WHO: Đợt dịch COVID-19 thứ 4 có thể được ngăn chặn nếu có sự tham gia của cả Chính phủ và xã hội

Giang Nguyễn: Thưa TS. Kidong Park, câu hỏi đầu tiên là về đợt thứ tư dịch COVID-19 đang lây lan tại Việt Nam. Khi Việt Nam được nói là thành công phòng, chống dịch ngay từ ban đầu thì nguyên nhân gì đã tạo sự bùng phát dịch đợt thứ tư như chúng ta chứng kiến hiện nay và đâu là những ‘lỗ hổng’ đáng lo ngại?

Ts. Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam. Ảnh: WHO

Ts Kidong Park: Sự gia tăng các ca nhiễm bệnh gần đây ở Việt Nam và các nước láng giềng nhắc nhở chúng ta rằng COVID-19 vẫn là một mối đe dọa và đại dịch sẽ không kết thúc ở bất cứ nơi nào cho đến khi nó kết thúc ở khắp mọi nơi.

Nói đến tình trạng dịch bệnh đang bùng phát ở Việt Nam, có nhiều yếu tố góp phần vào làn sóng lây lan thứ tư này. Tôi có thể nói tóm tắt có ba yếu tố. Yếu tố thứ nhất: Có nhiều cụm dịch được báo cáo cùng lúc ở nhiều nơi trong một thời gian ngắn, từ cộng đồng, các bệnh viện, các khu công nghiệp, và các trung tâm cách ly, tất cả đều trong vòng chưa đầy một tháng. Nó đã lan rộng ra nhiều tỉnh, lên đến 40 tỉnh. Điều này đang gây khó khăn cho biện pháp ứng phó và sẽ mất nhiều thời gian để kiểm soát hơn so với các đợt bùng phát trước đó.

Yếu tố thứ hai là chúng ta có những ca lây nhiễm đã qua ba thế hệ, truyền lây ở nhiều tỉnh, thành khác nhau và ở những nơi đông đúc khác nhau như bệnh viện, khu công nghiệp và nhà máy.

Yếu tố thách thức thứ ba là về biến thể cần quan tâm. Chúng tôi đã quan sát thấy hai biến thể đáng quan tâm có thể góp phần vào khả năng truyền lây cao hơn. Đó là biến thể Alpha lần đầu tiên được phát hiện ở Vương quốc Anh và một biến thể là Delta, được báo cáo lần đầu tiên ở Ấn Độ. Gần đây, một đột biến bổ sung đã được phát hiện trong bốn của 32 mẫu bệnh nhân có biến thể Delta đã được giải trình.

Những yếu tố này góp phần làm cho dịch bệnh bùng phát phức tạp ở Việt Nam. Vì vậy, mặc dù Việt Nam đã xử lý xuất sắc việc kiểm soát đợt bùng phát năm ngoái, nhưng COVID-19 vẫn là một mối đe dọa đối với đất nước này. Đại dịch sẽ không kết thúc ở bất cứ nơi nào cho đến khi nó kết thúc ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên WHO vẫn tin rằng Việt Nam có thể ngăn chặn các đợt bùng phát dịch bệnh hiện nay với (sự tham gia của) toàn bộ chính phủ và toàn xã hội trong một vài tuần.

“Đại dịch sẽ không kết thúc ở bất cứ nơi nào cho đến khi nó kết thúc ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên WHO vẫn tin rằng Việt Nam có thể ngăn chặn các đợt bùng phát dịch bệnh hiện nay với (sự tham gia của) toàn bộ chính phủ và toàn xã hội trong một vài tuần.” – Ts. Kidong Park

Giang Nguyễn: Hiện Việt Nam đã đặt mục tiêu tiếp cận 150 triệu liều để đạt được miễn dịch cộng đồng thông qua tiêm chủng. Những trở ngại chính mà Tiến sĩ thấy về mục tiêu này là gì và liệu khung thời gian trong năm nay như Vietnam mong muốn có khả thi không?

