Vụ nổ súng ở Đắk Lắk: Mâu thuẫn âm ỉ từ lâu, khó có thể là sự bột phát!

Ý kiến từ giới quan sát thời sự Việt Nam nói với Đài Á Châu Tự Do rằng sự kiện ở Đắk Lắk hôm chủ nhật 11/6/2023 là ‘hết sức bất ngờ’ và có thể là ‘một biến cố lớn nhất’ thuộc loại này từ ít nhất ‘một chục năm trở lại đây’.

Cũng có gợi ý từ ý kiến trong giới quan sát vào dịp này cho rằng chính quyền Việt Nam có thể nên xem lại một số chính sách của họ đối với Đắk Lắk nói riêng và với nhiều nơi khác có các cư dân bản địa đang sinh sống như tại Tây Nguyên nói chung.

“Sự kiện này hết sức bất ngờ, tôi cảm thấy bất ngờ cho không chỉ công chúng mà cả chính quyền, không chỉ ở vùng Tây Nguyên mà còn trong cả nước, cảm nhận ban đầu là như vậy, còn diễn biến sự việc hết sức phức tạp và kiểu như vậy chưa từng có ở Việt Nam trong nhiều năm gần đây. Điều đó đặt ra rất nhiều sự lo lắng, băn khoăn, cũng như những đồn đoán xung quanh sự kiện này,” nhà nghiên cứu và phân tích chính sách công của Việt Nam, PGS. TS. Phạm Quý Thọ, nguyên Chủ nhiệm Khoa Chính sách Công, thuộc Học viện Chính sách & Phát triển ở Hà Nội nói với RFA Tiếng Việt hôm 13/06/2023.

“Về mức độ nghiêm trọng, có lẽ sự kiện này chỉ xảy ra sau vụ Đồng Tâm như chúng ta biết, nhưng số lượng cán bộ công an, cũng như cán bộ xã và thường dân chết ở sự kiện đó, cho thấy hết sức nghiêm trọng và sơ bộ bước đầu theo thông cáo của cơ quan công an, hàng chục nghi phạm đã bị bắt, và tôi nghĩ rằng với mức độ như thế, với số lượng người (tham gia) như thế thì khó có thể nói rằng đó là sự ‘bột phát’ như kiểu tức giận của một cá nhân, hay của một nhóm người. 

Về số lượng người bị bắt tôi nghĩ có thể còn tăng lên, tuy nhiên với tin tức mà chưa được kiểm chứng, báo chí nên có sự xác minh lại để làm cho tình hình trở nên phần nào đó minh bạch hơn… Như một người quan sát, tôi thấy rằng các sự kiện có lẽ cần phải chờ một thời gian nhất định thì chúng ta mới kiểm chứng được các sự kiện, cũng như nguyên nhân, mục đích, hậu quả để lại v.v…”

Đâu là những nhân tố đáng quan tâm?

Là người từng tham gia trực tiếp một số nghiên cứu, khảo sát kinh tế, xã hội và dân số học tại Đắk Lắk và một số nơi khác tại Tây Nguyên, ông Phạm Quý Thọ đưa ra nhận xét với RFA về một số nét đặc thù có thể đáng quan tâm liên quan địa phương và khu vực này:

“Tôi có một số lần khảo sát tại Tây Nguyên, trong đó có Đắk Lắk, Kon Tum, rồi Gia Lai, thậm chí đi công tác ở đó một số đợt nữa, tôi thấy có một số đặc thù phát triển, nhưng trong một chuyến khảo sát về di dân, chúng tôi thấy nổi bật lên vấn đề di dân tự do mà đã để lại một số vấn đề khá nghiêm trọng, đặc biệt với đất đai, rừng, cũng như đất trồng trọt và đất ở. 

Thứ hai, Tây Nguyên có một số vấn đề phức tạp về tôn giáo, chẳng hạn tôi cũng đã vào một số cơ sở tôn giáo, trong đó có Nhà thờ gỗ của Kon Tum, và hiểu rằng về tôn giáo ở đó, chính quyền kiểm soát rất chặt chẽ, bởi vì ở Tây Nguyên, sau các sự kiện thời kỳ ‘sau giải phóng’, cũng như một số sự kiện sau này như chúng ta biết, người ta kiểm soát rất chặt chẽ. 

