Vỡ nợ trái phiếu ở lĩnh vực BĐS tại Việt Nam: Tránh hiệu ứng domino

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong báo cáo mới nhất phát hành vào tháng 6 năm 2023 nêu, đã có một số vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản. 

Về thị trường trái phiếu Đông Á, báo cáo của ADB thể hiện, chỉ số vốn chủ sở hữu bất động sản của Việt Nam đã giảm khoảng 50% kể từ tháng 1. 

Cũng theo ADB, lợi suất trái phiếu tại các thị trường Đông Á giảm từ tháng 3 đến tháng 5 trong bối cảnh áp lực lạm phát giảm bớt trong khu vực và nới lỏng thắt chặt tiền tệ tại Mỹ.

Vỡ nợ: Đã được dự báo

Nhận định về phân tích của ADB, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng độc lập, với hơn 30 năm kinh nghiệm làm trong ngành tài chính ngân hàng tại Mỹ, Đức và Việt Nam hôm 23/6 nói với RFA:

“Khi thị trường trái phiếu bị đóng băng vào cuối năm ngoái vì những vụ đại án như trái phiếu của Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh… tôi đã dự báo rất nhiều trái phiếu doanh nghiệp bất động sản có thể vỡ nợ trong năm 2023. Nếu tình trạng vỡ nợ của trái phiếu xảy ra, có thể tạo ra hiệu ứng domino kéo theo nhiều trái phiếu khác cũng đi vào tình trạng vỡ nợ hàng loạt. Đó là điều đáng buồn, hiện bây giờ đã có dấu hiệu các trái phiếu đi vào tình trạng vỡ nợ.”

Nếu tình trạng vỡ nợ của trái phiếu xảy ra, có thể tạo ra hiệu ứng domino kéo theo nhiều trái phiếu khác cũng đi vào tình trạng vỡ nợ hàng loạt. Đó là điều đáng buồn, hiện bây giờ đã có dấu hiệu các trái phiếu đi vào tình trạng vỡ nợ.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu

Nhà cung cấp dữ liệu FiinRatings trong báo cáo vào đầu tháng 4 cũng có nêu, 43 doanh nghiệp bất động sản chậm thanh toán tiền lãi và nợ trái phiếu. Tổng giá trị của các trái phiếu này là 78,9 ngàn tỷ đồng (3,36 tỷ USD). Trong lĩnh vực bất động sản, tỷ lệ nợ xấu ở mức trên 20%, cao thứ hai sau lĩnh vực năng lượng. Lĩnh vực bất động sản có lượng trái phiếu đang lưu hành lớn nhất, chiếm 33,8% tổng dư nợ.

Chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, thuộc Học viện Tài chính Việt Nam, khi trả lời RFA hôm 23/6 giải thích rõ hơn về trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu:

“Trái phiếu doanh nghiệp là trách nhiệm giữa doanh nghiệp với các trái chủ và vì thế các doanh nghiệp khi đã phát hành thì có trách nhiệm phải hoàn trả cả vốn và lãi cho trái chủ. Nếu không có khả năng, doanh nghiệp có thể xem xét bán tài sản để thực hiện các nghĩa vụ. Nhà nước cũng đã có các chính sách về việc cho phép doanh nghiệp đàm phán kéo dài thời hạn trả nợ với các trái chủ, và cũng cho phép các doanh nghiệp có thể đàm phán với trái chủ để trả nợ bằng tài sản. Trong trường hợp khó hơn thì chính phủ cũng đã có văn bản cho phép các ngân hàng tham gia phát hành các trái phiếu của doanh nghiệp có thể xem xét mua lại các trái phiếu đó. Chính phủ cũng đang xem xét có biện pháp trong trường hợp vỡ nợ trái phiếu lan rộng thì sẽ có biện pháp can thiệp một cách thoả đáng.”

Một nhà đầu tư nhỏ lẻ ở Sài Gòn không muốn nêu tên vì lý do an toàn, cho RFA biết ý kiến của mình:

“Theo quan điểm cá nhân của tôi, cũng phải nên có sự hỗ trợ từ Chính phủ. Vấn đề là theo thị trường thôi, khi nó nóng lên tốt lên thì mọi người đầu tư sẽ có lợi nhuận, chứ còn bây giờ thị trường nó xuống như thế này….”

000_8WY78G.jpg
Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội trước đây. AFP.

Sự can thiệp của Chính phủ chưa đủ mạnh

Sự mở rộng trong cả phân khúc trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp, theo ADB đã giúp thị trường trái phiếu tổng thể của Việt Nam tăng 5,1% so với quý trước, lên tới 111,9 tỷ USD. Báo cáo của ADB nêu phân tích, hoạt động của trái phiếu doanh nghiệp tăng lên sau khi chính phủ nới lỏng một số quy định về trái phiếu, dẫn tới việc phát hành trở lại trong quý này.

Nói về những giải pháp của Chính phủ Việt Nam đã áp dụng trong thời gian qua, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng:

“Chính phủ đã ban hành Thông tư số 8 vào đầu năm với mục đích phá băng cho thị trường trái phiếu. Nhưng cho đến giờ, thị trường trái phiếu vẫn trong tình trạng trầm lắng. Trong những tháng vừa qua có một số trái phiếu đã được mua lại trước hạn. Nhưng cũng còn đến đâu đó 180 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp sẽ đến hạn trong năm nay. Có thể nói tình hình này khá nghiêm trọng, nếu các doanh nghiệp hết hạn và không trả được nợ có thể đưa đến tình trạng vỡ nợ hàng loạt.”

Chính phủ cần đưa ra một chương trình hoãn nợ quốc gia, tiếng anh gọi là credit moratorium, với chương trình này các khoản nợ được hoãn nợ trong vòng hai năm.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu

Tuy nhiên theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chính phủ Việt Nam đáng lẽ phải mạnh tay hơn nữa:

“Chính phủ cần đưa ra một chương trình hoãn nợ quốc gia, tiếng anh gọi là credit moratorium, với chương trình này các khoản nợ được hoãn nợ trong vòng hai năm. Trong thời gian đó các trái chủ là những nhà đầu tư không được phép đưa các nhà phát hành trái phiếu ra tòa. Việt Nam có thể áp dụng mô hình này và cho phép các doanh nghiệp trong tương lai vẫn có thể phát hành trái phiếu mới, hoặc có thể vay ngân hàng và thế chấp bằng những tài sản được xây dựng bởi nợ mới. Sau một thời gian, các doanh nghiệp có thể được phục hồi và nợ cũ sẽ được tiếp tục thanh toán. Đây có lẽ là điều chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam, đây là điều khó nhưng có lẽ là cách có thể tránh được hiện tượng Domino xảy ra.”

Theo Tiến sĩ Hiếu, giải pháp ông vừa nêu sẽ không ảnh hưởng gì ngân sách chính phủ, không cần ngân sách để hoãn việc trả nợ. Tuy nhiên, vẫn theo Tiến sĩ Hiếu:

“Chính phủ phải có vai trò giám sát, tức không phải nhà phát hành nào cũng được hưởng ưu đãi đó, mà chỉ những nhà phát hành trong quá khứ đã phát hành đúng quy định luật pháp. Còn những nhà phát hành lừa đảo, đưa ra những chiêu trò để phát hành trái phiếu thì sẽ không được hưởng quy chế này. Vai trò của nhà nước là đứng ở giữa để ngăn chặn một tình trạng domino xảy ra.”

Related posts