Vấn đề tranh chấp đất đai ở Việt Nam là vấn đề đã vượt ra ngoài biên giới nước này, được sự quan tâm sâu sắc của các tổ chức truyền thông, hoạt động nhân quyền, các tổ chức chính trị cũng như các cơ quan quốc tế khác. Mới đây, trang web Marxism của tổ chức chính trị “Khuynh hướng Mác xít Quốc tế” (International Marxist Tendency) đăng một bài viết về tình hình tranh chấp đất đai ở Việt Nam.
Mở đầu bài viết hôm 26 tháng năm 2023, tác giả Donovan Eggi cho rằng trong thời gian gần đây, tranh chấp đất đai đã gia tăng ở Việt Nam, khi các tập đoàn lớn kiếm được lợi nhuận khổng lồ dựa trên bất động sản xây dựng trên đất lấy của người dân bằng sự hỗ trợ của các quan chức chính quyền địa phương. Theo tác giả, “chính điều này đã dẫn đến bạo loạn dữ dội, biểu tình, phản đối và xung đột với cảnh sát.” Bằng cái nhìn của chủ nghĩa cộng sản thời kì Mác, tác giả đặt vấn đề đất đai trong một bức tranh lớn hơn được gọi là hiện tượng “đấu tranh giai cấp” ở Việt Nam ngày nay và đưa ra “giải pháp” là Việt Nam phải xây dựng chủ nghĩa cộng sản “chân chính”:
“Khi cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản Việt Nam ngày càng trầm trọng, cùng với sự gia tăng căng thẳng trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), tranh chấp đất đai sẽ trở thành tâm điểm của cuộc đấu tranh giai cấp trong thời kỳ tới.
Chỉ có một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa do giai cấp công nhân liên minh với giai cấp nông dân lãnh đạo mới có thể giành được một chương trình ruộng đất đáp ứng thực sự nhu cầu của người nghèo ở nông thôn.”
Tác giả điểm lại những sự kiện liên quan đến tranh chấp đất đai như biến cố Thái Bình năm 1987-1997, cuộc nổi dậy của người Thượng năm 2001, cuộc giao tranh ở Đoàn Văn Vươn năm 2009, cuộc biểu tình Văn Giang vào tháng 4 năm 2012, cuộc tranh chấp đất đai ở xã Đồng Tâm huyện Mỹ Đức, Hà Nội dẫn đến đổ máu năm 2021. Tác giả kết luận:
“Các cuộc biểu tình dẫn đến bạo lực liên quan đến quyền sử dụng đất đã nổ ra xung quanh các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn), Đà Nẵng, cùng nhiều thành phố khác.
Với việc đất đai bị biến thành hàng hóa, tranh chấp đất và trục xuất người dân khỏi đất đai của họ ngày càng trở nên phổ biến, dẫn đến bạo loạn, phản đối và sự tức giận lan rộng trong công chúng.”
Tác giả phê phán Nhà nước Việt Nam ngày nay bằng quan điểm Mác xít:
“Thay vì quản lý đất đai thay cho công nhân và nông dân, chính quyền Việt Nam tích cực hỗ trợ và tiếp tay cho giai cấp thống trị để trục lợi trên sự thiệt hại của quần chúng. Điều này đặc biệt đúng khi nói đến đất đai.”
Giải thích cho bức tranh nghiêm trọng nói trên của vấn đề đất đai ở Việt Nam, tác giả Mác-xít này cho rằng nguyên nhân là do Nhà nước Việt Nam quay trở lại với chủ nghĩa tư bản. Hiến pháp Việt Nam quy định rằng tất cả đất đai thuộc sở hữu toàn dân và được quản lý bởi Nhà nước. Nhà nước không công nhận quyền sở hữu đất tư nhân nhưng lại công nhận “quyền sử dụng đất” do chính quyền địa phương cấp phép. Và quyền sử dụng đất này lại có thể được mua bán như hàng hóa, do đó, đất đai trở thành hàng hóa và đem lại lợi nhuận, giống như chủ nghĩa tư bản.
