Việt Nam chuẩn bị gì trước tốc độ già hóa dân số tăng nhanh?

Nguyên nhân “già hoá dân số”?

“Việt Nam là quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Khoảng thời gian mà tỷ trọng người già tăng từ 7% lên 14%, được dự báo kéo dài trong hai thập kỷ 2015 đến 2035.”

Đó là thông tin có trong báo cáo quốc gia ‘Việt Nam một xã hội đang già hóa’… được công bố hôm 15/4/2021.

Liên quan vấn đề này, nhà nghiên cứu xã hội học, Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, hiện công tác tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, hôm 16/4 đưa ra nhận định với RFA:

“Đúng là tốc độ già hóa dân số của Việt Nam tăng khá nhanh. Chính vì nó nhanh như vậy nên việc đáp ứng lại từ phía quản lý nhà nước, các chính sách hỗ trợ của nhà nước thì nó cũng chưa đáp ứng kịp. Còn hỗ trợ từ phía gia đình và xã hội thì lại lỏng lẻo, theo xu hướng Phương Tây hóa, trước đây thì theo truyền thống trọng người già ‘tam đại đồng đường’ … nhưng ngày nay lại có xu hướng hạt nhân hóa, con cái ra ở riêng, chính vì vậy những hỗ trợ của con cái cho cha mẹ nhiều, thì hiện nay dựa vào những hỗ trợ từ ngoài xã hội như người giúp việc…”

Tuy nhiên theo Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, đối với những người già sống trong những gia đình có mức thu nhập thấp hoặc theo diện gia đình khó khăn thì việc nhận được phụ giúp từ con cái để thuê người ngoài chăm sóc là rất khó. Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương nêu thực tế về vấn đề chăm sóc y tế cho người già tại Việt Nam:

“Về chăm sóc y tế cho người già thì dù bảo hiểm y tế cũng đã phát triển, nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận dịch vụ y tế theo bảo hiểm không được tốt nếu đi theo dịch vụ mà mình tự chi trả. Thành thử những người già theo bảo hiểm y tế chỉ được hưởng dịch vụ cơ bản. Đây là những khó khăn của người thu nhập trung bình thấp, các chuyên gia cũng đã nói rồi, chắc là trong tương lai sẽ có nhiều giải pháp hơn nữa.”

Đúng là tốc độ già hóa dân số của Việt Nam tăng khá nhanh. Chính vì nó nhanh như vậy nên việc đáp ứng lại từ phía quản lý nhà nước, các chính sách hỗ trợ của nhà nước thì nó cũng chưa đáp ứng kịp.
-Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương

Theo Bộ Y tế Việt Nam, nếu như các quốc gia phát triển mất một thế kỷ hoặc hàng thập kỷ để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số 7% sang dân số già 14% như Pháp 115 năm, Thụy Điển 85 năm, Australia 73 năm, Mỹ 69 năm… thì Việt Nam chỉ có 20 năm.

Với tốc độc già hóa dân số tăng nhanh như vậy, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần phát triển dịch vụ chăm sóc xã hội, cũng như có cơ chế phối hợp công-tư trong cung cấp dịch vụ chăm sóc người cao tuổi…

Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình, Phó Tổng thư ký Viện Xã hội học, khi trả lời RFA vào tháng 10 năm 2020 đã từng nhận định rằng những giải pháp mà chính phủ Việt Nam đưa ra để đối phó già hóa dân số chưa hoàn toàn tích cực, ông nói:

“Các nhà quản trị đất nước cũng đã thấy rồi, đã chuẩn bị để thích ứng, dù những giải pháp không hẳn là tích cực, chẳng hạn như chuẩn bị cho người cao tuổi không chỉ là lực lượng trí tuệ của cộng đồng mà còn tiếp tục là lực lượng sản xuất. Bằng chứng là đang tìm cách kéo dãn tuổi nghỉ hưu. Chuẩn bị kịch bản tái thiết kinh tế để thích ứng với tình hình đó, phải có những hoạt động cấp tốc, tập trung tối đa, như để giảm dân số già thì tích cực đào tạo cho người lao động, tích cực chuyển đổi cơ cấu việc làm cho toàn xã hội…”

Mặt khác, theo một số chuyên gia nhìn nhận thì ngoài các lý do vừa nêu ở trên ra, một trong những nguyên nhân khác khiến tỷ lệ người già tăng vọt là do tuổi thọ trung bình của người Việt đã tăng từ 60 tuổi vào năm 1970 lên hơn 76,6 tuổi như hiện nay. Ngoài ra, còn có nguyên nhân khác phải kể đến nữa đó là tỷ lệ sinh giảm.

