Đối chiếu hai vụ việc của người mẫu Ngọc Trinh và Quốc Cơ – Quốc Nghiệp, luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng nguyên tắc “mọi người đều bình đẳng trước pháp luật” đã bị phá vỡ.
Mọi người không bình đẳng trước pháp luật
Sau khi người mẫu Ngọc Trinh bị bắt và khởi tố tội “gây rối trật tự công cộng” vì đã thực hiện những động tác nguy hiểm khi lái xe mô tô phân khối lớn, cư dân mạng lan truyền một video khác của hai nghệ sĩ xiếc nổi tiếng ở Việt Nam là Quốc Cơ và Quốc Nghiệp đi xe máy trên phố mà không đội nón bảo hiểm, đồng thời biểu diễn chồng đầu khi chiếc xe đang chạy.
Ngày 22/10, trả lời truyền thông nhà nước, công an thành phố Thủ Đức xác định đoạn clip của Quốc Cơ – Quốc Nghiệp được quay tại tuyến đường thuộc phường An Khánh (TP.Thủ Đức).
Nghệ sĩ Quốc Nghiệp lên tiếng về đoạn clip trên cho biết màn biểu diễn lái xe chồng đầu là một dự án quảng cáo xe máy điện. Dự án này có phép và đảm bảo các biện pháp an toàn…
Tuy nhiên, mạng báo Thanh Niên hôm 22/10 cho biết cả Sở Văn hoá-Thể thao và Sở Thông tin-Truyền thông TP.HCM đều khẳng định không cấp phép cho hoạt động quảng cáo có phân đoạn “chồng đầu chạy xe” của hai nghệ sĩ Quốc Cơ – Quốc Nghiệp.
Một số bình luận trên mạng xã hội cho rằng hành vi của người mẫu Ngọc Trinh và hai nghệ sỹ xiếc Quốc Cơ – Quốc Nghiệp là tương đồng nhưng chỉ có Ngọc Trinh là bị khởi tố bắt tạm giam hôm 19/10 vừa qua.
Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng khi đối chiếu hai vụ việc nêu trên, rõ ràng là có sự tương đồng.
Những yếu tố mà cơ quan điều tra dùng để buộc tội Ngọc Trinh như “thực hiện hành vi điều khiển xe mô tô phân khối lớn với các động tác lái xe nguy hiểm, phản cảm; lưu thông biểu diễn trên tuyến đường đã được sử dụng công cộng, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương; quay phim rồi đăng các clip này lên các tài khoản mạng xã hội có số lượng người theo dõi lớn gây tác động tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự trên không gian mạng… theo luật sư Mạnh thì đều giống như vụ việc của hai nghệ sỹ xiếc:
“Nếu soi chiếu các yếu tố mà Ngọc Trinh bị cáo buộc thì nó sẽ tương đồng với vụ của Quốc cơ và Quốc nghiệp, và do nó tương đồng mà nếu hai bạn Quốc cơ và Quốc nghiệp không bị khởi tố giống như Ngọc Trinh thì nó sẽ đưa đến một hiện tượng không bảo đảm được nguyên tắc xử lý pháp luật hình sự là “mọi người đều phải bình đẳng trước pháp luật”, tức là nếu phạm tội như nhau thì phải có sự trừng phạt như nhau.”
Vào ngày 25/10, Công an Thành phố Thủ Đức được truyền thông dẫn nhận định về vụ Quốc Cơ- Quốc Nghiệp như vừa nêu trên rằng “đây là vụ việc hành chính, không có dấu hiệu tội phạm. Qua xác minh, khu vực quay phim, ghi hình là tuyến đường chưa được kết nối giao thông vào mạng lưới giao thông đường bộ nên không thuộc sự điều chỉnh của Luật Giao thông Đường Bộ”.
Vi phạm nhỏ cũng có thể bị khởi tố
Điều 16 Hiếp pháp Việt Nam năm 2013 quy định rằng “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội…”
Tuy nhiên, với cùng một hành vi tương tự mà một bên thì không bị xử lý, còn Ngọc Trinh lại bị khởi tố hình sự. Một luật sư ở trong nước, yêu cầu giấu danh tính vì lý do an toàn, cho biết với hai hành vi tương đồng mà người này bị khởi tố còn người kia thì không, nó thể hiện cách hành xử tuỳ tiện của cơ quan thực thi pháp luật của nhà nước Việt Nam:
“Họ diễn giải luật, áp dụng luật hết sức tùy tiện, làm cho xã hội này cảm thấy nơm nớp lo sợ, lúc nào cũng sợ hãi mình có thể bị bắt bất kỳ lúc nào.
Cả xã hội này ai cũng có thể bị khởi tố về những hành vi rất nhỏ, chỉ cần vi phạm hành chính thôi nhưng mà người dân chú ý, like và share nhiều quá, là bị khởi tố về tội gây rối trật tự công cộng; Thế thì chết dở!”
Theo luật sư Đặng Đình Mạnh, người dân sẽ mất lòng tin vào hệ thông pháp luật nếu họ không được đảm bảo bình đẳng trước pháp luật:
“Sự bất bình đẳng về cư xử đối với mọi người trước pháp lý nó sẽ đẩy đến chỗ là mọi người không còn tin cậy vào pháp lý nữa.
Vụ của Quốc Cơ và Quốc Nghiệp bị công chúng đưa ra so sánh, thứ nhất nó thể hiện rằng công chúng đã thấy được là khởi tố đối với Ngọc Trinh là vô lý.”
Bất công có thể “gõ cửa” bất cứ lúc nào
Có một quan niệm phổ biến trong tâm trí người dân Việt Nam là tránh nhắc tới các vấn đề chính trị – xã hội để được yên ổn làm ăn sinh sống.
Ngọc Trinh – cô người mẫu có sức hút trên các nền tảng mạng xã hội, tuy nhiên, cô này chưa bao giờ đả động gì đến vấn đề chính trị – xã hội, vẫn bị
Ngoài ra, các tờ báo trong nước cũng đăng tải hàng loạt bài viết kết tội cô người mẫu này.
Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng qua vụ việc xảy ra với Ngọc Trinh, có thể thấy rằng quan niệm này của người dân là sai lầm:
“Ở Việt Nam, sự bảo vệ cho cá nhân về phương diện pháp lý rất mong manh. Trong điều kiện là sự bất công gần như tràn lan không chừa một đối tượng nào hết thì dù mình có đề cập đến chính trị hay không, rồi một ngày xấu trời nào đó bất công nó vẫn sẽ gõ cửa nhà mình như thường.
Vì vậy cho nên mọi người có quan niệm rằng đừng nói đến chính trị để được yên thân thì đây là một quan niệm mà càng ngày càng lộ rõ ra là một quan niệm sai lầm.”
Luật sư giấu tên nhận định pháp luật Việt Nam là công cụ để nhà nước trừng phạt bất kỳ ai, nên đừng mong luật pháp có thể bảo vệ được mình khi gặp bất công:
“Sinh viên Luật được dạy rằng “Luật pháp là ý chí của giai cấp nắm quyền được nâng lên thành luật”; mà nhà làm luật ở Việt Nam là Đảng Cộng sản.
Thế thì bây giờ ai nói trái hay làm trái lại với ý chí của Đảng Cộng sản thì họ sẽ tìm cách triệt hạ ngay. Cho nên luật pháp không bảo vệ dân đâu.”