Vụ án ‘Chuyến bay giải cứu’ đang diễn ra ở Hà Nội cho dù có được tòa án tại Việt Nam mở sang giai đoạn hai hay giai đoạn nào khác đi nữa, có thể các nạn nhân bị mất tiền trong các chuyến bay sẽ không được được cứu xét đền bù, vì mục đích của phiên tòa ưu tiên việc tuyên truyền cho chiến dịch chống tham nhũng được gọi là ‘đốt lò’ do Đảng và Nhà nước CSVN tiến hành. Bên cạnh đó, phiên tòa tiếp tục bộ lộ sự yếu kém của nền tư pháp Việt Nam trong khâu ‘xác định chứng cứ’ từ điều tra, đi đến kết tội trước tòa. Đó là nhận xét của một số nhà quan sát về phiên toà xét xử 54 bị cáo trong vụ án tham nhũng lớn thuộc diện được Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng trung ương theo dõi và chỉ đạo.
“Các nạn nhân là những người dân phải nộp tiền oan vì giá vé cắt cổ sẽ không phải là những ưu tiên, mà sẽ bị loại ra khỏi mục đích của vụ án này, nhà nước không quan tâm đền bù cho người dân, đến ngày hôm nay Hội đồng Xét xử không hề nhắc nhở gì đến chuyện đó cả, cơ quan điều tra cũng vậy, không ai đếm xỉa gì đến quyền lợi của người dân.” – từ tỉnh Khánh Hòa, hôm 20/7/2023, nhà báo Võ Văn Tạo, cựu Hội thẩm viên nhân dân từng có mười năm kinh nghiệm cộng tác với các cơ quan tư pháp, xét xử ở thành phố Nha Trang nói với Đài Á Châu Tự Do trên quan điểm riêng.
Vụ án “chuyến bay giải cứu” liên quan đến chương trình đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước trong giai đoạn đại dịch COVID-19. Từ đầu năm 2020 đến giữa năm 2021, cơ quan chức năng Việt Nam đã cấp phép và tổ chức hơn 1.000 chuyến bay, đưa hơn 200.000 công dân từ 62 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước.
Tuy nhiên, những người được “giải cứu” đã phải trả tiền vé cao gấp nhiều lần giá vé thông thường để được đưa về nước. Số tiền này được dùng để hối lộ các quan chức. Số tiền đưa hối lộ được xác định là hơn 226 tỷ đồng.
‘Giữ cho chế độ không sụp đổ, rách đâu vá đấy’
Giải thích thêm về nhận định của mình, ông Võ Văn Tạo nói:
“Mục đích của chính quyền là muốn làm theo ý của họ, chứ họ đâu có muốn đáp ứng lòng dân, cho nên chuyện người dân có được bồi thường hay không đã không được đề cập và tôi nghĩ rằng khía cạnh đó cũng bị lãng quên, không ai giải quyết. Trong cuộc vận động làm trong sạch đảng theo lời kêu gọi của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người ta gọi chiến dịch này nôm na là ‘đốt lò’, ông nói thẳng mục tiêu của ông là ‘để giữ niềm tin của người dân đối với đảng’, và quan trọng là nếu để tham nhũng nhiều quá, thì chế độ sụp đổ, tức là đảng cộng sản mất quyền lãnh đạo, mục tiêu của họ là như thế chứ không phải là đem lại công bằng cho người dân.
Cho nên vụ án này đưa ra, vì họ cho rằng nạn tham nhũng hoành hành quá lộ liễu, nên người dân sẽ không tin nữa. Niềm tin của người dân đối với ĐCSVN bị suy suyển nghiêm trọng sẽ dẫn đến hậu quả rất xấu với xã hội, nên họ đưa ra xét xử với mục tiêu như thế, có tính chất là ‘rách đâu vá đấy’, chứ không phải cơ bản.”