Ảnh minh họa: Người thợ hớt tóc cao tuổi vẫn còn làm việc tại Hà Nội. AFP .

Lương hưu có cũng như không?

Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011, tính đến nay đã hơn 10 năm, trên thực tế hiện nay, người cao tuổi về hưu ở Việt Nam có được hỗ trợ gì từ chính phủ hay không? RFA hôm 16/4 liên lạc một người dân ở Sài Gòn và được ông cho biết qua thực tế tại gia đình mình. Ông chia sẻ:

“Trợ cấp của chính phủ như tiền già trên 80 tuổi thì được ba trăm mấy chục ngàn một tháng, ngoài ra còn có bảo hiểm y tế miễm phí, không phải trả gì hết. Tất nhiên những yêu cầu riêng thì mình phải trả, còn tiền thuốc bình dân hay nằm viện bình dân theo kiểu chung phòng, chung giường thì miễn phí. Những thuốc mạnh thì mình phải tự mua.”

Một ý kiến khác cũng được chúng tôi cập nhật trong nội dung này đó là thông tin thực tế từ một cán bộ đã nghỉ hưu ở Hà Nội, ông cho biết:

“Có chăm sóc gì đâu, nếu là về hưu thì được 100% bảo hiểm y tế, nhưng bảo hiểm y tế Việt Nam thì chỉ phát đơn thuốc theo bảo hiểm thôi. Nhưng bị các bệnh hiểm nghèo thì hầu như phải mua thuốc ở ngoài hết, chả có gì ưu tiên cả. Ngoài ra ở Hà Nội thì người trên 60 tuổi được đi xe buýt miễn phí trong 5 năm… nhưng già rồi đi đâu mà miễn phí…”

Có chăm sóc gì đâu, nếu là về hưu thì được 100% bảo hiểm y tế, nhưng bảo hiểm y tế Việt Nam thì chỉ phát đơn thuốc theo bảo hiểm thôi. Nhưng bị các bệnh hiểm nghèo thì hầu như phải mua thuốc ở ngoài hết, chả có gì ưu tiên cả.
-Một cán bộ đã nghỉ hưu

Mới đây, khi đề cập đến vấn đề này, Phó Giáo sư Nguyễn Tuấn Anh – Phó khoa Xã hội học – Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội nêu rằng, vấn đề đáng lo ngại nhất với tình trạng già hóa dân số ở Việt Nam là hiện phần lớn người cao tuổi đang phải làm việc để tạo thu nhập. Con số ông đưa ra cụ thể là gần 46% người từ 60 đến 64 tuổi, gần 30% người từ 70 đến 79 tuổi và 10% người hơn 80 tuổi vẫn phải lao động để kiếm sống.

Trong khi đó, theo số liệu của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội năm 2019, trong số 13,4 triệu người cao tuổi thì chỉ có 23,5% được hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng từ nhà nước. Và, 64,4% người cao tuổi không có lương hưu và trợ cấp, phải sống dựa vào con cháu hoặc phải tiếp tục lao động để mưu sinh.

Nhắc đến những số liệu vừa thống kê trên, Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, đưa ra kỳ vọng:

“Hiện nay các chuyên gia cũng đã dự đoán được mức độ tăng tuổi thọ của người già, cũng như những dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của người già thì cũng tăng. Cũng đã có nhiều nghiên cứu chi tiết, tôi hy vọng trong tương lai những chính sách của Việt Nam để hỗ trợ người già sẽ được cải thiện đáng kể. Tất nhiên không thể so với các nước phát triển, nhưng điều kiện cho người già, đặc biệt những người thu nhập trung bình thấp, thì tôi tin sẽ được cải thiện ở một mức độ nào đấy tương xứng với sự phát triển của nền kinh tế.”

Cũng theo Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, để chuẩn bị đối phó những thách thức và hệ lụy liên quan dân số già, Việt Nam cần học kinh nghiệm của các nước đi trước. Trong đó phải đặc biệt quan tâm đến các quỹ như bảo trợ xã hội, quỹ lương hưu cho người già, quỹ chăm sóc người già, nhà dưỡng lão…

Related posts