Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, trong buổi họp báo thường kỳ hôm 23/6, đã phát biểu phản đối Trung Quốc tập trận ở Biển Đông ngày 19/6 tại khu vực phía tây bắc quần đảo Hoàng Sa, đồng thời nêu quan điểm của Việt Nam về kế hoạch “lập vùng nội thủy” trên Biển Đông của nước láng giếng phía Bắc.
Tờ Sankei của Nhật Bản ngày 18/6 có đưa tin về cuộc họp tại Ủy ban Giới hạn Thềm lục địa (CLCS) của Liên Hợp Quốc. Tại đó, đại diện chính phủ Nhật nói rằng “Trung Quốc đang tiến hành thiết lập vùng nội thủy” ở Biển Đông và cấm tàu thuyền nước ngoài qua lại ở khu vực này, nhưng không đưa thêm thông tin chi tiết.
Truyền thông Nhà nước VN dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam rằng lập trường của Việt Nam về Biển Đông đã được thể hiện rõ ràng và đầy đủ trong công hàm số 22/HC-2020 gửi tới Liên Hợp Quốc ngày 30/3/2020, và“Việt Nam cho rằng các nước đều chia sẻ nguyện vọng và mục tiêu chung là duy trì và thúc đẩy hoà bình, ổn định và hợp tác phát triển tại Biển Đông, giải quyết các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và UNCLOS”.
Thăm dò thái độ các nước ASEAN?
Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc cho rằng ý định Trung Quốc muốn biến Biển Đông thành khu vực nội thủy của mình là hành động thăm dò thái độ của các nước nằm trong vùng biển này. Theo ông, trong thời gian tới chắc chắn các nước trong khu vực Đông Nam Á và thế giới sẽ lên án và từng nước sẽ có hành động để đối phó kế hoạch này của Trung Quốc:
“Nếu Trung Quốc tuyên bố Biển Đông là nội thủy của họ cũng như trước đây họ dự định lập vùng cấm bay cho khu vực Biển Đông nhưng đã không thực hiện được. Tôi cũng tin rằng họ chỉ nói để răng đe các nước ở khu vực Đông Nam Á mà thôi. Thế giới sẽ không bao giờ để cho Trung Quốc hành động như vậy. Nó trái với luật biển của Liên Hợp Quốc năm 1982.
Và tôi cũng tin rằng Trung Quốc muốn thăm dò thái độ từng nước ở Đông Nam Á đối với sự cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung hiện nay, và đối với Trung Quốc.
Tuy nhiên qua qua đó chúng ta cũng đã thấy rằng Trung Quốc không phải là một người bạn tốt, không phải là một người đồng chí tốt.”
Cũng theo ông Đinh Kim Phúc, ý định muốn biến khu vực Biển Đông ở Đông Nam Á trở thành nội thủy của Trung Quốc là tham vọng từ lâu của nước này. Nó cũng cho thấy Trung Quốc là Ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, lại là thành viên của Công ước Quốc tế về Luật biển năm 1982, nhưng mà họ hành xử và phát biểu kiểu vô pháp, không tuân theo bất cứ một cái gì mà họ đã cam kết:
“Giới cầm quyền Trung Quốc lúc nào cũng hai mặt. Một mặt là họ trấn an các nước Đông Nam Á, mặt khác họ luôn ấp ủ và thực hiện tham vọng bá quyền ở khu vực Đông Nam Á và trước nhất là trên biển Đông.
Mới đây tại hội nghị Shangri-La 2022, Bộ trưởng quốc phòng của Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã nói những lời hay ý đẹp về mối quan hệ của Trung Quốc đối với Việt Nam cũng như các nước ASEAN, và lời nói đó 10 ngày sau đã thành gió bay.
Nó bộc lộ rõ tham vọng của Trung Quốc sẽ không bao giờ buông tha khu vực Biển Đông, không bao giờ từ bỏ tham vọng bá quyền của họ ở khu vực này.”
Trong bài phát biểu “Tầm nhìn của Trung Quốc đối với Trật tự khu vực” hôm 11/6 tại Đối thoại Sangri-La 2022, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa nói rằng mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc đang rất tốt đẹp, và bản thân ông cũng là một người anh tốt và một người bạn tốt với người đồng cấp của Việt Nam là Bộ trưởng của Việt Nam Phan Văn Giang.
Khó khăn cho Trung Quốc
Trở lại với ý định “lập vùng nội thủy” của Trung Quốc, Thạc sỹ, nhà nghiên cứu Quốc tế Hoàng Việt nhận định thực ra kế hoạch này được phía Nhật đưa ra nhưng tới nay cũng chưa biết chính xác, cụ thể thông tin như thế nào.