Dự đoán về khả năng, kết quả của giai đoạn hai hoặc các giai đoạn tiếp theo của xét xử vụ án ‘Chuyến bay giải cứu’, nhà báo Võ Văn Tạo nói:
“Cũng trên tinh thần đó thôi, cũng không hơn gì, không tiến bộ gì, không có thay đổi cơ bản là đem lại mục tiêu phục vụ đời sống quốc kế, dân sinh, mà chỉ phục vụ cho ĐCSVN, cho cái gọi là ‘uy tín’ của họ đối với quần chúng, nhân dân; ví dụ sẽ thêm một vài bị cáo, một vài tình tiết về tham nhũng v.v… gì đó, còn chắc chắn tôi nghĩ rằng chủ trương của trên, của đảng cầm quyền là không bồi thường cho người dân.”
‘Chứng cứ, khâu yếu kém kinh niên của ngành tư pháp’
Hôm 20/7, một nhà quan sát thời sự Việt Nam, nhà báo, blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, cựu Thiếu tá an ninh, người từng có nhiều năm làm việc tại Bộ Công An Việt Nam, nêu quan điểm trên trang Facebook cá nhân của ông, bình luận một vấn đề mà lâu nay vẫn được cho là một khâu yếu kém kinh điển và kinh niên của nền tư pháp Việt Nam, từ khâu điều tra, xét hỏi, cho đến đưa ra xét xử tại tòa, điều được thể hiện qua nhiều phiên tòa, mà phiên tòa sơ thẩm đang xét xử vụ án ‘Chuyến bay giải cứu’ trong tháng 7/2023 là một ví dụ, blogger – nhà báo độc lập này viết:
“Nhìn lại các vụ án có tình tiết nhận hối lộ trước đây, Dương Chí Dũng, Phạm Nhật Vũ, Nguyễn Duy Linh, đều tương tự vụ này ở một điểm. Đó là đều hoàn toàn không có chứng cứ – trực tiếp – chuyện nhận tiền. Cơ quan pháp luật chỉ căn cứ vào lời khai bị can và vài thông tin, hình ảnh tương đối mơ hồ. Nhưng có một điểm khác là các bị can đều… “thành khẩn nhận tội”, nên dễ cho cơ quan pháp luật lập luận, coi đó là đủ để chứng minh hành vi phạm tội – dù vẫn chỉ là lời khai thôi. Nay thì, một biến cố khác hẳn xảy ra: bị cáo chính bác bỏ hoàn toàn cáo buộc, lại còn có lập luận quá “nhà nghề”, “trên cơ” cả Viện kiểm sát, Tòa án. Như vậy, không thể “diễn” tiếp màn buộc tội như mấy vụ trước được… Một trong những chứng cứ chứng minh cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng nhận tiền là hình ảnh do camera ghi được lúc bị cáo nhận vali do cựu Phó giám đốc Công an Hà Nội gửi đến. Thế nhưng bên trong vali đựng tiền hay chỉ có rượu như lời của Hưng khai?”
Từ Nha Trang, cựu Hội thẩm nhân dân, nhà báo Võ Văn Tạo bình luận:
“Tôi cho rằng đấy là một trong những cái yếu cơ bản của công tác điều tra, xét xử mà thông qua vụ án này đã chứng minh. Bằng chứng quan trọng nhất, có thể gọi một cách khác là ‘bằng chứng trung tâm’ có thể bị thiếu… Do công tác điều tra của cơ quan công an, cũng như công tác truy tố của Viện Kiểm sát còn nhiều khiếm khuyết, cho nên một số khiếm khuyết như được liệt kê ra, so với nguyên tắc làm việc minh bạch và đầy đủ chứng lý v.v…, thì trong những vụ án vừa qua ở Việt Nam như là vụ Phạm Nhật Vũ, Nguyễn Duy Linh, Dương Chí Dũng v.v… đó, những yếu kém vẫn bộc lộ ra như thế và tôi cho rằng sắp tới Việt Nam cần phải cải tiến để làm sao trong những bản án đưa ra thật là thuyết phục, ‘tâm phục khẩu phục’, đối với cả bị cáo cũng như là trong công chúng, vì công lý.
Còn trong vụ án này, chỉ có một tình tiết quan trọng nhất và chỉ có hai đối tượng là hai bị cáo là ông Nguyễn Anh Tuấn (cựu điều tra viên BCA) và ông Hoàng Văn Hưng (cựu PGĐ CATPHN), nếu quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước Việt Nam muốn làm cho ra nhẽ sự thật, tôi nghĩ rằng công tác điều tra, xét xử sẽ tỉ mỉ hơn, chính xác hơn.”