Ts. Kidong Park: Những trở ngại chính trong việc tiêm chủng COVID-19 cả ở Việt Nam và trên toàn cầu là nguồn cung hạn chế và sự phân phối vắc-xin trên toàn thế giới không công bằng. Do đó, sẽ mất một khoảng thời gian trước khi đủ số người được tiêm ngừa để đạt được miễn dịch cộng đồng và có tác động đến sự lây lan của vi-rút. Chúng tôi thừa nhận rằng Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực hết sức để đảm bảo việc tiếp cận nhiều liều vắc-xin hơn. Điều này bao gồm sự huy động vốn xã hội từ các cá nhân và khu vực tư nhân thông qua việc thành lập Quỹ vắc xin COVID-19, việc tích cực tiếp cận các nhà cung ứng, hỗ trợ việc phát triển và sản xuất vắc-xin nội địa. Đây là những sáng kiến rất đáng khích lệ.

Còn quá sớm để biết liệu khung thời gian có thực tế hay không. Tuy nhiên, tôi xin nhấn mạnh, với những cố gắng vừa nêu, Việt Nam có thể rút ngắn thời gian. Cho đến khi chúng ta đạt đến điểm đó, điều quan trọng là Chính phủ phải phân phối vắc-xin theo ưu tiên những ai cần nhất, tức là nhân viên y tế và nhân viên ở tuyến đầu và những người mắc bệnh nặng có nguy cơ cao nhất, là những người có bệnh nền, cần được bảo vệ trước. Đây là khuyến nghị thường trực của WHO. 

Giang Nguyễn: Vậy xin hỏi tiếp, Tiến sĩ nhận định thế nào về nỗ lực tiêm phòng công nhân khu công nghiệp khi chúng ta đã thấy dịch bùng phát ở các nơi đó?

Ts. Kidong Park: Ưu tiên đầu tiên theo quan điểm của WHO là nhân viên y tế và những người làm việc trong các bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19, sau đó là nhân viên tuyến đầu đang tham gia công tác truy vết, xét nghiệm và cách ly các ca bệnh. Một lớp người khác (cần được ưu tiên) là những người tuổi già và những người có các bệnh nền. Họ có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong rất cao.

Nếu có một số bùng phát ở một số nơi đông đúc, khuyến nghị đầu tiên của chúng tôi là áp dụng các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang và rửa tay, sau đó là cách ly xã hội và tránh các nơi tụ tập đông đúc, cũng như báo ca nhiễm mới. Vắc-xin chỉ là một giải pháp (giảm lây lan) nhưng không thể giải quyết sự bùng phát ở một số nơi.

Giang Nguyễn: Việt Nam đặt nhiều kỳ vọng vào việc sản xuất vắc-xin “made in Vietnam” và vắc-xin Nanocovax chuẩn bị đi vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Ông đánh giá vắc-xin nội địa có thể đáp ứng nhu cầu của Việt Nam không?

Ts. Kidong Park: Việc một quốc gia đang phát triển như Việt Nam vốn có năng lực hạn chế mà đã đi đến giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ hai và mới đây bước sang giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ ba là rất khích lệ. Thành công cuối cùng có hay không thì đây vẫn đã là một thành tích đáng kinh ngạc.

Điều mà WHO khuyến nghị là sự an toàn, chất lượng và hiệu quả của vắc-xin rất quan trọng, mặc dù chúng ta đang trong một cuộc chạy đua rút ngắn và gay go, nhưng các quốc gia và các nhà phát triển không nên bỏ qua các bước thiết yếu để đảm bảo an toàn và hiệu quả của vắc-xin. WHO đang làm việc với cơ quan quản lý là Bộ Y tế để xem xét cẩn thận các phát hiện và sau đó xem xét các đề xuất giai đoạn thử nghiệm lâm sàng ba, và chúng tôi tiến hành rất cẩn thận để đảm bảo vắc-xin này an toàn.

Giang Nguyễn: Xin hỏi thêm, Tiến sĩ đang nói đến việc phát triển vắc-xin. Còn phần sản xuất thì sao? Ông đánh giá năng lực sản xuất vắc-xin đại trà như thế nào?