Gần đây có một số sự kiện tôn giáo khác như là các phân nhánh của Công Giáo…, cho thấy rằng sự phát triển tự phát là rất nhiều, rồi về mặt tự do tôn giáo, một số người tham gia nhưng không được chính quyền địa phương cho phép v.v… đó cũng là một sự phức tạp thứ hai.

Như thế là sau di dân, rồi sau vấn đề tôn giáo, thì đến vấn đề thứ ba là phát triển kinh tế. Chúng ta biết rằng ở Tây Nguyên thay đổi rất nhiều khi người ta phát triển kinh tế ở đây thành những cơ sở trồng trọt lớn, các trang trại, hay những mặt hàng xuất khẩu như cà-phê, hồ tiêu, gỗ v.v… Chúng ta thấy rằng điều này cũng làm thay đổi bộ mặt, nhưng đồng thời sự chênh lệch giàu nghèo cũng khá nghiêm trọng và sự thay đổi ở những vùng khó khăn không phải là một sớm một chiều có được, nhưng chênh lệch giàu nghèo này cũng tác động lên đời sống xã hội nói chung. 

Ba yếu tố trên có liên quan người dân bản địa và người bản địa luôn có những suy nghĩ khác đối với di dân ở nơi khác đến, tức là với những người không phải bản địa. Như chúng ta biết không chỉ tại Tây Nguyên, mà nhiều vùng khác, đặc biệt ở những nơi và những nước chưa phát triển, vấn đề càng trở nên trầm trọng, và trong tình huống nhất định, có thể làm bùng lên những sự kiện, nhưng tôi nghĩ sự kiện vừa rồi lớn hơn sự bột phát và với mấy chục trường hợp bị bắt thì khá là nhiều…

Vụ Đồng Tâm do tranh chấp đất đai rất rõ và nó kéo trong một thời gian rất dài, rồi đã có những va chạm với chính quyền địa phương ở cấp huyện, rồi cấp thành phố, thậm chí đã có những thủ lĩnh như là cụ Lê Đình Kình, và có những cách mà người ta đã phản kháng để bảo vệ đất đai một cách tự phát, mặc dù ở một thôn, hay một xã nào đó mà thôi. 

Còn ở vụ việc tại Đắk Lắk, chưa thể nói được một điều gì cả, mấy chục người bị bắt đó không thể so sánh là nhiều hay ít đối với một sự kiện như thế này được, mà người ta phải xem xét xem tính chất nghiêm trọng của vụ việc thể hiện như thế nào, chẳng hạn có tổ chức hay không, mục đích là gì, hay sau sự kiện này còn có gì không. 

Có nghĩa là ở Đồng Tâm, theo ý tôi muốn nói, là do tranh chấp đất đai lâu ngày mà không được giải quyết thỏa đáng, còn ở vụ Đắk Lắk chưa biết rõ đó là gì và sự kiện xảy ra hết sức đột ngột và bất ngờ cho những người bình thường và những người quan sát các sự kiện như chúng tôi.”

2011-08-27T120000Z_987033299_GM1E78R1JKP01_RTRMADP_3_VIETNAM.JPG
Người đồng bào Giẻ Triêng ở Kon Tum chơi nhạc cụ dân tộc để mừng nhà Rông mới ngày 27/8/2011. Ảnh: REUTERS/Kham

Có gì đáng lưu ý từ khía cạnh chính sách công?

