải bài viết của tác giả Joe Buckley với tựa “The Limits of Vietnam’s Labor Reforms”, tạm dịch là “Những hạn chế của Bộ luật lao động sửa đổi Việt Nam”.
Tác giả cho rằng, sau khi Bộ luật Lao động sửa đổi của Việt Nam được Quốc hội thông qua vào năm 2019, một số báo chí quốc tế tiếng Anh có những bài viết nhận định Việt Nam đã cho phép thành lập công đoàn độc lập ngoài hệ thống Công đoàn các cấp chịu sự lãnh đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam như trước nay. Trong khi đó, các phương tiện truyền thông Nhà nước không đưa tin về việc có một tổ chức công đoàn độc lập nào đang tồn tại hay không.
Nhận định về việc này với RFA sáng 4 tháng 1 năm 2022, Giáo sư Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường, cho rằng đó là thực tế. Ông nói:
“Sự thực mà nói thì cam kết của Chính phủ Việt Nam trong CPTPP và EVFTA là cho phép thành lập các công đoàn độc lập. Cam kết này là có và Chính phủ Việt Nam đã xác nhận, đã có ký kết nhưng đó là cam kết trên giấy tờ nhưng đến nay vẫn chưa có công đoàn độc lập nào được thành lập. Có lẽ vì trường hợp này trường hợp kia vẫn bị đối xử không thuận theo khung pháp luật mà Việt Nam đã cam kết, thành ra về phía công đoàn cũng chưa ai đứng ra thành lập. Những tổ chức xã hội độc lập, ví dụ như Hội Nhà Báo Độc Lập thì bị ra tòa.
Các hội đó đều bị liệt vào ‘không đúng với pháp luật Việt Nam’. Tức là theo pháp luật Việt Nam thì chỉ có Chính phủ cam kết với công đoàn độc lập thôi chứ chưa có các tổ chức xã hội dân sự độc lập. Chính vì vậy, người ta có thể ghép tất cả các tổ chức xã hội dân sự vào những tổ chức không phù hợp pháp luật.”
Bộ luật Lao động sửa đổi của Việt Nam được Quốc hội thông qua vào ngày 20 tháng 11 năm 2019 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2021. Bộ luật này có 17 chương, trong đó chương 13 lần đầu tiên có quy định về Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở bên cạnh tổ chức Công đoàn Việt Nam, còn được gọi là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Ngay khi luật có hiệu lực, ông Bùi Thiện Tri – Chủ tịch Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam (VIU) – nói với RFA rằng, luật mới chỉ quy định khung về tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, còn quy định chi tiết sẽ do Chính phủ ban hành. Ông Tri giải thích:
“Bộ luật Lao động 2019 lại không quy định chi tiết các thủ tục và điều kiện để thành lập tổ chức đại diện người lao động tại các doanh nghiệp, mà giao cho Chính phủ sẽ quy định chi tiết các việc đó. Nhưng cho đến thời điểm ngày 1/1/2021 khi Bộ luật Lao động có hiệu lực thì Chính phủ vẫn chưa ban hành những nghị định hướng dẫn điều kiện, thủ tục để thành lập tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Hiện nay, người lao động muốn thực hiện quyền đó của mình thì cũng chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện.”
Tác giả Joe Buckley trong bài viết một năm sau đó nhấn mạnh, Bộ luật này cho phép người lao động thành lập Tổ chức đại diện người lao động không trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Nhưng việc tuyên bố các tổ chức này là các công đoàn độc lập là một cách hiểu sai đáng kể, bởi những tổ chức này không phải là công đoàn. Tổ chức đại diện người lao động chỉ được thành lập ở cấp độ doanh nghiệp cá nhân và bị hạn chế hơn về những gì họ có thể làm so với các công đoàn.
Theo giải thích trên trang web của Công ty luật Minh Khuê chuyên tư vấn pháp luật cho người lao động, Tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp khác với công đoàn. Tổ chức này không nằm trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam mà chỉ là tổ chức do người lao động thành lập theo trình tự, thủ tục luật định. Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp chỉ có ở cấp cơ sở – cấp doanh nghiệp, không có hệ thống các cấp như tổ chức công đoàn. Như vậy, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở là cũng là tổ chức đại diện của người lao động nhưng chỉ bao gồm hai loại sau: Công đoàn cấp cơ sở và Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.
Cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có một công đoàn độc lập nào được thành lập vì nhiều lý do, cả khách quan lẫn chủ quan. Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng, bây giờ bảo người công nhân đứng dậy thành lập công đoàn độc lập khác với công đoàn do chính phủ đạo diễn thì rất khó, bởi người lao động thì thường chỉ nghĩ đến chuyện làm sao để lương cao hơn, làm sao để cho no ấm, làm sao để được lòng chủ…
Luật sư Đặng Trọng Dũng từng công tác tại Sở Lao động- Thương binh-Xã hội TP.HCM, là người nghiên cứu về các vấn đề luật pháp liên quan thành lập tổ chức công đoàn độc lập tại doanh nghiệp, nêu quan điểm của ông với RFA sáng ngày 4 tháng 1 năm 2022:
“Cho đến bây giờ, theo Luật Lao động mới, họ cho phép thành lập công đoàn độc lập, nhưng thực tế chưa thấy báo chí đưa tin là có một công đoàn độc lập nào của ai thành lập cả. Thực tế như thế nào thì mình không biết, nhưng hai năm qua bị dịch COVID-19 thành ra vấn đề về quyền lợi người lao động không được xem xét một cách đúng mức. Do đó, việc thành lập công đoàn độc lập chắc cũng không xúc tiến gì cả.
Thông thường, khi có luật thì nó phải có nghị định để điều chỉnh, hướng dẫn thực hiện. Cho đến hiện nay chưa thấy có nghị định nào hướng dẫn thực hiện luật lao động mới. Họ cho phép thành lập công đoàn độc lập nhưng chưa có một văn bản nào hướng dẫn thi hành.”
Theo Luật sư Đặng Trọng Dũng, Công đoàn hiện nay là một tổ chức hữu danh nhưng vô thực. Không có một cơ chế nào để đẩy hoạt động của công đoàn cho đúng thực chất vấn đề. Thật sự công đoàn có vai trò của nó, nếu mà biết vận dụng thì cũng có thể làm được nhiều việc cho người lao động nếu người lao động biết sử dụng. Khi người lao động bị những vấn đề liên quan đến họ thì họ mới bắt đầu tìm hiểu thì lúc đó cũng trễ quá rồi, nên cần phải có một luật sư chuyên về lĩnh vực đó ở công đoàn để người lao động có việc thì họ hỏi.
Thực tế ở Việt Nam có một số tổ chức xã hội dân sự như Hội phụ nữ Nhân quyền, Hội Tù nhân Lương tâm, Văn đoàn Độc lập, Hội Nhà Báo Độc lập, Hội Anh em Dân chủ… được thành lập nhưng những người đứng đầu đều bị bắt bớ, tù đày. Lý do được các cấp tòa án nêu ra là vì họ ‘chống phá chế độ, tiến hành các hoạt động đối lập với các cơ quan của hệ thống chính trị, đối lập với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam’.