Việt Nam bị đặt vào danh sách theo dõi sau vụ tranh chấp thu hồi máy bay có tên VietJet

Việt Nam bị một tổ chức phi chính phủ chuyên theo dõi luật tài chính thay mặt cho các nhà sản xuất máy bay và bên cho thuê đưa vào danh sách theo dõi sau một vụ tranh chấp thu hồi máy bay gần đây.

Việt Nam hiện là một trong những thị trường hàng không phát triển nhanh nhất thế giới với hàng trăm máy bay được đặt mua và ngành hàng không chiếm 5% GDP, theo số liệu của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế.

Hãng tin Reuters hôm 6/4 cho biết, Nhóm Công tác Hàng không (AWG) có trụ sở ở Anh cho biết nhóm này đã đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi này sau khi một toà án ở Hà Nội chặn việc thu hồi các máy bay do chậm trễ thanh toán tiền thuê.

Nhóm Công tác Hàng không không cho biết tên cụ thể hãng hàng không nào liên quan đến vụ việc nhưng một phiên bản cập nhật về cảnh báo trên mạng của tổ chức này có đường link dẫn đến tệp có tên “Cập nhật số 1 về VietJet”.

VietJet là một trong những hãng hàng không giá rẻ lớn nhất ở Châu Á. Hiện hãng này vẫ chưa đưa ra bình luận nào về thông tin này. Các hãng hàng không khác của Việt Nam cũng từ chối đưa ra bình luận.

Theo Reuters, VietJet sử dụng các máy bay của hãng Airbus và đã đặt tổng cộng 186 chiếc bao gồm cả 114 chiếc A320neo chưa được bàn giao. Ngoài ra, hãng này cũng đặt mua 200 chiếc Boeing 737 Max cũng chưa được chuyển.

Theo một hiệp ước có tên Công ước Cape Town (CTC) mà Việt Nam là thành viên, các hãng hàng không có thể đảm bảo hưởng mức vay ưu đãi hơn, bù lại, quốc gia của họ giúp bên cho thuê dễ dàng thu hồi máy bay hơn trong trường hợp trễ hạn thanh toán.

Hiệp ước cho phép việc bỏ đăng ký hoặc xoá khỏi sổ đăng ký máy bay tại nước sở tại trong trường hợp có yêu cầu hợp pháp từ bên cho thuê và đưa máy bay vào đăng ký quốc tế, cho phép hãng chủ được phép đưa máy bay đó đi.

Theo AWG, bên cho thuê không nêu tên đã yêu cầu bước này trong khoảng thời gian từ tháng 11 đến tháng 1 vừa qua và đã được toà ở Anh cho phép. Đây là toà án có thẩm quyền đối vụ hợp đồng cho thuê này.

Phía cơ quan chức năng Việt Nam cũng đã đồng ý huỷ đăng ký những chiếc máy bay này nhưng vào tháng hai vừa qua, một toà án ở Hà Nội đã bác yêu cầu này sau khi có đơn kiện từ một cổ đông của hãng hàng không.

AWG cho biết, yêu cầu cho thuê và phán quyết mới của toà án ở Hà Nội là “những diễn biến mới liên quan đến việc tuân thủ Hiệp ước CTC của Việt Nam”.

Related posts