Nhà báo, võ sư Đoàn Bảo Châu là nạn nhân mới nhất của làn sóng trấn áp các tiếng nói phản biện trong năm 2024. Ông bị công an đe dọa khởi tố vì những hoạt động báo chí của mình trên mạng xã hội, và đã phải rời khỏi Việt Nam đi lánh nạn.
Phóng viên của RFA có cuộc trò chuyện với ông Đoàn Bảo Châu để tìm hiểu thêm về hoàn cảnh của ông hiện tại.
Diễm Thi: Thưa ông, xin ông cho biết trước khi là một nhà báo tự do với những bài viết phản ánh những bất công trong xã hội trên mạng xã hội, công việc chính của ông là gì?
Đoàn Bảo Châu: Trước đây tôi là một freelancer viết cho tờ Vietnam Investment Review khoảng năm năm. Tờ này là liên doanh giữa Bộ kế hoạch đầu tư Việt Nam và một tập đoàn báo chí của Úc. Sau đó tôi làm phóng viên ảnh cho các hãng thông tấn nước ngoài như AP, Reuters, AFP, New York Times. New York Times cần tôi trợ giúp trong vấn đề phỏng vấn, phiên dịch và lấy tin, đồng thời hợp tác viết bài với các phóng viên chính của họ trong 20 năm qua.
Tôi muốn làm rõ là việc viết trên Facebook không với tư cách là một phóng viên; không ai nghĩ đó là một phóng viên mà đó chỉ là một trang các nhân. Bởi viết trên mạng xã hội không có đồng nào cả mà tất cả chỉ làm theo lương tâm. Dù không là phóng viên chính thức nhưng những người viết như chúng tôi cũng gặp nhiều nguy hiểm; bị dư luận viên chửi; bị chính quyền sách nhiễu, đe dọa; thậm chí bị người thân, bạn bè xa lánh. Không có nguồn quỹ nào cho chúng tôi cả.
Diễm Thi: Cơ duyên nào đưa đẩy ông trở thành một nhà báo tự do, có những video phỏng vấn những người bất đồng chính kiến hoặc thân nhân của họ, thưa ông?
Đoàn Bảo Châu: Mọi thứ đến với tôi rất tự nhiên không cân nhắc. Tôi chỉ muốn bênh vực lẽ phải. Tôi vốn là một võ sư dạy về võ đạo, võ thuật. Võ thuật chỉ về đánh đấm. Võ đạo là cả một triết lý sống và triết lý của người học võ nó rất đơn giản. Người ta rèn luyện cái trí tuệ, tinh thần và thể chất để thành một con người mạnh mẽ. Khi đã mạnh mẽ thì không chỉ để bảo vệ cho thân xác của chính họ mà phải bảo vệ cả những người yếu thế hơn trong xã hội. Đấy mới là lý tưởng của người tập võ. Bạn mạnh thì bạn phải có trách nhiệm của người mạnh là bảo vệ người yếu. Chỉ đơn giản như thế!
Ví dụ thấy những tù nhân lương tâm bị đánh đập trong tù, tôi phải phỏng vấn thân nhân của họ xem câu chuyện như thế nào và tôi lên tiếng phản đối hành động bắt nạt người tù.
Diễm Thi: Tuy vẫn có những cuộc phỏng vấn, những bài viết trên mạng xã hội, nhưng ngoài đời ông đang ẩn náu, không lộ diện. Xin ông cho biết lý do?
Đoàn Bảo Châu: Tôi phải lánh nạn, ẩn náu vì tôi phát hiện ra những tín hiệu cho thấy tôi sẽ bị bắt. Trước đó có Nguyễn Vũ Bình, Nguyễn Chí Tuyến bị bắt bất ngờ. Họ cũng như tôi, không bao giờ chống lại chính quyền mà chỉ lên tiếng nói cái gì đúng, cái gì sai. Tôi từng nhiều năm lên tiếng về những bất công trong xã hội. Tôi cũng từng thường xuyên cà phê cà pháo với A 25, A 35, PA 25, PA 27 vì tôi nghĩ nó chẳng mất gì. Tôi yên tâm vì mình không làm gì sai. Thế mà họ trở mặt với tôi. Họ đưa giấy triệu tập rồi kiến nghị khởi tố. Tất cả những điều đó cho thấy sinh mạng tôi bị đe dọa và tôi không có lòng tin với họ nên tôi phải ẩn náu.
Diễm Thi: Theo ông, vì sao Nhà nước lại sợ những tiếng nói phản biện của người dân đến mức bắt bớ, bỏ tù họ?
