Khởi động sáng kiến chung
Khi Ủy hội Sông Mê Kông và Facebook thông báo quan hệ đối tác trong một sáng kiến mới tại khu vực hạ lưu Sông Mê Kông, có lẽ không nơi nào phù hợp hơn ngoài chính trang mạng xã hội Facebook.
Tuần qua, Ủy hội Sông Mê Kông (MCR) và Facebook đã long trọng khởi động qua livestream sáng kiến chung về cung cấp thông tin cảnh báo lũ sớm và thông tin giám sát hạn hán cho người dân ven sông và các chính phủ ở khu vực hạ lưu Sông Mê Kông.
Tiến sĩ Anoulak Kittikhoun, Phụ trách Chiến lược và Hợp tác Đối tác Ban Thư ký của Uỷ hộ chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do:
“Đây là bước khởi đầu. Chúng tôi đang thực hiện giai đoạn thử nghiệm về cách Facebook có thể hỗ trợ hoạt động của Uỷ hội Sông Mê Kông và giúp chúng tôi phổ biến tới công chúng. Vì Facebook là một công cụ truyền thông xã hội lớn có thể tiếp cận các bên liên quan một cách trực tiếp, mà Uỷ hội không thể tự mình tiếp cận. Chúng tôi chỉ mới thăm dò mối quan hệ đối tác với Facebook và chúng tôi nghĩ rằng, hãy bắt đầu với những gì mà Uỷ hội đã có, cụ thể là với hệ thống giám sát sông và dự báo lũ lụt của chúng tôi”.
Hệ thống dự báo lũ lụt và hạn hán của Ủy hội Sông Mê Kông dùng dữ liệu về mực nước sông và lượng mưa từ 22 trạm thủy văn mà Ủy hội đã lắp đặt theo dòng chính sông Mê Kông ở khu vực hạ lưu.
Cô Moon Nguyễn, người đứng đầu chính sách cộng đồng của Facebook tại Việt Nam, chia sẻ tại buổi khởi động qua livestream rằng Việt Nam, với bờ biển dài và địa hình đồi núi,
Cô nói, Facebook lúc nào cũng tìm cách mới để hỗ trợ phát triển những cộng đồng trong khu vực:trong nhiều năm qua thường gặp bão tố tàn phá và lũ quét gây thiệt hại về tính mạng và tài sản.
“Chúng tôi sẵn sàng sánh vai và hỗ trợ các cộng đồng trong khu vực bị và rất có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi lũ lụt”.
Facebook cho biết, sự hợp tác này kéo dài hai năm và sẽ giúp “hàng triệu người dân trong khu vực được cung cấp thông tin về những trận lũ hoặc hạn hán có thể xảy ra, để họ có sự dự phòng tốt hơn”.
Trong giai đoạn đầu, hệ thống dự báo của Uỷ hội Sông Mê Công sẽ được giải thích qua một video hoạt hình 3D, được chia sẻ trên nền tảng của Facebook để tiếp cận được các cộng đồng trong toàn khu vực.
Trong video đó, một chú trâu cày bừa, gặp lũ lụt trong ác mộng, đã truy cập hệ thống dự báo của Ủy hội trên mạng để có được một vụ lúa bội thu.
Tiến sĩ Kittikhoun nói, với sự hợp tác của Facebook, những thông tin của Ủy hội Sông Mê Công sẽ được phổ biến rộng rãi hơn, trong khi trước đây nó chủ yếu được chuyển đến chính quyền của các quốc gia thành viên, tức Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam, cũng như một số viện nghiên cứu, tổ chức liên quan.
Ông nói, “Thông tin trên mạng chúng tôi là công khai, ai vào cũng được. Vấn đề là người dân không biết đến dịch vụ này của Uỷ hội Sông Mê Công. Một khi họ có thông tin, họ có thể tìm đến Uỷ hội, thông qua chính quyền quốc gia thành viên, để chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống”.
Sống với lũ lụt, hạn hán
Đối với người nông dân đồng bằng sông Cửu Long, đối phó với lũ lụt hay hạn hán, đã trở thành nếp sống. Như bà Nguyễn Thị Kim Liên, một nông dân tỉnh Long An:
“Cô thì chấp nhận sống chung với lũ thôi chứ đâu có làm sao mà chống chọi được lũ với hạn hán”.
Với 3 công đất vườn trái cây và ao cá, bà Kim Liên nói Facebook cũng chính là nơi bà thường truy cập thông tin thời tiết:
“Cô coi trên Facebook đó, người ta ở miền Tây, họ đăng lên, nước ngập đến bao nhiêu rồi. Cô thì săn tin trên Facebook. Người dân như cô, họ cũng than thở, bữa nay nước ngập đến đâu rồi, …rồi cô biết, lũ từ đầu nguồn nửa tháng nữa đến mình”.
Nhà báo Trương Châu Hữu Danh, sinh sống ở đồng bằng sông Cửu Long, tán thành sáng kiến chung của Ủy hội Sông Mê Công và Facebook.
“Nếu mà thông qua Facebook, thì hầu như người Việt Nam bây giờ, gia đình nào cũng có 4-5 tài khoản, 13-14 tuổi là có phone là có Facebook, cha con, mẹ, ông nội đều có. Nếu mà thông tin hay và cách tuyên truyền phù hợp thì người ta sẽ quan tâm nhiều”.
Ông nói, về mặt thông tin thì chính quyền Việt Nam cũng làm khá đủ, tuy nhiên vấn đề là nhà nước có giải pháp gì để khắc phục hay không:
“Thật ra thì về mặt thông tin tuyên truyền, tôi thấy nhà nước khá đầy đủ, cảnh báo trên các kênh tuyên truyền. Vì Việt Nam kênh tuyên truyền mạnh, vừa tuyên truyền trên báo, trên đài địa phương. Phường cũng có loa để tuyên truyền. Nhưng mà giải pháp cho hiệu quả thì đến nay chưa có, mà người dân phải tự trữ nước (trong lúc hạn hán)”.
Tiến sĩ Kittikhoun cũng nhận xét về điều này. Theo ông, khi nhiều người có thông tin sẽ nâng khả năng đòi hỏi những biện pháp ứng phó từ chính quyền.
“Đôi lúc nguồn lực của chính quyền để quảng bá, phát tán thông tin cũng bị hạn chế. Với sự phối hợp này của Facebook, nhiều người sẽ hiểu biết về dịch vụ của chính quyền và sẽ dùng nó nhiều hơn”.
Bà Kim Liên nói bà không trông chờ vào sự hỗ trợ từ chính quyền, và bà chào mừng sáng kiến của Ủy hội Sông Mê Kông.
“Phòng chống thì dễ. Cô có điều kiện, cô có tiền nhiều, cô xây bờ kè ở mé sông, be kè cao lên, nhưng điều đó rất tốn kém. Ở đâu đó làm nổi thôi chứ mình làm không nổi, tại vì sông lớn mà. Cô về đây 10 năm rồi, cũng chỉ sống với lũ thôi, nương theo nó thôi. Bây giờ nếu như có một chương trình, công cụ nào tìm kiếm cho mình biết lũ thiệt hại như thế nào, phải làm gì hay hơn cái cách mà mình chống từ đó nay, thì mình sẽ theo dõi”.
Trong giai đoạn 2 của sáng kiến chung, Facebook sẽ tập huấn cho cán bộ bốn quốc gia thành viên Ủy hội Sông Mê Kông về cách sử dụng các công cụ kỹ thuật số để giao tiếp hiệu quả và nhanh chóng trong và sau thảm họa.