Vụ ngân hàng SCB: Báo đài khuyến cáo liên tục, dân vẫn đổ xô đi rút tiền

Báo đài nhà nước liên tục đăng tải khuyến cáo của Ngân hàng nhà nước Việt Nam, khuyên khách hàng của Ngân hàng cổ phần thương mại Sài Gòn SCB “không nên rút tiền trước hạn” tuy nhiên người dân vẫn đổ xô đi rút.

Người dân lo lắng rút tiền, nhân viên SCB được chỉ đạo “đáp ứng nhu cầu của khách”

Mạng xã hội Facebook sáng 8/10 tràn ngập những hình ảnh người dân đổ xô tới các chi nhánh của ngân hàng SCB ở TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng để rút tiền do các thông tin bắt giữ các đại gia được cho có liên hệ mật thiết với SCB.

Một người đàn ông tên T. (không nêu danh tính vì lý do an ninh) cho biết, sáng nay ông đến chi nhánh của ngân hàng ở Tân Định để rút toàn bộ số tiền trong một sổ tiết kiệm nhưng được trả lại toàn tiền mệnh giá 100.000 đồng.

Theo ông T., sáng nay ông không thể truy cập vào app (ứng dụng trên điện thoại) của ngân hàng, ông gọi cho số đường dây nóng nhưng không thể kết nối.

Ngoài cuốn sổ tiết kiệm này, ông còn một vài cuốn sổ khác cũng của SCB nhưng chưa rút được khiến bản thân lo lắng “vì đây là tiền tiết kiệm cả đời”.

Một nhân viên có thâm niên của ngân hàng SCB chi nhánh TPHCM (nói trong điều kiện giấu tên vì không phải là người phát ngôn) cho biết, sáng nay người dân xếp hàng dài ở chi nhánh của bà trước khi ngân hàng mở cửa lúc 7 giờ.

Nhân viên nhận được chỉ đạo từ bên trên yêu cầu “hỗ trợ tất cả nhu cầu của khách hàng, không được để khách hàng bất mãn”. Nữ nhân viên này tiết lộ: 

”Phòng Dịch vụ Khách hàng đang bận hỗ trợ khách hàng đông lắm nên không thể nói chuyện được.

Còn các phòng ban khác vẫn đang làm việc bình thường (tất nhiên sẽ có đôi chút hoang mang) nhưng trong tâm lý sẵn sàng hỗ trợ bên dưới trong trường hợp khách hàng quá đông.”


Thứ bảy ngân hàng chỉ làm việc trong buổi sáng, tuy nhiên nhân viên dự kiến phải ở lại hỗ trợ ngoài giờ thêm cho khách hàng còn tồn đọng và không nhận thêm khách mới đến vào giờ trưa.



Theo bà, khách hàng có số tiền nhỏ trong tài khoản ít đi rút do lãi suất đang tăng, đa phần người rút là những người gửi tiết kiệm nhiều.

“Sáng nay thấy có mấy khách có số tài khoản đang lãi hơn cả trăm triệu, họ cũng đòi rút. Họ chấp nhận mất luôn số tiền lãi đó để đổi lại sự an tâm,” bà này cho biết nhân viên đều tư vấn cho khách không rút tiền để giữ chân khách hàng, đồng thời khẳng định ngân hàng hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu rút tiền của khách.

Thông tin bắt giữ các đại gia có liên quan đến SCB

Bộ Công an sáng 8/10 cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) tiến hành khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan bắt giữ các lãnh đạo cao cấp.

Bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị bắt tạm giam để điều tra tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, công an cũng tạm giam ba người khác là bà Trương Huệ Vân, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn quản lý Bất động sản Windsor; Nguyễn Phương Hồng, Trợ lý Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; Hồ Bửu Phương, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán Tân Việt, nguyên Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Thông tin trên khiến người dân lo lắng vì cho rằng, nữ đại gia gốc Hoa – Trương Mỹ Lan có liên hệ mật thiết với Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB).