Đoàn Bảo Châu: Họ sợ là đúng vì sâu thẳm bên trong họ biết họ không được lòng dân và họ cũng biết họ là một chính thể đầy khuyết tật. Họ rất sợ những người nhìn ra được vấn đề và nói ra sự thật cho công chúng. Họ biết họ là người yếu và họ rất sợ. Tôi hiểu điều đó nên tôi chưa bao giờ viết với giọng văn cực đoan mà tôi chỉ viết ôn hòa, chừng mực vì tôi thông cảm với họ. Tôi từng nói chính thể cũng như là một cá nhân, muốn thay đổi cũng phải có thời gian. Mình chỉ trích họ nhưng đồng thời cũng cho họ thời gian để họ thay đổi.
Diễm Thi: Thưa ông, ông đánh giá sao về những hành xử của công an với gia đình ông hiện nay?
Đoàn Bảo Châu: Cái tư duy rạch ròi là ai làm người đó chịu. Nhưng đối với những người trong bộ máy chính quyền Việt Nam thì họ không có được lối tư duy rõ ràng, mạch lạc như vậy. Lối tư duy mạch lạc đó chỉ có ở những người tôn trọng pháp luật và công chính. Họ lại là những người thích dùng tiểu xảo và đôi khi họ lại tự hào vì những tiểu xảo và coi đấy là nghĩa vụ của họ. Đó là cách hành xử sai và về lâu về dài nó gây bất lợi cho chính họ. Đương nhiên họ sẽ có thêm nhiều người ghét vì những người chẳng liên quan lại bị sách nhiễu, cụ thể là những người trong gia đình tôi.
Diễm Thi: Gia đình ông có định nhờ luật sư bảo vệ về mặt pháp lý để tránh những quấy nhiễu vô lý như thế không, thưa ông?
Đoàn Bảo Châu: Gia đình tôi sẽ không ngây thơ thuê luật sư trong trường hợp này bởi với một quốc gia như Việt Nam thì việc thuê luật sư chẳng giúp ích được gì mà chỉ tốn tiền, trong khi gia đình tôi đang rất khó khăn về tài chính vì sự việc xảy ra quá bất ngờ. Luật sư chỉ có giá trị trong một nhà nước tôn trọng pháp luật với hệ thống tư pháp thật sự nghiêm minh.
Đối với tôi, việc chính quyền sách nhiễu lại là cách để vợ con tôi, anh chị em tôi, bạn bè tôi, học trò tôi nhìn ra sự thật môi trường họ đang sống nó như thế nào. Đấy không phải là lỗi của tôi mà đó là thực tế xã hội Việt Nam. Mọi người cần phải biết cái thực tế đấy.
Diễm Thi: Thưa ông, từng cộng tác với nhiều tờ báo quốc tế, ông nhận định ra sao về cáo buộc “chống chính quyền, xúc phạm lãnh đạo” của chính quyền Việt Nam với những người lên tiếng cho những vấn đề xã hội như ông?
Đoàn Bảo Châu: Cái tư tưởng độc tài của họ quá nặng nề. Họ không coi trọng tự do ngôn luận. Nếu như những người như tôi mà bị gọi là tội phạm thì người dân ở những nước tự do là tội phạm hết.
Ngoài ra trong góc nhìn của họ, họ coi lãnh tụ của họ như một vị thánh. Ai đụng đến lãnh tụ, đến đảng của họ một câu là bị kết tội xúc phạm lãnh đạo, xúc phạm chính thể của họ. Trong khi đấy, đảng của họ nát bươm vì tham nhũng và những vị lãnh đạo cao nhất mà coi là những tấm gương đều bị nhúng chàm. Đó là hình ảnh trái ngược. Họ rất dễ dàng với chính họ nhưng lại rất khắc nghiệt với dân.
Diễm Thi: Năm 2025 vừa đến, ông có ước nguyện gì cho bản thân hay xã hội trong vai trò một nhà báo tự do, thưa ông?
Đoàn Bảo Châu: Mỗi một cái like, cái share (chia sẻ), cái comment (nhận xét) cho sự công bằng trong mỗi bài viết của tôi nó giống như những giọt nước mưa trong lành. Một hai giọt, một hai chục giọt nó không nhiều nhưng lên đến hàng triệu giọt nó sẽ tạo thành cơn mưa sẽ làm cho đường phố sạch sẽ hơn, rửa sạch bụi bặm cho nơi chúng ta đang sống. Tôi không kêu gọi mọi người thành lập đảng phái hay những học thuyết gì cao siêu, tôi chỉ kêu gọi mọi người quan tâm đến những gì giản dị diễn ra quanh mình và lên tiếng cho một xã hội tốt đẹp hơn.
Diễm Thi: Cám ơn ông đã dành thời gian cho RFA. Kính chúc ông và gia đình một năm mới bình an.