Tuy nhiên, cái mà Trung Quốc gọi là “vùng nội thủy” ở khu vực Biển Đông này cũng không phải là điều mới mẻ. Bởi vì, từ trước đến nay, Trung Quốc đã tự vẽ nên đường Lưỡi Bò đi qua khoảng 90% Biển Đông.
Một trong những cách giải thích của Trung Quốc là Đường Lưỡi Bò là biên giới biển của Trung Quốc, như vậy thì mặc nhiên vùng biển, vùng nước ở trong đó chính là “vùng nội thủy” của Trung Quốc.
Như vậy là Trung Quốc đang muốn biến một vùng biển quốc tế theo Công ước Luật Biển trở thành lãnh hải của riêng Trung Quốc, và càng ngày, họ sẽ càng đẩy mạnh thực hiện điều đó hơn.
Tuy nhiên, Biển Đông là một khu vực cực kỳ quan trọng đối với thương mại, hàng hải và an ninh quốc phòng trên thế giới. Do đó, theo Thạc sỹ Hoàng Việt, các quốc gia khu vực Đông Nam Á và cả thế giới sẽ không bao giờ để Trung Quốc hiện thực hoá kế hoạch này:
“Bởi vì Biển Đông có rất nhiều con đường đường vận tải biển, thương mại hàng hóa quan trọng bậc nhất trên thế giới. Nếu mà Trung Quốc kiểm soát thì thì rõ ràng là toàn bộ thế giới sẽ bị ảnh hưởng.
Điều này rõ ràng là các quốc gia khác sẽ phải lên tiếng. Đầu tiên họ sẽ phải nói rằng tất cả các quốc gia ở khu vực Biển Đông và cả Trung Quốc đều là thành viên của Công ước Luật biển năm 1982, thì cứ phải đúng theo quy định đó mà làm, chứ không thể nào biến từ vùng biển Quốc tế trở thành vùng biển của Trung Quốc được.
Suốt những năm vừa qua, trong những cuộc chiến công hàm thì các quốc gia đã phản đối liên tiếp những lập luận này của Trung Quốc. Về mặt pháp lý là không ai chấp nhận điều này cả, còn về mặt thực tế thì các quốc gia sẽ phải xem xét như thế nào sau.”
Trung Quốc có thể đạt được mục đích, nếu…
Trả lời Đài Á châu Tự do hôm 23/6, Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia Úc về Việt Nam và vấn đề Biển Đông, cho biết kế hoạch biến Biển Đông thành nội thuỷ của Trung Quốc không phải là điều mới. Tuy nhiên, lời phát biểu từ phía Nhật Bản coi như là một bước để khiến các nước Malaysia, Philippines, Việt Nam, Indonesia… quan tâm đến về vấn đề này.
Theo vị Giáo sư người Úc, đúng là Trung Quốc sẽ không dễ dàng thực hiện được ý đồ của họ bởi vì trong bối cảnh hiện nay, tất cả các nước đều phản đối yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc.
Mỹ đưa các tàu chiến đi qua khu vực Biển Đông cho thấy nước này không công nhận đây là vùng nội thuỷ của Trung Quốc. Và Úc, dù không có hoạt động tự do hàng hải như Mỹ, nhưng họ cũng có một số chương trình tương tự. Và, theo giáo sư Carl, thật đáng quý khi không có một quốc gia nào chấp nhận các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng nếu các nước không tiếp tục lên tiếng phản đối, Trung Quốc sẽ dần hiện thực hoá ý đồ đó:
“Vấn đề là bạn sẽ làm gì nếu Trung Quốc cố gắng thực hiện các bước thiết thực để thực thi kế hoạch này.
Điều đó có thể xảy ra nếu Trung Quốc có những can thiệp phù hợp. Cho nên, như đã thấy, Trung Quốc vẫn tiếp tục tuyên bố chủ quyền trên gần như toàn bộ khu vực Biển Đông. Tuy nhiên, Mỹ, Úc hay các nước Đông Nam Á đều đáp trả rằng Trung Quốc không thể làm như vậy.
Nhưng nếu không có ai làm bất cứ điều gì thì Trung Quốc có thể đạt được mục đích. Bởi vì không ai phản đối có nghĩa là các nước đã chấp nhận tuyên bố của Trung Quốc.”
Giáo sư Carl Thayer cho rằng Trung Quốc đang thực hiện kế hoạch về vùng nội thuỷ ở Biển Đông cũng giống như cách mà họ đang làm đối với Eo biển Đài Loan.
Trong cuộc họp báo ngày 13/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tuyên bố nước này có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với eo biển Đài Loan. Đây không phải là vùng biển quốc tế, mà là vùng nội thuỷ của Trung Quốc.
Một ngày sau, Đài Loan lên tiếng phủ nhận, nói rằng “eo biển thuộc về hải phận quốc tế, nằm ngoài lãnh hải của Đài Loan. Do vậy, eo biển Đài Loan phải tuân theo nguyên tắc tự do hàng hải.