Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hôm 20/2/2024 cho rằng không nên đẩy quá mức vấn đề tự chủ, xã hội hoá trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Theo ông Huệ, ‘vai trò, trách nhiệm của nhà nước trong hai lĩnh vực này còn rất lớn… nhà nước phải lo, các cấp, các ngành phải lo’.
Liệu như vậy có giống như trở lại bao cấp? Đi ngược lại mục tiêu xã hội hóa do chính quốc hội đề ra trước đây?
Bác sĩ Đinh Đức Long, khi trao đổi với RFA hôm 21/2/2024 từ Sài Gòn, nhận định:
“Y tế, giáo dục là thuộc về an sinh xã hội, nên vai trò của nhà nước là quan trọng, xưa nay vẫn là nhà nước quyết định, còn xã hội hóa thực ra là không đáng bao nhiêu. Thí dụ như các trường đại học lớn đều thuộc nhà nước, tư nhân đầu tư có được mấy đâu, mà không có uy tín bằng. Cho nên ông Huệ nói cũng không sai, ổng nhấn mạnh vai trò nhà nước, đừng nghĩ rằng xã hội hóa là khoán trắng cho tư nhân, nhà nước vẫn phải là người có trách nhiệm cao nhất, cuối cùng… Còn vận động tư nhân để tranh thủ những nguồn lực xã hội giúp cho giáo dục và y tế.”
Vì hàng rào pháp luật Việt Nam chưa hoàn chỉnh, cho nên được mặt này mất mặt kia. Đây là những kẽ hở, ví dụ như cán bộ có thể lợi dụng để tham nhũng.
-Bác sĩ Đinh Đức Long
Theo Bác sĩ Đinh Đức Long, với mục đích nhân đạo thì có thể kêu gọi, vận động các nguồn lực trong xã hội, nhưng không thể thoái thác vai trò nhà nước. Ông Long nói tiếp:
“Với tư cách là Chủ tịch Quốc hội, cơ quan quyền lực nhà nước, thì ông Huệ nói không sai. Tức là không thể ỷ lại vào nguồn lực xã hội hóa được, mà nhà nước phải là người chịu trách nhiệm cuối cùng. Bây giờ y tế, giáo dục làm sai thì người ta chửu đảng, chửi nhà nước, chứ người ta đâu có chửi doanh nghiệp tư nhân. Nhà nước cầm quyền mà để cho dân bệnh tật, hay dân dốt… thì trách nhiệm của nhà nước là chính, không thể thoái thác được.”
Tuy nhiên ông Long cho rằng việc nhà nước bao cấp hoàn toàn cho y tế và giáo dục cũng có mặt trái:
“Vì hàng rào pháp luật Việt Nam chưa hoàn chỉnh, cho nên được mặt này mất mặt kia. Đây là những kẽ hở, ví dụ như cán bộ có thể lợi dụng để tham nhũng, thông thầu hoặc ‘quân xanh quân đỏ’… cái đấy là có. Hoặc cũng có thể có cán bộ trong sáng, nhưng luật không chặt chẽ, người ta có thể căn cứ vào chuyện làm sai quy trình bắt tội người đó. Còn nhiều yếu tố, một là hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh, hai là năng lực cụ thể của người cán bộ có dám làm, dám chịu trách nhiệm không? Đây là câu chuyện dài.”
Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi khi trình Quốc hội hôm 13/6/2022 đã nhận được ý kiến cho rằng ‘liên doanh, liên kết’ trong bệnh viện công khó quản lý, dễ nảy sinh tiêu cực, móc ngoặc… Liệu có phải vì lo ngại đó nên Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mới có ý kiến như vừa nêu?
Bác sĩ Phạm Ngọc Thắng ở Hà Nội, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này cho rằng:
“Tất cả những liên doanh- liên kết nếu làm nghiêm túc thì đây là việc làm tốt, nhưng họ tăng giá bóc lột người dân. Tất cả hệ thống y tế tốt trên thế giới thì đều là tư nhân, nhưng ở Việt Nam họ cổ phần hóa một cách ăn cướp. Đầu tư y tế công mấy chục năm qua kể từ năm 1945 thành lập nước, năm 1954 chiến thắng Điện Biên Phủ, rồi năm 1975, 1990 thì gần như mỗi tỉnh chỉ có một bệnh viện. Đầu tư công cho y tế cực kỳ thấp, nên chuyện liên doanh- liên kết giữa bệnh viện đối với các đối tác xã hội là điều tốt. Nó chỉ không tốt nếu giả dối tiêu cực, giá một đằng, bóc lột một nẻo. Đây cũng là nổi khổ của những người làm ngành y như chúng tôi, không làm thì bệnh nhân không có gì dùng, nhưng làm gì thì chỉ cần tham lam một tí là bước sang tà đạo.”
Tương tự trong lĩnh vực giáo dục, Nghị quyết 88 – ban hành năm 2014 được truyền thông loan, lại khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông. Với mục đích xã hội hóa ngành giáo dục… Nhưng Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến hôm 14/8/2023 lại yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phải biên soạn một bộ sách giáo khoa. Điều này đi ngược lại mục tiêu xã hội hóa giáo dục do chính nhà nước đưa ra.
Trong số 63-64 tỉnh thành của cả nước thì có đến hàng chục giám đốc Sở Giáo dục đã bị bắt bỏ tù vì những sai phạm trong mua sắm đấu thầu… Tôi thấy những tiêu cực đấy chủ yếu rơi vào các lĩnh vực do nhà nước trực tiếp quản lý.
-Cựu Trung tá Vũ Minh Trí
Cựu Trung tá Vũ Minh Trí cho RFA biết ý kiến từ Hà Nội hôm 21/2/2024:
“Tôi thấy nhà nước vốn đã bao cấp từ sau hòa bình lập lại ở miền Bắc, rồi sau năm 1975 trên cả nước. Nhà nước khi đó đã tiến hành công hữu hầu hết các hoạt động về y tế và giáo dục, lúc bấy giờ không có trường dân lập, chỉ có ở bậc mầm non, còn những trường thuộc tổ chức tôn giáo hoặc tổ chức xã hội nghề nghiệp đều bị giải tán hết. Về sau nhà nước không huy động được nguồn lực làm cho hoạt động y tế và giáo dục ngày càng xuống cấp, ngày càng không đáp ứng được nhu cầu của nhân dân… thì nhà nước mới thả ra cho tư nhân làm.”
Tuy nhiên theo ông Trí, việc thả ra nhưng thiếu quản lý dẫn đến nhiều tai tiếng tiêu cực, điển hình gần đây nhất là vụ Việt Á. Ông Trí cho biết thâm về mặt giáo dục:
“Về mặt giáo dục, trong số 63-64 tỉnh thành của cả nước thì có đến hàng chục giám đốc Sở Giáo dục đã bị bắt bỏ tù vì những sai phạm trong mua sắm đấu thầu… Tôi thấy những tiêu cực đấy chủ yếu rơi vào các lĩnh vực do nhà nước trực tiếp quản lý. Còn các giám đốc bệnh viện tư, hiệu trưởng các trường dân lập thì có bị bắt đâu?”
Ông Trí cho rằng, có thể nhà nước bây giờ thấy y tế và giáo dục là nơi có thể có nguồn thu tốt, cho nên mới tăng cường quản lý. Chứ về mặt nguyên tắc theo ông Trí, nhà nước không nên can thiệp sâu vào bất cứ một lĩnh vực nào của đời sống kinh tế xã hội, kể cả y tế và giáo dục.