Nghị định số 126 về Tổ chức, hoạt động và quản lý hội vừa được Chính phủ ban hành hôm 8/10 vừa qua được cho là gia tăng sự kiểm soát của nhà nước, hạn chế sự phát triển của các tổ chức xã hội độc lập và quyền tự do lập hội.
Cản trở Quyền lập hội
Theo nhà văn Hoàng Thuỵ Hưng, nghị định này mở ra khả năng cho cá nhân hoặc nhóm người có thể tự mình xin phép thành lập hội. Đây là một bước tiến so với trước kia, khi mà hầu hết các hội nhóm đều phải do nhà nước đứng ra thành lập và kiểm soát hoàn toàn.
Tuy nhiên, nghị định này yêu cầu những điều kiện gắt gao và mơ hồ khiến quyền thành lập hội bị hạn chế nghiêm trọng. Một trong những điều kiện để được thành lập hội trong nghị định này là hội không được vi phạm “thuần phong mỹ tục” và “truyền thống văn hóa dân tộc”. Một luật sư hiện đang ở trong nước, yêu cầu giấu danh tính cho rằng đây là những khái niệm mơ hồ, khó xác định, và có thể bị sử dụng tùy tiện để loại bỏ bất kỳ hội nhóm nào mà nhà nước không ủng hộ:
“Hội còn chưa thành lập mà đã bị ràng buộc bởi những điều kiện chung chung như vậy. Điều này cho thấy rõ mục tiêu kiểm soát và loại bỏ các hội nhóm có tiềm năng hoạt động độc lập hoặc có ý kiến khác biệt với nhà nước.”
Nghị định mới cũng không cho phép có nhiều hơn một hội hoạt động trong cùng một lĩnh vực. Điều này có nghĩa là nếu đã có một hội do nhà nước thành lập hoạt động trong một lĩnh vực nhất định thì sẽ không có hội nào khác được phép thành lập và hoạt động trong cùng lĩnh vực đó. Nhà văn Hoàng Thụy Hưng cho rằng điều này ngăn cản sự phát triển của các hội nhóm độc lập và làm giảm tính đa dạng của xã hội dân sự:
“Có quy định là nếu trong cái ngành đó mà đã có một hội của nhà nước được thành lập rồi thì không được có một cái mỗi thứ hai. Thí dụ như đã có hội nhà văn rồi thì không có một hội nào khác được thành lập hoạt động về văn học nữa.”
Tăng cường kiểm soát hoạt động của hội
Ngoài ra, Nghị định này còn quy định một loạt các điều khoản cho thấy sự nhúng tay quá mức vào các hoạt động của các hội nhóm. Theo nhà văn Hoàng Thuỵ Hưng, một loạt các điều kiện kiểm soát nghiêm ngặt đối với các hội nhóm ngoài nhà nước. Điều này là không đúng với bản chất của xã hội dân sự:
“Về căn bản và bản chất nó cũng có những thứ chưa thay đổi được. Có một điều khoản rõ ràng là tất cả những hội này dù có do cá nhân hay một nhóm đứng ra lập trong cái nghề nghiệp của mình nhưng mà vẫn có sự kiểm soát cực kỳ chặt chẽ của các cấp chính quyền. Ví dụ, chúng tôi muốn thành lập ra hội văn học thì phải do bộ văn hóa đứng ra cho phép và kiểm soát. Như vậy thì không đúng với bản chất của xã hội dân sự.”
Một vài điều quy định thể hiện rõ sự kiểm soát này, bao gồm phải công khai báo cáo tài chính và chịu sự kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan chức năng. Nhà nước có thể can thiệp vào hoạt động của các hội nếu phát hiện ra bất kỳ vi phạm nào, bao gồm cả các vi phạm về tài chính và tổ chức sự kiện.
Hoặc như quy định phải chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Theo luật sư giấu tên, đây là yêu cầu bất hợp lý, bởi:
“Hội có phải là thành viên của Đảng, hội viên sinh hoạt trong hội chứ có phải là sinh hoạt trong Đảng đâu mà kêu họ phải chấp hành chủ trương đường lối của Đảng. Nghị định cũ không có quy định chấp hành chủ trương đường lối của Đảng nhưng của nghị định mới thì có.”
Nghị định cũ số 45 về Tổ chức, hoạt động và quản lý hội được ban hành hôm hồi tháng 4/2010. Theo luật sư giấu tên, so với Nghị định số 45 thì nghị định vừa mới ban hành cho thấy nhà nước siết chặt và kiểm soát gắt gao hơn các hoạt động về hội.
Nghị định năm 2010 không đề cập đến việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về hội. Nhưng Nghị định 2024 đưa ra quy định về việc xây dựng một cơ sở dữ liệu quốc gia về các hội. Điều này giúp nhà nước quản lý tập trung có hệ thống, cho phép theo dõi và giám sát các hội nhóm một cách chi tiết và toàn diện hơn.
Về nhận tài trợ quốc tế: Nghị định 2010 không nêu chi tiết, chỉ giới hạn trong việc yêu cầu các hội báo cáo khi nhận hỗ trợ tài chính từ nước ngoài. Trong khi đó, Nghị định 2024 đưa ra quy định cụ thể hơn về việc hợp tác quốc tế, yêu cầu các hội phải xin phép và báo cáo khi tham gia vào các hoạt động hợp tác quốc tế hoặc nhận tài trợ từ nước ngoài.
Nghị định 2010 cho phép tổ chức sự kiện và hoạt động công cộng, chỉ cần thông báo cho cơ quan chức năng khi cần thiết. Nhưng Nghị định 2024 lại tăng cường kiểm soát việc tổ chức sự kiện và hoạt động công cộng. Các hội phải xin phép và được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền trước khi tổ chức các sự kiện lớn.
Nghị định số 126 đã được chính phủ ban hành từ ngày 8/10/2024. Đến nay, văn bản này chỉ được đăng tải trên trang web của các cơ quan nhà nước, chứ các trang báo trong nước hoàn toàn không nhắc thông tin này.
Cả Nhà văn Hoàng Thuỵ Hưng và luật sư giấu tên đều cho rằng có lẽ nhà nước Việt Nam đang chịu áp lực từ phía quốc tế về nhân quyền nên phải ra nghị định mới về hoạt động của hội nhưng không muốn công bố rộng rãi cho người dân được biết:
“Tôi ước đoán rằng cái Nghị định này ra đời nhằm đối phó với một áp lực quốc tế nào đó với nhu cầu quá gắt gao về chuyện phải có bước tiến trong vấn đề nhân quyền và xã hội dân sự. Có lẽ là để nhằm đối phó với bên ngoài là chính.” – Nhà văn Hoàng Thuỵ Hưng kết luận.