Cho đến nay, người ta vẫn chưa nhìn thấy sự liên hệ trực tiếp giữa vụ bạo lực hôm 11/6 và bối cảnh, điều kiện kinh tế – xã hội ở Đắk Lắk và Tây Nguyên, vẫn theo ông Phạm Quý Thọ, người từng làm việc nhiều năm tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư và trước đó ở Đại học Kinh tế Quốc dân tại Hà Nội, về phương diện chính sách công đối với Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung, có một số khía cạnh có thể cần được lưu tâm, ông nói:

“Vùng Tây Nguyên luôn được đặt trong những vấn đề của chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam nói chung, cũng như về mặt chính sách công nói chung, và tôi có thể nói rằng đây là một địa bàn khá trọng yếu, không những chỉ về kinh tế mà còn về vấn đề an ninh, trật tự v.v… 

Tất nhiên khi phát triển kinh tế, và với những yếu tố có thể âm ỉ lâu ngày, thí dụ như bất bình đẳng giàu nghèo, rồi nếu không nghiên cứu thỏa đáng những nhu cầu để trung hòa các mâu thuẫn giữa người bản địa và người ở nơi khác đến, trong đó như đã nói có chênh lệch giàu nghèo, rồi sự quan tâm của chính quyền địa phương, chẳng hạn như ở cấp xã, có thể đó là những điều gây áp lực cho những người dân bản địa, nhưng tôi cũng chưa biết rõ trong mấy chục người bị bắt này cho đến nay, thì có bao nhiêu người bản địa, hiện nay danh tính của họ chưa được công bố (hết), nên chúng ta còn phải chờ một thời gian.

Song tôi nghĩ rằng về khía cạnh chính sách công, như chúng tôi đã từng nghiên cứu ở đó, tất nhiên di dân tự do đã kiểm soát được do kinh tế đã tăng lên, đời sống cũng tăng lên, rồi chênh lệch vùng miền như di dân từ những vùng núi phía Bắc vào trong đó (Tây Nguyên) không còn nhiều nữa, tuy nhiên nạn phá rừng vẫn còn là vấn đề rất lớn, có những vụ phá rừng mà tôi cho là hết sức nghiêm trọng mà báo chí cũng đưa tin nhiều, đặc biệt khi Chính phủ đã có chỉ thị đóng cửa rừng, nhưng nạn phá rừng vẫn diễn ra và vẫn có tính chất rất nghiêm trọng, kể cả trong những rừng đặc dụng, thì đó cũng là những yếu tố.

Thứ ba nữa là lâu nay người ta cũng ít đề cập những chuyên đề sâu, thí dụ chuyên đề về bất bình đẳng giữa người bản địa và những người ở nơi khác đến. Lẽ ra tôi nghĩ những việc này nên được chú ý, và chính sách công nên chú ý hơn bởi vì những vụ việc như thế không chỉ âm ỉ, mà bùng phát bất cứ lúc nào, mà đó không chỉ là bối cảnh của một vùng hay một đất nước trong một khoảng thời gian nào, mà tôi nghĩ nó có thể kéo dài hàng trăm năm, thí dụ như ở Canada hay ở Mỹ v.v… 

Cho nên tôi nghĩ, cần phải có những việc quan tâm thỏa đáng hơn, thí dụ như lồng ghép với các chương trình xóa đói giảm nghèo, phúc lợi, trợ cấp, rồi những chương trình khác, thậm chí có những chính sách ưu tiên về đất ở, cơ sở hạ tầng đối với người bản địa. 

Tôi nghĩ cần có những chính sách như vậy, thậm chí ở đây theo quan điểm cá nhân của tôi, cuộc sống tinh thần của họ (cư dân sắc tộc), trong đó có tôn giáo, cũng phải có những chính sách nhất định đối với người bản địa, mà khác đối với những người Kinh, hoặc là những người dân tộc từ các địa phương khác đến Tây Nguyên,” PGS. TS. Phạm Quý Thọ nói trên quan điểm riêng.

‘Một trong những vụ lớn nhất hơn 10 năm trở lại’

Cũng trong dịp này, một nhà nghiên cứu là người bản địa có nhiều năm nghiên cứu văn hóa của các cộng đồng cư dân bản địa liên quan ở Tây nguyên và duyên hải nam Trung Bộ Việt Nam không muốn nêu tên, chia sẻ góc nhìn từ quan điểm cá nhân về sự kiện ở Đắk Lắk hôm 11/6:

“Tôi nghĩ rằng tới nay đây là vụ việc lớn nhất của năm 2023 và cũng có thể là lớn nhất hơn 10 năm trở lại đây, nếu nhìn vào số lượng cán bộ công an, cán bộ dân sự và người khác thiệt mạng… Tôi cho rằng nguyên nhân chính của vụ việc này bắt nguồn từ mâu thuẫn sắc tộc, mâu thuẫn với và trong cách quản lý nhà nước mà cao trào nhất là mâu thuẫn trong vấn đề thu hồi đất đai của đồng bào Thượng ở đó, khiến vụ việc lên cao như thế. 

