Hiện tại, đây là câu hỏi hết sức hóc búa nếu như xét theo đúng các tiêu chuẩn của đảng Cộng sản Việt Nam đặt ra khi chọn một lãnh đạo đất nước. Mặc dù chức vụ Chủ tịch nước là một chức vụ có tính hình thức hơn so với Thủ tướng hoặc Tổng Bí thư, nhưng dù sao, đây cũng là chức vị mang tính đại diện, gương mặt quốc gia và là “nguyên thủ” xét theo lý tình hiện nay. Chính vì vậy, yêu cầu về đạo đức, phẩm chất của chức vụ này hết sức nghiêm ngặt (một phần vì cơ hội bước lên ghế Tổng Bí thư, phần khác vì tính bảo toàn uy tín của đảng Cộng sản). Nghiệt nỗi, tình hình càng lúc càng gay cấn, bởi cho đến thời điểm hiện nay, bài toán phản đòn dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lộ diện.
Bài toán phản đòn ấy là gì? Đó là nếu xét về tính liêm khiết của đảng viên theo tiêu chuẩn của ông Trọng cũng như theo điều lệ đảng, thì sẽ chẳng có bất kì một đảng viên nào liêm khiết, thậm chí họ còn đầy tội lỗi và đủ tư cách, đủ phẩm chất để được khai trừ đảng trong bất kì giờ nào.
Bởi trong suốt tiến trình xã hội hóa và mở cửa kinh tế thị trường nhưng lựa chọn theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đảng Cộng sản đã trao cho các đảng viên của mình cái quyền ghê gớm nhất trong làm kinh tế: Quyền Nhận Hối Lộ. Bởi có một thứ qui tắc bất di bất dịch trong kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đó là bất kì lĩnh vực kinh doanh nào đều có sự giám sát và quản lý của đảng, nhà nước.
Trong tình trạng đất đai thuộc sở hữu toàn dân, mọi tài sản giá trị khác như kho bạc nhà nước, điện lực, giao thông, y tế, giáo dục đều thuộc sở hữu toàn dân trên tinh thần nhà nước quản lý, đảng Cộng sản giám sát tối cao… Thì chắc chắn một điều, bất kì nhà doanh nghiệp nào khi đụng chạm đến kinh doanh đều nghĩ đến nhà quản lý, nhà định hướng và tìm cách tiếp cận, tạo ra “môi trường thuận lợi nhất có thể” cho sự nghiệp kinh doanh của họ.
Hối lộ, tham nhũng, tham ô, cửa quyền, hách dịch và lũng đoạn, nhũng nhiễu ở các quan chức Cộng sản xuất hiện từ chỗ này, đây cũng là hạt giống cho cái cây lợi ích nhóm mọc lên, các đảng viên tuy không được làm kinh tế, không được kinh doanh theo điều lệ Đảng nhưng họ có quyền tăng gia sản xuất, nuôi heo, bán chổi đót, trồng sau, bắt còng, bắt cá, đào ao nuôi cá… Các bình phong tăng gia sản xuất mọc lên để che cho nhóm lợi ích được cấu kết chặt chẽ sau lưng nó gồm: Chức sắc đảng viên – doanh nghiệp – giới xã hội đen bảo kê.
Đảng viên lãnh đạo, chỉ đường cho doanh nghiệp xâu xé tài sản quốc dân gồm tài nguyên đất, khoáng sản, doanh nghiệp chịu trách nhiệm khai thác, phân chia và tìm thị trường, xã hội đen chịu trách nhiệm trấn áp, răn đe, hành hung những người dân thấp cổ bé miệng để họ im lặng, không dám lên tiếng, tạo không gian hoạt động tốt nhất cho nhóm lợi ích.
Chính cái liên minh ma quỉ có chất “tam hoàng” này nhanh chóng tạo ra thế lực ngầm và tội ác. Cũng chính cái liên minh ma quỉ này tạo ra diện mạo đầy thực dụng và máu lạnh trong mọi lĩnh vực, đồng tiền nhảy lên vũ đài chính trị, đồng tiền che mờ lương tri, đồng tiền phủ kín công lý… Mọi thứ trở nên náo loạn, nháo nhào và bất trị, không thể vãn hồi.
Và một khi các liên minh này đi vào hoạt động nhịp nhàng, thậm chí có cạnh tranh phe nhóm, thì sân khấu chính trị nhanh chóng biến thành một võ đài, ở đó các phe phái, các nhóm lợi ích không ngần ngại thách đấu với nhau đến đổ máu, hạ knock-out nhau và thậm chí đoạt mạng nhau bằng những đòn chí tử.
Khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đốt lò chống tham nhũng, đó cũng là lúc mà cơ hội đoạt mạng nhau của các nhóm lợi ích trở nên gay gắt nhất trên võ đài chính trị Việt Nam. Ở đây, phải hiểu rằng các chức vụ cao nhất, được xem là tứ trụ triều đình chính là cup vô địch của sàn đấu sinh tử chính trị Việt Nam.
Ở các trận vòng loại, mọi thứ đều diễn ra có vẻ nhẹ nhàng, tàn tàn, cưỡi ngựa xem hoa và các võ sĩ chính trị không ngần ngại múa may các quyền thế thị uy đối thủ, thậm chí hò hét, múa may theo kiểu vỗ ngực, trên đời này tao là độc cô cầu bại. Thế nhưng khi vào các vòng trong, đặc biệt là vòng chung kết thì tính máu me, sự đoạt mạng mới chính thức bắt đầu.
