Vụ Vườn rau Lộc Hưng: dân tố cán bộ nói sai, yêu cầu được đối thoại thực sự

Liên quan đến vụ khiếu kiện đất đai ở khu Vườn rau Lộc Hưng, lãnh đạo UBND quận Tân Bình nói cần phải giải quyết dứt điểm, hỗ trợ để người dân sớm ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, một số cư dân ở đây cho biết họ vẫn chưa thật sự được đối thoại về nguyện vọng của mình và những lời cán bộ nói với báo chí nhà nước là không đúng sự thật.

Không chấp nhận hỗ trợ

Mạng báo Dân Sinh và Bảo vệ Pháp luật, hồi cuối tháng 4, dẫn lời ông Lâm Mạnh Cường, chủ tịch UBND phường 6 quận Tân Bình, cho biết nhằm đảm bảo sớm giải quyết dứt điểm vụ việc khiếu kiện ở khu vườn rau Lộc Hưng và giúp bà con sớm ổn định cuộc sống, UBND TPHCM, từ tháng 12/2023, đã đồng ý nâng mức hỗ trợ lên 11,25 triệu đồng/m2. Đồng thời, chính quyền địa phương còn có phương án dạy nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, vay vốn ưu đãi… để đảm bảo an sinh.

Ông Thiện, một người sinh sống ở khu vườn rau Lộc Hưng từ năm 1954 cho biết ông bị chiếm khoảng 700m2 đất vào năm 2019. Dù chính quyền tăng hỗ trợ từ mức 7,055 triệu đồng/m2 lên mức 11,25 triệu đồng/m2, ông vẫn không đồng ý nhận, bởi:

“Đương nhiên là không đồng ý rồi. Bởi vì có thể nói rằng gần như là chẳng có một pháp luật nào về bồi thường hết. Đầu tiên thì nói là 7 triệu mấy rồi mấy năm sau thì lên 11 triệu thì các ông ấy muốn bồi thường bao nhiêu là bồi thường hay sao! 

Chúng tôi là đúng sự thật ở từ năm 54 cho đến giờ. Chúng tôi tìm hiểu về vấn đề luật pháp từ khi chưa có Luật Đất đai đến khi có Luật Đất đai. Bây giờ giống như thể là các ông ấy hỗ trợ mà không có theo bất kỳ một luật pháp nào hết.”

Cán bộ nói sai sự thật

Ông Cao Hà Trực, một người dân vườn rau Lộc Hưng hiện vẫn đang còn khiếu kiện cho biết lãnh đạo quận Tân Bình, truyền thông nhà nước, đã cố tình bôi nhọ, nói sai sự thật về tình trạng sở hữu đất ở khu vườn rau Lộc Hưng, thuộc phường 6, quận Tân Bình.

Ông Đoàn Văn Đủ, Chánh văn phòng UBND quận Tân Bình được tờ Dân Sinh dẫn lời rằng khu đất Vườn rau Lộc Hưng rộng 48.000m2, sau năm 1975 giao cho ngành bưu điện TPHCM quản lý. Đến năm 2008 thì ngành bưu điện không sử dụng nữa nên bỏ hoang. Người dân khu này thấy đất hoang nên đã tận dụng canh tác, trồng rau; thậm chí có người còn làm nhà cho thuê… Đến năm 2019, UBND quận Tân Bình quy hoạch khu này thành trường THCS nên đã tiến hành giải toả khu đất này.

Ông Trực hoàn toàn bác bỏ những thông tin trên do cán bộ quận Tân Bình đưa ra. Ông nói thực tế là phường 6, nơi mọi người sinh sống đã xác nhận vào năm 2006 rằng bà con đã sử dụng mảnh đất này từ năm 1976, ổn định và không có tranh chấp. Những tờ giấy đó hiện bà con vẫn còn lưu giữ:

”Quận Tân Bình và Phường 6 họ đã lấp liếm cái quá trình người ta đã sử dụng từ năm 1976, sau khi thống nhất đất nước, và cũng đã xác nhận rồi.

Luật quy định là người dân sử dụng ổn định trước ngày 15/10/93 là phải được bồi thường đất, có nghĩa đất đó là có chủ thể. 

