Mỗi khi có sự kiện gì được cho là ‘nhạy cảm’ về chính trị xảy ra chính quyền Việt Nam ra văn bản yêu cầu xử phạt những người đưa ‘tin đồn thất thiệt’, dù những tin đó sau này lại được báo chí chính thống loan tải. Có dư luận cho rằng, xử phạt chỉ nhằm ngăn chặn rò rỉ tin thật.
Mới đây, Thủ tướng Việt Nam ra công điện gửi Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi đưa tin thất thiệt gây mất an ninh, an toàn thị trường chứng khoán. Dư luận cho rằng, công điện này liên quan đến sự kiện nhà đầu tư chứng khoán Trịnh Văn Quyết bị bắt hôm 29 tháng 3 với cáo buộc “Thao túng thị trường chứng khoán” và “Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”.
Nhiều người cho rằng, việc Thủ tướng ra công điện xử phạt hành vi đưa tin thất thiệt về thị trường chứng khoán không chỉ nhằm mục đích ngăn chặn tin đồn thất thiệt, mà còn nhằm ngăn chặn rò rỉ thông tin thật về tình hình thị trường chứng khoán hiện nay.
Luật sư Đặng Đình Mạnh nêu quan điểm của ông với RFA:
Cách hay nhất để khôi phục lòng tin của công chúng là cứ mạnh dạn đưa tin và đưa tin một cách trung thực, kịp thời thì tin đồn thất thiệt không còn đất sống nữa. – Luật sư Đặng Đình Mạnh
“Họ dùng cho cả hai trường hợp luôn. Sau khi ông Quyết bị bắt thì người ta đưa tin đại gia này, đại gia kia chuẩn bị ‘nhập hộp’. Trong đó có những đại gia hoạt động trong thị trường chứng khoán thì chắc chắn họ và cổ đông của họ cũng bị ảnh hưởng. Những tin thất thiệt phần nào cũng làm hại những người này nhưng bên cạnh đó, có những tin bị cho là ‘thất thiệt’ nhưng sau đó nó lại là tin đúng.
Cách hay nhất để khôi phục lòng tin của công chúng là cứ mạnh dạn đưa tin và đưa tin một cách trung thực, kịp thời thì tin đồn thất thiệt không còn đất sống nữa.”
Từ nhiều năm qua, người dân đã quá quen với việc những thông tin bị cho là ‘thất thiệt’ được các mạng xã hội hoặc các trang blog loan tải biến thành tin thật khi báo chí Nhà nước đăng lại sau đó. Dù trước khi đăng chỉ vài ngày, truyền thông nhà nước vẫn khăng khăng đây là tin đồn thất thiệt. Từ tin đổi tiền mấy chục năm trước đến cái chết của ông Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh và gần đây là thông tin về dịch bệnh …
Khi dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam, Chính phủ Việt Nam cũng ra văn bản yêu cầu Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông phải xử lý nghiêm những người đưa tin lên mạng xã hội bị cho là xuyên tạc, tin giả, tin xấu, chống phá công tác phòng chống dịch, gây nghi ngờ, mất đoàn kết, ảnh hưởng đến tâm lý của các lực lượng tham gia phòng, chống dịch. Theo dữ liệu của Bộ Công an Việt Nam, trong năm 2020, công an các địa phương trên toàn quốc đã xác minh, làm việc với hơn 650 trường hợp bị cho đã ‘đưa tin sai sự thật’ liên quan đến tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam. Có 146 người đã bị xử phạt hành chính.
Liên quan tới trường hợp ông Trịnh Văn Quyết, ngày 6 tháng 5 năm 2021, một thanh niên ở Hà Tĩnh bị phạt 7,5 triệu đồng do dùng tài khoản Tiktok của mình loan tin ông Trịnh Văn Quyết bị bắt. Theo truyền thông Nhà nước, thanh niên này bị phạt tiền do có hành vi đưa tin sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm uy tín tổ chức, danh dự nhân phẩm cá nhân khi đăng tải đoạn video kèm thông tin: “Biến căng, tỷ phú Trịnh Văn Quyết (Quyết nổ) đã bị bắt tạm giam về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”.
