VN thả 2 tù chính trị người Mỹ gốc Việt về Hoa Kỳ

Vào cùng ngày 24 tháng 8 khi Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris đáp xuống sân bay Nội Bài bắt đầu hai ngày công du tại Việt Nam, Việt Nam thả hai tù nhân chính trị đã bị giam hơn 40 tháng vì cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. 

Theo báo chí Nhà nước Việt Nam, Bà Angel Phan, 64 tuổi, và ông James Hân Nguyễn, 53 tuổi, là công dân Mỹ gốc Việt, vào năm 2017 về Việt Nam, được nói để “thực hiện chống phá vào dịp lễ 30-4”. Ngày 22/8/2018 hai người đã bị tuyên án 14 năm tù.

Ông Michael Phương Minh Nguyễn, một cựu tù chính trị được Hà Nội trả tự do hồi năm 2020 là người bạn tù của ông James và bà Angel. Ông Michael cũng là người đã đưa thông tin hai người được thả. Từ Nam California, ông đã dành cho phóng viên Giang Nguyễn cuộc nói chuyện vào tối ngày 25 tháng 8. Mời quý vị theo dõi.

Giang Nguyễn: Xin chào anh Michael Phương Minh Nguyễn. Có lẽ anh là người đầu tiên đưa tin qua trang Facebook cá nhân của anh rằng hai người tù chính trị, là bà Angel Phan, và ông James Hân Nguyễn, vừa được trả tự do hôm 24/8, và đã lên máy bay về Hoa Kỳ với gia đình.

Em được biết sáng hôm nay, ngày 25 tháng 8 (giờ Cali), anh cũng đã đến phi trường Los Angeles, đón bà Angel Phan. Anh có thể cho biết khung cảnh khi gặp lại bà Angel, người bạn tù từ hồi lúc cá nhân anh bị chính quyền Việt Nam giam?

Michael Phương Minh Nguyễn:  Vâng, rất đúng là tôi là người thông báo tin này. Thông tin này chúng tôi được biết trước nhưng vì vấn đề an ninh của cả hai, cũng như tôn trọng yêu cầu của bên cho biết thông tin, thành ra tôi giữ cho tới khi chị Angel Phan vừa đáp xuống sân bay và tôi được trực tiếp gặp chị, cũng như là tôi biết được ông James Hân cũng vừa đáp tại Boston. Nên tôi mới đăng thông tin đó lên.

Chị Angel Phan đến phi trường Los Angeles vào lúc 9:39 sáng và anh James Hân thì đến phi trường Boston vào lúc 3:23 chiều giờ Eastern, giờ New York. Lúc tôi đến phi trường thì chị cũng vừa từ ở trong khu hải quan đi ra. Tôi chào hỏi nhưng lúc đó cả hai đều đeo khẩu trang nên chị Angel không nhận ra tôi. Khi tôi mở khẩu trang thì chị mới nhận diện ra tôi và chào rất thân mật. Rất tiếc vì gia đình chị vội vã đưa chị ra xe nên chúng tôi không có dịp trao đổi và hỏi thăm, cũng như là để chào chị. Tuy nhiên tôi hy vọng là một ngày rất gần sẽ được chị liên lạc lại để nói chuyện.

Giang Nguyễn: Cá nhân anh bị bắt hồi tháng 7/2018, sau đó bị tuyên án 12 năm tù về tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”, và  anh mới được thả sớm hồi tháng 10 năm ngoái. Bà Angel Phan và ông James Hân Nguyễn bị bắt và đến tháng 8/2018 bị tuyên án 14 năm tù với cùng tội danh. Anh có thể chia sẻ anh đã quen biết được hai người này như thế nào và kể một chút về hoạt động của bà Angel và ông James cho thính giả biết?

Hình minh hoạ. Ông Michael Phương Minh Nguyễn tại Toà án Nhân dân TP Hồ Chí Minh hôm 24/6/2019
AFP

Michael Phương Minh Nguyễn: Thật sự tôi không nhớ rõ chị Angel và anh James bị bắt từ lúc nào. Có lần James có chia sẻ nhưng bây giờ tôi không nhớ chính xác, nên tôi không dám thông báo rõ. Nhưng tôi biết là phải hơn 40 tháng từ ngày bị bắt cho tới ngày hôm nay. 