Không có đồng bào nào ở đó không biết rằng đất của họ đang làm trên đó, mà người ta vào, rồi trả giá rẻ như vậy để thu hồi, mà có thể chấp nhận được cả. Từ một người dân bình thường, không nói gì tới đồng bào ở đó, đa số họ cũng đã không chấp nhận, huống chi là đồng bào ở bản địa, và tôi nghĩ cao trào vấn đề nằm ở đó và tôi bảo lưu quan điểm này.”

Vẫn theo nhà nghiên cứu độc lập về văn hóa tộc người bản địa này, từ khía cạnh khác biệt văn hóa cho tới mô hình quản trị do nhà nước áp dụng ở Tây Nguyên lâu nay đã có một số vấn đề:

“Tôi thấy rằng nhà nước Việt Nam không cho tự trị, với những đồng bào đã sống trên đất đai của ông bà của họ từ lâu, nhà nước không bao giờ gọi họ là dân tộc ‘bản địa’ cả, mà chỉ gọi họ là ‘dân tộc thiểu số’ mà thôi. Ngoài ra, về văn hóa, văn hóa giữa những người thuộc dân tộc đa số và những người thuộc ‘dân tộc thiểu số’ dĩ nhiên là khác nhau và rõ ràng đó là một vấn đề. Tức là sự khác biệt này có từ tôn giáo cho đến tính chất bản địa của từng dân tộc.

Dân tộc Tây Nguyên cũng là một bộ phận không thể tách rời của các sắc tộc trên lãnh thổ của một số vương quốc cổ xưa, như Vương quốc Chăm-pa cổ chẳng hạn, từ sau 30/4/1975, chính quyền ở Việt Nam dùng những danh xưng nhỏ để phân nhỏ các nhóm cư dân, sắc tộc ra, để những người dân bản địa này không còn quan tâm nguồn gốc xa xưa của họ nữa, tạo cho họ cảm giác họ ‘rất nhỏ bé’, nên ‘không làm chuyện gì được’. Đó theo tôi là một thủ thuật của quản trị nhà nước. 

Còn về tính tự trị, ngày xưa đồng bào bản địa tự trị với nhau được, nhưng bây giờ tôi nghĩ, nếu ‘đòi tính tự trị’ đó, có thể xảy ra vấn đề đổ máu rất nhiều, và tôi nghĩ còn lâu Việt Nam mới công nhận chuyện đó. Từ khi mà nói theo cách nói của chính quyền là ‘giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước’, mô hình quản lý nhà nước đối với đồng bào ‘thiểu số’ nói chung và đồng bào Thượng ở Tây Nguyên nói riêng, có vẻ không phù hợp với tính cách, văn hóa, tôn giáo và suy nghĩ của người dân bản địa, người Thượng ở Tây Nguyên. 

Cách quản lý của nhà nước gây ra sự khó chịu, gây bức xúc nhiều cho đồng bào mà ngay nhiều nhà văn nổi tiếng của Việt Nam, như nhà văn Nguyên Ngọc, hay nhiều nhà văn khác ở Việt Nam, cũng nói rằng: ‘Từ khi mấy ông ở ngoài miền Bắc vào, các ông phá nát hết Tây Nguyên!”

Thực vậy, ngay cả những cánh rừng của Tây Nguyên cũng bị phá nát hết, và không ai có thể tưởng tượng rằng sau mấy chục năm chính quyền đến quản lý, Tây Nguyên mỗi mùa mưa về lại bị lụt. Đó là một chuyện chưa bao giờ người dân ở đó trước đây có thể nghĩ là sẽ xảy ra đối với Tây Nguyên, đơn cử Đà Lạt mùa mưa về cũng bị lụt và chỗ nọ chỗ kia ở Tây Nguyên cũng bị lụt hết, đó là điều mà chúng ta thấy có gì đó bất hợp lý.”

