Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Long An hôm 9 tháng 6 năm 2022 công bố cáo trạng cùng quyết định truy tố sáu người tu tại gia của Tịnh thất Bồng Lai với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Khoản 2 của Điều 331 của Bộ luật Hình sự.
Cáo trạng thể hiện, trong 3 năm từ 2019 đến 2021, tại Tịnh thất Bồng Lai, ông Lê Tùng Vân đã chỉ đạo năm bị can còn lại và bà Lê Thu Vân thực hiện năm video clip và một bài viết có nội dung bị cho là xúc phạm danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của Công an huyện Đức Hòa, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An, và cá nhân Thượng tọa Thích Nhật Từ.
Các clip này được đăng tải trên các mạng xã hội như Facebook và Youtube, làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự xã hội ở địa phương, cũng theo báo nhà nước dẫn nội dung cáo trạng.
Trả lời phỏng vấn của Đài Á Châu Tự Do, luật sư Đặng Đình Mạnh, trưởng nhóm năm luật sư bào chữa cho những người tu tại gia này cho biết, cáo trạng của Viện kiểm sát ban hành hôm 8/6 – chỉ sau sáu ngày khi có kết luận điều tra của cơ quan an ninh điều tra là khoảng thời gian ngắn hiếm có trong hoạt động tố tụng hình sự.
Ông Mạnh trả lời qua tin nhắn như sau:
“Quá trình tham gia vụ án, chúng tôi đã phát hiện và khiếu nại rất nhiều vấn đề có liên quan đến các vi phạm thủ tục tố tụng của các cơ quan có liên quan trong vụ án. Nhiều vấn đề khiếu nại chưa được giải quyết mà cơ quan tiến hành tố tụng vẫn ban hành các kết luận điều tra và cáo trạng là chưa thỏa đáng.
Chúng tôi chưa khẳng định vụ án oan sai hay không? Truy tố nặng hay nhẹ? Tuy nhiên, với quá nhiều thủ tục tố tụng không được đảm bảo trong quá trình lập hồ sơ điều tra, truy tố thì chúng tôi tin rằng khả năng gây oan sai cho những người bị truy tố là rất lớn.”
Cũng theo luật sư Mạnh, tỉnh này từng có vụ án bưu điện Cầu Voi với tử tù Hồ Duy Hải gây mệt mỏi cho nhiều cơ quan tố tụng từ địa phương đến trung ương mà đến nay vẫn còn gây nhiều tranh cãi từ hơn một thập niên qua, do vậy vụ án truy tố tội danh theo điều 331 BLHS thì các luật sư lo ngại rằng “sẽ cùng kết quả như vậy.”
Luật sư bào chữa cho những người trong Thiền am Bên bờ Vũ trụ (đổi tên từ Tịnh thất Bồng Lai) cho hay, các luật sư không được tiếp xúc với thân chủ trong giai đoạn điều tra và chỉ được tham gia khi đã kết thúc điều tra và được thông báo rằng, khi tham dự các buổi hỏi cung của điều tra viên và nếu muốn hỏi thân chủ điều gì đấy, thì phải làm văn bản gởi trước để cơ quan điều tra xem xét.
“Trong giai đoạn truy tố, chúng tôi mới được tạo điều kiện tiếp xúc với thân chủ trong điều kiện có điều tra viên và kiểm sát viên ngồi “giám sát” ngay bên cạnh. Ban đầu, chúng tôi đã phản đối vì điều ấy xâm phạm vào trao đổi mang tính cách bí mật và riêng tư trong quan hệ luật sư – thân chủ. Nhưng họ vẫn thực hiện việc “giám sát” và ghi chép tất cả sự trao đổi của chúng tôi.
Nhìn chung, đối với vụ án này, để dễ hình dung, tôi mượn lời của một thân chủ hỏi tôi trong quá trình làm việc : “Tôi chỉ nói có 4 từ “Bỏ lọt tội phạm” (không chủ ngữ, không địa chỉ) mà bị kết luận vi phạm điều luật 331 BLHS ở khoản 2 có mức hình phạt từ 2 đến 7 năm tù là sao ?””
Trong vụ án Tịnh thất Bồng Lai sau đổi tên là Thiền am Bên bờ Vũ trụ đến nay có sáu người bị truy tố, ngoài ra một người khác là bà Lê Thu Vân bị tách ra ở một vụ án khác do không tìm được bà này.
Trong số này chỉ có ông Lê Tùng Vân được tại ngoại do tuổi cao nhưng bị cấm đi khỏi nơi cư trú.