Hồi đầu tháng 3 năm nay, SCB ký thỏa thuận hợp tác với Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ Tân Việt trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ sản phẩm, việc này được cho là “nhằm khai thác tối ưu mọi tiềm năng, tạo hiệu quả kinh doanh, tăng vị thế và sức cạnh tranh trên thị trường liên quan của hai bên.”


Một thông tin khác cũng được chú ý là ông Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Chứng khoán Tân Việt đột ngột qua đời vào ngày 6/10, ông cũng đồng thời là thành viên HĐQT độc lập của SCB từ tháng 4/2017.

Khuyến cáo của Ngân hàng Nhà nước

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sáng 8/10 đăng tải khuyến cáo cho biết, “trên mạng xã hội lan truyền thông tin tiêu cực về Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) dẫn đến hiện tượng một số người dân rút tiền trước hạn.

Về việc này Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định sẽ theo dõi sát tình hình để ngân hàng hoạt động bình thường và có giải pháp, chính sách theo quy định của pháp luật để đảm bảo quyền và lợi ích của người gửi tiền, giữ vững ổn định của SCB nói riêng và hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung.

NHNN khuyến cáo người gửi tiền không nên rút tiền trước hạn, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiền.”

khuyencao.jpg
Người dân nhận được bản sao khuyến cáo của Ngân hàng nhà nước được in ra từ trang web khi đến rút tiền tại SCB sáng 8/10. Ảnh chụp màn hình video Việt Plus

Khuyến cáo này được các báo đài liên tục đăng tải nhằm trấn an dư luận, tuy nhiên một số người vẫn bày tỏ với phóng viên RFA, cho biết họ không thể an tâm trước thông tin này. 



Một người dân ở tỉnh Khánh Hòa cho hay, ông không để tiền tiết kiệm của mình trong Ngân hàng SCB do “tôi có nguyên tắc không bao giờ để tiền nhiều trong tài khoản, tôi chỉ tin tài sản hữu hình với điều kiện kinh tế Việt Nam hiện nay”.

Ông này khẳng định, “các khủng hoảng tương tự tôi tin nhà nước này có cách giải quyết để không trở thành khủng hoảng hệ thống, tuy nhiên lợi ích cá nhân khó lòng đảm bảo”.

Theo Quyết định về Hạn mức trả tiền Bảo hiểm do Thủ tướng Chính phủ ban hành hồi năm 2021, “Số tiền tối đa tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125.000.000 đồng.”

Nhân viên của SCB cho hay, vấn đề khủng hoảng nếu có chỉ là nhất thời, “dù luật Việt Nam có cho phép Ngân hàng được phá sản, tuy nhiên về nguyên tắc ngầm thì gần như không có ngân hàng nào được phép phá sản tại thời điểm này (các Ngân hàng 0 đồng là 1 ví dụ).

Thứ hai là nguồn khách hàng cực lớn của SCB, nếu không giữ mà để họ rút hết ra rồi thì sau này rất khó để hồi phục lại nguồn vốn huy động này.”

Ngân hàng SCB phủ nhận có liên quan với bà Trương Mỹ Lan

Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn trong trưa ngày 8/10 cũng có thông cáo báo chỉ khẳng định đã rà soát và “Công ty An Đông không phải cổ đông của SCB, bà Trương Mỹ Lan không giữ chức vụ quản lý và điều hành tại SCB. Do đó, không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh bình thường của SCB.”

Ngân hàng này cam kết “có đầy đủ giải pháp, nguồn lực để bảo đảm quyền lợi và lợi ích của người gửi tiền cũng như quyền, lợi ích của đối tác và khách hàng của SCB theo quy định của pháp luật.

Tại SCB, quyền lợi của khách hàng được đặt ở vị trí cao nhất. Các nhu cầu, thắc mắc của khách hàng trong mọi tình huống sẽ được xử lý một cách tận tâm, trọn vẹn.”

Related posts