Tuy nhiên, vẫn theo quan điểm riêng của nhà nghiên cứu độc lập này, còn một khía cạnh khác được cho là khá nghiêm trọng, liên quan mô hình quản trị mà chính quyền Việt Nam từ sau 30/4/1975 đã áp dụng cho Tây Nguyên:

“Tôi nghĩ có vấn đề người ở đâu tới quản lý bà con cư dân bản địa, việc sử dụng người thân, đồng tộc với bà con để quản lý chính bà con, rồi những người đồng tộc ấy ở những địa phương mà chính quyền đã xé lẻ ra để quản lý như buôn nọ, buôn kia, để rồi những người thân, đồng tộc ấy báo cáo mọi sự việc lên cán bộ cấp trên, thì nó bộc lộ một vấn đề quá máy móc và quá gắt gao; ngoài ra qua một số khảo sát của tôi qua các gặp gỡ với bà con ở Tây Nguyên, họ nói với tôi rằng những người ở những nơi khác tới ‘xem thường họ’ rất nhiều, tức là họ thiếu được tôn trọng.

Còn về giáo dục, ngay lương giáo viên ở những trường học mà nhà nước mở ở Tây Nguyên, có người dạy trên mười năm, tới hai mươi năm, mà lương giáo viên không đủ sống, không đủ nuôi gia đình, thì chỉ riêng việc đó liệu đã ảnh hưởng ra sao đến chất lượng giáo dục ở Tây Nguyên, thử hỏi tại sao chất lượng giáo dục ở Tây Nguyên so với cả nước lại chẳng không đâu vào đâu cả. 

Còn trở lại với vụ việc ngày 11/6 vừa rồi, cá nhân tôi nghĩ rằng không riêng gì với bà con trong cả nước, hay đồng bào Thượng tại Đắk Lắk, Tây Nguyên, hoặc đồng bào Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận, hay các đồng bào ở những nơi khác, mà trên toàn quốc, vấn đề đất đai là vấn đề bức xúc lớn nhất bây giờ, nhất là ở cách thức thu hồi, lấy đất của bà con, của đồng bào. Và chuyện bức xúc ấy, nếu không giải quyết cho êm đẹp, thì sẽ không bao giờ quản lý được tư tưởng, cảm xúc của người ta đâu và sẽ tiếp tục xảy ra những sự việc như thế,” nhà nghiên cứu không muốn tiết lộ danh tính vì lý do an toàn này nói với RFA trên quan điểm cá nhân.

Thấy gì từ kinh nghiệm từ thời Việt Nam Cộng Hòa?

Cũng trong dịp này, hôm 13/6, từ Lognes, Cộng hòa Pháp, nhà dân tộc học, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, chia sẻ với RFA Tiếng Việt góc nhìn, cũng từ quan điểm riêng của ông, một số kinh nghiệm và đặc trưng lịch sử ở Cao nguyên Trung phần, tức Tây Nguyên, nơi có các sắc dân là đồng bào bản địa đã sinh sống từ lâu đời, dưới thời Việt Nam Cộng Hòa cho tới gần đây, ông nói:

“Dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), đã có một số biến động, trong đó có phong trào BAJARAKA (chữ viết tắt tên bốn sắc tộc lớn trên Tây Nguyên: BAhnar, dJArai, RhAdé và KAho) từ năm 1956 -1958 và sau đó là phong trào FULRO (Mặt trận Thống nhất Đấu tranh của các Sắc tộc bị Áp bức) từ năm 1960-1968 (1), chính quyền VNCH đã nhìn vấn đề và thực sự lúc đó cũng phải nói có sự cố vấn của người Mỹ rằng chúng ta (VNCH) phải tôn trọng quyền của những người bản địa để cho họ có quyền sinh sống. 

