Ban chấp hành trung ương Đảng CSVN khóa 13 hôm 31 tháng 1 đã bầu ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục giữ chức Tổng bí thư nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp. Tại buổi webinar do viện ISEAS tổ chức ngày 9 tháng 2, Thạc sĩ Nguyễn Khắc Giang, cựu nghiên cứu viên của Viện nghiên cứu kinh tế – chính sách (VERP) và Phó Giáo sư Paul Schuler của Đại học Arizona, Hoa Kỳ, nhận định về ý nghĩa của sự bầu chọn này, cũng như các vị trí ‘tứ trụ’ mới của cơ chế tập thể lãnh đạo của ĐCSVN.
Thạc sĩ Nguyễn Khắc Giang, hiện là tuyển sinh tiến sĩ tại Đại Học Victoria ở Wellington, New Zealand nhận định:
“Việc ông Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử là một bất ngờ lớn đối với tất cả những nhà quan sát tình hình Việt Nam vì nó phá vỡ những chuẩn mực chính thức và không chính thức của Đảng CSVN. Tuy nhiên, đó được xem là một sự lựa chọn, sự nối tiếp ngắn hạn vì ông Nguyễn Phú Trọng không thể đưa được ứng cử viên ưa thích của mình, ông Trần Quốc Vượng- ủy viên ban bí thư trước đó, vào vị trí tổng bí thư. Trong khi các ứng cử viên nặng ký khác như Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội cũng đã không thể ứng tiến vào chức vụ này”.
Ông Giang nói thêm rằng sự lựa chọn như thế có nghĩa sẽ không có những thay đổi sâu sắc về chính sách kinh tế và đối ngoại, vì ông Trọng vốn không can thiệp nhiều vào các công việc của chính phủ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được cho là đã có một nhiệm kỳ đầu tiên thành công. Ông dự kiến sẽ được Quốc Hội bầu chọn làm chủ tịch nước; việc này có thể được xem là một sự “xuống chức” vì chức vị này chỉ có tính chất tượng trưng.
Phó giáo sư Paul Schuler cho rằng, với tình trạng sức khỏe và tuổi tác của ông Trọng, cũng như với tiền lệ bản thân ông này đang giữ vai trò tổng bí thư kiêm chủ tịch nước, ông Phúc có thể tiếp nối tiền lệ đó khi ông Trọng về hưu. Ông Schuler nhận xét:
“Một mặt, chức chủ tịch là một vai trò yếu thế hơn so với vai trò thủ tướng. Mặt khác, một sự miễn trừ đặc biệt đã cho phép ông Phúc ở lại Bộ Chính trị. Ông Nguyễn Phú Trọng trong nhiệm kỳ trước, khi chủ tịch nước qua đời, đã hợp nhất hai vị trí (chủ tịch nước và tổng bí thư), có nghĩa là khả năng nếu ông Trọng vì một lý do nào đó phải từ chức, thì ông Phúc có thể thay vào để làm đối trọng với ông Phạm Minh Chính”.
Ông Nguyễn Khắc Giang bổ sung thêm về ưu thế của ông Nguyễn Xuân Phúc:
“Thêm nữa, ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ là một thế mạnh cho các vấn đề đối ngoại của Việt Nam do Bộ Chính trị không có đại diện của Bộ Ngọai giao khi ông Phạm Bình Minh sau hai nhiệm kỳ làm Bộ trưởng Ngoại giao có thể chuyển đi nơi khác. Ông Phúc đã thực sự thành công trong việc cân bằng được mối quan hệ giữa các siêu cường. Đặc biệt là ông có mối quan hệ nồng ấm với Mỹ dưới thời chính quyền Trump đầy biến động và hỗn loạn. Đồng thời ông cũng cân bằng khá tốt mối quan hệ với Trung Quốc và tăng cường vai trò của Việt Nam trong ASEAN và mối quan hệ với Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ”.
“Ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ là một thế mạnh cho các vấn đề đối ngoại của Việt Nam do Bộ Chính trị không có đại diện của Bộ Ngọai giao khi ông Phạm Bình Minh sau hai nhiệm kỳ làm Bộ trưởng Ngoại giao có thể chuyển đi nơi khác. Ông Phúc đã thực sự thành công trong việc cân bằng được mối quan hệ giữa các siêu cường. Đặc biệt là ông có mối quan hệ nồng ấm với Mỹ dưới thời chính quyền Trump đầy biến động và hỗn loạn. Đồng thời ông cũng cân bằng khá tốt mối quan hệ với Trung Quốc và tăng cường vai trò của Việt Nam trong ASEAN và mối quan hệ với Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ”. -Ông Nguyễn Khắc Giang
Về ông Phạm Minh Chính, nhân vật dự kiến sẽ nắm vai trò thủ tướng, hai nhà phân tích Paul Schuler và Nguyễn Khắc Giang nhận định rằng Ban Chấp Hành Trung ương tái khẳng định nguyên tắc tập thể lãnh đạo. Ông Chính đã từng là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh thành công nhiệm kỳ 2011-2016.
Thạc sĩ Giang nói:
“Ông Chính là một chính trị gia đầy tham vọng và ông ấy có thể tìm kiếm một dự án mang dấu ấn, chẳng hạn như luật về đặc khu kinh tế bị thất bại vào năm 2018 mà ông ấy là người ủng hộ mạnh mẽ. Ông cũng được coi là một chuyên gia về tổ chức, ông có thể tập trung vào việc đẩy mạnh cải cách hành chính ở Việt Nam khi đất nước đang đối mặt với vấn đề guồng máy hành chính và khu vực công quá cồng kềnh. Cần lưu ý rằng Việt Nam đã trải qua ba đợt cải cách hành chính trong những năm 90 mà không đạt được thành công nào đáng kể và ông Chính, với thành công cải cách hành chính tại Quảng Ninh, có thể là một sự bổ sung tốt cho nỗ lực đó”.
Cuối cùng, vại trò chủ tịch quốc hội dự kiến được trao cho Phó thủ tướng Vương Đình Huệ. Thạc sĩ Giang lý luận về việc ông Huệ đã không chiếm lấy được chức vụ tổng bí thư:
“Không nhận được chức vụ thủ tướng hẳn là một sự thất vọng đối với ông ấy. Tuy nhiên, chức vụ chủ tịch quốc hội không có gì là khó chịu vì nó có thể hàm ý rằng ông Huệ đang được chuẩn bị để làm bí thư kế tiếp. Bởi vì hai vị tổng bí thư trước đây, từ năm 2001, trong đó có ông Nguyễn Phú Trọng, cả hai đều giữ chức vụ này trước khi lên chức vụ cao nhất”.
Ông Giang nói tiếp, với tuổi tác tương đối trẻ của ông Phạm Minh Chính, 62 tuổi, và ông Vương Đình Huệ, 63 tuổi, hai nhân vật này sẽ giữ ưu thế trong chính trường Việt Nam sau thời kỳ của ông Nguyễn Phú Trọng.