19 hành vi cần phòng, chống đối với đảng viên: bổn cũ soạn lai!

Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng/Chống tham nhũng vừa ban hành 19 hành vi bị cho ‘tiêu cực’ cần tập trung phòng, chống. Những quy định vừa nêu được Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, Chống Tham nhũng, Tiêu cực công bố hôm 8/8/2022 khi hướng dẫn công tác phòng, chống tiêu cực đối với cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và cán bộ lãnh đạo trong hệ thống chính trị.

19 hành vi tiêu cực cần tập trung chỉ đạo phòng, chống mà Ban Chỉ đạo Trung ương nêu ra có thể đơn cử: ‘phải theo chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có trách nhiệm nêu gương, không được lợi dụng công việc có liên quan đến bí mật nhà nước để trục lợi, quan liêu, tặng quà, nhận quà dưới mọi hình thức… Kê khai tài sản, thu nhập không trung thực…’

Đáng chú ý điều 16 yêu cầu theo dõi vấn đề nhập quốc tịch nước ngoài; dùng giấy tờ giả, không hợp pháp, khai báo gian dối về quốc tịch…

Thực chất 19 điều này cũng chẳng có gì mới, ví dụ như nói về tiết lộ bí mật thì đã có luật về bảo mật, còn những điều vi phạm thì có luật công chức, những điều về tham nhũng thì có luật phòng chống tham nhũng… Cho nên cái này gọi nôm na là tả pí lù, nhặt mỗi luật một ít, rất chồng chéo.
-Luật gia Hoa Lư

Trả lời RFA từ Hà Nội hôm 9/8, Luật gia Hoa Lư nhận định:

“Thực chất 19 điều này cũng chẳng có gì mới, ví dụ như nói về tiết lộ bí mật thì đã có luật về bảo mật, còn những điều vi phạm thì có luật công chức, những điều về tham nhũng thì có luật phòng chống tham nhũng… Cho nên cái này gọi nôm na là tả pí lù, nhặt mỗi luật một ít, rất chồng chéo, cái này không có thì thiếu mà có thì thừa. Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng thì vai trò của họ là chủ trương, chứ còn đi vào chi tiết thì đã có luật. Ví dụ luật công khai tài sản, nếu mà công khai tài sản được và có giám sát thì lấy đâu ra tiền cho họ ăn chơi phè phỡn. Quan trọng là phải kiểm soát được.”

Theo Luật gia Hoa Lư, đảng viên đã có 19 điều cấm làm, có nghị quyết của đảng, có điều lệ đảng… nên 19 điều cấm này là chồng chéo. Ông nói tiếp:

“Nhưng có một khoản tế nhị là điều năm ghi rõ tư duy nhiệm kỳ, điều này cả thế giới tư duy nhiệm kỳ, đâu chỉ Việt Nam. Nhưng thế giới hết nhiệm kỳ xuống, chính Việt Nam mới làm nhiều khóa liền, các nước khác thường tối đa hai nhiệm kỳ. Nói tư duy nhiệm kỳ là không đúng trong trường hợp Việt Nam. Ý thứ hai là không đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích tập thể, nói về mặt lý luận thì chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nói ‘Cương lĩnh chính trị của đảng đặt lên trên hiến pháp’… nghĩa là đảng đặt lợi ích của đảng lên trên lợi ích của đất nước… thì tại sao lại cấm đảng viên đặt lợi ích cá nhân lên trên tập thể? Thực đây chỉ là mô hình thu nhỏ của đảng.”

Điều 5 mà Luật gia Hoa Lư nói bao gồm: Tư duy nhiệm kỳ, cơ hội, vụ lợi, nhất là hành vi lạm quyền, lộng quyền, lấy danh nghĩa tập thể để áp đặt, hợp thức hóa quyết định sai trái của cá nhân; chủ nghĩa cá nhân, đặt lợi ích của cá nhân lên trên lợi ích của tập thể.

Mục này cũng yêu cầu cảnh giác việc chạy theo mục tiêu trước mắt, trong ngắn hạn để thu vén lợi ích cho bản thân, gia đình, cho nhóm lợi ích mà bỏ qua những mục tiêu, lợi ích dài hạn của tập thể, cộng đồng và đất nước…

Theo vị Luật gia này, nếu nói cho đầy đủ thì không chỉ có 19 điều mà có khi lên đến 190 điều. Cho nên phải có cơ chế giám sát để người cán bộ thực hiện đúng những điều pháp luật đã quy định. Ông cho rằng, cứ nêu lên mà không có giám sát thì rất khó thực hiện, phải có cơ chế kiểm soát quyền lực thực tế. Muốn như vậy phải có báo chí tự do, phải có phản biện xã hội… chứ nếu không có cơ chế giám sát độc lập thì tất cả những khẩu hiệu đưa ra đều là không khả thi và chỉ là trò cười.

Đại hội Đảng CSVN lần thứ 13 vào tháng 2 năm 2021. AFP PHOTO.