Từ Washington D.C., Luật sư Lê Quốc Quân đưa ra bình luận với RFA cũng về khía cạnh, vấn đề này:
“Ở Việt Nam, thông thường câu chuyện chẳng hạn bằng ‘con bò’, xong đó cơ quan điều tra mới tìm kiếm những chứng cứ mà nó chắc chắn, đảm bảo, co xuống hồ sơ là bằng ‘con heo’, sau đó đưa ra tòa xét xử, người ta lại tiếp tục ‘co lại nữa’ để có thể chỉ bằng ‘con gà’ thôi, để diệt ‘con gà’ này. Cho nên, nếu thách thức để đòi đưa ra những chứng cứ rõ ràng, trực tiếp và đảm bảo đúng, là một điều cực kỳ khó cho cơ quan công tố, bởi vì các cơ quan công tố ở Việt Nam thường thiếu tất cả những phương tiện, thiết bị, điều kiện và thậm chí là thiếu hiểu biết, để nhân danh nhà nước truy tố các tội phạm.
Họ chỉ có một điều thổi phồng từ ‘con ễnh ương’ trở thành ‘con gà’, rồi ‘con heo’, xong trở thành ‘con bò’ là đối với các vụ án về chính trị, những vụ án về ‘tuyên truyền chống nhà nước’. Còn đối với các vụ án hình sự, thông thường sự thật là mười mươi, nó được co lại và được xử rất ít Nhưng cái ‘mười mươi’ đó cũng là cái mà người ta nhìn nhận bằng cảm tính thôi, còn các công cụ để đo đạc, chứng minh được nó, thì Việt Nam rất thiếu hụt. Cho nên việc ông Hoàng Văn Hưng thách thức, là một thách thức rất thực tế, rất rõ ràng. Ông thách thức cơ quan công tố đưa ra các bằng chứng, tôi nghĩ rằng điều này cũng rất dễ hiểu.”
Theo Luật sư Lê Quốc Quân, nếu phiên tòa được tiến hành công khai ở nhiều nội dung, thì sẽ đem lại lợi ích học hỏi, tiến bộ cho nhiều bên, ông nói tiếp:
“Nếu phiên tòa này được công khai trình diễn, tranh luận, mổ xẻ, được tranh luận gay gắt chiếu theo tất cả các điều, thì tất cả các bên đều lớn lên. Từ cơ quan công tố thay mặt nhà nước cũng phải lớn lên rất nhiều, mới đối lại được với các luật sư. Ngược lại, phía bên tòa án cũng phải nhìn thẳng vào các chứng cứ một cách chi tiết, và căn cứ vào pháp lý thì mới mà không dựa vào cảm tính, hoặc dựa vào những sự hiểu biết mơ hồ của chính các thẩm phán, hoàn toàn mơ hồ theo nghĩa người ta biết điều đó, nhưng trình bày ra là rất khó khăn.”
Còn đối với cựu Hội thẩm viên nhân dân, nhà báo Võ Văn Tạo từ Nha Trang, trở lại với dự đoán của ông rằng nếu giai đoạn hai của dự án xét xử vụ án ‘Chuyến bay giải cứu’ có được mở ra, thì chính quyền cũng sẽ vẫn đặt các nạn nhân thực sự của hơn 1.000 ‘chuyến bay giải cứu’ ra ngoài các ưu tiên xem xét bồi thường của Tòa án và có thể thậm chí không được Hội đồng xét xử đề cập, ông Tạo đưa ra thêm bình luận:
“Đó là sự khác biệt giữa một quốc gia mà do nhà nước cộng sản độc quyền lãnh đạo cai trị, với một quốc gia mà có dân chủ, tự do, có tự do ngôn luận, tự do báo chí v.v…, sự khác nhau hoàn toàn và nói cho cùng đó là sự khác biệt giữa một chính thể với một đảng độc quyền quản lý cai trị đất nước, với một đất nước mà lá phiếu của người dân quyết định tất cả, từ Tổng thống cho đến những viên chức hạng bét đều phải làm việc có trách nhiệm với người dân, và nếu không đáp ứng, thì sẽ bị phế truất.”