Bắp miễn phí, người xem phim cố lấy thật nhiều rồi bỏ phí!

Lotte Cinema tại Việt Nam trong từ 24/10 đến 30/11 có chương trình khuyến mãi cung cấp bắp miễn phí vào vật đựng do khách xem phim tự mang đến. Chương trình được  áp dụng cho 34 rạp của Lotte trên toàn quốc.

Nhiều người đã mang theo vật đựng gồm hộp, khay, thậm chí cả thau nhựa, thùng xốp, xô, xong… cỡ lớn để có thể nhận càng nhiều bắp càng tốt.

Và trong thực tế đã xảy ra tình trạng nhốn nháo, lộn xộn, chen lấn khi xếp hàng nhận bắp.

Chị Lê Huỳnh Cẩm Tú ( Phú Nhuận ), có mặt tại một suất chiếu phim của cụm rạp Lotte tại TP.HCM, vào ngày 24/10 trình bày với RFA:

“Vì số lượng bắp có giới hạn nên mọi người xếp hàng rất đông, chen lấn rất ồn ào, mất trật tự. Mà rồi đa phần những bạn trẻ nhận được bắp xong thì chỉ quan tâm chụp hình, quay video “chiến lợi phẩm” của mình như thế nào thôi!”.

Một nữ cựu sinh viên trường đại học Hutech TP.HCM chia sẻ qua tin nhắn:

“Mình cũng thường mua bắp mỗi lần xem phim, mặc dù hôm đó bắp được miễn phí nhưng khách xếp hàng lấy bắp rất đông nên mình cũng không lấy vì sợ trễ phim. Nhưng khi ra về thì một số phần bắp đó  lại nằm trong thùng rác. Điều này làm mình thấy khó chịu, trong khi người chờ được lấy thì rất đông mà những người lấy được thì bỏ”.

Anh Trần Văn Luân sinh năm 1996 đang làm việc tự do tại Đồng Nai nhận xét về ý thức của khán giả và góp ý về chương trình ưu đãi của rạp chiếu phim.

“Mình thấy việc nhiều người đem nhiều vật dụng đến Lotte xem phim free bắp nước mà dùng không hết cho thấy ý thức của mọi người về việc lãng phí thức ăn là không có. Chương trình Lotte cũng không hay nếu Lotte thay đổi chương trình là một vé, một bịch bắp thì sẽ tốt hơn”.

Hình ảnh ‘không đẹp’ thậm chí phản cảm về tình trạng khách xem phim mang xô, chậu, đồ đựng lớn để lấy bắp miễn phí bị phơi bày trên trang fanpage chính thức của Lotte Cinema vào ngày 24/10.

Nhận xét về hành vi bị cho phản cảm đó, một giáo viên trẻ tại một trường THPT quận Bình Thạnh cho biết.

“Những hiệu ứng tiêu cực xảy ra tại những sự kiện như vậy ở nước ta đã không còn quá xa lạ. Trong trường hợp của Lotte  lần này vẫn là văn hóa xếp hàng và ý thức của khán giả. Nếu xếp hàng ở những nước phát triển là một thói quen thì ở nước ta, nó lại là một tật xấu khó bỏ. Tại những nhà hàng buffet trong nước, cảnh chen lấn, giành giật thường xuyên xảy ra, trong khi tại những nhà hàng quốc tế sẽ rất hiếm khi chúng ta thấy thực khách bỏ lại quá nhiều đồ ăn thừa.

Nói ngắn gọn hơn, một đất nước văn minh thì chúng ta sẽ được thấy những hành động văn minh hơn”.

Qua tin nhắn với RFA, một giảng viên, thạc sĩ đang công tác tại Khoa Xã hội học & Công tác xã hội thuộc Đại học Khoa học Huế không muốn nêu tên, đưa ra nhận xét về hành vi mang đồ đựng càng lớn càng tốt để lấy thật nhiều bắp:

Tâm lí con người nói chung và thanh thiếu niên nói riêng khi có bất kì ưu đãi miễn phí nào diễn ra thì ai cũng phấn kích. Thêm vào đó, sự cộng hưởng từ tâm lí đám đông sẽ thúc đẩy nhiều bạn trẻ ồ ạt mang xô, chậu đi nhận bắp miễn phí cũng không có gì là bất ngờ. Hành động mang vật đựng quá khổ để nhận bắp miễn phí không khéo sẽ khơi dậy sự ham muốn phiến diện, vị kỷ, làm xấu đi hình ảnh thế hệ trẻ hiện nay. Lâu dài sẽ tạo nên thói quen sống thiếu tích cực.”

Ông cũng nêu ra bối cảnh xã hội chính là nguồn tác động trực tiếp đến những suy nghĩ, hành vi tạo nên những thói quen, hành động tiêu cực của thanh thiếu niên thông qua sinh hoạt hằng ngày từ gia đình, nhà trường và xã hội.

Tình trạng người Việt có những hành vi phản cảm như vụ lấy bắp vừa nêu, từng xảy ra nhiều lần cả ở trong nước và nước ngoài.

Nhiều siêu thị ở Nhật hồi năm 2013 treo bảng cảnh báo bằng tiếng Việt “Ăn cắp vặt là phạm tội. Nếu ăn cắp vặt bị phạt tù dưới 10 năm, Ngay khi phát hiện ăn cắp vặt, chúng tôi sẽ thông báo cho Cảnh sát ngay lập tức. Camera phòng chống tội phạm đang hoạt động.”

Tuy vậy có người Việt lên mạng ‘khoe’ có thể lấy đồ thành công mà camera không thể phát hiện. Nhiều cửa hàng tại Nhật vào năm 2014 treo những bảng cảnh báo bằng song ngữ Nhật-  Việt ‘ Tuyệt đối không được cầm nhầm ô và giầy của người khác để dùng’.

Tại Đài Loan cũng có cảnh báo bằng tiếng Việt tương tự về nạn người Việt ăn cắp đồ ở siêu thị. Tại Singapore, cảnh báo tiếng Việt về nạn đổ rác không đúng nơi quy định.

Một nhà hàng buffet tại Thái Lan có bảng nhắc nhở ghi bằng tiếng Việt với nội dung đừng lấy quá nhiều thức ăn, nếu ăn không hết sẽ bị phạt tiền.

Những hành vi của người Việt nơi xứ người khiến nước sở tại phải cảnh báo còn nhiều và ngày càng tăng. Đó là những hành vi bị lên án ‘làm nhục quốc thể’; tuy nhiên dường như cụm từ này thật xa lạ với rất nhiều người Việt hiện nay; đặc biệt các bạn ‘trẻ người, non dạ’.

Related posts