Tác giả cho rằng trong lịch sử, Đảng Cộng sản Việt Nam “đã quét sạch chủ nghĩa đế quốc Mỹ và xóa bỏ chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa địa chủ trên toàn lãnh thổ Việt Nam vào năm 1975, đồng thời giải phóng rất nhiều nông dân Việt Nam khỏi ách thống trị của địa chủ.” Nhưng sau đó, đến 1986, ĐCSVN lại thay đổi chính sách, tư nhân hóa một phần lớn nền kinh tế, đặt xã hội Việt Nam dưới sự chi phối của “thị trường vô chính phủ, sở hữu tư nhân và động cơ lợi nhuận.” Điều này khiến cho “mặc dù các điều khoản pháp lý về quyền sở hữu đất đai vẫn không thay đổi, nhưng nền kinh tế thị trường có nghĩa là “Quyền sử dụng đất” cũng trở thành hàng hóa có thể mua và bán, nghĩa là quyền sở hữu đất đai tư nhân hiện đang tồn tại ở Việt Nam.” Tác giả kết luận rằng “chỉ có chủ nghĩa xã hội chân chính mới giải quyết được vấn đề ruộng đất”:
“Đó là một hậu quả bi thảm của sự phục hồi tư bản chủ nghĩa, do chế độ ĐCSVN chỉ đạo, rằng những thành tựu to lớn của công nhân và nông dân Việt Nam đối với vấn đề ruộng đất đang bị hủy hoại.
Thực tế là: bạn không thể kiểm soát những gì bạn không sở hữu. Cho đến khi giai cấp công nhân Việt Nam giành lại được những lực lượng sản xuất này về tay mình, được quản lý theo một kế hoạch hợp lý, dân chủ từ bên dưới lên, thì giai cấp thống trị sẽ ngày càng kéo thêm nhiều đất đai vào nanh vuốt của nó.
Quần chúng phải tìm lại truyền thống cách mạng, đánh đổ bọn tư bản ăn bám và tay sai của chúng, xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa trên nền tảng dân chủ công nhân chân chính.”
Trả lời RFA, Giáo sư Vũ Tường, Trưởng khoa Chính trị học Đại học Oregon, nói rằng ông không biết tác giả Donovan Eggi là ai nhưng trang web Marxist.com có lưu trữ online nhiều tư liệu về chủ nghĩa Mác cho các nhà nghiên cứu. Theo Giáo sư Vũ, tác giả bài viết này dường như giống với nhiều vị tranh đấu khi họ muốn đổ lỗi về những thất bại của chế độ cộng sản cho những người như Stalin hay Mao Trạch Đông và cho rằng phải quay về với Mác. Nhưng thực tế là người ta không thể phủ nhận vai trò của Mác với tư cách là một nhà lý thuyết, đã đưa ra các ý tưởng mà sau này được các nhà lãnh tụ cộng sản phát triển trên thực tế.
Theo Giáo sư Vũ Tường, tác giả đưa ra “giải pháp” nhưng chỉ là những khái niệm rộng nghĩa, không có định nghĩa rõ ràng, như “dân chủ từ bên dưới lên”, “chế độ xã hội chủ nghĩa trên nền tảng dân chủ công nhân chân chính.” Đây là cách nói thường thấy của những người Mác-xít này. Tác giả trình bày đúng về hiện tượng tranh chấp đất đai ở Việt Nam nhưng giải thích sai bản chất. Bản chất của những tranh chấp này không phải là do chủ nghĩa tư bản hiện đại, vì hiện tượng lấy đất của dân với giá rẻ không thông qua thương lượng theo nguyên tắc thị trường đã không tồn tại ở các nước tư bản phát triển. Hiện tượng đó là do những biến thái của chế độ sở hữu ở Việt Nam mà ra. Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước thống nhất quản lý thì mặt lý thuyết nó có cái gì ăn khớp với chủ nghĩa xã hội, nhưng khi đưa nó vào Hiến pháp một cách giáo điều thì nó bị biến tướng. “Đất đai thuộc về sở hữu toàn dân” do Nhà nước thay mặt dân quản lý. Nhưng khi áp dụng điều luật này trong thực tế, thì “Nhà nước” ở đây lại là các quan chức địa phương cụ thể. Và theo Luật đất đai hiện hành, cũng như cả phiên bản đang sửa đổi, thì thậm chí quan chức cấp huyện cũng có quyền thu hồi “quyền sử dụng đất” của dân cho các dự án kinh tế có mục đích thương mại.