Quy định mới về 19 điều đảng viên không được làm được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký hôm 25/10/2021. Đây là Quy định số 37 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, thay thế Quy định số 47 năm 2011, nhưng vẫn giữ nguyên 19 điều như năm 2011.

Trong số các quy định mới mới ban hành năm 2021, việc cấm đảng viên nhập quốc tịch nước ngoài, chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài, mở tài khoản và mua bán tài sản ở nước ngoài… khi đó được dư luận đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên nhiều người trên mạng xã hội cũng nêu câu hỏi liệu những quy định này có hiệu quả? Và làm sao để chế tài, kiểm soát?

Ông Vũ Minh Trí, cựu Trung tá quân đội nói với RFA hôm 9/8 qua tin nhắn:

“Ban Chỉ đạo là một cơ quan của Đảng Cộng sản, 19 hành vi tiêu cực mà họ nêu ra là để các đảng viên, tổ chức đảng thực hiện. Đó là việc nội bộ của Đảng Cộng sản. Từ lâu, tôi đã thấy Đảng Cộng sản hoàn toàn không đáng tin cậy cả về đạo đức lẫn về chính trị. Tôi khinh bỉ nó nên không để ý tới việc nội bộ của nó. 19 điều mà họ nêu lên tôi thấy hoàn toàn không khả thi, bởi Đảng Cộng sản vẫn đang độc quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội, Việt Nam chưa có tam quyền phân lập. Nhiều nội dung trong 19 điều đó rất chung chung, không thể đối chiếu với khoản, mục, điều nào của các bộ luật hiện hành.”

Trước đó vào năm 2020, Bộ Kế hoạch và đầu tư Việt Nam cũng đưa ra dự thảo Nghị định về đầu tư ra nước ngoài theo hướng ngăn chặn cá nhân đầu tư bất động sản tại nước ngoài, là để hạn chế rủi ro về pháp lý, an ninh… Vì từng có nhiều trường hợp lợi dụng kẽ hở này để mua quốc tịch, rửa tiền và để tẩu tán tài sản…

19 điều mà họ nêu lên tôi thấy hoàn toàn không khả thi, bởi Đảng Cộng sản vẫn đang độc quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội, Việt Nam chưa có tam quyền phân lập. Nhiều nội dung trong 19 điều đó rất chung chung, không thể đối chiếu với khoản, mục, điều nào của các bộ luật hiện hành.
-Ông Vũ Minh Trí

Trở lại với 19 điều cần đặc biệt quan tâm và Ban Chỉ đạo Chống Tham nhũng vừa ban hành, Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc nhận định với RFA hôm 9/8 từ Sài Gòn:

“Nói chung 19 điều mà đảng vừa đưa ra để làm trong sạch bộ máy của mình và góp phần chống tham nhũng… chỉ cụ thể hóa những điều trước đây mà đảng đã quy định trong nội bộ của họ. Nhưng xét trong thời gian vừa qua vấn đề tham nhũng không giảm, tính chất ngày càng tinh vi hơn, quy mô hơn, những vụ án phát hiện sau lớn hơn và số người vi phạm nhiều hơn. Tôi cho rằng trong 19 điều này đã bao gồm hết những điều mà đảng viên không được làm.”

Nhưng quan trọng nhất theo ông Phúc không phải là quy định cái gì, mà phải có hệ thống kiểm tra giám sát và xử lý kịp thời như thế nào mới là quan trọng. Ông nói tiếp:

“Tình hình vừa qua ai cũng thấy rằng kỷ luật của đảng là rất nghiêm, từ khi xử lý vụ AVG, vụ đánh bạc có sự cấu kết của các tướng tá công an quân đội… thì chúng ta thấy rõ ràng vẫn chưa đủ sức răn đe, những đảng viên có chức có quyền vẫn không sợ và họ tìm cách tham nhũng bất cứ lúc nào họ có cơ hội. Qua vụ Việt Á, dính đến Bộ trưởng Y tế, Chủ tịch UBND Hà Nội, chúng ta đã thấy rõ từ lớn đến nhỏ người ta vẫn chưa sợ, chính vì chưa sợ như thế mà những vụ án tham nhũng tiếp tục xảy ra.”

Nói tóm lại theo ông Phúc, tất cả những quy định trong 19 điều này không mới, mà chỉ cụ thể hóa từng vụ việc cần hành động để răn đe lực lượng đảng viên. Nhưng quan trọng nhất theo ông Phúc vẫn là giám sát, kiểm tra và xử lý.

Thực tế cho thấy, những quy định không có tính thực tiễn được mang ra rêu rao thì chỉ có thể hiểu rằng đó là một sự trình diễn, với mục đích cho dân chúng thấy rằng Đảng Cộng sản hoạt động rất gắt gao, nghiêm ngặt, và có đầy đủ các tiêu chí nhằm dựng xây một chính đảng trong sạch. (!?)

Related posts