Ts. Kidong Park: Việt Nam có đủ năng lực sản xuất vắc-xin. WHO đang tạo điều kiện thuận lợi để chuyển giao công nghệ vắc-xin COVID-19 từ các nước có thu nhập cao sang một số nước có khả năng thu nhập thấp và trung bình. Việt Nam là một trong số những ứng cử viên đó. 

WHO đã chọn công nghệ mRNA cho vòng đầu tiên này và một công ty ở Việt Nam đã bày tỏ mong muốn trở thành trung tâm sản xuất cho công nghệ này. Vai trò của trung tâm sẽ là tiếp nhận công nghệ từ chủ sở hữu và sau đó mở rộng quy mô sản xuất đại trà theo tiêu chuẩn GMP (Thực hành sản xuất tốt). Sau đó là chuyển giao công nghệ đó cho các nhà sản xuất vắc-xin khác ở các quốc gia khác. Việt Nam là một trong những ứng cử viên để trở thành trung tâm công nghệ này. Ngoài ra, Việt Nam cũng là một trong những ứng cử viên để sản xuất đại trà các loại vắc-xin mà chúng tôi hy vọng sẽ được chuyển giao thông qua cơ chế của WHO.

Giang Nguyễn: Tiến sĩ có thể cho biết tên của công ty này?

Ts. Kidong Park: Hiện tại vẫn còn quá sớm để tiết lộ tên công ty. Nhóm chuyên gia tại trụ sở của WHO đang xem xét đơn đăng ký (làm trung tâm công nghệ) từ một số quốc gia trên thế giới. Quyết định sẽ được công bố khi có.

Giang Nguyễn: Dạ vâng. Hiện nay việc tiếp cận vắc-xin trên thị trường vẫn là một ưu tiên. Nếu vi-rút tiếp tục lây lan, liệu chương trình COVAX có thể cung cấp thêm cho Việt Nam? Việc phân phối vắc-xin từ chương trình COVAX xếp ưu tiên các nước theo tiêu chuẩn nào?

2021-06-02T031854Z_996690042_RC2RRN96JHY6_RTRMADP_3_HEALTH-CORONAVIRUS-VIETNAM.JPG
Một khu vực cách ly ở thành phố Hồ Chí Minh hôm 1/6/2021. Ảnh: Reuters

Ts. Kidong Park: Chiến lược phân bổ của chương trình COVAX là phân phối vắc-xin COVID-19 một cách công bằng cho đến cuối năm 2021 để giảm số tử vong và số ca bệnh nặng ở các quốc gia tham gia. Chúng tôi thừa nhận sự hạn chế và sự thiếu hụt nguồn cung toàn cầu cũng như nhiều hạn chế về nguồn cung khác. Bất chấp những thách thức, COVAX đã phân phối hơn 85 triệu liều đến 131 quốc gia tham gia tính đến ngày hôm nay, 14 tháng 6 năm 2021.

Tin vui là hơn 3,6 triệu liều vắc-xin COVID-19 đã được bảo đảm để được phân phối thông qua COVAX. WHO và chương trình COVAX cũng hoan nghênh thông báo của các nhà lãnh đạo G7, cam kết sẽ cung cấp thêm 870 triệu liều vắc-xin trong vòng một năm tới cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

WHO tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc mua, tiếp cận vắc-xin thông qua chương trình COVAX. Như tôi đã đề cập WHO cũng đang phối hợp chuyển giao công nghệ như một trong những nỗ lực gia tăng năng lực sản xuất vắc-xin trên thế giới và ở Việt Nam. Với cách tiếp cận phối hợp này, tôi nghĩ rằng nguồn cung vắc-xin COVID-19 trên toàn cầu thông qua chương trình COVAX sẽ gia tăng. Đây là những gì tôi có thể nói bây giờ.

Giang Nguyễn: Cảm ơn ông rất nhiều vì đã dành thời gian cập nhật về tình hình hiện tại cho chúng tôi.

Related posts