Từ đó đã có một số luật dành cho người Thượng ở Tây Nguyên một số quyền lợi: về chính trị, họ có quyền có người đại diện tập thể của họ trong Quốc hội Việt Nam và trong Thượng Nghị viện, và những người lãnh đạo địa phương như là Quận trưởng, Tỉnh trưởng, Thị xã trưởng hay là Xã trưởng đều là người Thượng. Từ đó diễn ra một sự yên bình và trong phong trào FULRO, một số trong họ đã trở về lại và hòa nhập vào đời sống của người Việt Nam, trừ một thiểu số lúc đó đang bị một phe cực đoan ở Campuchia ‘kích thích’, ‘xúi giục’ là người Thượng phải đòi tự trị, độc lập, chứ không ‘sống chung’ với người Việt Nam như vậy, thành ra gây ra sự xáo trộn… 

Nhưng trên nguyên tắc chung, người Thượng lúc đó đã chấp nhận hoàn toàn chính sách của VNCH, tức là họ sẵn sàng hội nhập vào cộng đồng người Việt Nam và họ có những quyền lợi; tức là lúc đó VNCH đang áp dụng chính sách ‘tản quyền’, và người Thượng có đầy đủ tất cả các quyền, và họ có cơ sở ở trong Sài Gòn và họ tranh đấu rất rõ ràng cho quyền lợi của họ, nhưng cũng phải nói là sau đó có một số người lợi dụng chức vụ của họ để có ‘lợi lộc riêng’.

Song nhìn chung, người Thượng đã tìm được sự sống chung với cộng đồng người Việt Nam, cộng đồng người Kinh và người Việt Nam lúc đó cũng chấp nhận một cách thoải mái yêu cầu của người Thượng và người Thượng cũng chấp nhận người Việt Nam, và lúc đó chúng ta (VNCH) cũng đã có một sự phân biệt là những vùng nào của người Thượng thì người Kinh không được vào và người Thượng tự do sống trong đó.  Nhưng thứ nhất vấn đề quan trọng của người Thượng là họ không đòi gì hết, mà họ chỉ đòi được quyền sinh sống trên đất đai của Tổ tiên của họ và đòi có quyền thực hành tự do tôn giáo, tín ngưỡng của họ. Mà tín ngưỡng của họ là gì? Đó là có thể một số theo tôn giáo của người phương Tây, tức là đạo Công Giáo, hoặc Đạo Tin Lành, và một số khác sống theo chế độ thần linh. Và chúng ta thấy rằng đó là một phong tục, tập quán mà chúng ta phải bảo vệ và tôn vinh, đó là một gia sản, một di sản văn hóa của chúng ta.

Nhưng ngày nay, chúng ta (chính quyền) muốn áp đặt một cái chung tức là mọi người phải đi theo ĐCSVN, mà đảng cộng sản không phải là một tôn giáo gì hết mà bắt người ta theo chủ trương của mình, tôi nghĩ cái đó hơi khiên cưỡng và chính vì vậy nó sinh ra, ngoài vấn đề đất đai ra, còn vấn đề tín ngưỡng của người Thượng, người ‘thiểu số’.”

Bình luận thêm về vụ việc ở Đắk Lắk hôm 11/6, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, nhà dân tộc học từng làm việc tại một Khoa Đông Nam Á học thuộc một Đại học tại Paris, Pháp, nói thêm với Đài Á Châu Tự Do cùng hôm 13/6:

“Vấn đề phải nhìn một cách rõ ràng. Thí dụ người Kinh đứng lên phản đối chính quyền, chúng ta (chính quyền) nói đó là bạo động như là về đất đai trong vụ Đoàn Văn Vươn, hoặc một số vụ ở miền Bắc Việt Nam khi chính quyền đến cưỡng chế lấy đất đai như vụ Đồng Tâm, người ta nói đó là do cưỡng ép, áp đặt (mà phản kháng), chứ không phải là vì người thiểu số muốn phản loạn, lật đổ chính quyền. Nhưng vì đây là người Thượng, thành ra họ (chính quyền) cứ áp đặt đây là phong trào FULRO, phong trào Đề-Ga (Nhà nước Tin Lành Đề-Ga), gắn cho họ những cái nhãn mà họ không có, tức là những người muốn đòi tự trị.