Nhà báo Trần Ngọc Tuấn ở Cộng hòa Séc nhận định với RFA:
“Từ trước đến nay, những thông tin vỉa hè như Trịnh Văn Quyết hay thông tin về nhân sự trước Đại hội Đảng thường chính xác. Nó đi trước thông tin tạm gọi là chính thống của Nhà nước. Tôi thấy những thông tin mà Nhà nước gọi là thất thiệt nó lại rất trung thực, rất đúng.
Có lẽ bất cứ công dân nào trong thể chế độc tài cũng có thiên chức của nhà báo vì họ muốn tìm sự thật vì thông tin bị bưng bít. Họ tìm được nhiều kênh thậm chí có những kênh rò rỉ từ bên trong nội bộ lãnh đạo.
Những tin bị coi là thất thiệt thường đúng đến 90%, đi trước cả báo chí. Theo suy nghĩ của họ thì những thông tin như thế sẽ làm uy tín của nhà nước, mất uy tín của chính quyền, mất uy tín của những cơ quan hành pháp. Người dân có câu nói vui là muốn nghe thông tin đúng thì lên mạng, muốn nghe lời không thật thì xem VTV hoặc đọc báo Nhân Dân.”
Sau khi cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết và Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng bị bắt, trên mạng xã hội xuất hiện những dự đoán xem đại gia nào sắp bị khởi tố và bắt giam. Dường như để ngăn chặn những đồn đoán ‘đúng nhiều hơn sai’ từ cộng đồng mạng, hôm 8 tháng 4 năm 2022, Trung tướng Tô Ân Xô cho hay, Bộ Công an đang chỉ đạo các lực lượng chức năng thu thập, củng cố tài liệu chứng cứ để xử lý tất cả những đối tượng có hoạt động đăng tải thông tin thất thiệt, chưa được kiểm chứng, góp phần tạo môi trường kinh doanh ổn định, lành mạnh.
Có lẽ bất cứ công dân nào trong thể chế độc tài cũng có thiên chức của nhà báo vì họ muốn tìm sự thật vì thông tin bị bưng bít. Họ tìm được nhiều kênh thậm chí có những kênh rò rỉ từ bên trong nội bộ lãnh đạo. – Nhà báo Trần Ngọc Tuấn
Bưng bít thông tin được coi là nguyên tắc của Chính phủ Việt Nam nhằm che giấu những gì mà nhà nước không muốn người dân biết, dù Quyền được thông tin là một trong các quyền cơ bản về tự do dân chủ và tự do cá nhân của công dân được quy định trong hiến pháp.
Với công điện mới đây của Thủ tướng Việt Nam yêu cầu xử lý những người đưa tin bị cho là thất thiệt, cựu quân nhân Võ Minh Đức bày tỏ suy nghĩ của ông:
“Truyền thông của Nhà nước Việt Nam xưa nay bất nhất. Chính quyền đòi xử lý người này người kia về tung tin đồn thất thiệt nhưng người dân có quyền nghi ngờ những tin đồn thất thiệt đó đôi khi lại do chính dư luận viên tung ra để ‘ném đá dò đường’. Họ muốn xem phản ứng của dư luận thế nào. Đến thời điểm chín muồi thì họ đưa tin đúng như tin đồn.
Khi sự thật xảy ra đúng như tin đồn thất thiệt thì tôi nghĩ, chính hệ thống bảo mật của họ yếu kém. Những quan chức có quyền hành nắm được thông tin về phun ra cho người nhà rồi từ đó nó lan ra.”
Sáng 21 tháng 12 năm 2021, tại hội nghị Phòng ngừa vi phạm tội phạm trong chuyển đổi nền kinh tế số và đảm bảo an ninh thông tin mạng đối với dịch vụ nội dung số tại Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho hay, trong năm 2021, cơ quan chức năng phát hiện 30 vụ lộ, mất bí mật nhà nước với 202 đầu tài liệu nhưng không đưa ra chi tiết. Ngoài ra, lực lượng an ninh mạng còn phát hiện ra nhiều lỗ hổng bảo mật ở mức nghiêm trọng sau khi rà soát 26 cơ quan, đơn vị ở các địa phương.
Những thông tin mật của Nhà nước được phơi bày trên mạng xã hội thường bị cho là ‘thế lực thù địch thu thập nhằm mục đích chống phá Nhà nước’. Dư luận lại cho rằng, tài liệu ‘mật’ được chính những người trong nội bộ Đảng và Nhà nước tuồn ra để đấu đá nhau chứ chẳng có người dân nào có thể thu thập được.