Sự biến thái của chế độ sở hữu đất đai là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng kinh tế chính trị như trên. Do đó, con đường sửa đổi là phải xây dựng những công cụ chính trị – xã hội mà các nước văn minh sử dụng: tôn trọng quyền sở hữu của dân, doanh nghiệp phải thương lượng với người dân bằng các nguyên tắc thị trường, xã hội dân sự phải được tôn trọng để người dân có công cụ lên tiếng nói trước doanh nghiệp và quan chức nếu họ làm sai, hệ thống tư pháp phải độc lập để hành xử không chịu sức ép của bên nào.
Tương tự như GS Vũ Tường, trao đổi với RFA, Tiến sỹ Nguyễn Lê Tiến nhận xét rằng hiện tượng các đại gia bất động sản lấy đất của dân với giá rẻ hơn giá thị trường là điều sai, nhưng không nên tiếp cận vấn đề từ góc độ đạo đức mà cần nhìn nó ở vấn đề cơ chế.
“Trong kinh tế thị trường, mua được đất với giá rẻ, bán với giá cao gấp nhiều lần thì ai cũng làm. Đó là điều bình thường. Bất kỳ ai ở trong cơ chế đó đều làm như vậy.
Vấn đề nằm ở cơ chế: cơ chế cho phép người ta làm như vậy, khuyến khích họ làm như vậy, chứ không phải là vấn đề đạo đức.
Thời Việt Nam Cộng Hòa ở Miền Nam Việt Nam trước đây hay ở các nước tư bản phát triển ngày nay, các đại gia bất động sản không được lấy đất của dân với giá rẻ như vậy mà phải thương lượng với chủ đất một cách bình đẳng trước pháp luật.
Vì sao họ bắt buộc phải thương lượng? Vì luật pháp công nhận quyền sở hữu đất đai của dân là quyền tài sản. Bộ Dân luật (Luật Dân sự) VNCH năm 1972 khẳng định như vậy. Họ có cơ chế thực thi luật pháp để bảo vệ quyền tài sản đối với đất đai. Họ có truyền thông độc lập và có quyền lập hội, tức là có các công cụ chính trị để người dân lên tiếng khi những điều luật đó không được tôn trọng.”
Hiến pháp và Luật về đất đai của Việt Nam hiện nay đã thiết kế ra một cơ chế khiến cho đất đai trở thành món hàng kinh doanh dễ dàng kiếm lời nhất. Điều này dẫn đến hai hệ quả: Một là nguồn lực của nền kinh tế dồn vào bất động sản, và hai là, gây ra những vấn nạn về “thu hồi quyền sử dụng đất” mà bài viết trên trang Marxist của những người “cộng sản” đã nói ở trên. Theo TS. Nguyễn Lê Tiến, điều đó dẫn hệ quả đầu tiên là bất động sản trở thành ngành kinh doanh được hỗ trợ tốt nhất ở Việt Nam, từ cơ chế, chính sách, đến tài chính. Tất cả những điều này bắt nguồn từ cơ chế cho phép quan chức địa phương định đoạt “quyền sử dụng đất” của người dân.