Vụ này là phản ứng tự nhiên của con người, khi mất hết tất cả, họ sẵn sàng chết, chứ khi chỉ còn có đất đai sinh sống mà bị ‘cướp đoạt’, hoặc bị ‘cưỡng chế’, thì còn lý tưởng gì để sống, nên họ phải liều mình, trong tay họ có gì, có súng, có dao, có mác thì họ sẵn sàng, như người Việt mình cũng thường làm với chính quyền cộng sản. Nhưng vì đây là người Thượng, nên chúng ta (chính quyền) cứ dán cho họ những cái nhãn như là ‘phản động’, ‘Đề-Ga’, ‘lật đổ chính quyền’, ‘đòi tự trị’, tôi thấy cái này là một cách áp đặt của một chế độ độc tài. Thành ra tôi nghĩ cái này phải nhìn lại.

Còn vấn đề rút ra kinh nghiệm cho tương lai, tôi thấy đây là vấn đề mà chính quyền Việt Nam phải có sự hợp tác của những cộng đồng xã hội dân sự khác, bởi vì ngày nay chính quyền Việt Nam cũng lập ra những ủy ban như Ủy ban Dân tộc, nhưng những ủy ban này và những người Thượng lãnh đạo ở địa phương là những người cộng sản và họ chỉ theo những chủ trương của ĐCSVN và họ làm trái với những điều mà tổ tiên của họ đã làm, thành ra tôi nghĩ rằng những người đại diện của ĐCSVN hiện nay ở trên Tây Nguyên mà là người gốc ‘thiểu số’ đó không đại diện cho chính sách, quyền lợi của họ (đồng bào bản địa), mà họ đại diện cho quyền lợi của đảng Cộng sản, chứ không cho quyền lợi của người địa phương. Tôi nghĩ vấn đề này chúng ta phải đặt lại, tại vì người Thượng chiếm chưa tới 1% dân số, mà chúng ta cứ áp đặt chính sách của đa số lên họ. Ngày nay họ là người ‘thiểu số’, còn trong tương lai họ trở thành những người ‘di cư’ trên đất của họ, thì tôi thấy điều này là quá đáng và chúng ta phải có một cái nhìn sáng suốt hơn về cộng đồng sắc tộc trên đất nước Việt Nam.”

Trên đây là quan điểm riêng của một số nhà nghiên cứu, quan sát từ Việt Nam và hải ngoại xung quanh sự kiện nghiêm trọng ở Tây Nguyên, còn hôm thứ tư, 14/6/2023, cập nhật tin tức hậu các vụ nổ súng ở huyện Cư Kuin, trên địa bàn Đắk Lắk, báo Công An Nhân Dân online của Việt Nam cho hay an ninh, trật tự tỉnh ở này ‘đã trở lại bình thường’, và có thêm ‘một đối tượng tự thú’:

“Theo báo cáo của Công an Đắk Lắk, tình hình ANTT tại toàn tỉnh Đắk Lắk đã trở lại trạng thái bình thường, các sinh hoạt xã hội thường lệ không có gì thay đổi. Nhịp sống thường ngày trở lại không khí như những ngày trước 11/6. Trong đêm 13/6 đã có một đối tượng tham gia vụ gây mất ANTT ra tự thú. Như vậy, đến nay đã có 3 đối tượng tham gia vụ việc ra tự thú để được hưởng khoan hồng.

Tính đến 8h30 sáng 14/6, lực lượng chức năng đã bắt giữ tổng cộng 46 đối tượng gây mất ANTT tại trụ sở UBND hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur. Công an tỉnh Đắk Lắk tiếp tục kêu gọi những người “lầm đường – lạc lối” ra tự thú để được hưởng khoan hồng. Trước đó… sáng sớm 11/6, tại địa bàn huyện Cư Kuin đã xảy ra vụ việc một nhóm đối tượng dùng súng tấn công trụ sở UBND xã Ea Tiêu và Ea Ktur, làm 9 người chết và 2 người bị thương. Sau khi xảy ra vụ việc, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an tỉnh Đắk Lắk, các đơn vị nghiệp vụ triển khai vây bắt nhóm đối tượng nêu trên, giải cứu một số người dân bị bắt làm con tin,” vẫn theo tờ báo của ngành Công an Việt Nam.

Related posts