Và, võ sĩ nào, nhóm nào càng khéo léo, biết che đậy quyền thế, chiến thuật, chiến lược thì vào vòng trong càng có lợi thế. Ngược lại, võ sĩ nào càng tỏ ra tự mãn ở các vòng ngoài, không khéo che đậy cá tính cũng như sở trường thì chắc chắn, vòng trong sẽ là cửa tử.
Trường hợp Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng và hàng loạt quan chức cấp Bộ, cấp Tỉnh bị Knock-out trong thời gian vừa qua trên giải đấu Lò Chống Tham Nhũng cho thấy tình hình càng lúc càng gay cấn và người tổ chức giải như Nguyễn Phú Trọng không còn khả năng điều tiết, khống chế nhịp điệu trận đấu, giải đấu được nữa rồi.
Bây giờ, nếu thử chọn các võ sĩ trong vòng chung kết đoạt cúp vô địch Chủ tịch nước sắp tới, thì sao?
Võ sĩ Vương Đình Huệ, một võ sĩ nặng ký, có lối đánh nhịp nhàng, điềm đạm, nội lực tốt, bề dày thượng đài tương đối tốt, thế nhưng toàn bộ trung tâm, điểm hở, thậm chí yếu điểm của võ sĩ Huệ đã lộ ra rồi, vụ lùm xùm về hai đứa con của ca sĩ Hương Tràm thực hư như thế nào chưa rõ nhưng chắc chắn Ban Bí thư sẽ để ý, tìm hiểu, điều tra và Bộ Công an buộc phải vào cuộc, tìm hiểu toàn bộ quá trình thi đấu của võ sĩ này. Khó đấy, cup Chủ tịch nước có vẻ còn lâu mới chạm tay được võ sĩ Huệ.
Võ sĩ Tô Lâm, đây là võ sĩ nặng ký nhất hiện nay, sau khi võ sĩ này hạ Knock-out hàng loạt các võ sĩ, hạ một cách ngoạn mục và đẹp mắt thì người ta cũng buộc phải xét lại, bởi lẽ ra, cúp Chủ tịch nước đã trao cho võ sĩ Lâm sau khi đá rớt đài võ sĩ Nguyễn Xuân Phúc, nhưng nghiệt nỗi, võ sĩ Lâm lại phạm một lỗi không nhỏ trong qui định võ đài.
Cú há mồm đớp miếng bò dát vàng trị giá ngàn đô la chẳng khác nào một cú đá hạ bộ và bị trọng tài rút thẻ vàng, trừ toàn bộ điểm thi đấu, thậm chí cấm đấu trận sau, coi như công cốc, cơ hội tranh đai/cúp vô địch Chủ tịch nước mất trắng. Lúc này, một võ sĩ ở hạng gà, chưa bao giờ được xem là đối thủ nặng ký trên sàn đài bỗng dưng ngư ông đắc lợi. Võ sĩ Võ Văn Thưởng là một võ sĩ “chính thống”, tức được đào tạo bài bản, đai đẳng hẳn hoi nhưng kinh nghiệm sàn đấu và khả năng thực chiến thì không cao, thiên về lý thuyết, thiên về đi giao lưu, thỉnh giảng nhưng khả năng chiến đấu không phải đối thủ của võ sĩ Lâm, Huệ.
Thế nhưng cúp vô địch lại rơi vào tay Thưởng, như vậy cũng có nghĩa rằng Thưởng phải đối mặt với những trận tái đấu đẫm máu. Và, mới đấu chưa được nửa hiệp đầu của trận tái đấu, Thưởng bị knock-out ngay tức thời, nhường sàn đấu tranh đai vô địch cho Lâm và Huệ.
Bây giờ, người ta sẽ quan sát trận đấu giữa Lâm và Huệ, Lâm bị lỗi thẻ vàng “miếng bò dát vàng”, còn những lỗi khác chưa thấy. Huệ bị lỗi kĩ thuật và lý lịch võ sĩ, dính tới tai tiếng “doping gái” và khi vụ này xì ra, đưa ra ánh sáng thì coi như ngửa bụng, Knock-out. Bây giờ nếu không chọn Lâm, thì hoặc là Nguyễn Phú Trọng, người tổ chức võ đài lại lên nhận đại vô địch Chủ tịch nước lâm thời một lần nữa, hoặc là đưa một võ sĩ hạng lông (hạng gà cũng đã hết) lên nhận đai/cúp vô địch Chủ tịch nước.
Vụ này nghe có vẻ khó, vì đưa võ sĩ hạng lông lên nhận đai thì cả võ sĩ Lâm và Huệ sẽ coi cái sàn đấu kia chả ra gì, thậm chí đồng môn, môn đệ và bằng hữu của hai võ sĩ này sẽ tìm cách lật bỏ võ đài, vì nó bắt đầu nhảm nhí.
Có thể nói lần này, cơ hội cầm cup vô địch, nhận đai vô địch của võ sĩ Tô Lâm quá cao, người ta hoặc là chấp nhận bỏ qua cái thẻ vàng của võ sĩ này để trao đai và chấp nhận lỗi thẻ vàng như một tiền lệ trong thi đấu. Và đương nhiên, việc chấp nhận tiền lệ này sẽ thay đổi rất nhiều trong tương lai về các qui chế thi đấu của sàn đấu Chống Tham Nhũng và sàn đấu Chính Trị Việt Nam.
Chưa bao giờ luật lệ cũng như qui chế thi đấu võ đài trong sàn đài chính trị Việt Nam lại rơi vào thế cù cum như lúc này!
*Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do