Thực sự từ lúc tôi ở trại Phan Đăng Lưu thì tôi cũng đã nghe tên James Hân Nguyễn và Angel Phan do những tù nhân khác chia sẻ. Cho tới tháng 8, tôi đọc báo Thanh Niên thì tôi thấy đăng tin là James Hân ra tòa và bị xử án 14 năm. Trong lúc ở trong trại giam Phan Đăng Lưu thì chúng tôi cũng có nhìn thấy nhau khi đi ra ngoài này kia, nhưng mà chúng tôi không có dịp trực tiếp nói chuyện. Lúc đó thì James cũng biết tôi hiện điện nhưng tại vì ở khác buồng nên chúng tôi không có cơ hội để trao đổi với nhau. Nhưng mà qua tù nhân với tù nhân rồi đổi buồng thì lúc đó họ mới tâm sự chia sẻ cho mình biết, từ người này qua người kia. Nói chung là tụi tôi đã hiểu nhau, biết nhau lúc ở Phan Đăng Lưu. 

Cho tới khi tôi bị chuyển trại lao động Z30D, tức là trại tù Hàm Tân, thì James đã có mặt ở đó trước tôi khoảng 10 tháng. Khi biết tôi bị nhập trại thì James đã chuẩn bị sẵn tất cả những gì cần thiết khi người tù đến ở trại đó, và cũng chia sẻ những gì nên làm và không nên làm. James đối với tôi rất thân mật và rất quý nhau. Chúng tôi hàng ngày gặp nhau. 

Lúc đó James cho biết rằng chị Angel Phan đang bị chuyển xuống trại Long An. Chị ở dưới Long An cũng một thời gian dài, rồi sau đó chị được chuyển trở lại và lúc đó chúng tôi có dịp gặp gỡ nhau trong dịp Lãnh sự quán viếng thăm. Ba chúng tôi cũng có dịp trao đổi, nói chuyện hàng ngày và lúc ở trong tù thì chúng tôi cũng có nhắn tin qua nhắn tin lại do những tù nhân mà đi làm công tác ở bên trại nữ hay có dịp đi ra ngoài lãnh đồ, thì có gặp gỡ, nói chuyện với nhau.

Giang Nguyễn: Anh có thể chia sẻ tình trạng của những tù nhân lương tâm đặc biệt là bà Angel, ông James, cũng như cá nhân anh ra sao trong tù? Họ đối xử như thế nào đối với các tù nhân lương tâm? Anh có dịp tiếp xúc với tù nhân lương tâm khác nữa không?

Michael Phương Minh Nguyễn: Thật sự anh James, chị Angel cũng như tôi (bị tuyên án) khá nặng, hơn những tù nhân lương tâm khác, bởi vì chúng tôi có những hành động tương đối mạnh mẽ. Ngược lại thì chúng tôi lại có quốc tịch Mỹ. Thành ra những cán bộ ở trong trại họ đối xử với mình một cách rất là lịch sự, không đến nỗi như những tù nhân lương tâm khác. 

Bất cứ lúc chưa ra tòa hay đã ra tòa rồi, ở dưới trại tạm giam hay ở trên trại lao động thì những tù nhân lương tâm thường bị cán bộ chèn ép rất nhiều. Bởi vì hầu hết tất cả từ nhân lương tâm thì không đồng ý với tội danh của Nhà nước phán cho họ. Họ làm những điều đó rất đúng tại vì Nhà nước toàn tuyên bố những bản án không đúng và không thích hợp. Nói chung thì với những người tù nhân có quốc tịch Hoa Kỳ hoặc là có quốc tịch nước ngoài thì được đối xử tương đối nhẹ nhàng hơn.

Giang Nguyễn: Anh bị giam hai năm, sau đó được thả sớm cũng nhân chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Hoa Kỳ lúc đó là ông Mike Pompeo. Bà Angel Phan và ông James Hân Nguyễn thì được thả đúng vào thời điểm Phó Tổng thống Kamala Harris đáp máy bay tại sân bay Nội Bài, tức cùng tối hôm 24 thì họ lên máy bay về Hoa Kỳ. Đây chắc hẳn không phải là một sự trùng hợp, và anh, hoặc người thân, có được biết trước bà Angel, ông James được thả? Anh có thể cho biết thêm về những thông tin và diễn tiến đó.