Nhưng ở đây phường với quận và Sở Tài nguyên Môi trường có bao che trong vấn đề này là không xác nhận cho bà con đủ điều kiện để được bồi thường, vì vậy chỉ được tiền hỗ trợ. Như thế là không thỏa đáng theo như thực tế. Vì vậy bà con không đồng ý với giá 11,25 triệu.” 

Tiếp tục tố cáo

Theo ông Trực, cái giá này chỉ là mức hỗ trợ về rau trồng trên khu đất bị cưỡng chế chứ không phải là giá đền bù thu hồi đất, nhà cửa trên đất này. Do đó, Hiện vẫn còn 64 hộ gia đình không đồng ý với phương án hỗ trợ này. Ông Cao Hà Trực, người đại diện của những hộ gia đình này cho biết họ vừa mới gởi một lá đơn tố cáo chủ tịch UBND quận Tân Bình lên thanh tra TPHCM vào ngày 1/4 vừa qua. 

Theo lá đơn tố cáo mà ông Trực gởi cho RFA, người dân cho rằng UBND quận Tân Bình đã có một số sai phạm như sau: Không thông báo cho các hộ dân biết về lý do thu hồi, thời gian, phương án đền bù thiệt hại; Không ban hành quyết định thu hồi đất; Không công khai 16 văn kiện mà UBND dựa vào đó để ra quyết định thu hồi đất; Chính quyền cố tình tổ chức đối thoại một cách áp đặt, không thiện chí, không lắng nghe nguyện vọng của bà con; mặc dù đất vẫn đang tranh chấp giữa người dân và chính quyền TPHCM nhưng UBND quận Tân Bình đã tiến hành cưỡng chế toàn bộ…

Từ đó, các hộ dân yêu cầu được đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các hộ dân có đất đã bị cưỡng chế thu hồi, bồi thường thoả đáng theo giá thị trường. Ông Trực đề nghị:

Bà con muốn rằng chính quyền phải thực thi pháp luật bằng cách chính quyền phải mời bà con họp theo quy định của pháp luật, phải công khai quyết định thu hồi, các quyết định liên quan đến quyền lợi của bà con.

Thứ hai là ra quyết định cho từng người để thu hồi diện tích của từng người, có nghĩa là phải làm sáng tỏ về nguồn gốc đất đai của từng người để biết được quyền lợi của mỗi người tới đâu và sau đó thì hai bên cùng tháo gỡ.”

Thanh tra TPHCM hôm 3/4 có mời năm hộ dân đại diện khiếu kiện ỏ vườn rau Lộc Hưng lên làm việc, lập biên bản xác nhận đã nhận đơn tố cáo của bà con, nhưng đến nay chưa có kết quả thanh tra.

Ngày 8/1/2019, chính quyền quận Tân Bình tiến hành đập bỏ, tháo dỡ 503 căn nhà ở khu vực Vườn rau Lộc Hưng, mà bà con ước tính thiệt hại tầm 100 tỷ đồng.

Khu đất này từ đó bỏ trống và bị canh giữ nghiêm ngặt cho đến ngày 7/12/2023, chính quyền TPHCM và quận Tân Bình huy động lực lượng công an và dân phòng với số lượng lớn phong toả các con đường ở khu vực xung quanh Vườn rau Lộc Hưng và cho công nhân cùng máy móc đổ cọc bê-tông và dùng tôn quây kín phần đất này.

Mấy ngày tiếp sau đó, công nhân sử dụng máy móc để chặt cây và đổ cát san nền.

Ông Trực cho biết trong năm ngày liên tục, chính quyền quấy rối và khủng bố tinh thần của họ bằng cách cho nhiều công an mặc thường phục chốt chặn gần nhà ông, không cho ông ra khỏi nhà và thường xuyên chĩa máy quay vào thẳng nhà của ông.

Tình trạng này chỉ chấm dứt từ ngày 12/12 đến nay khi chính quyền chính thức khởi công công trình trên. 

Theo ông Trực, việc chính quyền xây dựng công trình công cộng như trường học thì ông và bà con vẫn ủng hộ. Tuy nhiên, trước khi thực hiện, phải giải quyết và đền bù thoả đáng, đúng pháp luật cho những người dân đã sống lâu năm và ổn định ở nơi này.

Related posts