Michael Phương Minh Nguyễn: Hầu hết những diễn tiến mà chị Angel Phan cũng như James Hân vừa trải qua thì cũng giống như những gì tôi đã trải qua. Thành ra tôi nghiệm được một số vấn đề. Nói chung mọi sự có mặt của quan chức Hoa Kỳ luôn luôn tác động tốt đến những người tù chính trị, những người tù mà có quốc tịch công dân Hoa Kỳ. Tại vì lúc mà tôi còn bị giam thì mỗi lần mà quan chức Hoa Kỳ đến Việt Nam, từ nhiều lĩnh vực khác nhau, từ dân biểu, Thượng Nghị sĩ hay cả trong các vấn đề thương thuyết với nhau, hoặc là ngay cả ông Donald Trump hay là ông Mike Pompeo đến Việt Nam thì tên của ba chúng tôi đều được nổi bật lên. Đầu tiên hết là James Hân Nguyễn, thứ hai là Angel Phan. Thứ ba là tôi bởi vì tôi là người bị bắt sau cùng. Thành ra ba cái tên luôn luôn được đưa lên bàn nói chuyện, vận động để thả chúng tôi ra. Nhưng mà với sự đôi co giữa hai nước với nhau thì có những sự việc nó kéo dài hơn.

Thật sự mỗi lần có quan chức Hoa Kỳ đến Việt Nam là luôn luôn có lợi cho người tù nhân có quốc tịch Hoa Kỳ.

Giang Nguyễn: Nhân chuyến công du của PTT Harris, Mỹ tặng Việt Nam một triệu liều vắc-xin, cũng như năm triệu liều vắc-xin trước đó và các thiết bị y tế, quốc phòng trong thời gian qua. Hoa Kỳ lẽ ra phải đòi hỏi thêm những nhượng bộ từ Việt Nam, vì còn hàng trăm tù nhân lương tâm bị giam, như cô Phạm Đoan Trang, gia đình bà Cấn Thị Thêu, các thành viên Hội Nhà Báo Độc lập, v.v.?

Michael Phương Minh Nguyễn: Việc Hoa Kỳ trao tặng hay hỗ trợ nằm trong chính sách của Hoa Kỳ trong việc đối ngoại. Lúc họ viết chính sách đó hoàn toàn không có việc nhắm vào để được đối tác trao trả tù nhân. Như những yêu cầu của Hoa Kỳ mà đối tác không đáp ứng trong lĩnh vực nhân quyền hay nhân đạo thì mọi hỗ trợ sẽ bị chậm lại và có thể bị gạt ra. Cho nên việc nhà cầm quyền thả tù nhân quốc tịch Hoa Kỳ là một phần trong yêu cầu đó. 

Còn về vấn đề nhân quyền cũng như là nhân đạo thì Mỹ luôn luôn nêu những vấn đề đó ra với đối tác của mình và mong muốn đối tác đáp ứng. Lúc đó thì bên phía đối tác, tức nhà cầm quyền Việt Nam luôn luôn cân nhắc cái nào họ sẽ làm tốt hơn, và tôi biết chuyến đi vừa rồi thì bà Phó Tổng thống cũng có vận động và cũng có lên tiếng cho anh Trần Huỳnh Duy Thức và chị Đoan Trang một cách mạnh mẽ chứ không phải không.

Ngoài ra thì họ cũng có một danh sách rất dài của hầu hết gần 300 tù nhân lương tâm. Còn vấn đề được bà Harris đẩy mạnh hay không là cũng phải do người nhà và các tổ chức vận động nhân quyền cho Việt Nam và nói chung là tất cả các cộng đồng của người Việt mình ở khắp nơi đề nghị các dân cử của địa phương mình nên có tiếng nói, thì thường thường sẽ được quan chức của Hoa Kỳ đặt lên hàng đầu và như vậy sẽ được hiệu quả hơn.

Giang Nguyễn: Rất cảm ơn anh Michael Phương Minh Nguyễn đã dành thời gian cho chúng tôi ngày hôm nay.

Related posts